Bát nháo gắn sao cho khách sạn: ‘Không thể bao dung mãi’
Thực tế một số khách sạn được công nhận 3-4 sao sau đó được mua đi bán lại mà không chịu đầu tư để giữ chất lượng.
Tổng cục Du lịch Việt Nam vừa có quyết định thu hồi công nhận hạng sao với sáu khách sạn tại Hà Tĩnh, Hạ Long, Huế và Nha Trang. Các khách sạn bị thu hồi sao gồm BMC Hà Tĩnh, Hạ Long Pearl, ASEAN Hạ Long, Starcity Hạ Long, Festival (Huế), The Light (Nha Trang). Trong đó riêng khách sạn Festival Huế là ba sao, còn lại là khách sạn bốn sao.
“Không thể bao dung mãi”
Trao đổi với Pháp Luật TP.HCM, ông Hà Văn Siêu, Phó Tổng Cục trưởng Tổng cục Du lịch thuộc Bộ VH-TT&DL, cho hay trong thời gian vừa qua, bằng nhiều kênh khác nhau như từ phản ánh của du khách, báo cáo của địa phương và thực tế đi kiểm tra của Tổng cục Du lịch cho thấy một số khách sạn không đạt tiêu chuẩn theo hạng sao đã được Nhà nước công nhận.
“Trước đó, chúng tôi đã thông báo tới các khách sạn để hoàn thiện, hoàn chỉnh nhưng các khách sạn này không đáp ứng được nên chúng tôi quyết định rút công nhận để cho doanh nghiệp (DN) tiếp tục khắc phục. Nhà nước không bao dung mãi cho những đơn vị không đạt yêu cầu” – ông Siêu nhấn mạnh.
Ông Siêu cũng khẳng định việc cấp công nhận hạng sao cho khách sạn đều được thực hiện theo đúng theo quy định của pháp luật. Tuy nhiên, theo thời gian các khách sạn này có sự xuống cấp về chất lượng. Chẳng hạn không đáp ứng đủ các điều kiện về hạ tầng, cơ sở vật chất, nguồn nhân lực không tương xứng với số sao đã được công nhận, trình độ chuyên môn nghiệp vụ của nhân viên còn yếu. Thậm chí có khách sạn trong danh sách bị thu hồi sao bị khách phàn nàn về việc vệ sinh không đảm bảo, nhân viên tiếp xúc với khách chưa lễ phép.
Khách sạn BMC Hà Tĩnh, một trong những khách sạn vừa bị Tổng cục Du lịch thu hồi sao. Ảnh: VT
Trong số sáu khách sạn bị thu hồi chứng nhận sao, Quảng Ninh là một trong những địa phương có nhiều khách sạn bị thu hồi nhất với ba khách sạn. Giải thích về điều này, ông Trịnh Đăng Thanh, Phó Giám đốc phụ trách điều hành Sở Du lịch tỉnh Quảng Ninh, cho hay sở dĩ xảy ra điều này là do địa bàn tỉnh Quảng Ninh có rất nhiều khách sạn.
“Theo quy định thì thẩm quyền thu hồi công nhận hạng sao đối với khách sạn 3-5 sao là của Tổng cục Du lịch. Chúng tôi là cấp địa phương và cũng tham gia vào quá trình quản lý nhà nước về lĩnh vực du lịch, trong quá trình này chúng tôi nhận thấy có khách sạn xuống cấp, không đạt yêu cầu mà Tổng cục Du lịch đã cấp. Do đó, chúng tôi rất đồng thuận với quyết định thu hồi công nhận hạng sao của Tổng cục Du lịch. Động thái trên làm tăng hiệu quả quản lý nhà nước đối với ngành. Nếu chúng ta không kiên quyết làm trong khi các DN không chịu đầu tư để giữ chất lượng của hạng sao được công nhận thì sẽ dẫn đến hình ảnh du lịch Quảng Ninh bị mai một” – ông Thanh bày tỏ.
Theo ông Thanh, việc đưa ra các chế tài xử lý mang tính nghiêm khắc là để các DN đầu tư, xây dựng hình ảnh, chất lượng dịch vụ, quy chuẩn theo quy định của Nhà nước. “Thực tế một số khách sạn được công nhận 3-4 sao, sau đó các chủ đầu tư mua đi bán lại rồi phó thác cho một số người điều hành. Họ không có trách nhiệm đầu tư thêm để nâng cao chất lượng vì chỉ mua đi bán lại kiểu kinh doanh bất động sản” – ông Thanh nêu thực trạng.
Video đang HOT
Cần tiếp tục mạnh tay
Trước quyết định tước sao của nhiều khách sạn, trao đổi với chúng tôi, nhiều du khách, công ty du lịch đồng tình và cho rằng cơ quan chức năng cần phải mạnh tay hơn. Bởi hiện nay tình trạng khách sạn được Nhà nước phong sao hoặc tự phong sao nhưng chất lượng không tương xứng gây thiệt thòi cho khách hàng.
Anh Lê Tuấn, nhà ở quận Tân Bình, TP.HCM kể cách đây ba ngày anh cùng gia đình thuê phòng tại một khách sạn ba sao ở Vũng Tàu. Giá thuê 850.000 đồng/đêm nhưng diện tích phòng chỉ khoảng 15 m2, nội thất cũ kỹ, phòng có mùi ẩm mốc, drap giường ám màu vàng… Không chỉ vậy đồ ăn sáng nguội, dở nên mọi người chỉ ăn được một ít rồi bỏ. Chưa hết, khi có thêm một người vào ở, khách sạn cung cấp thêm một cái nệm nhưng gia đình phải trả thêm 350.000 đồng/đêm.
“Mức giá trên là quá đắt, chất lượng không tương xứng với khách sạn ba sao. Chúng tôi bỏ tiền ra trả mà thấy xót, có cảm giác bị đánh lừa” – anh Tuấn bức xúc.
Tương tự, đại diện Công ty Transviet cho biết thực tế một số khách sạn được phong ba, bốn sao nhưng lễ tân yếu tiếng Anh, không thể giao tiếp tốt hay hỗ trợ du khách. “Đó là chưa kể có hiện tượng khách sạn tự phong sao, tự nâng sao mà không có sự đồng ý, xét duyệt của cơ quan có thẩm quyền. Thế nhưng họ quảng cáo vống lên để hút khách hàng. Khách hàng do chưa có thông tin đầy đủ nên dễ mất tiền oan. Điều này không chỉ khiến khách mất niềm tin mà còn ảnh hưởng bất lợi đến kinh doanh của các DN chính thống” – đại diện Công ty Transviet nêu quan điểm.
Vậy cơ quan chức năng cần làm gì để hạn chế tình trạng trên? Đại diện Công ty Transviet kiến nghị cơ quan quản lý cần tiếp tục công bố công khai tên các khách sạn sai phạm. Đồng thời phải khách quan, công tâm trong việc rà soát, đánh giá sao khách sạn; giám sát chặt chẽ và chấn chỉnh kịp thời khi phát hiện các dịch vụ, chất lượng phục vụ không đạt yêu cầu để DN sửa chữa.
Trước những đề nghị này, ông Siêu cho hay việc kiểm tra, giám sát là hoạt động thường xuyên của cơ quan chức năng. Qua đó để chấn chỉnh công nhận hạng sao của các khách sạn.
Theo quy định của Tổng cục Du lịch, khách sạn đạt tiêu chuẩn xếp hạng 1-5 sao là khách sạn có cơ sở vật chất, trang thiết bị, chất lượng phục vụ cao đáp ứng được nhu cầu đa dạng của khách du lịch về ăn nghỉ, sinh hoạt, giải trí theo tiêu chuẩn của từng hạng, phù hợp với tiêu chuẩn quốc tế. Sao khách sạn càng nhiều thì yêu cầu càng cao, được đánh giá thông qua các chỉ tiêu: Vị trí, kiến trúc; trang thiết bị, tiện nghi phục vụ; dịch vụ và mức độ phục vụ; nhân viên phục vụ; vệ sinh. Trong đó, quy định về chất lượng và thái độ phục vụ khách sạn bốn sao là chất lượng phục vụ và thái độ phục vụ rất tốt, tận tình, chu đáo, luôn sẵn sàng đáp ứng mọi yêu cầu chính đáng của khách… Ông Đặng Tiến Hà, Giám đốc khách sạn BMC (Hà Tĩnh), một trong những khách sạn bị rút công nhận hạng sao, thừa nhận khách sạn bị rút hạng sao do liên quan đến cơ sở vật chất xuống cấp. “Do hoạt động lâu ngày nên một số cơ sở vật chất xuống cấp. Chúng tôi đang tiếp tục nâng cấp, cải tạo, nâng chất lượng dịch vụ để đáp ứng yêu cầu của khách” – ông Hà cam kết.
VIẾT THỊNH – TÚ UYÊN
Theo Phapluat
UBND Q.2 thua kiện, Gateway Thảo Điền phải trả đất lại cho dân
UBND quận 2 phải hủy bỏ quyết định thu hồi gần 700 m đất của 9 người dân thuộc dự án Gateway Thảo Điền do công ty Sơn Kim làm chủ đầu tư.
Sau 3 lần hoãn xử vì nhiều lý do thì hôm nay (ngày 22-6), TAND Q.2 đã đưa ra xét xử sơ thẩm vụ án hành chính giữa nguyên đơn là bà Nguyễn Thị Trường, bà Nguyễn Thị Trường (ở số 175 xa lộ Hà Nội, P.Thảo Điền, Q.2) khởi kiện quyết định hành chính của UBND Quận 2 thu hồi đất trái pháp luật để giao cho Công ty Cổ phần Bất động sản Sơn Kim (gọi tắt là Công ty Sơn Kim) làm chủ đầu tư dự án Gateway Thảo Điền.
Trước những chứng cứ không thể chối cãi của người dân đưa ra, TAND Q.2 đã tuyên buộc UBND Q.2 phải hủy bỏ quyết định thu hồi 675,7 m đất trái pháp luật đối với gia đình bà Nguyễn Thị Trường. Đồng nghĩa với việc dự án Gateway Thảo Điền của Công ty Sơn Kim phải trả đất lại cho người dân.
Tại buổi xét xử, bà Trường vẫn giữ nguyên quyết định khởi kiện, yêu cầu UBND Q.2 phải hủy bỏ quyết định thu hồi đất trái phép số 13672/2010. Theo bà Trường, sau khi nhận quyết định thu hồi đất trên bà đã khiếu nại, vì trước đó Công ty Sơn Kim vẫn chưa đến thỏa thuận bồi thường với gia đình bà, giờ UBND Q.2 thu hồi đất là không đúng quy định.
Thế nhưng, UBND Q.2 đã bác đơn khiếu nại của bà. Sau đó Ban Bồi thường giải phóng mặt bằng Q.2 đã tiến hành cưỡng chế thu hồi đất gia đình bà. Phía Công ty Sơn Kim vẫn không thương lượng bồi thường. Bức xúc, bà nộp đơn khởi kiện UBND Q.2 đến TAND Q.2.
Trả lời Hội đồng xét xử, đại diện Công ty Sơn Kim phản bác ý kiến bà Trường, cho rằng trước đó, Công ty Sơn Kim có đến tiếp xúc thương lượng nhiều lần, nhưng gia đình bà Trường không chịu gặp. Có lần chính UBND P.Thảo Điền, Q.2 đã mời bà Trường đến văn phòng ủy ban cùng Công ty Sơn Kim thỏa thuận bồi thường, nhưng bà Trường không đến.
Tuy nhiên, tại phiên tòa đại diện UBND P.Thảo Điền cho hay không có mời bà Trường. Đối với thông tin Công ty Sơn Kim cho rằng có tiếp xúc với gia đình bà Trường nhiều lần. Khi Hội đồng xét xử truy hỏi bằng chứng, đại diện Công ty Sơn Kim đã không cung cấp được và thừa nhận chỉ đến tiếp xúc... miệng.
Trong khi đó, về phía UBND Q.2 tiếp tục cho rằng, đây là dự án Nhà nước thu hồi đất. Vì vậy, việc quận cưỡng chế thu hồi đất là đúng pháp luật. Tuy nhiên, Hội đồng xét xử cho rằng, trước khi cưỡng chế thu hồi đất, UBND Q.2 đã áp giá đất nông nghiệp mà không thẩm định giá thị trường để bồi thường cho gia đình bà Trường là sai.
Về phía bà Trường, bà cho rằng diện tích đất nói trên là thuộc quyền sở hữu của bà và 8 người con. Tuy nhiên, trong quyết định số 13672 được UBND quận 2 ban hành ngày 15/10/2010, chỉ đề cập đến bà mà không nói gì đến các con của mình.
Bên cạnh đó, luật sư của bà Trường cho rằng, dự án Gateway Thảo Điền là dự án nhà cao tầng kinh doanh, không thuộc diện dự án nhà nước giải tỏa. Mọi thỏa thuận đều là giữa gia đình bà và Công ty Sơn Kim, phía UBND Q.2 chỉ có thể đóng vai trò là đơn vị trung gian để hai bên thỏa thuận với nhau. Do đó, việc UBND quận 2 ban hành quyết định cưỡng chế thu hồi đất của gia đình bà Trường là hoàn toàn trái luật.
Bà Trường vui mừng sau khi Tòa tuyên án.
Sau gần một ngày xét xử liên tục, Hội đồng xét xử đã kết luận, dự án Gateway Thảo Điền là dự án kinh doanh, đây là dự án đã được cơ quan chức năng có thông báo cho phép đầu tư năm 2008, được UBND TP.HCM phê duyệt đầu tư năm 2009. Tuy nhiên, thời điểm này, dự án chưa được xét duyệt bổ sung và đưa vào kế hoạch sử dụng đất.
Đến ngày 16-5-2014 dự án mới được duyệt quy hoạch sử dụng đất đến năm 2020 và kế hoạch sử dụng đất 2011 - 2015. Đồng thời, tại văn bản 199, UBND TP.HCM đã quy định rõ, Công ty Sơn Kim có trách nhiệm hoàn tất thương lượng bồi thường, nhưng công ty lại không thực hiện việc này. Tất cả những bằng chứng công ty cung cấp cho tòa không thể hiện việc có thương lượng với người dân.
Về phía UBND Q.2 áp giá đất nông nghiệp để đền bù cho người dân mà không tiến hành thẩm định giá là sai quy định. Vì vậy, Hội đồng xét xử quyết định, buộc UBND Q.2 hủy bỏ quyết định số 13672 về việc thu hồi 675,7 m đất của gia đình bà Trường.
Như đã thông tin, năm 2008, bà Nguyễn Thị Trường và một số hộ dân ngụ tại phường Thảo Điền, quận 2 nhận được thông báo phần đất mà mình sỡ hữu sẽ bị giải tỏa để giao cho công ty Sơn Kim triển khai dự án Gatetway Thảo Điền.
Thời gian này, các hộ dân có đất nằm trong dự án đã được phía chủ đầu tư thỏa thuận đền bù với giá từ hơn 37 - 39 triệu đồng/ m. Tuy nhiên, riêng phần đất 675,7 m của bà và 8 hộ dân khác, nằm ở mặt tiền Xa lộ Hà Nội lại không thấy bóng dáng chủ đầu tư tới thương lượng giá cả.
Sự việc chưa được giải quyết thì bất ngờ đến ngày 15/10/2010, UBND Q.2 đã ban hành quyết định 13672/QĐ-UBND-TNMT về việc thu hồi diện tích đất nói trên để giao cho công ty Sơn Kim triển khai dự án.
Không đồng ý với quyết định này, bà Trường cùng 8 hộ dân đồng sở hữu mảnh đất đã làm đơn kiến nghị lên UBND quận 2 yêu cầu hủy quyết định trái luật nói trên nhưng bị UBND Q.2 bác đơn kiến nghị. Quá bức xúc, bà Trường và 8 hộ dân còn lại đã khởi kiện cơ quan này ra tòa.
Có thể nói, với kết quả mà Tòa án nhân dân quận 2 tuyên hôm nay, xét về mặt pháp lý, những "lùm xùm" xung quanh việc đền bù, thu hồi đất tại dự án Gateway Thảo Điền cơ bản đã rõ ràng. Tuy nhiên, như thế không có nghĩa là những rắc rối xung quanh vụ việc này đã chấm dứt. Bởi, phần đất của gia đình bà Trường hiện đang được Công ty Sơn Kim sử dụng để triển khai dự án Gateway Thảo Điền.
Nếu Công ty Sơn Kim không thỏa thuận được với gia đình bà Trường để mua lại phần đất nói trên, người thiệt hại cuối cùng chính là những người đã mua căn hộ tại dự án này vì 675,7 m đất này phần lớn đều nằm ở mặt tiền xa lộ Hà Nội.
CA HUY
Theo_PLO
Thu hồi giấy phép của công ty có nhiều sai phạm trong đón khách Trung Quốc Ngày 21-6-2016, Tổng cục Du lịch đã ra Quyết định số 377/QĐ-TCDL về việc thu hồi Giấy phép kinh doanh lữ hành quốc tế của Công ty TNHH Thương mại và Du lịch Silent Bay, có trụ sở tại Nha Trang, Khánh Hòa. Trong hai ngày 17-6 và 18-6-2016, Đoàn kiểm tra của Tổng cục Du lịch đã làm việc và phát hiện...