Bất ngờ với căn nhà cổ trăm tuổi đẹp hiếm có của cặp vợ chồng người Huế
Sau nhiều năm sống ở đô thị lớn, vợ chồng chị Huyền trở về xứ Huế, chọn mua một ngôi nhà cổ trăm tuổi bị bỏ hoang lâu năm để cải tạo thành ngôi nhà vườn trong mơ.
Ngôi nhà của vợ chồng chị Hà Huyền (TP. Huế) được cải tạo lại từ 1 căn nhà cổ đã xuống cấp, bỏ không nhiều năm. Công trình nằm trên trục đường Nguyễn Phúc Nguyên – một trong những con đường thơ mộng nhất xứ Huế, nơi nhìn thẳng ra con sông Hương và chỉ cách Đại nội Huế chừng 4 km.
Sau khi được chia sẻ trên mạng, vẻ đẹp mộc mạc cùng khung cảnh sống bình yên của cặp vợ chồng Huế nhanh chóng nhận được nhiều chia sẻ, quan tâm. Ngôi nhà cũng được nhiều người mệnh danh là “ngôi nhà trong mơ”, “ngôi nhà cổ hiếm có khó tìm”…
Góc nhỏ bình yên đẹp như mơ của ngôi nhà
Vợ chồng chị Huyền mất hơn 3 tháng để cải tạo lại ngôi nhà cổ. Cặp đôi đã nhờ những người bạn, người thân là chuyên gia trong lĩnh vực bảo tồn kiến trúc đến nhà, trực tiếp thẩm định lại các kết cấu gỗ, lên phương án để cải tạo hợp lý nhất.
Để hoàn thiện ngôi nhà với phong cách Huế đặc trưng cả hai chuẩn bị thêm những chi tiết, vật dụng đồng bộ đồng thời tìm mua, sưu tầm những tấm bình phong, bể cạn trang trí trong nhà…
“Nếu ngày nay nhiều người nghĩ rằng nhà cũ, nhà một tầng, nhà cấp 4 là “nhà nghèo” thì ở thời điểm trước đây, quan điểm này hoàn toàn không chính xác. Những ngôi nhà cổ này đều từng là tài sản quý của quan lại triều Nguyễn nên bộ khung gỗ thường rất tốt, chất liệu từ gỗ quý, các chi tiết chạm trổ tinh xảo mà thời nay khó tìm kiếm được. Cũng vì thế mà việc trùng tu ngôi nhà cho tốt nhất không hề dễ dàng, nó đòi hỏi sự đầu tư về công sức, kỹ thuật, mỹ cảm và cả chi phí vật chất.”, chị Hà Huyền chia sẻ.
Được biết, chi phí để cải tạo lại ngôi nhà cổ của vợ chồng chị Huyền mất khoảng 1 tỷ đồng.
Vợ chồng chị Huyền tìm đến ngôi nhà này như “một cái duyên”. Khi anh chị đến tìm mua, ngôi nhà đã bị bỏ không nhiều năm. Khu vườn xung quanh nhà chỉ còn vài cây chuối, cây ăn quả mọc hoang dại.
Cả hai vợ chồng đã cùng bắt tay vào cải tạo lại và biến nơi đây trở thành “ngôi nhà lý tưởng”
Video đang HOT
Hình ảnh ngôi nhà trước khi cải tạo với nhiều hạng mục đã xuống cấp
Vợ chồng chị Huyền mất 3 tháng để cải tạo lại ngôi nhà. Vì muốn giữ kiến trúc cổ, cặp đôi đã bảo tồn tối đa những chi tiết cổ kính của ngôi nhà.
Ngôi nhà được xây dựng theo lối kiến trúc truyền thống miền Trung gồm một gian hai chái. Sau này, người chủ cũ đã cải tạo ngôi nhà thành nhà ba gian, nhưng những nét kiến trúc chính của công trình vẫn còn được giữ nguyên, gồm hệ thống cột, kèo chắc chắn.
Ngôi nhà giữ những nét cổ kính của kiến trúc Huế xưa
Các hoa văn chạm trổ bên trong ngôi nhà
Kể từ khi về đây, gia đình nhỏ có thể tự cung tự cấp nguồn rau sạch, hoàn toàn không phải mua rau ở chợ. “Mùa nào thức ấy, mình có đủ lượng rau để cung cấp cho bữa ăn của gia đình”, chị Huyền cho biết.
Chị Huyền cũng bắt đầu có không gian để thỏa mãn niềm yêu thích trồng hoa hồng, từ giống nội đến giống nhập ngoại. Mỗi ngày cả gia đình đều dành khoảng 1 tiếng rưỡi cho việc chăm sóc khu vườn. “Mình chủ yếu là tỉa cành, chăm hoa, thỉnh thoảng bắt sâu. Những việc nặng hơn thì chồng và con trai lớn đều xung phong đảm nhiệm”, chị Huyền hạnh phúc chia sẻ.
Cây mít sai trĩu trịt quả trong khu vườn nhà chị Huyền
Những khóm hồng khoe sắc trong khu vườn nhà chị Huyền
“Mỗi ngày, sau khi tỉnh dậy, hai vợ chồng đều ngay lập tức cùng nhau ra vườn tận hưởng không khí trong lành và ngắm nhìn sự thay đổi kì diệu của cây cối chỉ sau một đêm. Hai con mình đều phát triển mạnh khỏe hơn kể từ khi về đây vì được chạy nhảy thoải mái, tận hưởng ánh sáng và không khí trong lành”, chị Huyền tâm sự.
Căn bếp cũng “thuận tự nhiên” của chị Huyền. Chị tận dụng gỗ cũ để đóng kệ, tủ và sơn sửa lại theo ý thích.
Được biết, chi phí để cải tạo lại ngôi nhà cổ của vợ chồng chị Huyền mất khoảng 1 tỷ đồng.
Một góc nhỏ trong nhà để trưng bày tranh, ảnh
Hương Thảo (dantri.vn)
Nhà vườn An Hiên Vẻ đẹp bình yên còn nguyên vẹn nơi Cố Đô
Nhà vườn là một loại hình kiến trúc đặc trưng của xứ Huế, nó vừa có dáng vẻ quý tộc lại vừa có màu sắc dân gian truyền thống. Hiện nay ở Huế còn tồn tại hàng trăm ngôi nhà vườn với kiến trúc vô cùng độc đáo.
Có lẽ nhà vườn An Hiên là công trình tiêu biểu nhất và đặc sắc nhất của cố đô Huế.
Tọa lạc tại sô 58 đường Nguyễn Phúc Nguyên, thôn Xuân Hòa, xã Hương Long, TP.Huế nằm quay mặt về phía dòng sông Hương thơ mộng. Bên cạnh những kiến trúc thành quách, cung đình, lăng tẩm... nhà vườn An Hiên vẫn giữ cho mình những nét đẹp riêng, vừa mang nét tinh hoa quý tộc, lại vừa có màu sắc dân gian truyền thống.
Lối vào nhà vườn (ảnh sưu tầm)
Nhà vườn An Hiên được xây dựng vào cuối thế kỷ thứ 19. Theo như sử sách ghi lại, trước năm 1895, nơi đây là phủ của công chúa thứ 18 của vua Dục ức. Tuy nhiên vì biến cố năm 1920, An Hiên thuộc quyền quản lý của ông Tùng Lễ. Năm 1936, Nguyễn Đình Chi là chủ sở hữu của ngôi nhà được bán lại từ ông Tùng Lễ. Năm 1940, Nguyễn Đình Chi qua đời và để lại khu nhà vườn cho bà Đào Thị Xuân Yến (vợ ông) quản lý. Bà Đào Thị Xuân Yến cũng là chủ sở hữu dài nhất và là người đưa nhà vườn An Hiên ra phát triển mạnh hơn cả. Mặc dù đã trải qua hơn một thế kỷ tồn tại, nhưng không gian kiến trúc của ngôi nhà vẫn giữ được đặc tính cổ xưa của nó cho đến nay .
Khuôn viên của nhà vườn An Hiên có diện tích 4.608 m2, mặt nhìn về hướng Nam. Khuôn viên được xây dựng theo lối kiến trúc truyền thống: là một ngôi nhà 3 gian 2 chái. Gian giữa là gian thờ, với nguyên tắc bày trí "tiền Phật hậu linh". Hai gian hai bên là nơi tiếp khách theo nguyên tắc "tả nam hữu nữ", hai chái nhà cũng tương tự, bên trái là nơi sinh hoạt của nam và bên phải là nơi sinh hoạt của nữ.
Gian thờ chính của Nhà vườn An Hiên (ảnh sưu tầm)
Lối vào nhà vườn là một cổng vòm nhỏ được xây dựng bằng gạch vôi vữa. Dọc theo lối đi là hai dãy cây mận trắng đan tầng vào nhau, tỏa bóng mát cả một vùng. Rẽ phía trái bạn sẽ nhìn thấy hồ nước hình chữ nhật được bao phủ hoàn toàn bởi hoa súng và hoa sen. Ngoài ra trong sân vườn còn trồng thêm rất nhiều loại cây ăn quả như quýt, măng cụt, sầu riêng, thanh long, mơ, hồng, vải thiều, thanh trà...
Toàn bộ cấu trúc khung trong nhà đều được làm bằng gỗ. Những hoa văn, họa tiết đều được chạm trổ và điêu khắc vô cùng tình tế. Mái lợp ngói liệt nhiều lớp, bờ nóc hai bên đắp rồng chầu, ở giữa đỉnh mái có hình hoa sen. Ngôi nhà có nhiều kỷ vật quý của cung đình triều Nguyễn. Đó là bức hoành phi đề 4 chữ "Văn Võ Trung Hiếu" do vua Bảo Đại ban tặng cho gia đình năm 1937, hiện treo ở gian giữa, và nhiều bài thơ của vua Thành Thái, hiện cũng được treo ở nơi tiếp khách trong nhà.
Đến đây du khách được thưởng thức những làn điệu dân ca Huế.
Hiện nay nhà vườn An Hiên là một địa chỉ văn hóa, điểm dừng chân quen thuộc của những du khách khi tới Huế. Đến nơi đây bạn sẽ được tham quan ngôi nhà và khu vườn, tìm hiểu cuộc đời của nữ chủ An Hiên xưa, ngoài ra du khách còn được thưởng thức thêm chương trình ca Huế được biểu diễn trong ngôi nhà rường mới dựng lên ở góc vườn.
Theo petrotimes
Tìm hiểu về cây tùng la hán: Ý nghĩa của cây và tuổi nào nên đặt trong nhà Cây tùng la hán vốn là loại cây khá hiếm nhưng hiện nay không khó tìm bởi được các nhà vườn nhân giống để đáp ứng nhu cầu của khách hàng. Với những người chơi cây cảnh chuyên nghiệp hay đến cả những người chỉ đơn giản đang tìm kiếm một loại cây thích hợp trồng trong nhà thì chắc hẳn đều biết...