Bất ngờ thi sinh Hà Giang 9 điểm Toán sau chấm thẩm định bị “điểm liệt”, trượt tốt nghiệp
Theo kết quả chấm thẩm định của Bộ Giáo dục và Đào tạo, ba thí sinh thuộc top cao nhất cả nước ở Hà Giang đều bị giảm từ 8 đến hơn 20 điểm.
Hình ảnh điểm thật của thí sinh SBD 05001… có điểm số trước khi chấm thẩm định là Toán 9; Vật lý 9,5; Hóa học 9.
Ngày 17/7, ngay khi Bộ Giáo dục và Đào tạo hoàn tất việc chấm thẩm định toàn bộ bài thi trắc nghiệm ở Hà Giang, điểm thi của thí sinh toàn tỉnh được cập nhật, thay cho kết quả công bố ngày 11/7.
Theo thống kê của Ban chỉ đạo thi THPT Quốc gia và Ban chỉ đạo thi THPT Quốc gia tỉnh Hà Giang, sau quá trình rà soát, 102 bài thi Toán đã chênh lên từ 1 điểm đến 8 điểm (điểm chấm thẩm định là 1; điểm đã công bố là 9 ).
Cụ thể, số báo danh 05000… có điểm thi công bố ngày 11/7 là 9,8 Toán; 8,5 Ngữ văn và 9,8 tiếng Anh (28,1 điểm khối D), hôm nay trừ Ngữ văn, các môn thi khác đều giảm sâu.
Môn Toán của em chỉ còn 5,6; tiếng Anh 6,4, tổng điểm khối D còn 20,5. Các môn thi khác là Lịch sử, Địa lý, Khoa học xã hội của thí sinh này đều bị dưới trung bình, chỉ đạt 2 đến 4 điểm.
Thí sinh có số báo danh 05000… theo công bố của Bộ ngày 11/7 có tổng điểm khối A cao thứ ba cả nước, với là 28,6 (Toán 9,6; Vật lý 9,5; Hóa học 9,5). Với 9,75 điểm môn Sinh học, em này cũng thuộc tốp đầu cả nước ở khối B với 28,85 điểm.
Tuy nhiên, theo kết quả chấm thẩm định, điểm số từng môn của nữ sinh đều giảm mạnh. Toán còn 6,2; Vật lý 4,75; Hóa học 6,75 và Sinh học 7,5. Tổng điểm khối A và B của em giảm 9-10 so với mức công bố trước đó.
Số báo danh 05000… có điểm Toán từ 9,6 giảm xuống còn 7,4; Vật lý từ 9,75 giảm còn 7, đặc biệt tiếng Anh từ ngưỡng điểm cao 9,6 bị tụt xuống 3,2.
Cả ba thí sinh có kết quả thi cao nhất cả nước, nay bị đánh tụt điểm, đều là cựu học sinh trường THPT chuyên tỉnh Hà Giang.
Video đang HOT
Bất ngờ nhất là thí sinh SBD 05001… có điểm số trước khi chấm thẩm định là Toán 9; Vật lý 9,5; Hóa học 9.
Sau khi chấm lại, môn Toán của thí sinh này đạt 1 điểm; Vật lý 2,75; Hóa học 3. Thí sinh này trượt tốt nghiệp vì bị điểm liệt (từ 1 trở xuống).
Nhiều thí sinh khác thuộc top 100 em có điểm cao nhất Hà Giang cũng có kết quả thẩm định thấp hơn nhiều điểm thi công bố trước đó.
Cụ thể, thí sinh số báo danh 0500…. đứng thứ ba tỉnh Hà Giang có điểm các môn Toán, Vật lý, tiếng Anh lần lượt là 9,6; 9,75 và 9,2. Nay, kết quả rớt xuống tương ứng là Toán 2,6; Vật lý 3; tiếng Anh 2,6. Như vậy, thí sinh này đã được nâng tới hơn 20 điểm.
Một thí sinh khác cũng có mức điểm chênh lệch lên đến 20,65 điểm là thí sinh có số báo danh xxxx974. Điểm công bố ban đầu là 27,65 điểm (Toán 9,40, Ngoại ngữ 9, Vật lý 9,25) nhưng điểm thực chỉ đạt 7 điểm. Trong đó, Toán 2,80, Ngoại ngữ 2,20, Vật lý 2,00.
Từ dữ liệu trích xuất, nếu năm nay các trường ĐH yêu cầu điểm sàn từ 13 điểm thì có ít nhất hơn 20 thí sinh trong danh sách các thí sinh có khối A1 cao nhất cả nước này sau khi công bố điểm thực không đủ điểm để nộp hồ sơ xét duyệt.
Trước đó, thông tin từ Bộ GD-ĐT cho biết, Hà Giang có 3 thí sinh trong danh sách 11 em có điểm số cao nhất kỳ thi THPT quốc gia 2018. Đây cũng là tỉnh có nhiều học sinh nhất trong top này.
Những thí sinh trên thuộc trường THPT chuyên Hà Giang có điểm số thi THPT Quốc gia chênh lệch xa so với điểm thi thử.
Theo thống kê, sau quá trình rà soát, 102 bài thi Toán đã chênh lên từ 1,0 điểm đến 8,0 điểm (điểm chấm thẩm định là 1,0; điểm đã công bố là 9,0 điểm);
85 bài thi Vật lý đã chênh lên từ 1,0 điểm đến 7,75 điểm (điểm chấm thẩm định là 1,0; điểm đã công bố là 8,75 điểm);
56 bài thi Hóa đã chênh lên từ 1,0 điểm đến 8,75 điểm (điểm chấm thẩm định là 0,75; điểm đã công bố là 9,5 điểm);
8 bài thi Sinh đã chênh lên từ 1,0 điểm đến 4,25 điểm (điểm chấm thẩm định là 4,75; điểm đã công bố là 9,0 điểm);
9 bài thi Lịch sử đã chênh lên từ 1,0 điểm đến 7,25 điểm (điểm chấm thẩm định là 2,5; điểm đã công bố là 9,75 điểm);
3 bài thi Địa lí đã chênh lên từ 1,25 điểm đến 3,0 điểm (điểm chấm thẩm định là 6,0; điểm đã công bố là 9,0 điểm);
52 bài thi tiếng Anh đã chênh lên từ 1,4 điểm đến 7,8 điểm (điểm chấm thẩm định là 1,2; điểm đã công bố là 9,0 điểm);
Tất cả 114 thí sinh, với hơn 330 bài thi, có tổng điểm đã công bố chênh lên hơn 1,0 điểm so với điểm chấm thẩm định. Không ít thí sinh có tổng điểm chênh lên hơn 20 điểm so với điểm chấm thẩm định. Có thí sinh có tổng điểm được làm tăng lên đến 26,8 điểm, thậm chí 29,95 điểm so với điểm chấm thẩm định.
Theo NetNews/TTT
Gian lận thi cử ở Hà Giang: Sau phanh phui quyết liệt là gì?
Muốn giáo dục đi đúng hướng thì phải triệt tiêu những nhu cầu xã hội giả tạo và hình thức.
Nhờ phản ánh của Báo chí và dư luận về những bất thường trong số liệu thống kê về phổ điểm thi tại Hà Giang, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã vào cuộc để tiến hành điều tra. Với tinh thần làm việc kịp thời, nhanh chóng và quyết liệt, những chiêu trò gian lận "hô biến" kết quả thi đã bị phanh phui. Bộ GD&ĐT cũng đã thẳng thắn thừa nhận và công khai những sai sót, tiêu cực trong công tác tổ chức thi tại Hà Giang. Tác giả cho rằng đây là hành động bước đầu rất đáng được ghi nhận của cơ quan chủ quản ngành giáo dục nước nhà.
Dư luận vẫn đang tiếp tục chờ đợi những hành động tiếp theo của Bộ GD&ĐT trong việc xử lý các vi phạm nghiêm trọng tại Hà Giang nói riêng và vấn đề minh bạch, công bằng trong thi cử nói chung. Bởi lẽ, nếu chỉ dừng lại ở việc xử lý các đối tượng vi phạm và tiếp tục rút kinh nghiệm cho những lần thi sau thì e rằng sẽ còn những "quả bom" hẹn giờ khác, có điều kín đáo, tinh vi và khó phát hiện hơn.
Từng nhiều lần tham gia công tác coi thi tại kỳ thi THPT Quốc gia, tác giả nhận thấy những quy định, quy trình về thi cử được ban hành luôn theo xu hướng năm sau chi tiết, thậm chí rườm rà hơn năm trước. Có nhiều thủ tục, quy trình thậm chí quá chi li và tiểu tiết khiến cho cả giám thị và thí sinh đều mệt mỏi.
Chung quy lại, mong muốn của Bộ GD&ĐT đều hướng đến việc tạo ra một kỳ thi công bằng, minh bạch, đảm bảo tốt nhất quyền lợi cho thí sinh và đặc biệt là phòng ngừa tiêu cực. Năm nào các quy định mới cũng được cập nhật bổ sung từ kinh nghiệm của năm trước đó, vậy tại sao tiêu cực vẫn cứ tiếp tục xảy ra?
Gian lận thi cử ở Hà Giang đang khiến dư luận nổi sóng. Tranh minh họa: Đan/ Báo Lao động
Khi quy trình chặt nhưng có những kẻ thực thi tồi
Công bằng mà nói, Bộ GD&ĐT trong những năm qua đã có rất nhiều nỗ lực trong việc cải cách công tác thi cử, từ cách thức tổ chức thi đến phương thức đánh giá năng lực người học. Một số hiệu quả từ nỗ lực này đã được chứng minh trên thực tế, nhưng dường như vẫn thiếu tính toàn diện và chưa thực sự đi vào cốt lõi.
Khi đọc các quy định về tổ chức kỳ thi THPT Quốc gia, mọi người sẽ dễ dàng nhận thấy việc tổ chức một kỳ thi sẽ bao gồm nhiều công đoạn, từ ra đề thi, vận chuyển đề thi, coi thi, chấm thi, xử lý và công bố kết quả. Ở mỗi giai đoạn đều có một quy trình đi kèm với sự tham gia của nhiều bên. Điểm chung là luôn tồn tại một lực lượng thực hiện vai trò giám sát, thanh tra cũng như sự tham gia của lực lượng công an nhằm tạo ra những cơ chế kiểm tra chéo, đối trọng lẫn nhau phòng chống sự lạm dụng dẫn đến can thiệp vào kết quả thi cử.
Song, thực tế đã chứng minh, quy định, quy trình có tốt và chặt chẽ đến mức nào cũng sẽ bị vô hiệu hóa nếu được thực thi bởi những kẻ kém tử tế, không trung thực và cố ý vi phạm. Đồng thời, một cá nhân khó lòng có thể dùng "vải thưa che mắt thánh" với cơ chế giám sát, thanh tra hiện hành. Như vậy, ngoài một đối tượng đã được công khai danh tính, còn những ai tham gia thực hiện hoặc liên quan đến sai phạm hay không? Bộ GD&ĐT và cơ quan điều tra cần phải có câu trả lời thích đáng cho người dân cả nước.
Tất cả những người có trách nhiệm liên quan phải bị lôi ra ánh sáng và xử lý nghiêm minh, chứ không thể "đóng cửa bảo nhau". Vấn đề của tiêu cực nằm ở yếu tố con người. Đâu chỉ ở công tác khảo thí, còn trong công tác giảng dạy, nghiên cứu. Hiện tượng chạy trường, chạy điểm, chạy bằng cấp, đạo văn vẫn không ngừng được thông tin trên truyền thông.
Cần lắm một sự thanh lọc mạnh mẽ, dứt khoát và toàn diện từ nội bộ những người gắn với sự nghiệp trồng người. Nền giáo dục nước nhà không thể tiếp tục dung dưỡng những con người gian dối, xem thường đạo đức và luật pháp. Đây là những chất độc hại có thể phá vỡ toàn bộ sự nghiệp trồng người và gây hậu quả khôn lường, bởi giáo dục là cái gốc của một xã hội văn minh. Hậu quả sẽ kéo dài hàng thế hệ chứ không phải trong một hai kỳ thi.
Sự nghiệp giáo dục không thể chỉ xoay quanh những kỳ thi
Với truyền thống khoa bảng bao thế kỷ, tâm lý người Việt nói chung rất coi trọng việc thi cử. Nhìn lại một chút nền giáo dục Việt Nam của thập niên qua cũng dễ nhận thấy công tác thi cử là khía cạnh được thay đổi nhiều nhất, thậm chí qua từng năm. Và cũng chính bởi cách thức quản lý cũng như vận hành nền giáo dục như hiện nay diễn ra trong thời gian quá dài khiến cho kết quả của kỳ thi tốt nghiệp và kỳ thi tuyển sinh đại học trở thành một đại lượng quyết định tương lai của một con người.
Thực tế đã chứng minh, xã hội hiện nay vẫn dung dưỡng cho những người không có năng lực thực chất nhưng đầy đủ bằng cấp. Một bộ phận không nhỏ những người chỉ cần có thể bước vào được trường đại học, qua 4 năm sẽ có được tấm bằng cử nhân, bằng cách này hay cách khác, rồi sau đó, suôn sẻ kiếm được công việc, chỗ đứng trong xã hội. Đây cũng là một động lực, nguyên nhân sâu xa cho những gian dối, sai phạm. Và tiêu cực đâu chỉ dừng lại ở công tác thi tuyển đại học, nó còn gắn liền với quãng đường hậu tuyển sinh cho đến khi có được tấm bằng.
Hoạt động cốt lõi của giáo dục là dạy và học, thi cử vốn là hoạt động phái sinh để đánh giá hiệu quả của quá trình đó. Công tác khảo thí tốt sẽ giúp cho việc dạy và học trở nên thực chất hơn, chứ không thể quyết định chất lượng giáo dục.
Bởi theo lẽ thường, trong một nền giáo dục và một xã hội coi trọng những giá trị thực, thì dù anh có điểm thi tuyển sinh đại học cao đến cỡ nào, nếu không có năng lực cũng khó lòng đáp ứng những chuẩn đầu ra của trường đại học để có tấm bằng cử nhân. Hoặc nếu bằng cách nào đó, anh có được tấm bằng cử nhân, dù là loại ưu, nhưng không đi kèm theo đó là kiến thức, kỹ năng, thái độ tương xứng, anh sẽ không được trọng dụng tại bất kỳ đơn vị tuyển dụng nào. Khi đó, người sở hữu tấm bằng cũng như ngôi trường cấp bằng cho anh ta sẽ bị đánh giá, sẽ dần bị đào thải nếu không đáp ứng được yêu cầu của xã hội.
Người ta sẽ giảm chạy điểm, chạy trường nếu như sau cánh cửa trường đại học là cả một quá trình đào tạo và cả đào thải nghiêm túc, một cuộc "chạy đua" học tập, nghiên cứu, thực hành, chứ không phải "vào được ắt ra được". Người ta sẽ thôi bất chấp thủ đoạn can thiệp kết quả thi cử nếu như đó chỉ là những con số chuyển tiếp sự nghiệp học hành của một con người, chứ không phải là yếu tố trọng yếu quyết định tương lai.
Nhu cầu và cách vận hành của xã hội sẽ định hướng tính chất của nền giáo dục, và ngược lại giáo dục sẽ là yếu tố tác động sự thay đổi của xã hội. Muốn giáo dục đi đúng hướng thì phải triệt tiêu những nhu cầu xã hội giả tạo và hình thức. Muốn xã hội văn minh thì phải bắt nguồn từ một nền giáo dục công bằng, minh bạch và tử tế.
Lưu Minh Sang
Giảng viên Trường Đại học Kinh tế - Luật, ĐH Quốc gia TP.HCM
Theo VNN
Người Hà Giang bức xúc,lo lắng về việc gian lận thi cử tại tỉnh nhà Đó là chia sẻ bức xúc của người dân tại Hà Giang, địa phương vừa phát hiện ra sự việc gian lận trong khâu chấm thi THPT quốc gia tối 17.7. Vụ việc điểm thi bất thường vì bị tác động hiện tại đang là điểm nóng tại Hà Giang. Mỗi góc phố, con đường người dân đều thảo luận về tội "tày...