Bắt truy nã tù trốn trại trên đất Thái Lan
Dẫn giải một đối tượng về Sân bay Quốc tế Nội Bài.
Tháng 6/2008, Văn phòng Interpol Việt Nam nhận được báo cáo của Công an tỉnh Hà Tĩnh đề nghị phối hợp truy bắt 4 đối tượng phạm tội bỏ trốn khỏi nơi giam giữ gồm: Trần Sỹ Bá (SN 1980), Trần Văn Quyền (SN 1984), Trần Văn Quân (SN 1977),đều bị giam giữ về tội cướp tài sản và Nguyễn Văn Sơn (SN 1983), bị giam giữ về tội trộm cắp tài sản (án phạt 6 năm tù).
Qua rà soát, nắm tình hình, cơ quan công an xác định các đối tượng đã bỏ trốn sang Thái Lan. Ngay lập tức, Đại tá Đặng Xuân Khang, Chánh Văn phòng Interpol Việt Nam đã ký văn bản đề nghị Ban Tổng thư ký Interpol ban hành lệnh truy nã quốc tế đối với các đối tượng trên.
Ngày 31-7-2008, Ban Tổng thư ký Interpol đã ban hành lệnh truy nã quốc tế đối với các đối tượng này. Bên cạnh đó, cùng với yêu cầu trên, Interpol Việt Nam đã đề nghị Cảnh sát Thái Lan phối hợp truy bắt. Tuy nhiên, do các đối tượng khi trốn sang Thái Lan đều không có giấy tờ tùy thân nên việc xác minh, truy bắt tại Thái Lan gặp rất nhiều khó khăn. Do vậy, Văn phòng Interpol đã đề nghị Cảnh sát Thái Lan cho phép Cảnh sát Việt Nam cử cán bộ sang Thái Lan để phối hợp truy bắt các đối tượng.
Tháng 2-2009, Cảnh sát Hoàng gia Thái Lan thông báo đồng ý để đoàn công tác của Cảnh sát Việt Nam sang phối hợp truy bắt các đối tượng theo yêu cầu. Văn phòng Interpol đã báo cáo lãnh đạo Tổng cục Cảnh sát và lãnh đạo Bộ Công an cho phép đoàn công tác bao gồm đại diện các đơn vị liên quan sang Thái Lan phối hợp truy bắt các đối tượng. Ngày 16-3-2009, đồng chí Thượng tướng Lê Thế Tiệm, Thứ trưởng Bộ Công an đã ký quyết định cử đoàn công tác sang Thái Lan phối hợp thực hiện kế hoạch truy bắt các đối tượng.
Tuy nhiên, tại thời điểm tháng 3 và 4-2009, do tình hình chính trị của Thái Lan không ổn định nên Tổng cục Cảnh sát đã quyết định tạm chưa cử đoàn công tác sang Thái Lan để đảm bảo tính hiệu quả trong hoạt động truy bắt. Đầu tháng 8-2009, qua công tác phối hợp nắm tình hình, Văn phòng Interpol Việt Nam nắm được thông tin đối tượng Trần Sỹ Bá đã bị Cảnh sát Thái Lan bắt giữ về tội trộm cắp và đang bị giam giữ tại trại giam Bangkok Remand. Khi bị bắt vào trại, Trần Sỹ Bá đã khai mang quốc tịch Lào và lấy tên là ET.
Văn phòng Interpol đã phối hợp với Cảnh sát Thái Lan xác minh những thông tin trên và được biết: Tại trại giam Bangkok Remand có 7 đối tượng mang quốc tịch Việt Nam đang bị giam giữ. Song hầu hết các đối tượng khi bị bắt giữ đều không có giấy tờ tùy thân và khai báo tên giả. Một số đối tượng dùng thủ đoạn che giấu tung tích bằng cách khai mang quốc tịch Lào hoặc Campuchia.
Video đang HOT
Do đó việc xác định các đối tượng này có phải là Trần Sỹ Bá hay không gặp nhiều khó khăn đòi hỏi phải tổ chức trực tiếp xác minh nhận dạng và so sánh danh chỉ bản tại chỗ (vì phía Thái Lan cho biết không thể cung cấp cho Cảnh sát Việt Nam danh chỉ bản của tất cả các đối tượng không mang quốc tịch Việt Nam đang bị giam giữ trong trại Bangkok Remand). Trước tình hình dó, Văn phòng Interpol đã báo cáo Lãnh đạo Tổng cục Cảnh sát và lãnh đạo Bộ Công an đề xuất cho phép đoàn công tác sang Thái Lan phối hợp truy bắt các đối tượng truy nã.
Đoàn công tác của Cảnh sát Việt Nam bao gồm 4 đồng chí đã sang Thái Lan từ ngày 16-8 đến 26-8-2009 để phối hợp với Cảnh sát Thái Lan truy bắt các đối tượng truy nã. Theo sự chỉ đạo của lãnh đạo Tổng cục Cảnh sát và Văn phòng Interpol Việt Nam, sau khi đến Thái Lan, đoàn đã làm việc hai buổi với lãnh đạo Interpol Bangkok và Đại sứ quán Việt Nam tại Bangkok đề nghị phối hợp truy bắt các đối tượng truy nã.
Với sự hỗ trợ của Interpol Bangkok, đoàn công tác đã có hai buổi làm việc với cảnh sát một số địa phương ở Bangkok để thống nhất kế hoạch cụ thể truy bắt các đối tượng. Bên cạnh đó, với sự hỗ trợ của Đại sứ quán Việt Nam, đoàn công tác cũng đã có một số buổi làm việc với Cơ quan xuất nhập cảnh Thái Lan về các vấn đề liên quan đến các đối tượng truy nã. Cảnh sát Thái Lan rất ủng hộ đề nghị cũng như kế hoạch của phía Việt Nam và đã cử cán bộ trực tiếp và thường xuyên hỗ trợ các hoạt động của đoàn công tác.
Qua xác minh, đoàn công tác nắm được thông tin có một đối tượng tên là Sơn đã bị Cảnh sát Thái Lan bắt giữ về hành vi cư trú bất hợp pháp. Thông tin này được Đại úy Nguyễn Anh Tuấn, Phó phòng 2 báo cáo về Văn phòng Interpol Việt Nam. Đại tá Đặng Xuân Khang đã chỉ đạo đoàn công tác phối hợp với Đại sứ quán Việt Nam tại Bangkok tiến hành xác minh tại một số trại giam ở Bangkok.
Kết quả xác minh đã phát hiện một đối tượng có nhiều đặc điểm giống với Nguyễn Viết Sơn đang bị giam giữ tại trại Immigration Detention Center của Cơ quan xuất nhập cảnh Thái Lan. Đối tượng lấy tên là Nguyễn Văn Sơn (SN 1979), quê quán tại Cam Ranh, Khánh Hòa. Qua xem hồ sơ, đoàn công tác xác định nhiều khả năng đối tượng này chính là đối tượng truy nã Nguyễn Viết Sơn.
Đoàn đã đề nghị Cơ quan xuất nhập cảnh Thái Lan cho phép gặp và lấy lời khai đối tượng nói trên. Đối mặt với các sỹ quan Cảnh sát Việt Nam, đối tượng trên đã phải cúi đầu khai nhận chính là đối tượng truy nã Nguyễn Viết Sơn. Đoàn công tác đề nghị Đại sứ quán Việt Nam tại Bangkok có công hàm chính thức thông báo cho Cơ quan xuất nhập cảnh của Thái Lan biết đây là đối tượng truy nã của Cảnh sát Việt Nam và đề nghị bàn giao cho Cảnh sát Việt Nam dẫn giải về nước phục vụ công tác điều tra. Đối tượng đã được dẫn giải về Việt Nam an toàn vào lúc 14h ngày 26-8-2009.
Sau khi sang Thái Lan lần thứ hai, đoàn công tác xác minh và khẳng định được Trần Sỹ Bá vẫn bị giam giữ tại nhà tù Bangkok Remand. Đối tượng vẫn lấy tên là ET (theo phát âm tiếng Thái) và khai mang quốc tịch Lào. Đoàn công tác đã làm việc với Interpol Bangkok và đề nghị phía Cảnh sát Thái Lan tổ chức một buổi làm việc với nhà tù Bangkok Remand (vì nhà tù này thuộc quản lý của Bộ Tư pháp Thái Lan) để xác minh làm rõ về đối tượng tên là ET (tức Trần Sỹ Bá).
Sau khi so sánh ảnh và giám định vân tay của đối tượng đang bị giam giữ tại Bangkok Remand Prison đã xác định đây chính là đối tượng truy nã Trần Sỹ Bá. Đoàn công tác cùng Đại sứ quán Việt Nam đã làm việc với Interpol Bangkok và nhà tù Bangkok Remand đề nghị làm thủ tục bàn giao đối tượng Trần Sỹ Bá cho Cảnh sát Việt Nam dẫn giải về nước phục vụ công tác điều tra.
Tuy nhiên, phía Thái Lan cho biết trong quá trình lẩn trốn ở Thái Lan, Trần Sỹ Bá bị bắt giữ về tội trộm cắp và đã bị Tòa án Bangkok xét xử. Đối tượng sẽ thi hành án xong vào ngày 15-11-2009. Theo quy định của luật pháp Thái Lan và vì lý do giữa Thái Lan và Việt Nam chưa có Hiệp định tương trợ tư pháp hình sự, Hiệp định chuyển giao người bị kết án song phương, trong khi đó trong Hiệp định tương trợ tư pháp hình sự đa phương giữa các nước ASEAN mà Thái Lan và Việt Nam đều là thành viên lại chưa có điều khoản quy định về dẫn độ cũng như chuyển giao người bị kết án nên phía Thái Lan không thể chuyển giao đối tượng cho Cảnh sát Việt Nam trước ngày 15-11-2009. Ngày 16-11-2009, Cảnh sát Thái Lan và nhà tù Bangkok Remand Prison đã thông báo cho Đại sứ quán Việt Nam tại Bangkok và Interpol Việt Nam biết sau khi đối tượng thi hành án xong thì để đưa đối tượng về Việt Nam phục vụ công tác điều tra.
Trong quá trình công tác tại Thái Lan, đoàn công tác cũng đồng thời tiến hành nắm thông tin qua nhiều kênh và biết được đối tượng Trần Văn Quân đang lẩn trốn tại Bangkok và thường xuyên trộm cắp tài sản để bán lấy tiền sinh sống. Tuy nhiên, đối tượng thường xuyên thay đổi nơi ở nên không thể xác định chính xác được nơi lẩn trốn của các đối tượng.
Theo sự chỉ đạo của Văn phòng Interpol Việt Nam, đoàn công tác đã làm việc với Interpol Bangkok và cảnh sát một số địa phương như Cảnh sát quận Bang Na, quận Bang Khuôn Thiên… để thống nhất kế hoạch bắt giữ các đối tượng truy nã. Ba phương án được đưa ra nhưng lần lượt sử dụng cả ba phương án mà đối tượng vẫn rất ranh ma, cảnh giác nên chưa tóm được hắn. Phương án thứ tư với sự phối hợp của Cảnh sát Thái Lan được vạch ra. Đúng theo kế hoạch vào lúc 15h30, ngày 25-8-2009, Cảnh sát Thái Lan tiến hành kiểm tra hành chính một đối tượng nghi vấn trước cửa Đại sứ quán Việt Nam tại Bangkok.
Khi kiểm tra, đối tượng lấy tên là TOR, quốc tịch Lào và xuất trình thẻ cư trú dài hạn do Cơ quan chức năng của Thái Lan cấp. Đoàn công tác đề nghị Cảnh sát quận Lumpini đưa đối tượng về trụ sở để làm rõ. Sau một thời gian khai thác, đối tượng đã nhận chính là Trần Văn Quân. Văn phòng Interpol đã chỉ đạo đoàn công tác đã lấy lời khai của đối tượng để khẳng định nhân thân sau đó chuyển giao cho Cảnh sát Thái Lan xử lý về hành vi cư trú bất hợp pháp.
Ngày 26-8-2009, đối tượng Trần Văn Quân đã bị đưa ra Tòa án Thái Lan xét xử và bị kết án 15 ngày tù giam và phạt 3.000 bạt. Sau khi thi hành án xong, đối tượng đã bị đưa về trại giam của Cơ quan xuất nhập cảnh Thái Lan để làm thủ tục bàn giao cho Cảnh sát Việt Nam dẫn giải về Việt Nam. Các sỹ quan Cảnh sát Việt Nam cũng nắm được thông tin đối tượng Trần Văn Quyền đang lẩn trốn tại Bangkok nhưng không biết được nơi ở cụ thể. Bên cạnh đó, sau khi bắt giữ Trần Văn Quân, có khả năng đã đánh động đến Trần Văn Quyền nên không ai có thể liên lạc được với đối tượng.
Do vậy, đoàn đã trao đổi thông tin về Trần Văn Quyền với Cảnh sát Thái Lan để phía Thái Lan tổ chức phối hợp truy bắt. Ngày 27-9-2009, đoàn công tác có mặt tại Nhà hàng Tonight, gần sân bay cũ thuộc khu vực Đôn Mường, Bangkok – nơi tên Quyền đang làm thuê với một cái tên giả, nhưng hắn đã cảnh giác biến mất. Đến 14 giờ, Interpol Thái Lan phát hiện được nơi ở của Quyền, các trinh sát và lực lượng của bạn đã ập đến, bắt giữ được Quyền và tiến hành các thủ tục dẫn giải về nước.
Ngày 31-1-2010, đoàn công tác thứ ba lại sang Thái Lan. Ngày 4-2-2010, Cơ quan Quản lý xuất nhập cảnh Thái Lan đã làm thủ tục trục xuất và bàn giao Trần Sỹ Bá cho đoàn công tác của Công an Việt Nam. 2h ngày 5-2-2010, Trần Sỹ Bá được dẫn giải về Trại tạm giam Công an tỉnh Hà Tĩnh an toàn. Sau quá trình hoàn tất hồ sơ, Cơ quan CSĐT Công an tỉnh Hà Tĩnh và Viện KSND tỉnh đã hoàn tất hồ sơ chuyển TAND tỉnh đưa các đối tượng ra xét xử công khai.
Đây là lần đầu tiên Cảnh sát Việt Nam trực tiếp phối hợp truy bắt tội phạm trên đất Thái Lan. Cảnh sát Thái Lan đã thể hiện thiện chí hợp tác rất tích cực với Cảnh sát Việt Nam trong phòng chống tội phạm qua kênh hợp tác Interpol, Aseanapol. Bên cạnh đó, trong thời gian công tác tại Thái Lan, đoàn cũng nhận được sự hỗ trợ tích cực của Đại sứ quán Việt Nam tại Bangkok và sự giúp đỡ của cộng đồng người Việt Nam đang sinh sống, làm việc và học tập tại Thái Lan.
Đại úy Nguyễn Anh Tuấn tâm sự, anh và các đồng đội rất cảm kích và vui mừng vì một nhiệm vụ tưởng chừng vô cùng khó khăn đã hoàn thành được với sự nỗ lực hợp tác của lực lượng cảnh sát hai nước và sự giúp đỡ của đồng bào, đồng chí người Việt trên đất bạn. Anh chia sẻ, những công việc của các chiến sỹ công an đều rất cần đến sự giúp đỡ của nhân dân, nhưng khi đi ra nước ngoài, nơi đất khách xứ người mới càng trân trọng, thân thương và cần lắm sự động viên, giúp sức và những tình cảm của mọi người.
Còn Đại tá Đặng Xuân Khang chia sẻ, khi đoàn công tác sang đất Thái, ông và lãnh đạo Văn phòng Interpol đều rất lo lắng, hồi hộp, dõi theo từng ngày và chỉ đạo sát sao mọi hoạt động nghiệp vụ của các sỹ quan. Mỗi tin về việc phát hiện, bắt giữ được đối tượng đều khiến ông rất vui mừng vì nhiệm vụ chung hoàn thành và mừng cả về những sỹ quan Interpol dưới quyền ông đã trưởng thành rất nhiều trong công tác, đủ sức đảm đương giải quyết những vụ án lớn, phức tạp…
Theo An ninh thủ đô
3 học viên trốn trại cai nghiện rủ nhau đi ăn trộm
Trên đường trốn chạy khỏi trại cai nghiện, 3 học viên đã bàn nhau trộm một xe máy của người dân để làm phương tiện tẩu thoát.
Rạng sáng 20/8, tổ tuần tra cảnh sát cơ động (Công an Thanh Hóa) làm nhiệm vụ trên quốc lộ 1A phát hiện 3 thanh niên điều khiển xe máy không biển kiểm soát, không đội mũ bảo hiểm.
học viên cai nghiện bị cảnh sát bắt sáng 20/8. Ảnh: Pháp luật Xã hội.
Phát hiện bóng dáng lực lượng cảnh sát, họ rú ga lạng lách, đánh võng hòng cản đường người làm nhiệm vụ. Bằng nghiệp vụ, cảnh sát cơ động buộc chúng phải dừng xe. Cả 3 không xuất trình được giấy tờ tùy thân cũng như giấy phép lái xe.
Tại cơ quan công an, họ khai là Đặng Tiến Quang (22 tuổi ở Nghệ An), Phạm Đình Quảng (20 tuổi) và Nguyễn Văn Tự (31 tuổi) cùng ở Thanh Hóa đang tập trung cải tạo tại cơ sở giáo dục Hoàn Cát ở huyện Triệu Phong (Quảng Trị). Chiếc xe cả ba sử dụng là tang vật của vụ trộm trước ở một nhà dân ở huyện Triệu Phong để làm phương tiện trốn chạy.
Cảnh sát cơ động đã bàn giao tang vật cũng như 3 học viên trên cho công an huyện Triệu Phong tiếp tục điều tra.
Theo Pháp luật Xã hội
Xét xử vụ cướp 234 lượng vàng Bị cáo Văn Chúng tại phiên tòa Ngày 22-7, TAND tỉnh An Giang mở phiên tòa sơ thẩm xét xử vụ cướp 234 lượng vàng ở tiệm vàng Quốc Thắng, thị trấn Nhà Bàn, huyện Tịnh Biên- An Giang. Đây là vụ cướp có vũ khí nghiêm trọng nhất từ trước tới nay trên địa bàn tỉnh An Giang. Theo cáo trạng, Trần...