Bát nháo những “cung đường bia bọt”
Để chỉnh trang đô thị, nhiều năm nay, TPHCM tích cực ra quân lập lại trật tự lòng lề đường. Tuy nhiên, khi dịch Covid-19 tạm lắng xuống, tình trạng nhiều quán nhậu, beer club vỉa hè, quán cà phê – bia sử dụng âm thanh “khủng”, ánh sáng bắt mắt vô tư lấn chiếm vỉa hè, cho nhân viên tràn ra đường chèo kéo khách rất bát nháo, gây ùn tắc giao thông, mất mỹ quan đô thị, ô nhiễm tiếng ồn khiến người dân bức xúc.
BEER CLUB, QUÁN NHẬU MỌC NHAN NHẢN
Từ đầu giờ tối, đường Nguyễn Văn Lượng (Q.Gò Vấp) bắt đầu “ nóng” bởi hàng chục quán cà phê, quán nhậu bình dân, quán bia vỉa hè hoạt động nhộn nhịp, nhân viên nhiều quán nhao nhao chèo kéo khách. Để có chỗ cho khách ngồi nhậu, nhiều quán ngang nhiên “nuốt trọn” vỉa hè, lòng lề đường và các con hẻm lân cận để giữ xe, dựng mái che di động, bày bàn ghế, thùng bia, bếp nướng và nhiều đồ đạc lỉnh kỉnh khác, trông rất nhếch nhác.
Bà Lê Thị Hoa (ngụ Q.Gò Vấp) phản ánh: “Sau thời gian dịch Covid-19, nhiều người có tâm lý xả stresss nên rủ nhau “chén chú chén anh” khiến tình trạng ăn nhậu trên đường Nguyễn Văn Lượng đông nghịt. Mỗi lần đi ngang qua đây, người đi đường bị tra tấn bởi đủ loại tạp âm, tiếng văng tục của dân ăn nhậu, mùi tanh tưởi của đồ ăn, thức uống thừa thải và có nguy cơ bị xe cộ va quẹt”. Không chỉ đường Nguyễn Văn Lượng, hàng trăm mét vỉa hè nhiều tuyến đường khác trên địa bàn quận Gò Vấp như: Phan Văn Trị, Nguyễn Oanh, Phạm Văn Chiêu… cũng bị chiếm dụng vô tội vạ.
Beer club, quán nhậu trên đường Phạm Văn Đồng mở nhạc inh ỏi
Khi phố sá lên đèn, đường Phạm Văn Đồng đi qua các quận: Thủ Đức, Bình Thạnh, Gò Vấp bị biến thành “con đường bia bọt” với hàng chục quán cà phê, beer club vỉa hè, quán ăn, quán nhậu hoạt động tấp nập từ chập choạng tối cho đến khuya. Để hút khách, chủ quán cho nhân viên băng ra đường chèo kéo. Anh Lê Thanh Tùng (ngụ Q.Gò Vấp) bức xúc, nhiều hôm đang chạy xe máy bị nhân viên quán nhậu băng ra dang tay chặn đầu kỳ kèo. Họ xuất hiện đột ngột khiến anh giật mình suýt ngã.
Nhiều chủ quán nhậu, quán beer club còn trang bị hệ thống ánh sáng nhấp nháy, phun khói mờ ảo, bán thuốc shisha, thuê vũ nữ mặc đồ hở hang, mở nhạc xập xình thâu đêm không khác gì các quán bar, vũ trường lộ thiên. Nhiều đoạn đường bị chủ quán nêm chặt đủ loại bàn ghế, xe cộ trông nhếch nhác, mất mỹ quan. Ngay cả khi dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, nhiều quán nhậu trên tuyến đường này vẫn đông đúc khách.
Âm thanh phát ra từ dàn loa tại quán 134 luôn ở mức cao
Ghé vào quán 134 (P3, Q.Gò Vấp), chúng tôi cảm thấy ù tai, nhức óc, bởi bên cạnh tiếng xe cộ rầm rập là tiếng nhạc từ những chiếc loa thùng mở hết công suất. Nhiều người dân bức xúc: “Đêm nào chúng tôi cũng bị tra tấn bởi tiếng nhạc đì đùng từ các quán sá hai bên đường Phạm Văn Đồng, nhất là tại quán 134 khiến chúng tôi chẳng thể nào nghỉ ngơi.
Khổ nhất là người già và trẻ nhỏ, ngày nào cũng bị tiếng nhạc tra tấn chẳng thể ngủ nghỉ, học hành. Nhiều hôm, nhạc mở ầm ĩ khiến các cháu giật mình khóc thét. Nếu cứ như vậy chắc chúng tôi phải bán nhà đi chỗ khác chứ ở đây mãi, không điếc lỗ tai cũng bị nhồi máu cơ tim”.
Video đang HOT
Cùng với tiếng nhạc chát chúa, ánh sáng bắt mắt, quán One More có diện tích khá rộng rãi. Để phục vục khách, quán này mời các nữ công mặc đồ hở hang đến nhảy nhót, phối nhạc DJ và lấn chiếm vỉa hè để bày biện bàn ghế, cho nhân viên ra chèo kéo.
Tương tự, với cách bày trí bàn ghế, âm thanh, ánh sáng theo kiểu quán bar, quán Roosrer beer thu hút nhiều “đệ tử lưu linh” đến chén tạc chén thù. Lúc cao hứng, nhiều “cây bia”, “cây rượu” đứng dậy nhảy nhót, uốn éo, hò hét ì xèo. Anh Đỗ Văn Hùng (ngụ Q.Bình Thạnh) than thở: “Cả ngày ở công ty đã mệt mỏi với công việc, muốn nghỉ ngơi một chút nhưng về đến nhà thì bị hành bởi đủ loại tiếng ồn. Gia đình tôi đã đóng bít các cửa lại nhưng vẫn không tránh khỏi ồn ào. Nếu cứ như vậy, chắc tôi phải bán nhà chuyển đi sớm”.
Nhiều quán nhậu chiếm vỉa hè để giữ xe
Dịch Covid-19 tạm lắng, “thủ phủ” ăn nhậu trên 2 tuyến đường Hoàng Sa, Trường Sa đi qua các quận Bình Thạnh, Phú Nhuận, quận 3 hoạt động tấp nập trở lại, quán sá luôn nhộn nhịp từ chiều tới khuya. Nhiều nơi, nhân viên quán nhậu tràn xuống đường kì kèo chèo kéo khách. Trên vỉa hè là chi chít bàn ghế, người ngồi ăn nhậu, còn dưới lòng đường có hàng chục xe đẩy bán cá viên chiên, bắp xào, hột gà nướng, khô mực… ken dày thành từng dãy.
Nhiều quán nhậu đêm tại “mũi tàu” Ba Tháng Hai – Lò Siêu – Hàn Hải Nguyên (Q11), các quán nhậu hai bên đường Ung Văn Khiêm, khu vực Thanh Đa, ngã tư Hàng Xanh (Q.Bình Thạnh)… hoạt động nhộn nhịp. Hàng trăm mét vuông vỉa hè bị chiếm dụng để bày bàn ghế, nhân viên quán tràn ra đường đứng lố nhố chèo kèo khách. Phía mặt đường thì bị nhiều tài xế ôtô trưng dụng làm nơi dừng đỗ ngổn ngang, choán hết lối đi bộ, giao thông ùn tắc. Mùi bia rượu, thức ăn thừa cộng với mùi rác thải, nước thải, ống cống xộc lên nồng nặc.
CHẲNG LẼ BÓ TAY?
Để lập lại trật tự vỉa hè, đêm 8-7, P11 (Q.Gò Vấp) lập đoàn kiểm tra liên ngành xử lý hàng loạt quán nhậu, beer club trên đường Phạm Văn Đồng. Lực lượng chức năng đã lập biên bản vi phạm nhiều quán như: Dala Coffee 245, Tá Lả Quán, Chicago Bambo, Tax, One More… liên quan đến việc sử dụng trái phép lòng đường, hè phố. Đoàn kiểm tra cũng tạm giữ 2 rào sắt, 30 ghế, 6 bình shisha.
Nhiều quán nhậu trên đường Trường Sa luôn đông đúc khách
Trong khi những quán bị kiểm tra buộc phải chấn chỉnh lại hoạt động của mình thì nhiều quán không bị kiểm tra vẫn “bình chân như vại”, họ vô tư mở nhạc đì đùng, lấn chiếm lòng lề đường, cho nhân viên chèo kéo khách như chưa hề có mặt của cơ quan chức năng.
Anh Trần Mạnh Dũng, một người dân sống trên đường Phạm Văn Đồng cho biết, cơ quan chức năng thường xuyên đi kiểm tra nhưng nhiều chủ quán nhậu, beer club hai bên tuyến đường này dường như bị nhờn luật. Nhiều lúc họ thấy cơ quan chức năng ở xa hoặc đối diện bên kia đường, nhưng vẫn ngang nhiên lấn chiếm vỉa hè, mở nhạc ầm ĩ.
Chỉ khi nào lực lượng chức năng trực tiếp đến quán kiểm tra, lập biên bản, họ mới lật đật cho nhân viên vặn nhỏ nhạc và dọn dẹp bàn ghế vào trong. Đó là chưa kể các quán này có hệ thống “ti dô” chuyên để ý việc kiểm tra của cơ quan chức năng để kịp thời ứng phó.
Tối 28-9, có mặt tại quán Not Only trên đường Phạm Văn Đồng (P1, Gò Vấp), chúng tôi bị tra tấn đủ loại tạp âm. Quán đang hoạt động xôm tụ bỗng dưng nhân viên vào mở nhạc nhỏ lại. Khoảng 5 phút sau, chúng tôi thấy đoàn kiểm tra của phường đi ngang qua. Với mức âm thanh vừa phải, vỉa hè được trả lại thông thoáng, đoàn kiểm tra khó có thể lập biên bản xử phạt những quán này.
Nhân viên tràn ra đường chèo kéo khách
Thế nhưng lực lượng chức năng vừa đi hơn 100m, nhân viên vội vã mở nhạc, bày bàn ghế và chèo kéo khách như cũ. Một cán bộ tại P3 (Q.Gò Vấp) cho biết, quán sá hoạt động bát nháo, mở hạc ầm ĩ khiến bà con nhiều lần gọi điện phản ánh. Phường thường xuyên tổ chức lực lượng xuống kiểm tra, xử phạt nhưng khi lực lượng chức năng đi khỏi thì quán sá hoạt động tấp nập trở lại.
Vừa qua, tại buổi làm việc về kế hoạch thực hiện nhiệm vụ năm 2020 trong lĩnh vực giao thông, Phó Chủ tịch UBND TPHCM Võ Văn Hoan nhấn mạnh là năm nay phải xem lại cách quản lý lòng đường, vỉa hè, tập trung chấn chỉnh tình trạng lấn chiếm. Tuy nhiên, thực tế cho thấy hiện nhiều địa phương vẫn chưa thể làm dứt điểm việc lập lại trật tự đô thị tại địa phương mình.
Người dân ở khu vực P3 (Q.Gò Vấp) cho biết, trước đây nhiều người có thói quen không đội mũ bảo hiểm, nhưng khi cơ quan chức năng quyết liệt xử phạt, kết hợp với công tác tuyên truyền, họ liền chấp hành nghiêm chỉnh. Mới đây, khi cơ quan chức năng tích cực thực hiện Nghị định 100/2019/ND-CP của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ và đường sắt đã hạn chế rất nhiều người uống rượu bia, nhậu nhẹt say xỉn. Nếu cơ quan chức năng quyết liệt trong việc xử phạt lấn chiếm vỉa hè, mở nhạc inh ỏi thì không có lý do gì không lập lại được trật tự lòng lề đường, chỉnh trang đô thị!
Để lập lại trật tự đô thị, an toàn giao thông, thời gian qua, các cơ quan chức năng, nhất là lực lượng công an tích cực tăng cường tuần tra, kiểm tra. Chỉ tính riêng đường Phạm Văn Đồng, trong 9 tháng đầu năm 2020, lực lượng CSGT Đội tuần tra dẫn đoàn, Công an TPHCM đã lập biên bản xử lý gần 10.000 trường hợp vi phạm giao thông. Trong đó có 711 trường hợp vi phạm nồng độ cồn, 10 trường hợp tụ tập thành đoàn. Riêng tại khu vực hình thành các quán nhậu ồn ào, lấn chiếm vỉa hè, lòng lề đường tại địa bàn Q.Gò Vấp, lực lượng chức năng đã lập biên bản gần 300 trường hợp vi phạm nồng độ cồn, chiếm 2/3 tổng số trường hợp vi phạm. Trong thời gian tới, lực lượng chức năng tiếp tục thực hiện các chuyên đề kiểm tra tại khu vực này nhằm trả lại sự yên tĩnh cho người dân.
"Nhức nhối" bãi rác tự phát
Những bãi đất trống, nền đất trống chưa được người dân sử dụng trong khu dân cư Bắc Hà Hoàng Hổ (khóm Tây Khánh 2, phường Mỹ Hòa, TP. Long Xuyên, An Giang) mấy năm nay trở thành những bãi rác tự phát.
Nhiều khu vực rác thải chồng chất theo thời gian đã gây mất mỹ quan đô thị, ô nhiễm môi trường và ảnh hưởng đến sức khỏe của cư dân trong khu vực.
Nhiều ống nhựa nghi là rác thải y tế vứt trong khu dân cư
Rác ở nhiều nơi
Do là khu dân cư mới hình thành mấy năm gần đây nên mật độ xây dựng nhà cửa khu vực nơi đây chưa cao, chưa thể lấp đầy những nền đất trống. Chính vì vậy, có nhiều nơi cỏ dại mọc đầy và trở thành chỗ để bỏ rác của một số cá nhân. Từ khi những tuyến đường số 9, 10 được nâng cấp, láng nhựa, hình ảnh thường chứng kiến là một số người đi bán trái cây đi ngang qua tiện tay vứt túi rác thải vỏ nhựa, trái cây hư hỏng xuống mặt đường. Những công nhân xây dựng nhà gần đó vứt bỏ những hộp cơm, ly nhựa, khẩu trang y tế đã qua sử dụng, rác thải xây dựng ngay trên những nền đất trống. Lúc bình thường là hình ảnh xấu xí, còn mỗi khi đến lúc chuyển mưa giông thì gió mạnh làm những chiếc túi ny-lon bay "lờn vờn" lên không trung.
Cách đó không xa, gần trụ sở cơ quan Bảo hiểm Xã hội tỉnh đang được xây dựng, một số người dân ở khu vực lân cận mang nhiều rác đến vứt thành đống lớn. Có hôm đi từ cầu Lê Hồng Phong về, tôi chứng kiến một thanh niên chở cả xe ba gác gồm nhiều túi ny-lon, dây nhựa đổ trực tiếp vào "bãi rác tự phát", thậm chí có khi là những chiếc ghế hư hỏng, chậu cá bằng thủy tinh cũng bị vứt bỏ ngổn ngang. Hay mới đây là một bãi rác được hình thành ở cuối con đường nhỏ (ở giữa trụ sở Ngân hàng Chính sách Xã hội tỉnh và Trường Quốc tế GIS).
Nhiều người chở cả xe ba gác gồm: túi ny-lon, giấy vụn, đồ nhựa đến đổ, thậm chí còn có cả 2 đống ống nhựa nhỏ màu đỏ, nâu ước tính hàng trăm ống nghi ngờ là rác thải y tế. Một số người dân đi tập thể dục ngang qua khu vực chứng kiến không khỏi lo sợ. Bởi lẽ, với tình hình dịch bệnh hiện nay, rác thải đã là vấn đề gây ô nhiễm môi trường, còn với rác thải y tế, mà là ống chứa mẫu máu thử đã qua sử dụng thì lại càng là mối lo ngại.
Anh Võ Trung Hiếu (cư dân đang sinh sống tại chung cư Firsthome) bức xúc: "Trước đây, tôi đi tập thể dục ngang con đường này rác có nhiều, nhưng cũng không đến nỗi, Tuy nhiên, mấy tuần nay khu vực này đã trở thành bãi rác quá dơ bẩn, còn có rác thải y tế thì thật khủng khiếp".
Có người đến nhặt những thứ còn dùng được mang về
Cách nào để xử lý?
Người dân trong khu dân cư đã đóng góp ý kiến tại Ban Nhân dân khóm Tây Khánh 2. Họ nhận được câu trả lời rằng, địa phương đã rất nỗ lực trong việc phối hợp Công ty Cổ phần Môi trường đô thị An Giang nhưng đơn vị chỉ có thể thu gom rác thải sinh hoạt của người dân, còn những bãi rác lớn như vậy rất khó xử lý. Hơn nữa, tình trạng một số hộ dân lén lút xả rác hoặc người dân ở nơi khác đến xả rác vào ban đêm thường xuyên diễn ra nên không thể giải quyết dứt điểm.
Mặc dù Ban Nhân dân khóm phối hợp UBND phường Mỹ Hòa đã tiến hành xử phạt hành chính một số hộ dân bị phản ánh xả rác, nhưng chưa thể bắt quả tang những hành vi xả rác của những phương tiện vận chuyển lượng rác lớn đến. Thực tế, dù có người chứng kiến hay cả nhân viên của Công ty Cổ phần Môi trường đô thị An Giang chứng kiến phương tiện chở rác đến nhưng vẫn không dám nhắc nhở trực tiếp đối tượng vì một phần tâm lý cho rằng không phải là chuyện của mình, một phần lo sợ các đối tượng mắng chửi, gây hại đến bản thân nên đành "mắt nhắm mắt mở" cho qua.
Một số người dân muốn đi dạo, tập thể dục, muốn ngắm những con đường đẹp nhưng vô cùng khó chịu khi đi vài bước lại chứng kiến hình ảnh rác thải, những bãi rác tự phát cứ thế chất chồng theo năm tháng. Điều họ mong muốn là chính quyền địa phương tuyên truyền đến tất cả người dân trong khu vực và các khu vực lân cận không xả rác bừa bãi, để rác đúng nơi quy định. Ngành chức năng cần có những biện pháp xử lý triệt để tình trạng xả rác lén lút của một số cá nhân, cơ sở mua bán hàng hóa cũng như tổ chức thu gom và nhất là xử lý tình trạng rác thải hiện tại. Có như vậy, người dân nơi đây mới có được môi trường sống trong lành, văn minh.
Vì sao Đại lộ Chu Văn An ngập trong rác thải? Dù mới được thông xe chưa lâu, tuy nhiên, Đại lộ Chu Văn An đã biến thành nơi tập kết rác thải gây mất vệ sinh môi trường (VSMT), mỹ quan đô thị. Điều đáng nói, dù tình trạng trên đã tồn tại nhiều tháng nay, các cơ quan chức năng đã nhiều lần có ý kiến với chủ đầu tư dự án,...