Bất ngờ lớn khi tiêm kích Su-30SM Nga phải lắp linh kiện nhập khẩu
Linh kiện điện tử do Pháp chế tạo đã được nhìn thấy trên các chiến đấu cơ Su-30SM Nga xuất khẩu sang Belarus.
Vừa qua Không quân Belarus đã tiếp nhận 2 tiêm kích đa năng Su-30SM đầu tiên trong tổng số 12 chiếc mà nước này đặt mua từ Nga, chúng đã hạ cánh xuống sân bay Baranovichi trong một buổi lễ đón tiếp khá long trọng.
Cần lưu ý rằng việc bàn giao tiêm kích Su-30SM cho Belarus đã bị chậm trễ khá nhiều so với quốc gia đồng minh khác của Nga là Kazakhstan. Lý do được giải thích là bởi Minsk yêu cầu thay đổi một số thiết bị trên máy bay bằng sản phẩm phương Tây, trong khi Nga lại đang bị cấm vận khiến nguồn cung bị gián đoạn.
Tưởng như trước thực tế trên thì Belarus sẽ phải hài lòng với khí tài do Nga sản xuất nhưng cuối cùng Minsk vẫn kiên định với lựa chọn của mình, khiến Moskva phải rất khó khăn mới đáp ứng được nhu cầu của đối tác.
Không rõ lý do của việc lắp đặt các linh kiện nước ngoài trên máy bay chiến đấu Su-30SM của Nga. Tình trạng này được xác nhận bởi những bức ảnh tương ứng chụp lại buồng lái của chiếc tiêm kích đa năng này khi nó được bàn giao cho Không quân Belarus.
Video đang HOT
Màn hình hiển thị trước mặt phi công Thales HUD 3022 lắp trên tiêm kích Su-30SM của Không quân Belarus. Ảnh: TASS.
Trong bức ảnh được giới thiệu, các chuyên gia đã hướng sự chú ý đến màn hình hiển thị trước mặt phi công Thales HUD 3022 sản xuất bởi một công ty Pháp, đây cũng chính là thiết bị được thiết kế dành cho máy bay chiến đấu Dassault Rafale.
Kể từ năm 2015, khí tài này không còn được cài đặt trên tiêm kích Su-30SM, tuy nhiên chưa rõ vì lý do nào mà Belarus kiên quyết yêu cầu thay thế thiết bị IKSh-1M do Công ty Cổ phần Thiết kế Chế tạo Dụng cụ Ramenskoye phát triển bằng loại Thales HUD 3022 nhập khẩu.
Thực ra vấn đề này không gây ngạc nhiên bởi thiết bị điện tử của châu Âu luôn được đánh giá cao hơn sản phẩm nội địa của Nga, sẽ giúp gia tăng đáng kể năng lực tác chiến của chiếc tiêm kích đa năng này.
Cấu hình tương tự cũng được Ấn Độ và Malaysia thực hiện trên tiêm kích Su-30MKI và Su-30MKM (nguyên mẫu của Su-30SM) khi họ tích hợp lên máy bay khí tài của Pháp, Israel và Nam Phi.
Phong Vũ (Tổng hợp)
Theo doanhnghiepvn.vn
Zelensky-Putin : Kẻ cần, người không vội, vì sao?
Trong những ngày gần đây, ở châu Âu dấy lên nhiều đồn thổi và ngay cả tổng thống Ukraine Volodymir Zelensky cũng như tổng thống Nga Vladimir Putin cũng xa gần đề cập đến khả năng có cuộc gặp giữa hai vị tổng thống này trong thời gian tới.
Tổng thống Nga Putin và Tổng thống Ukraine Zelensky.
Khác với người tiền nhiệm, ông Zelensky khi còn vận động tranh cử tổng thống ở Ukraine cũng như từ khi lên cầm quyền ở đất nước này đều vẫn có ý sẵn sàng gặp ông Putin, cho rằng nếu muốn giải quyết cả chuyện ly khai và nội chiến lẫn vấn đề Crimea thì phía Ukraine phải tiếp xúc và đối thoại với Nga chứ không thể cự tuyệt mọi trao đổi trực tiếp cũng như giáp tiếp với Nga như ở thời người tiền nhiệm của ông Zelensky là ông Petro Poroshenko. Ông Putin tuy không loại trừ khả năng sẽ có gặp gỡ và trao đổi trực tiếp với ông Zelensky, nhưng luôn dè dặt chứ không mặn mà, chỉ để ngỏ khả năng chứ không xúc tiến. Từ sau khi ông Zelensky đắc cử tổng thống ở Ukraine, ông Putin cho thấy không những không chủ ý tranh thủ người mới này mà còn có những biện pháp chính sách gây khó dễ nhiều hơn cho Ukraine như tạo thuận lợi cho việc cấp hộ chiếu Nga cho những người Ukraine ở các khu vực ly khai chính phủ Ukraine hay cho người Ukraine hiện lưu trú ở Nga và tuyên bố của ông Putin sẵn sàng cấp hộ chiếu Nga cho tất cả người Ukraine.
Thực trạng hiện tại trong suy tính sách lược của hai người này cho thấy ông Zelensky cần cuộc gặp và trao đổi với ông Putin cấp thiết hơn là ngược lại. Thực trạng ấy có thể được giải thích như sau.
Ở Ukraine, ông Zelensky đã chính thức cầm quyền nhưng không có đảng phái chính trị của mình trong quốc hội hiện tại. Vào tháng 10 tới này, quốc hội Ukraine sẽ được bầu lại và ông Zelensky cần phải có được đa số cho đảng phái chính trị của mình trong quốc hội mới để có thể yên ổn cầm quyền. Cho nên đối với người này, việc vận động bầu cử quốc hội hiện còn quan trọng hơn cả chuyện cầm quyền.
Trong tình cảnh hiện tại, tiếp xúc trực tiếp được với ông Putin, cho dù với kết quả mà ai cũng biết trước được là Ukraine không thể giành về Crimea và chưa thể chấm dứt được tình trạng ly khai và nội chiến, vẫn giúp ông Zelensky tăng được đáng kể vị thế và uy tín cá nhân trong cộng đồng cử tri ở Ukraine, thể hiện sự chủ động và năng lực vận hành chính sách đối ngoại, bảo vệ lợi ích quốc gia và nỗ lực tìm kiếm thoả hiệp với Nga. Ông Zelensky ý thức được rằng càng đạt được thoả hiệp với Nga sớm bao nhiêu thì càng có thể có lợi cho Ukraine bấy nhiêu vì theo thời gian, vấn đề Ukraine sẽ bị mất dần tính thời sự, các đồng minh hiện tại của Ukraine sẽ dần bớt đối đầu để chuyển sang hợp tác với Nga.
Việc Nga trở lại Hội nghị nghị viện của Hội đồng châu Âu (PACE) và cuộc gặp giữa ông Putin với tổng thống Mỹ Donald Trump bên lề hội nghị cấp cao thường niên năm nay của nhóm G20 ở thành phố Osaka của Nhật Bản là những bằng chứng mới nhất và những báo động mới đây nhất đối với Ukraine. Qua đó chẳng phải có thể thấy là vấn đề Ukraine bắt đầu không còn cản trở gì Nga nữa trên chính trường thế giới và quan hệ quốc tế cũng như giữa Mỹ và các đồng minh của Ukraine ở châu Âu bất đồng quan điểm ngày càng thêm sâu sắc về Nga và Ukraine theo hướng bất lợi cho Ukraine và có lợi cho Nga.
Ông Putin để ngỏ khả năng gặp ông Zelensky thôi chứ chắc sẽ không gặp người này trong thời gian trước cuộc bầu cử quốc hội sắp tới ở Ukraine. Cách làm này giúp ông Putin tác động trực tiếp vào nội bộ Ukraine, phân rẽ chính trường và xã hội Ukraine và hậu thuẫn gián tiếp những phe phái chính trị thân Nga ở Ukraine. Sau cuộc bầu cử quốc hội ấy, ông Putin sẽ tuỳ liệu vào kết quả bầu cử và cục diện quyền lực trong quốc hội Ukraine mà quyết định có gặp ông Zelensky hay không, gặp ở đâu vào thời điểm nào và trong khuôn khổ ngoại giao nào. Có thể đấy sẽ là một cuộc gặp song phương bên lề sự kiện quốc tế nào đó hoặc gặp đồng thời với một hay nhiều bên khác nữa.
Khác với người tiền nhiệm ở Ukraine, ông Zelensky phải dựa cậy vào sự hậu thuẫn của đông đảo cử tri người Ukraine gốc Nga nói tiếng Nga nếu muốn thực hiện đầy đủ các cam kết vận động tranh cử tổng thống. Vì thế, người này phải lưu ý đến Nga nhiều hơn và sẽ không thù địch Nga một cách cuồng tín như người tiền nhiệm và cũng sẽ không đến mức công cụ hoá thái độ thù địch Nga để lấy lòng Mỹ, EU và Nato như người tiền nhiệm.
Ông Putin không thể không nhận ra điều đó nên chắc rồi đây sẽ không đối xử người mới này ở Ukraine như đã đối xử người tiền nhiệm.
Vì hiện tại có kẻ cần nhưng người lại chưa vội như thế nên quan hệ giữa Ukraine và Nga chưa thể sớm được cải thiện và toàn bộ mọi khía cạnh của vấn đề Ukraine vẫn chưa thể sớm có được giải pháp.
Theo Danviet
Nóng: Ukraine bắt được điệp viên tình báo quân đội Nga Các quan chức an ninh Ukraine vừa vạch mặt và bắt giữ một điệp viên tình báo quân đội Nga đang tới Voronezh để gặp người tuyển dụng anh ta, theo Belsat. Cụ thể, theo Belsat, người vừa bị bắt với cáo buộc là điệp viên tình báo quân đội Nga là cư dân ở Zaporizhzha. Người này làm việc tại doanh nghiệp...