Bất ngờ với ‘người chiến thắng’ trong thoả thuận khôi phục quan hệ giữa Iran và Saudi Arabia
Iran – Saudi Arabia sẽ chấm dứt 7 năm rạn nứt ngoại giao và các nhà phân tích cho rằng thỏa thuận này có thể dẫn đến những tác động trên phạm vi rộng.
Nhà ngoại giao hàng đầu của Trung Quốc Vương Nghị, Thư ký Hội đồng An ninh Quốc gia Tối cao Iran, Ali Shamkhani, và Bộ trưởng Ngoại giao – Cố vấn An ninh quốc gia của Saudi Arabia, ông Musaad bin Mohammed al-Aiban tại lễ ký kết thỏa thuận. Ảnh: China Daily/Reuters
Iran và Saudi Arabia đã đồng ý thiết lập lại quan hệ ngoại giao trong một thỏa thuận do Trung Quốc làm trung gian. Thỏa thuận được ký kết tại Bắc Kinh ngày 10/3 cho biết các ngoại trưởng của hai nước sẽ gặp nhau để thảo luận về các sứ mạng ngoại giao giữa hai bên trong vòng hai tháng, đánh dấu kết thúc rạn nứt ngoại giao kéo dài 7 năm qua.
Tại Iran, thỏa thuận này nhìn chung được hoan nghênh. Các quan chức cấp cao ca ngợi đây là một bước hướng tới giảm căng thẳng và củng cố an ninh khu vực. Còn các phương tiện truyền thông bảo thủ chủ yếu tập trung vào bình luận rằng thỏa thuận này báo hiệu một “thất bại” đối với Mỹ và Israel.
Trong số này có một số tờ báo đã từng ăn mừng vào năm 2016, thời điểm Riyadh cắt đứt quan hệ chính trị với Tehran sau khi các cơ quan ngoại giao của nước này ở Iran bị tấn công. Thời điểm đó, làn sóng biểu tình đã nổ ra ở Iran sau khi Saudi Arabia, vương quốc với đa số dân là người Hồi dòng Sunni, thi hành án tử hình một nhà lãnh đạo Hồi giáo dòng Shia nổi tiếng. Khi đó, Lãnh tụ tinh thần tối cao của Iran Ali Hosseini Khamenei cũng đã lên án các nhà lãnh đạo Saudi Arabia.
Các cuộc đàm phán về nối lại quan hệ giữa Iran và Saudi Arabi đã được bắt đầu vào tháng 4/2021, và đi đến kết quả tích cực nhờ những nỗ lực của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình, người đã đến thăm Saudi Arabia vào tháng 12/2022 và tiếp đón Tổng thống Iran Ebrahim Raisi vào tháng 2 vừa qua.
Thỏa thuận nối lại quan hệ vào ngày 10/3 đã được chào đón với sự lạc quan của Iraq và Oman – những quốc gia trước đây từng làm trung gian cho các cuộc đàm phán – và nhiều nước khác trong khu vực, trong khi nó được Mỹ hoan nghênh một cách thận trọng.
Hai bên sẽ vẫn thận trọng
Theo nhà phân tích chính trị Diako Hosseini tại Tehran, thỏa thuận trên là một bước phát triển tích cực nhưng chỉ là một trong nhiều bước đi.
Video đang HOT
“Saudi Arabia có thể sẽ vẫn thận trọng trong các giao dịch kinh tế với Iran vì họ không muốn bị Mỹ trừng phạt. Và bình thường hóa không nhất thiết có nghĩa là hai bên tin tưởng lẫn nhau” – ông Hosseini nói với kênh Al Jazeera – “Dù sao đi nữa, việc giảm căng thẳng ở Yemen, Liban, Syria và Iraq vẫn có thể mang lại nhiều lợi ích cho cả hai bên.”
Ông Hosseini nói thêm rằng việc chấm dứt cuộc chiến kéo dài 8 năm ở Yemen, nơi Iran và Saudi Arabia ủng hộ các bên đối lập nhau, có thể là kết quả cuối cùng quan trọng nhất của thỏa thuận, nhưng đó sẽ là một mục tiêu khó đạt được.
“Mức độ mất lòng tin cao và cường độ cạnh tranh địa chính trị có thể khiến xu hướng giảm căng thẳng bị đảo ngược. Để đạt được thành công, cả hai nước cần bắt đầu những nỗ lực liên tục và lâu dài, đồng thời thử những cách đáng tin cậy để đảm bảo lợi ích chung”, chuyên gia Hosseini lưu ý.
Theo ông Hosseini, Trung Quốc là người chiến thắng lớn trong thỏa thuận, vì họ đã củng cố phạm vi tiếp cận ảnh hưởng một cách hợp pháp của mình trên toàn khu vực.
“Thực tế là, không chỉ Trung Quốc trở thành người bảo lãnh cho thỏa thuận này, nó còn cho thấy rằng Mỹ không thể bỏ qua vai trò của Trung Quốc trong các thỏa thuận an ninh của Vịnh Ba Tư, một khu vực mà các nguồn dự trữ năng lượng và tuyến đường vận chuyển quan trọng đối với nền kinh tế Trung Quốc hơn với Mỹ”, ông nói.
Ông Ali Shamkhani, một cố vấn thân cận của Lãnh tụ Iran Ali Khameni (phải) bắt tay nhà ngoại giao Vương Nghị trong cuộc họp với Ngoại trưởng, Cố vấn An ninh quốc gia Saudi Arabia, Mohammed al-Aiban ở Bắc Kinh. Ảnh: AFP/Getty Images
Giảm căng thẳng
Thomas Juneau, phó giáo sư tại Trường Cao học Quan hệ Công chúng và Quốc tế của Đại học Ottawa (Canada), đồng ý rằng thỏa thuận ngày 10/3 có thể chỉ giúp giảm căng thẳng hơn là giải quyết những khác biệt sâu sắc.
Ông nói với Al Jazeera: “Căng thẳng Iran-Saudi đã lên xuống trong nhiều thập kỷ, nhưng mức độ căng thẳng giữa hai nước luôn ở mức cao”, đồng thời cho biết thêm rằng, một Saudi Arabia đang mệt mỏi tìm cách thoát khỏi cuộc xung đột Yemen, và thỏa thuận với Tehran có thể giúp dẫn đến một thỏa thuận với phiến quân Houthi ở Yemen, do Iran hậu thuẫn.
Ông Juneau cho rằng: “Một thỏa thuận Houthi-Saudi Arabia sẽ chứng kiến bạo lực thay đổi, chứ không ngừng lại”.
Theo ông, Iran có thể nhượng bộ nhỏ về Yemen, nhưng sẽ không đồng ý chấm dứt hỗ trợ cho Houthi như một phần của bất kỳ thỏa thuận nào với Saudi Arabia.
“Sự hỗ trợ của Iran dành cho Houthi đã cho phép nước này xây dựng ảnh hưởng đáng kể ở phía Tây Nam Bán đảo Arab. Iran sẽ không từ bỏ công cụ quan trọng này”.
Ý nghĩa của các thỏa thuận trong quá khứ
Iran và Saudi Arabia đã có một lịch sử đầy sóng gió trong vòng chưa đầy một thế kỷ thiết lập quan hệ ngoại giao chính thức. Mối quan hệ này cũng chứng kiến nhiều thăng trầm kể từ cuộc cách mạng Hồi giáo năm 1979 ở Iran.
Vương quốc Saudi Arabia ủng hộ chính quyền cựu Tổng thống Saddam Hussein của Iraq khi Baghdad đưa quân vào Iran những năm 1980 nhưng vẫn theo đuổi mối quan hệ chặt chẽ hơn với Tehran sau khi chiến tranh kết thúc.
Tehran và Riyadh đã trở nên thân thiết hơn trong nhiệm kỳ của Tổng thống theo chủ nghĩa cải cách Mohammad Khatami ở Iran, và đã ký một thỏa thuận hợp tác chung vào năm 1998 và một thỏa thuận hợp tác an ninh vào năm 2001.
Trong văn bản của thỏa thuận khôi phục quan hệ vừa ký kết đã đề cập trực tiếp đến hai thỏa thuận được ký từ hàng chục năm trước và đây được cho là một bước phát triển quan trọng.
Ông Sina Toossi, thành viên cấp cao tại Trung tâm Chính sách Quốc tế ở Washington, D.C., cho rằng: việc hai thỏa thuận trong lịch sử có thể được xem là sự thừa nhận đối với quan hệ tích cực từng tồn tại giữa Iran và Saudi Arabia vào cuối những năm 1990, đầu 2000. Bằng cách đề cập đến giai đoạn quan hệ tích cực này, thỏa thuận vừa ký có thể được coi là một nỗ lực khôi phục lại tinh thần hợp tác này giữa hai nước”.
Theo ông Toossi, việc đề cập đến những thỏa thuận trước đây cũng làm nổi bật tiềm năng tăng cường hợp tác và đối thoại giữa hai nước.
“Hai bên đang ngầm thừa nhận rằng có những điểm chung giữa họ về các vấn đề như an ninh khu vực và hợp tác kinh tế. Những thỏa thuận trong quá khứ này có thể đóng vai trò là điểm khởi đầu cho các cuộc thảo luận trong tương lai giữa hai nước nhằm giải quyết những khác biệt của họ”.
Tuy nhiên, vẫn còn phải chờ xem hai bên sẽ xử lý một số vấn đề nhạy cảm như thế nào, trong đó có những lo ngại về các chương trình quân sự và hạt nhân của họ, bên cạnh các vấn đề nội bộ.
Iran và Saudi Arabia nhất trí khôi phục quan hệ ngoại giao
Tuyên bố chung được các phái đoàn hai nước đưa ra sau thảo luận nêu rõ Iran-Saudi Arbaia nhất trí nối lại quan hệ ngoại giao, mở lại đại sứ quán và phái đoàn ngoại giao ở mỗi nước trong 2 tháng tới.
Quốc kỳ Iran và Saudi Arabia. (Nguồn: Getty Images)
Ngày 10/3, Iran và Saudi Arabia đã nhất trí tái thiết lập quan hệ ngoại giao và mở lại các cơ quan ngoại giao ở mỗi nước.
Hãng thông tấn IRNA của Iran dẫn tuyên bố chung được các phái đoàn hai nước đưa ra sau các cuộc thảo luận tại Trung Quốc nêu rõ Iran và Saudi Arbaia nhất trí nối lại các quan hệ ngoại giao, mở lại các đại sứ quán và các phái đoàn ngoại giao ở mỗi nước trong vòng 2 tháng tới.
Tuyên bố chung cũng được Hãng thông tấn chính thức của Saudi Arabia (SPA) đăng phát.
Quan hệ ngoại giao giữa hai nước bị gián đoạn sau khi xảy ra vụ việc người biểu tình Iran tấn công trụ sở các phái đoàn ngoại giao Saudi Arabia tại nước này vào năm 2016 liên quan tới việc Riyadh tử hình Giáo sỹ Hồi giáo dòng Shiite Nimr al-Nimr.
Đầu tuần này, Thư ký Hội đồng An ninh quốc gia tối cao Iran Ali Shamkhani đã tới Bắc Kinh để tham gia các cuộc đàm phán với người đồng cấp Saudi Arabia tìm giải pháp tháo gỡ những vấn đề trong quan hệ song phương.
Trong tuyên bố chung, hai nước cũng đã gửi lời cảm ơn tới Iraq và Oman vì đã nỗ lực làm trung gian tổ chức các cuộc hòa giải giữa Riyadh và Tehran trong các năm 2021 và 2022 cũng như các quan chức và Chính phủ Trung Quốc đã tổ chức và ủng hộ các cuộc đàm phán mang đến kết quả lần này.
Người phát ngôn Hội đồng An ninh quốc gia Mỹ cho biết chính phủ nước này đã nhận được thông tin về việc Iran và Saudi Arabia khôi phục quan hệ ngoại giao, đồng thời khẳng định Washington hoan nghênh mọi nỗ lực nhằm giảm căng thẳng ở khu vực Trung Đông, giúp chấm dứt cuộc xung đột ở Yemen.
Trung gian thành công thỏa thuận Saudi Arabia - Iran, Trung Quốc khiến Mỹ lo lắng? Sự môi giới thỏa thuận thành công cho thấy sức mạnh và ảnh hưởng ngày càng tăng của Trung Quốc, đồng thời cho thấy sự hiện diện toàn cầu của Mỹ đang bị thu hẹp. Thỏa thuận bất ngờ giữa Iran và Saudi Arabia nhằm khôi phục quan hệ ngoại giao có thể khiến Mỹ lo lắng. Ảnh: Reuters Theo hãng tin Reuters,...