Bất ngờ với radar TQ soi máy bay tàng hình cách 100 km
Công ty công nghệ quân sự hàng đầu Trung Quốc mới đây đã khiến các nhà vật lý bất ngờ khi tuyên bố phát triển loại radar mới, có khả năng phát hiện máy bay tàng hình ở khoảng cách 100 km.
Máy bay cảnh báo sớm KJ-200 của Trung Quốc.
Theo tờ Bưu điện Hoa nam Buổi sáng (SCMP), bước đột phá mới này dựa trên hiện tượng rối lượng tử hay Albert Einstein gọi là “hành động ma quái từ xa”.
Tập đoàn Công nghệ Điện tử Trung Quốc (CETC), một trong số 10 công ty thuộc ngành công nghiệp quân sự do chính phủ Trung Quốc quản lý trực tiếp tuyên bố, hệ thống radar lượng tử mới đã phát hiện mục tiêu cách 100 km trong lần thử nghiệm gần đây.
Đây là kết quả gấp 5 lần “khoảng cách” mà nhóm nghiên cứu đến từ Canada, Đức, Anh và Mỹ thử nghiệm năm ngoái. Cơ quan nghiên cứu thuộc Bộ Quốc phòng Mỹ (DARPA) cũng tài trợ nghiên cứu tương tự và tập đoàn Lockheed Martin phát triển radar lượng tử riêng phục vụ mục đích chiến đấu. Nhưng tiến trình phát triển dự án quân sự vẫn chưa rõ ràng.
Theo thông báo trên website, CETC nói radar lượng tử đầu tiên của Trung Quốc có “giá trị quân sự quan trọng” bởi nó sử dụng chùm photon lượng tử để phát hiện các vật thể “tàng hình” trước radar thông thường.
Máy bay ném bom chiến lược tầm xa B-2 Spirit của Mỹ.
Video đang HOT
Giáo sư vật lý tại Đại học Nam Kinh Ma Xiaosong, người từng nghiên cứu radar lượng tử nói ông chưa từng thấy “phát hiện mới này trên các phương tiện truyền thông trước đây”.
“Tầm hoạt động hiệu quả của radar lượng tử, do cộng đồng quốc tế nghiên cứu không đạt được 100 km như thông tin mới này”, ông Ma nói.
Giáo sư Shui Langpeng, nhà nghiên cứu radar quân sự tại Đại học Xidian ở tỉnh Thiểm Tây nói, radar mới của Trung Quốc có tầm theo dõi vật thể vượt xa so với thông báo của CETC. “Thông cáo chính thức bao giờ cũng cắt giảm số liệu so với khả năng hoạt động thực tế”.
Nhiều nhà khoa học bất ngờ bởi cho đến gần đây, ý tưởng chế tạo radar lượng tử vẫn còn thuộc về khoa học viễn tưởng.
Các chùm photon phóng đến mục tiêu có thể thu thập thông tin quan trọng như hình dáng, vị trí, tốc độ, nhiệt độ và cả thành phần hóa học của lớp sơn trên thân mục tiêu. Điều này nghe giống với radar thông thường, sử dụng sóng radio nhưng radar lượng tử phát hiện máy bay tàng hình tốt hơn nhiều lần.
Radar cảnh báo sớm gắn trên xe tải của Trung Quốc.
Trên lý thuyết, chỉ cần một photon tiếp cận được mục tiêu và đem thông tin trở lại, radar lượng tử cũng có thể phân tích thành phần, hướng di chuyển và tốc độ của mục tiêu.
Tuy vậy, ông Ma đặt ra những thách thức để biến công nghệ radar lượng tử này đi vào thực tiễn. Các photon phải duy trì trạng thái lượng tử, vốn có thể mất đi do rối loạn trong môi trường không khí, dẫn đến việc hạn chế tầm hoạt động của radar lượng tử.
Nghiên cứu đột phá của CETC không hoàn toàn giới hạn trong việc phát hiện máy bay tàng hình. “Đây là lĩnh vực nghiên cứu hoàn toàn mới”, cơ quan này cho biết, với khả năng phát triển radar cơ động và độ nhạy cao, có thể sống sót trong môi trường tác chiến khắc nghiệt nhất.
Radar lượng tử có thể trở nên cực nhỏ, né tránh tên lửa chống radar của đối phương bởi hiện tượng rối lượng tử là không thể theo dõi được.
Theo Đăng Nguyễn – SCMP (Dân Việt)
TQ thử nghiệm J-20, thách thức Mỹ ở Thái Bình Dương
Trung Quốc đang thử nghiệm chiến đấu cơ tàng hình đầu tiên ở vùng núi gần biên giới Ấn Độ nhưng trong tương lai, J-20 sẽ được điều đến tuần tra Thái Bình Dương, nhằm đối trọng với tiêm kích F-22 và F-35 Mỹ.
Chiến đấu cơ tàng hình J-20 của Trung Quốc.
Theo Sputnik News, tuần trước, chiến đấu cơ tàng hình thế hệ 5 J-20 của Trung Quốc được phát hiện ở vùng núi thuộc khu tự trị Tây Tạng, gần biên giới với Ấn Độ.
J-20 xuất hiện ngay sau khi Bộ Quốc phòng Trung Quốc cảnh báo Ấn Độ, về việc New Delhi điều tên lửa hành trình siêu thanh BrahMos đến gần biên giới hai nước. Giới phân tích nhận định, đây được coi là động thái đáp trả của Trung Quốc.
Tuy nhiên, chuyên gia quân sự Nga Vasiliy Kashin cho rằng, việc thử nghiệm trang thiết bị quân sự ở tầm cao đã trở thành ưu tiên hàng đầu của quân đội Trung Quốc, dù là ở địa điểm nào."Có khả năng Trung Quốc cố tình tung ảnh lên mạng internet nhưng việc thử nghiệm máy bay chiến đấu ở tầm cao là điều sớm muộn cũng diễn ra", ông Kashin nói.
Trong những năm qua, quân đội Trung Quốc đã đạt tiến bộ lớn về việc thử nghiệm thiết bị quân sự ở tầm cao. Nhiều tên lửa tầm, trung, tầm xa, máy bay chiến đấu và trực thăng đã trải qua thử nghiệm tại khu vực sân bay trên núi.
"Trung Quốc có lý do để tiến hành thử nghiệm ở vùng núi cao. Vì đây là khu vực có không khí loãng và nhiệt độ thấp, các trang thiết bị quân sự cần phải làm quen với thời tiết khắc nghiệt", ông Kashin giải thích.
Ông Kashin tin rằng, Ấn Độ không cần thiết phải lo ngại hoạt động thử nghiệm quân sự mới nhất của Trung Quốc. "Nếu nhắc đến hệ quả thực sự đối với an ninh Ấn Độ, các máy bay như J-10 hay J-11B còn tạo ra mối đe dọa lớn hơn việc thử nghiệm J-20".
Chiến đấu cơ J-20 được cho là vẫn còn kém xa tiêu chuẩn tiêm kích thế hệ 5 so với F-22 Mỹ.
"Ấn Độ đã có thể đảm bảo thế cân bằng sức mạnh bởi New Delhi sở hữu tên lửa phòng không S-400 của Nga, máy bay chiến đấu Sukhoi Su-30MKI và đang hợp tác với Nga trong chương trình phát triển máy bay tàng hình thế hệ 5 (FGFA)", ông Kashin cho biết.
Chuyên gia quân sự Nga nhận định, chiến đấu cơ J-20 sau khi trải qua thử nghiệm ở vùng núi phía tây Trung Quốc, sẽ được điều đến tuần tra vùng biển tây Thái Bình Dương.
J-20 phù hợp hơn với mục đích tuần tra, chiến đấu ở Thái Bình Dương, nhằm đối trọng với tiêm kích F-22 và F-35 của Mỹ. Trong tương lai, các đồng minh Mỹ như Nhật Bản và Australia hoàn toàn có khả năng sở hữu mẫu máy bay tiêm kích hiện tại này khiến Trung Quốc lo ngại.
J-20 là máy bay chiến đấu thế hệ 5 hai động cơ với tính năng tàng hình vượt trội, có thể giúp chiến đấu cơ Trung Quốc biến mất trên màn hình radar đối phương trong một khoảng thời gian nhất định.
Theo những báo cáo gần đây, với tốc độ chế tạo hai chiếc J-20 mỗi tháng, Trung Quốc có khả năng sở hữu 36 chiến đấu cơ tàng hình J-20 vào đầu năm 2018.
Theo Đăng Nguyễn - Sputnik (Dân Việt)
Mỹ tiết lộ tên máy bay ném bom tàng hình thay thế B-52 Không quân Mỹ ngày 19.9 thông báo máy bay ném bom tầm xa thế hệ mới của nước này sẽ được đặt tên là "B-21 Raider. Mỹ phát triển máy bay ném bom tầm xa thế hệ mới để thay thế oanh tạc cơ B-52. Cựu chiến binh Richard E. Cole, 101 tuổi, thành viên duy nhất còn sống hiện tại của phi...