Bát nháo quán ăn đêm Hà thành
Những năm gần đây, UBND TP Hà Nội đã có quy định về việc cấm bán hàng ăn sau 12h đêm đến 6h sáng hôm sau. Tuy nhiên, cho đến nay, tình trạng hoạt động kinh doanh hàng ăn đêm trên địa bàn thành phố vẫn diễn ra một cách ngang nhiên, khiến cho tình hình an ninh trật tự lộn xộn.
Nhiều hàng lẩu trên phố Phùng Hưng vẫn bán hàng quá giờ quy định
Hoạt động như chỗ không người!
Dạo quanh các con phố trên địa bàn thành phố sau 24h, sẽ thấy rất nhiều hàng quán hoạt động. Tại đầu phố Tô Hiệu – Nguyễn Văn Huyên (thuộc phường Nghĩa Tân, quận Cầu Giấy) nhiều quán ăn vỉa hè vẫn tấp nập khách ra vào. Đây là điểm ăn đêm chủ yếu là sinh viên của một số trường đại học, cao đẳng xung quanh địa bàn. Thấy chúng tôi táp xe vào gần, những nhân viên của quán chạy lại mời chào rất nhiệt tình. Tôi hỏi, ở đây bán muộn thế này, đang ăn có bị công an đuổi không thì nhận được câu trả lời. Các anh cứ vô tư đi!
Có mặt tại đường Đê La Thành (đoạn ngã tư Đê La Thành – Láng Hạ), giáp ranh giữa hai phường Thành Công và Giảng Võ (quận Ba Đình), nhiều hàng ăn cũng tấp nập người ra vào. Do không có vỉa hè, khách hàng đến ăn dựng xe tràn cả ra đường. Những quán hàng này kinh doanh cả ngày lẫn đêm. Do giá cả tương đối hợp lý, đồ ngon nên thu hút khá nhiều khách. Từ “cậu ấm, cô chiêu” đến các bác “xe ôm” thấy hết khách cũng tranh thủ ra ăn bát phở hay chén rượu trước khi về nhà.
Anh Trần Thành Hưng (quê Nam Định) làm nghề “xe ôm” trên đường Đê La Thành cho biết, ăn đêm ở đây đủ cả thành phần. Ngoài đám thanh niên choai choai sau khi rời mấy quán bar gần đây thì còn có cả những đôi thanh niên đi chơi về muộn hay mấy em “chân dài” từ những quán karaoke quanh đây cũng tạt vào ăn. Ở đây, tình trạng đánh chửi nhau như cơm bữa.
Video đang HOT
1h sáng 6-12, khi phóng viên ANTĐ có mặt tại phố Mã Mây, phường Hàng Buồm (quận Hoàn Kiếm), nhiều quán ăn vẫn rất đông khách. Đúng lúc này, lực lượng chức năng phường đi kiểm tra, giải tán khách ở các quán bar trá hình. Tuy nhiên, điều khó hiểu là, trước mặt lực lượng chức năng mà các nhân viên của một số quán ăn vẫn vô tư ra chào, mời khách nhưng không hề bị nhắc nhở.
Nhiều hàng lẩu trên phố Phùng Hưng vẫn bán hàng quá giờ quy định
Thiếu chế tài xử lý
Trao đổi với phóng viên ANTĐ, Trung tá Nguyễn Văn Nguyên – Trưởng CAP Thành Công (quận Ba Đình) cho biết: “Thực hiện quy định của thành phố về việc cấm kinh doanh bán hàng sau 12h đêm đến 6h sáng hôm sau, chúng tôi đã cố gắng làm triệt để. Tuy nhiên, do cuộc sống mưu sinh nên một số người dân kinh doanh ngấm ngầm vi phạm. Nếu lực lực lượng công an đi kiểm tra nhắc nhở và xử lý hành chính thì họ dọn vào nhưng khi rút đi thì họ lại bày ra ngay. Có những địa điểm phường phải cho người chốt ở cửa nhưng họ lại bán trong nhà. Do vậy, rất khó xử lý. Còn những cửa hàng vi phạm bán hàng quá giờ quy định, gây ảnh hưởng đến trật tự công cộng, sự yên tĩnh chung thì mức xử phạt cũng chỉ từ 100 đến 200 nghìn đồng, chưa đủ mức răn đe nên chúng tôi khó mà xử lý triệt để các vi phạm trên.
Cùng quan điểm này, Trung tá Nguyễn Hùng Sơn – Trưởng CAP Hàng Đào (quận Hoàn Kiếm) cho rằng, khi nào lực lượng chức năng làm mạnh thì giảm hẳn. Tuy nhiên, trên địa bàn phường có một số tụ điểm kinh doanh hàng ăn… giáp ranh với nhiều phường bạn… Những đối tượng này chủ yếu kinh doanh bán rượu… ngay trên vỉa hè… Phường nhiều lần đề nghị quận tăng cường lực lượng để xử lý triệt để. Thậm chí có những đối tượng bị lập biên bản xử phạt hành chính với mức tiền lên tới 25 triệu đồng. Nhưng sau không thực hiện được vì thiếu chế tài cưỡng chế, bắt buộc đối tượng vi phạm nộp phạt.
Phố Cấm Chỉ lâu nay được xem là phố ẩm thực của Hà Nội nhưng khi thực hiện quy định về cấm bán hàng kinh doanh sau 12h đêm đến 6h sáng hôm sau đã khiến cho lực lượng chức năng chật vật trong quản lý địa bàn. “Năm 2001, quận Hoàn Kiếm triển khai con phố này trở thành phố ẩm thực. Tình trạng khách đến đây ăn đêm gây mất trật tự, nhất là khu vực ngã ba Trần Phú – Phùng Hưng. Riêng khu vực này có tới 44 hàng ăn đêm nên nhiều khi 2-3h sáng anh em đi kiểm tra thấy xe đỗ ăn đêm rất lộn xộn nhưng cũng không có cách gì xử lý. Khách đến ăn đêm ở đây chủ yếu từ các quán bar, vũ trường hay đi chơi đêm tràn về. Nhiều khi lực lượng vào kiểm tra, đôn đốc, họ tắt đèn, ném vỡ cả kính xe ô tô của CAP. Do vậy, cần phải có một cơ chế cho khu phố ẩm thực này. Đây là điều mà chúng tôi luôn phải suy nghĩ làm thế nào để quản lý tốt và xử lý triệt để. Vì thực sự, đã ăn, uống nhậu nhẹt thì dễ phát sinh hành vi phạm tội” – Trung tá Nguyễn Mạnh Thường – Trưởng CAP Hàng Gai nói.
Theo ANTD
Bát nháo như taxi Hà Nội: Vi phạm tràn lan
Taxi hoạt động lộn xộn, gây tắc nghẽn giao thông, lái xe taxi chống người thi hành công vụ, hay gắn chip gian lận cước... Hoạt động taxi trên địa bàn TP hiện rơi vào tình trạng khó quản lý dẫn đến buông lỏng.
Có biển cấm nhưng vẫn vô tư đón khách
Chống người thi hành công vụ, đua xe
Có lẽ, không thành phố cũng như quốc gia nào mà hoạt động vận tải hành khách bằng taxi lại đa dạng và hỗn loạn như Hà Nội hiện nay. Hàng trăm doanh nghiệp (DN) tham gia kinh doanh với hàng nghìn đầu xe. Ngay bản thân DN cũng khó quản lý xe và nhân viên của mình, cơ quan quản lý thì càng khó hơn. Những vụ việc vi phạm liên quan đến taxi ngày một nhiều hơn. Còn nhớ, vào tháng 8-2011, Phòng CSĐT về trật tự xã hội - CATP Hà Nội phối hợp với Công an quận Hoàn Kiếm đã bắt giữ 3 đối tượng tham gia đua xe, gây rối trật tự. Điều đặc biệt, cả 3 đối tượng này đều là lái xe taxi.
Trước đó, vào đầu tháng 7, một xe taxi thuộc hãng taxi Thành Công vượt đèn đỏ tại ngã 3 Nguyên Trãi - Nguyễn Quý Đức. Thiếu úy Trần Ngọc Long, thuộc Đội 7 - CSGT Hà Nội đã ra hiệu cho xe dừng lại. Tuy nhiên, lái xe không dừng xe, cố tình đâm vào chiến sĩ Long để bỏ chạy. Thiếu úy Long bị hất lên nóc capo kéo lê 600m, nhưng lái xe không dừng lại mà tiếp tục phóng xe. Đây chỉ là một trong số những vụ việc liên quan đến hành vi cố tình chống đối, vi phạm Luật Giao thông của nhiều lái xe taxi hiện nay. Và, gần đây nhất là vụ việc bắt chẹt khách nước ngoài. Theo hồ sơ từ phía Công an Hà Nội, lái xe của hãng taxi Phú Gia đã bắt 2 hành khách quốc tịch Singapore tham dự Đại hội đồng Intepol lần thứ 80 phải trả 200 USD và 100 đôla Singapore cho quãng đường hơn 10km
Vi phạm chủ yếu của lái xe taxi là đỗ dừng đỗ sai nơi quy định
4-5 xe cũng thành lập DN
Những vụ việc xảy ra có liên quan đến taxi ngày một nổi cộm khiến dư luận bức xúc. Và, dù mới chỉ đi hết nửa quãng đường đợt thanh tra một số DN kinh doanh vận tải hành khách bằng xe taxi của Thanh tra Bộ GTVT, nhưng đã có 2 DN bị đình chỉ, gồm hãng taxi Mùa Xuân và Phú Gia. Qua kiểm tra, những bất cập, buông lỏng trong quản lý hoạt động xe taxi cũng đã được bộc lộ.
Cụ thể, lực lượng thanh tra phát hiện, hãng taxi Mùa Xuân chỉ có 5 đầu xe. Ngoài ra, công ty này không có bộ máy điều hành, không đáp ứng được những điều kiện kinh doanh... Còn, với hãng taxi Phú Gia là tình trạng bán thương hiệu. Đơn vị này đăng ký 14 xe nhưng chỉ sở hữu 4 xe, còn lại là các xe của tư nhân góp và đi thuê. Hơn nữa, DN này còn không đăng ký logo. Ông Nguyễn Xuân Hào, Chánh Thanh tra Bộ GTVT cho biết, hãng được mua đi bán lại nhiều lần và giám đốc hiện nay cũng vừa mua lại công ty được vài tháng, hiện taxi Phú Gia không có bộ máy điều hành cũng như hệ thống quản lý nên hoạt động khá lộn xộn. Hợp đồng giữa công ty và lái xe chỉ là hợp đồng sử dụng bộ đàm và đồng hồ tính cước. Mỗi tháng lái xe phải trả cho công ty 800.000 đồng để sử dụng dịch vụ này, còn lại không có thỏa thuận, ràng buộc nào khác. Đây chính là nguyên nhân lái xe taxi Phú Gia gây ra vụ việc nêu ở trên.
Không chỉ bát nháo, lộn xộn trong quản lý, mà tình trạng lái xe taxi phóng nhanh, vượt ẩu, bắt chẹt hành khách hay gian lận cước taxi cũng làm nhiều người bức xúc. Dễ dàng nhận thấy, tại các khu vực trước cửa nhà ga, bệnh viện, khách sạn, trung tâm thương mại... lái xe taxi hoạt động không tuân theo bất kỳ một quy định nào. Có thể dừng đỗ, quay đầu xe tùy tiện, miễn là thuận lợi cho việc bắt, đón và trả khách. Chị Nguyễn Thị Huyền, nhà ở quận Long Biên cho biết, hồi đầu tháng 10 chị đi công tác từ Đà Nẵng về Hà Nội, khi đến sân bay Nội Bài đã là nửa đêm. Chị bắt một xe taxi để về nhà, nhưng dọc đường chị thấy đồng hồ taxi chạy loạn xạ. Chị thắc mắc, thì lái xe bảo, hoặc là chị trả tiền (tắt luôn đồng hồ) hoặc là em cho chị xuống ở đây. Chị Huyền cho biết, vì thân gái đi đường nửa đêm, nên chị phải xuống nước nhẹ nhàng. Việc bắt chẹt hành khách, gian lận trong đồng hồ tính cước nêu trên chỉ là một trong hàng nghìn vụ việc bức xúc có liên quan đến taxi đang diễn ra hàng ngày trên địa bàn TP.
"Hiện việc gắn đồng hồ tính cước trên taxi có 2 loại. Một loại có hộp chống xung điện. Loại này độ an toàn cao, khó gắn chip gian lận nhưng chi phí lắp đặt cao, ít DN áp dụng. Còn một loại chỉ gắn đồng hồ tính cước. Loại này dễ dàng gắn chip gian lận cước. Ngay việc kiểm tra của cơ quan chức năng cũng khó", ông Hoàng Văn Mạnh, Phó Chánh Thanh tra Sở GTVT Hà Nội cho biết.
Theo ANTD
Cò mồi xe khách: Dọa đâm kim tiêm có HIV Bến xe Giáp Bát bất lực với nạn "cò mồi" Chèo kéo, xô đẩy, dọa đâm kim tiêm... là sự hoành hành công khai của các đối tượng "cò mồi" tại bến xe Giáp Bát (Hà Nội) thời điểm vận tải cuối năm. Phía Ban quản lý bến xe này cho biết đã bất lực với đại nạn "cò mồi". Khốn khổ vì...