Bất ngờ lá thư đầu tiên ’sát thủ Lê Văn Luyện’ gửi gia đình
Trước khi chia tay chúng tôi để trở về nơi cải tạo, Lê Văn Luyện cứ ngập ngừng chưa muốn đi. Hắn đứng giữa phòng, nhìn chúng tôi, rồi lại cúi mặt xuống, vẻ chần chừ.
“Anh chị cho em suy nghĩ một lúc”
Từ đầu đến cuối câu chuyện với chúng tôi, Lê Văn Luyện thường cúi mặt xuống, chắp hai tay trước bàn.
Khi cuộc nói chuyện đã trở lên cởi mở, Luyện bất ngờ ngẩng đầu lên, đặt câu hỏi ngược lại: “Anh chị đi nhiều, có nghe tin gì về bố em không?”.
Đáp lại ánh mắt mong đợi từ phía Luyện, tôi bảo: “Bố em vẫn khỏe, hiện đang cải tạo tại trại giam Tân Lập của bộ Công an”. Nghe xong, hắn cụp mắt xuống, giọng buồn rầu: “Em ân hận lắm!”.
Chia tay với PV, Lê Văn Luyện lững thững bước dưới màn mưa phùn, trở về khu lao động cải tạo.
“Có khi nào Luyện khóc nữa không?” tôi hỏi- “Cũng có nhưng ít thôi vì trong phòng giam có nhiều người. Em không muốn họ biết. Thỉnh thoảng em suy nghĩ miên man rồi khóc, nhưng thường là vào ban đêm…”.
Có ai đó từng nói “con người ta dù lì lợm, cứng cổ đến đâu nhưng cũng dễ bị xúc động bởi tình thân, máu mủ”, có lẽ với Lê Văn Luyện cũng không là ngoại lệ.
Anh bạn đồng nghiệp đi cùng tôi nhìn thẳng vào ánh mắt Luyện gợi ý: “Em có muốn gửi vài dòng thư đến cho người thân không?”. Hắn giãi bày: “Từ bé đến lớn, em chưa từng nhận được thư và cũng chưa viết thư cho ai bao giờ!”.
Chúng tôi động viên: “Có những điều mình suy nghĩ nhiều, nhưng không nói ra được thì sẽ dễ u buồn, nhưng khi nói được ra rồi, chia sẻ với mọi người rồi, sẽ cảm thấy thanh thản hơn rất nhiều. Em cứ thử viết vài dòng tâm tư của mình, gửi cho gia đình, biết đâu sẽ nhẹ lòng hơn để an tâm cải tạo!”. Trước lời động viên của chúng tôi, Luyện tỏ ra ngập ngừng: “Vâng, thế anh chị cho em suy nghĩ một lúc nhé!”.
Rồi, Luyện nói tiếp: “Em vào đây, được Ban Giám thị và cán bộ quản giáo trại giam tiếp xúc, động viên nhiều nên cũng an tâm hơn để cải tạo. Ngày mới vào, em ít nói, không muốn chia sẻ tâm sự với ai nhưng giờ khác rồi, hay nói chuyện hơn”.
Trước khi chia tay chúng tôi để trở về nơi cải tạo, Lê Văn Luyện cứ ngập ngừng chưa muốn đi. Hắn đứng giữa phòng, nhìn chúng tôi, rồi lại cúi mặt xuống, vẻ chần chừ. Tôi cố tình nán lại để nghe xem hắn muốn nói điều gì… Cuối cùng, Luyện tỏ vẻ quyết định chìa tay ra đề nghị: “Cho em xin tờ giấy và một cái bút. Em muốn viết mấy dòng thăm hỏi, chút nữa nhờ anh chị nhà báo chuyển giúp cho bố em và gia đình”.
Chúng tôi hỏi ý kiến cán bộ trại giam và đưa cho Luyện mấy tờ giấy kẻ ngang cùng một cái bút. Hắn cảm ơn rồi vớ lấy chiếc mũ lá, bước lững thững dưới trời mưa phùn, theo chân cán bộ trở về khu sản xuất.
Video đang HOT
Quả thực, chúng tôi cũng có cảm giác hồi hộp, không hiểu lần đầu tiên đặt bút viết thư, Lê Văn Luyện sẽ nhắn gửi điều gì về gia đình.
“Tâm thư” của “đứa con bất hiếu”
Chuyến công tác của chúng tôi cũng đã đến lúc kết thúc, gần quá trưa, khi PV chào cán bộ trại giam để chuẩn bị ra về thì một cán bộ quản giáo đến đưa lá thư với những dòng chữ viết vội của Lê Văn Luyện. Nội dung lá thư cũng được báo cáo qua ban giám thị trại giam.
Nhìn nét chữ xiêu vẹo, nhưng sạch sẽ của người viết, chúng tôi phần nào nhận thấy, Lê Văn Luyện đã cố gắng viết những lời tâm sự, động viên với mong muốn gửi được cho cả bố và những người thân khác trong gia đình. Hắn viết gửi bố một đoạn riêng; gửi ông bà, mẹ và gia đình một đoạn khác. Cuối mỗi đoạn thư đều có ký tên cùng dòng chữ: “Con bất hiếu!”.
Chúng tôi xin được giới thiệu với bạn đọc nguyên văn nội dung bức thư Lê Văn Luyện gửi cho gia đình mình.
“Tôi, phạm nhân: Lê Văn Luyện. K1, trại 3. Xin nhờ cán bộ trại giam và anh chị nhà báo chuyển giúp lá thư đến gia đình và bố ( Lê Văn Miên đang ở trại giam Tân Lập).
Bố ơi! Bố có khỏe không Bố? Con ở dưới này thương nhớ Bố nhiều lắm Bố ạ! Bố ở trên đó cố gắng cải tạo và giữ gìn sức khỏe Bố nhớ! Mấy hôm nay trời lạnh rồi, Bố nhớ mặc ấm vào Bố nha! Con thương và nhớ Bố. Ký tên: Con bất hiếu: Luyện.
Ông, Bà, Mẹ và gia đình vẫn khỏe chứ ạ! Con ở trong này vẫn khỏe và vẫn luôn nhớ về mọi người. Gia đình ở nhà cứ yên tâm không cần lo lắng cho con đâu. Con ở đây được Ban Giám thị và cán bộ quan tâm nên con sẽ cố gắng cải tạo để chuộc lại lỗi lầm của con và sớm về đoàn tụ với gia đình. Mọi người ở nhà cố gắng và giữ gìn sức khỏe nhớ. Con thương mọi người nhiều lắm. Thời gian ngắn, con viết được vậy thôi. Con chào mọi người. Ký tên: Con bất hiếu: Luyện.
Anh chị nhà báo chuyển giúp về gia đình cho em với nha. Em cảm ơn mọi người nhiều lắm!”.
Bố Lê Văn Luyện nói gì khi đọc thư con? Sau khi gặp và trò chuyện cùng phạm nhân Lê Văn Luyện ở trại giam số 3 – bộ Công an (đóng tại huyện Tân Kỳ, tỉnh Nghệ An), PV báo ĐS&PL tiếp tục có chuyến đi ngược lên Tây Bắc, tới trại giam Tân Lập (thuộc Tổng cục VIII – bộ Công an, đóng trên địa bàn tỉnh Phú Thọ), để gặp bố của Lê Văn Luyện, phạm nhân Lê Văn Miên. Trong lần gặp gỡ này, lần đầu tiên, phạm nhân Miên thể hiện nhiều cảm xúc khác nhau. Ông này có vẻ gầy hơn nhiều so với ngày hầu tòa về tội danh che giấu và không tố giác tội phạm. Ngay sau khi cầm lá thư của con trai gửi với những lời nhắn ngắn gọn: “Bố giữ gìn sức khỏe, trời lạnh Bố nhớ mặc ấm…”, phạm nhân Miên bật khóc rồi bảo: “Đúng chữ thằng Luyện đây mà!”. Rồi, người đàn ông khắc khổ nghẹn ngào, cầm lá thư của con đọc đi đọc lại. Đi quá nửa đời người và từng đứng trước những lời phê phán, chỉ trích của dư luận, lần đầu tiên Lê Văn Miên cảm nhận được sự hối lỗi và có phần trưởng thành hơn của đứa con trai cả Lê Văn Luyện. “Hôm gần Tết vừa rồi, tôi nghe người ta nói phong thanh rằng, thằng Luyện lại dính líu vào chuyện liên quan đến ma túy, và bị kết án thêm 4 năm tù (?!), tôi lo lắng quá chẳng buồn ăn, đêm nào cũng suy nghĩ lo cho con. Từ khi vào trại đến giờ, đây là lần đầu tiên tôi nhận được thư và biết tin thằng con trai cả sống chết thế nào. Thú thực, nó có tội lỗi như thế nào thì cũng là con mình, trách thì trách chứ không bỏ được. Tôi chỉ mong cải tạo tốt để sớm được về với gia đình và có cơ hội vào trong Nghệ An thăm, động viên nó”, phạm nhân Miên mắt đỏ hoe nói như vậy trước khi trò chuyện với chúng tôi.
Theo Đời sống và pháp luật
Nạn nhân duy nhất sống sót trong vụ Lê Văn Luyện giờ ra sao?
Theo ông Sinh, hiện tình hình của cháu Bích hoàn toàn bình thường và cháu đang học lớp 5 ở trong Nam cùng người họ hàng...
Tiệm vàng Ngọc Bích giờ đây nằm u uất trên con phố sầm uất.
Hơn 2 năm sau vụ thảm án do Lê Văn Luyện gây ra, chúng tôi trở lại khu vực phố Sàn (Lục Nam, Bắc Giang) để tìm lại những người thân trong gia đình nạn nhân xấu số và hơn thế là mong có thêm đôi chút thông tin về tình hình của cháu Trịnh Thị Ngọc Bích.
Giữa chốn đô thị ồn ào nơi phố núi, những tấm bảng hiệu của tiệm vàng Ngọc Bích vẫn còn đó nhưng ngôi nhà 3 tầng giờ đây khép mình lại trong sự tĩnh mịch và u uất.
Tiếng cười nói hạnh phúc, ấm êm của một gia đình từng một thời là niềm mơ ước của cả khu phố giờ đây chỉ còn là kỷ niệm "thời xa vắng" với thành viên duy nhất còn lại, bé Trịnh Thị Ngọc Bích.
Trong câu chuyện của những người hàng xóm xung quanh, mỗi khi nhắc lại chuyện cũ thì cảm giác ớn lạnh vẫn thấp thoáng ở từng câu nói, ánh mắt của họ.
Trái ngược lại, nhắc đến bé Bích thì ai cũng đều bày tỏ sự cảm phục về nghị lực phi thường của cô bé, khi mà thời điểm tai họa ập xuống gia đình, bé Bích mới được 8 tuổi. Trong giây phút mong manh giữa sự sống và cái chết, Bích đã nén chịu đau để thoát khỏi lưỡi dao tử thần của kẻ "sát thủ máu lạnh".
Giờ đây, cô bé đó đã 10 tuổi và đang tiếp tục vươn lên trước nỗi mất mát quá lớn để hòa mình vào cuộc sống, học tập tốt, chăm ngoan.
"Dù sao người mất thì cũng đã mất rồi giờ chỉ thương nhất là bé Bích, cháu còn quá nhỏ để phải hứng chịu những nỗi đau như thế. Tôi có họ hàng với nhà cháu Bích nên tôi biết rõ, trước ở nhà, con bé thông minh lắm, gương mặt tròn, đôi mắt long lanh và hay chạy sang nhà hàng xóm chơi.
Thực sự là cho đến giờ, cả phố vẫn chưa lúc nào nguôi ngoai về những gì đã xảy ra với gia đình bé Bích. Nhưng phải nói là dù tuổi còn nhỏ nhưng bé đã rất nghị lực, cố gắng vượt lên nỗi đau.
Giờ thì cháu đang ở trong Nam cùng với người bác và học trong đó. Trước đây, người nhà cũng đã đưa bé về lại nhà một vài lần để thắp hương cho bố mẹ và em rồi lại đi luôn...", bà H., người họ hàng gần tiệm vàng Ngọc Bích cho biết.
Theo lời chỉ dẫn của những người hàng xóm, chúng tôi tìm đến nhà ông Sinh, bác ruột của cháu Bích và cũng là người đang được giao trông nom, hương khói tại tiệm vàng Ngọc Bích.
Ngôi nhà ông Sinh cách tiệm vàng Ngọc Bích chừng vài chục mét đường. Sau vài lời chào hỏi, mỗi câu nói sau đó của ông Sinh dù rất ngắn nhưng đều chất chứa biết bao u uất, kể cả là sự trách móc.
Hình ảnh ông nội quá cố và bé Bích lúc còn điều trị trong viện sau khi vụ án xảy ra.
Ông Sinh chua chát: "Xã hội giờ đảo lộn hết cả, chỉ có người chết là thiệt thôi. Chết là hết, chả còn biết gì, chả còn làm hại được ai cả nhưng nỗi đau mà người sống chịu thì đâu có như vậy. Thôi giờ thế nào thì cũng phải tiếp tục sống chứ biết làm sao...".
Khi được hỏi về mong muốn của gia đình trong lúc này, ông Sinh đáp rất ngắn gọn: "Mong muốn gì bây giờ, mọi thứ đã như thế rồi thì không phải chỉ gia đình mà mọi người trong xã hội cũng mong nhưng có được đâu...".
Nét mặt ông Sinh cũng đượm buồn hơn khi nhắc về người ông nội quá cố của bé Bích (ông Trịnh Văn Tín - PV): "Ông mất từ hôm 1/10 dương lịch rồi. Trước khi mất ông ốm nặng một thời gian và đến khi nhắm mắt cũng chẳng trăn trối được điều gì nhưng tôi biết, trong lòng ông vẫn rất buồn.
Cách mấy hôm ông mất, bé Bích cũng có gọi điện về nhưng ông bảo mệt nên hai ông cháu không nói chuyện được gì...".
Cũng theo thông tin từ ông Sinh, hiện cháu Bích đã hòa nhập vào cuộc sống, học tập và ổn định lại tinh thần sau nỗi đau quá lớn:
"Cháu giờ vẫn đang ở trong Nam với người bác và giờ đang học lớp 5 rồi. Mọi thứ của cháu đều bình thường, cháu hòa đồng và cũng hay gọi điện về thăm hỏi mọi người ngoài này.
Gia đình cũng đã kể rõ cho cháu về câu chuyện xảy ra với bố mẹ, em cháu từ lâu và lúc đầu thì cũng buồn nhưng thời gian trôi qua cũng giúp cháu chấp nhận mọi thứ để sống tốt.
Bích cũng có được mọi người đưa ra ngoài này mấy lần và về nhà thắp hương cho bố mẹ, lúc đó con bé buồn nhưng vẫn mạnh mẽ, nghị lực lắm...", ông Sinh nói khi đôi mắt bắt đầu đỏ hoe.
Khi chúng tôi bảy tỏ mong muốn được vào tiệm vàng Ngọc Bích để thắp nén hương cho bố mẹ cũng như em nhỏ của Bích, ông Sinh từ chối và cho biết: "Gia đình rất cảm ơn các cháu nhưng chú chỉ mở cửa vào ngày mùng 1 và ngày 15 hàng tháng để nhang khói còn ngày thường này chú không mở được".
Nói thêm về cách hành xử của gia đình hung thủ Lê Văn Luyện, ông Sinh cho hay: "Từ khi vụ án xảy ra đến giờ, gia đình, họ hàng nhà Luyện chưa một lần nào đến hỏi thăm hay xin thắp nén hương cho các em và cháu của tôi. Đến hỏi thăm còn chẳng có thì nói gì đến bồi thường, mà có bồi thường thì cũng đâu thể lấy lại sự sống cho những người đã khuất đây...".
Câu nói đó và đôi mắt đỏ hoe của người đàn ông đã ở cái tuổi ngoài ngũ tuần đã làm cho chúng tôi không khỏi ái ngại. Thời gian trôi đi, các vết thương bên ngoài có thể lành lại và dư luận có thể không còn nhắc nhiều đến vụ án này nữa nhưng liệu rằng, nỗi đau trong sâu thẳm tâm can những người liên quan, nạn nhân, gia đình, người thân sẽ còn dai dẳng đến bao giờ...
Và chúng tôi cũng tự hỏi, không biết trong cánh cửa nhà tù kia, liệu Lê Văn Luyện có bao giờ, dù chỉ một phút giây thôi nghĩ lại, ân hận về những gì đã gây ra cho gia đình nạn nhân không?!
Chỉ biết rằng, cho đến lúc này đây, hình ảnh của tiệm vàng Ngọc Bích nằm lạnh lẽo u uất giữa phố xá nhộn nhịp và căn nhà của chính gia đình Lê Văn Luyện hoang vắng cứ hiển hiện mãi trong tâm trí chúng tôi...
Theo xahoi
Tác nghiệp vụ án Lê Văn Luyện: Chuyện giờ mới kể Vụ án "Lê Văn Luyện sát hại 3 mạng người cướp tiệm vàng" ở Bắc Giang là cuộc "săn lùng" thông tin đáng sợ nhất trong cuộc đời làm báo của tôi đến nay. Một ngày cuối tháng 8/2011, đang ăn trưa, tôi nhận được chỉ đạo của tổng biên tập yêu cầu ngaylập tức xác minh thông tin về một vụ cướp...