Bắt thanh niên rao bán tiền giả trên Facebook
Một nghi phạm sử dụng Facebook rao bán tiền giả để lừa đảo chiếm đoạt tài sản vừa bị cảnh sát bắt khẩn cấp.
Ngày 2.2, thông tin từ Cục Cảnh sát phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao (C50, Bộ Công an), cục này đã phối hợp với Công an huyện Hoài Đức (Hà Nội) bắt giữ Hà Văn Lâm (25 tuổi, Cẩm Thuỷ, Thanh Hoá).
Lâm là nghi phạm sử dụng tài khoản Facebook có nickname “Sang Ngoc” đăng tải thông tin rao bán tiền polymer giả trên Facebook, để lừa đảo chiếm đoạt tài sản.
Cán bộ Cục C50 cảnh báo, việc rao bán tiền giả trên Facebook thực chất là hình thức lừa đảo.
Theo điều tra, qua công tác theo dõi, tháng 11.2015, C50 phát hiện nhiều Facebook có nội dung rao bán tiền giả lấy tiền thật. Trong đó có Facebook có nickname “Sang Ngoc” rao bán tiền giả với mức quy đổi gấp nhiều lần, như 500 nghìn tiền thật mua được 1,7 triệu tiền giả, 1 triệu tiền thật mua được 3,5 triệu tiền giả, 3 triệu tiền thật mua được 12 triệu tiền giả.
Facebook “Sang Ngọc” yêu cầu khách phải mua từ 500 nghìn trở lên mới thực hiện giao dịch và yêu cầu khách chuyển tiền qua tài khoản ngân hàng.
Quá trình điều tra, Cục C50 xác định, có người hám lợi đã chuyển khoản cho “Sang Ngọc” để mua tiền giả. Tuy nhiên, sau khi chuyển tiền, khách mua tiền giả bị “Sang Ngọc” cắt liên lạc, chặn Facebook.
Bằng cách biện pháp nghiệp vụ, Cục Cảnh sát phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao đã xác định người sử dụng Facebook “Sang Ngọc” lừa đảo là Hà Văn Lâm. Lâm kinh doanh điện thoại tại cửa hàng BomShop ở huyện Hoài Đức, nhưng sau đó chuyển về cổng chợ đầu mối Minh Khai (Bắc Từ Liêm, Hà Nội).
Ngày 28.1, Cục C50 phối hợp với Công an huyện Hoài Đức bắt khẩn cấp Hà Văn Lâm. Khám xét nơi ở của Lâm tại huyện Hoài Đức, cảnh sát thu giữ 1 thẻ ATM dùng để nhận tiền lừa đảo, 1 điện thoại, 1 máy tính xách tay.
Trước đó, trên mạng xã hội Facebook, tài khoản có nickname “Doi tien gia” rao bán: “Giá mua tiền giả nhân 5 số tiền thật. Ví dụ 1 triệu tiền thật bằng 5 triệu tiền giả”.
Kèm theo lời quảng cáo, nickname “Doi tien gia” đưa ra một số cảnh báo rằng giao dịch mua bán tiền giả trực tiếp hoặc qua đường chuyển phát bưu điện sẽ bị cảnh sát và đơn vị chuyển phát phát hiện.
Trong vai người mua tiền giả, PV liên hệ theo số điện thoại (0916821083) do nickname “Doi tien gia” cung cấp kèm theo dòng quảng cáo, một người đàn ông cầm máy cho biết, không thực hiện giao dịch qua tài khoản ngân hàng. Nếu khách muốn mua tiền giả thì nhắn tin mã số thẻ nạp điện thoại vào số điện thoại 0916821083 và địa chỉ nhận tiền giả. Giao dịch chỉ được thực hiện khi khách nhắn đủ số thẻ nạp có giá trên 1 triệu đồng.
Trao đổi với PV về việc một số đối tượng đăng tải thông tin rao bán tiền giả, một cán bộ C50 cho biết, đây thực chất là hình thức lừa đảo của các đối tượng rao bán tiền giả. Các đối tượng rao bán không có tiền giả, khi người dân hám lợi chuyển tiền các đối tượng sẽ chiếm đoạt rồi cắt liên lạc.
Video đang HOT
Hiện vụ việc đang được C50 tiếp tục điều tra, làm rõ.
Theo Danviet
"Tiền giả" rao trên Facebook: Tham mua tiền giả, mất toi tiền thật!
Gần đây, trên mạng xã hội Facebook lan truyền nhiều trang fanpage và địa chỉ facebook cá nhân rao bán nhiều loại tiền được cho là tiền polymer giả. Tiền này được rao bán với nhiều mệnh giá: 50.000 đồng, 100.000 đồng, 200.000 đồng và 500.000 đồng. Các đối tượng đều bán theo cặp 10 triệu tiền giả ăn 3 triệu tiền thật ở mọi mệnh giá.
"Tiền giả" tràn lan trên mạng xã hội?
Bên cạnh các ứng dụng lập fanpage để chia sẻ, kinh doanh, buôn bán và học tập... , trên mạng xã hội Facebook đang được một số đối tượng sử dụng vào hình thức lừa đảo, chiếm đoạt tài sản của người khác như rao bán tiền giả. Chỉ cần tìm kiếm cụm từ: bán tiền giả, rất nhiều trang cá nhân, nhóm chuyên quảng cáo, rao bán tiền giả xuất hiện.
Trong vai người cần mua tiền giả, phóng viên Dân trí đã tìm hiểu cách thức rao bán tiền giả để lừa tiền thật của một số đối tượng là chủ Facebook hoặc quản lý (admin) của fanpage tiền giả trên Facebook.
Tại fanpage có tên "Bán tiền giả chất lượng", đối tượng đã tung nhiều hình ảnh được cho là tiền giả, với nhiều cọc tiền polymer mệnh giá khác nhau như 20.000 đồng đến 500.000 đồng xếp thành từng bó.
Rất nhiều trang fanpage của facebook được lập ra rao bán tiền giả
Mức giá rao bán được các đối tượng ghi rõ: 1 cọc tiền 10 triệu đồng tiền giả tất cả mệnh giá ăn 3 triệu tiền thật. Khách đặt hàng, chuyển tiền và đối tượng bán sẽ rao hàng tận nơi dưới nhiều hình thức. Để tạo niềm tin với những khách mua tiền giả, các đối tượng chấp nhận thanh toán 2 đợt, trước và sau nhận tiền. Khi hai bên đàm phán xong mua bán, đối tượng sẽ yêu cầu khách hàng mua thẻ cào điện thoại, thẻ game... thậm chí nhiều kẻ sử dụng cả tài khoản ngân hàng yêu cầu khách chuyển tiền vào.
Điểm chung là các đối tượng bán tiền giả đều khẳng định số tiền giả rao bán giống với tiền thật 99%. Các tờ tiền dùng mắt thường không thể phát hiện, trừ khi soi máy quét mới thấy.
Bên cạnh đó, các đối tượng đều cho rằng tờ tiền giả được sản xuất từ công ty nên có độ tinh xảo rất cao, mắt thường không thể biết được. Nhiều đối tượng quả quyết đây là tiền giả được đưa từ biên giới Trung Quốc về Việt Nam và được tiêu thụ trót lọt ở nhiều nơi.
Để tạo niềm tin cho những người có lòng tham mua tiền giả, các đối tượng này bày cách sử dụng: Không tiêu số lượng lớn, dùng ở các vùng quê, nông thôn, vùng sâu - xa; Không tiêu ở siêu thị, trung tâm thương mại...
Vờ bán tiền giả, lừa tiền thật!
Qua tìm hiểu của phóng viên với một số người từng liên lạc và trao đổi với đối tượng rao tiền giả, nhiều người quả quyết đó chỉ là chiêu vờ bán tiền giả để lừa đảo chiếm đoạt tiền thật của khách hàng.
Điểm dễ nhận ra nhất là các đối tượng không bao giờ chụp cận cảnh tiền giả hoặc gửi cho khách hàng mẫu tiền giả được rao bán. Bởi tiền thật luôn có cửa sổ hình bông hoa sen, trên đó hiển thị mệnh giá tiền khác nhau. Tiền giả không thể có mệnh giá. Chính vì thế, khi được chụp trên Facebook thường bị các đối tượng lấy tay che đi hoặc làm mờ để không thể phân biệt được đó có phải là tiền giả hay không.
Nhiều người khẳng định: Các đối tượng sử dụng tiền polymer thật, che hoặc làm mờ những dấu hiệu nhận biết để khách không thể phân biệt tiền thật hay giả.
Chính vì thế, nhiều người cho rằng, hình ảnh tờ tiền giả rao bán trên mạng hầu hết là tiền thật, các đối tượng lợi dụng lòng tham, sự cả tin của để lừa gạt hòng chiếm đoạt tiền rồi cao chạy, xa bay. Không hề có tiền giả được rao bán.
Các đối tượng rao bán tiền giả đều rất tinh vi: giao dịch online, thanh toán bằng thẻ cào điện thoại, thẻ game rồi có đủ các phương thức vận chuyển và gửi hàng khác nhau như: qua xe ô tô, người A, người B nào đó... Liều lĩnh hơn, các đối tượng này sử dụng cả tài khoản ngân hàng để lừa gạt khách hàng.
Tại Fanpage "Bán tiền giả chất lượng", sau khi phóng viên ngỏ ý muốn mua tiền giả và sẵn sàng chuyển tiền ngay, đối tượng liền cho tên, số tài khoản và số điện thoại... để liên hệ. Mặc dù ban đầu đối tượng này đưa ra nguyên tắc mua 10 triệu tiền giả sẽ phải thanh toán 3 triệu tiền thật trước, nhưng khi phóng viên gợi ý trả trước 1 triệu, số còn lại sẽ thanh toán khi nhận, đối tượng dễ dàng đồng ý.
Một người có tên Dinh Tr... trên Facebook cho hay: Đây là hình thức lừa đảo trên danh nghĩa bán tiền giả nhằm đánh vào lòng tham của một số người. Khi khách hàng chuyển tiền vào tài khoản của đối tượng bán tiền giả, chỉ sau ít phút kẻ bán tiền giả sẽ lặn mất tăm, số điện thoại bị ngắt, facebook bị chặn.
Qua thông tin trên fanpage rao bán tiền giả, rất nhiều bình luận hỏi cách thức mua, thanh toán đều nhận được câu trả lời: "inbox - nhắn tin qua facebook". Sau rất nhiều cuộc trò chuyện, phóng viên Dân trí đã liên hệ được với anh Nguyễn Minh C... (Hà Giang), anh này cho biết: 3 tháng trước anh cùng 1 người bạn đã bị lừa mất tiền thật vì tin những lời kẻ rao bán tiền giả.
Do những lời quảng cáo có cánh, cộng với lòng tham vì lợi lớn khi tiêu thụ tiền giả, anh đã đặt mua 10 triệu tiền giả, trả trước bằng 700.000 đồng thẻ cào điện thoại cho đối tượng bán tiền giả. Tuy nhiên, chỉ buổi tối hôm đó, anh C đã biết mình bị lừa vì không thể liên lạc được với chủ hàng.
Dưới đây là một số hình ảnh các đối tượng rao bán tiền polymer được cho là giả trên mạng xã hội mà phóng viên Dân trí đã ghi nhận:
Cách thức giao dịch của 1 đối tượng rao bán tiền giả
Các đối tượng rao bán tiền giả lập nhiều fanpage nhóm, tạo nhiều tài khoản facebook để lừa đảo
Hầu hết tiền đều bị làm mờ cửa sổ trong suốt hình bông sen trên tờ polymer để lừa gạt người có lòng tham tiền giả
Tiền được cho là giả thực chất là tiền thật
Các đối tượng tiền giả còn sẵn sàng cho số điện thoại, tên, tài khoảng ngân hàng.
Một số người được cho đã bị lừa bởi hình thức rao bán tiền giả trên mạng
Nguyễn Tuyền
Theo Dantri