Bất ngờ kẻ cướp “lịch sự”: Cướp rồi… xin lỗi!
Chẳng hiểu nghĩ sao, Lanh quay lại nói với Thảo – Hải một câu nghe rất thống thiết: “Đừng có la lên đó. Tau xin lỗi, nhưng vì đang túng tiền quá nên mới làm như vậy!”. Nghe tên cướp xin lỗi, Thảo và Hải vừa tiếc của, vừa tròn mắt ngạc nhiên!
Có lẽ, đây là đối tượng cướp tài sản “lịch sự” nhất mà tôi từng gặp. Tác phong đàng hoàng, thái độ thành khẩn, không tỏ vẻ ngầu đời hay lấc cấc – chính điều đó khiến tôi chạnh lòng, tiếc thay cho Huỳnh Cửu Lanh (1991, trú tổ 30, P. Hòa Hiệp Bắc, Q. Liên Chiểu, Đà Nẵng) ngay khi vừa tiếp xúc.
Tôi càng xót xa hơn khi nhìn những giọt nước mắt đau đớn, ngỡ ngàng của mẹ cậu ta lúc đến thăm con. Bởi có trong ác mộng, bà cũng không bao giờ ngờ thằng con trai ngoan của mình có thể làm cái điều xấu xa đến vậy. Bấu lấy tay tôi, bà khóc nghẹn: “Chắc là ma đưa lối, quỷ đưa đường rồi cô ơi. Chứ hắn hiền lắm. Cả xóm ai cũng biết điều đó mà!”.
Huỳnh Cửu Lanh
Học hết chương trình lớp 9, Lanh nghỉ, ở nhà tham gia hoạt động đoàn thể ở địa phương. Lanh chưa bao giờ mất lòng ai và được xem là một thanh niên ngoan. Vậy mà… Chiều 4/6, sau khi cùng 2 người bạn trong xóm uống hết 2 chai rượu, Lanh và cả nhóm giải tán, ai về nhà nấy. Đang lúc rảnh rỗi, chẳng có việc gì làm, túi tiền lại sạch nhẵn, trong đầu chàng trai trẻ chợt lóe lên ý nghĩ đen tối: đến các phòng trọ SV thuê, chờ sơ hở để chiếm đoạt tài sản kiếm tiền tiêu xài. Sẵn có hơi men nên ý nghĩ xấu xa ấy càng có chất xúc tác giúp Lanh liều lĩnh hơn.
Không đắn đo, cậu ta nhờ một người bạn ở gần nhà chở đến khu vực của SV Trường CĐ Đường sắt thuộc tổ 26 Hòa Hiệp Bắc chơi. Đến đây, Lanh yêu cầu bạn dừng xe để mình vào khu nhà trọ tìm gặp người quen. Tuy nhiên, sau một vòng dạo quanh thấy khu vực này có quá nhiều SV nam, Lanh e dè quay ra và nhờ bạn tiếp tục chở mình đến dãy phòng trọ ở tổ 27. Tiếp tục để bạn đứng ngoài chờ mà không nói lý do, Lanh vào phòng trọ của chị Bạch Thị Thảo (1990, quê Hương Khê, Hà Tĩnh – SV Trường CĐ Đường sắt) vờ hỏi người quen.
Trong phòng lúc này chị Thảo đang say sưa trò chuyện với bạn đồng hương là anh Đào Văn Hải (SV Trường CĐ Thương mại). Lanh hỏi 2 người: “Ở đây có ai tên Lâm không?”. Thảo và Hải vừa lắc đầu bảo “không có” thì đã nghe Lanh hỏi một câu đầy sát khí: “Có dao không?”. Lúc này, mặt Thảo và Hải tái xanh, lắp bắp không nói được gì. Vừa hỏi, Lanh vừa liếc nhanh về phía kệ đựng chén bát, phát hiện con dao liền bước đến lấy và uy hiếp Thảo – Hải: “Có ĐTDĐ không, đưa cho tau dùng tạm vài bữa, tau đang cần tiền”.
Video đang HOT
Thảo lắc đầu, nói lắp bắp: “Không có. Chỉ có ít tiền ăn thôi”. Lanh đanh giọng: “Tau không cần tiền, chỉ cần ĐTDĐ thôi!”. Biết không thể làm gì khác được, Thảo đành ngoan ngoãn lấy chiếc ĐTDĐ hiệu Nokia 6300 trị giá 2,6 triệu đồng đưa cho Lanh. Cầm chiếc ĐTDĐ trên tay, Lanh bước ra khỏi phòng. Chẳng hiểu nghĩ sao, Lanh quay lại nói với Thảo – Hải một câu nghe rất thống thiết: “Đừng có la lên đó. Tau xin lỗi, nhưng vì đang túng tiền quá nên mới làm như vậy!”. Nghe tên cướp xin lỗi, Thảo và Hải vừa tiếc của, vừa tròn mắt ngạc nhiên!
Trên cơ sở lời khai của người bị hại, qua công tác điều tra truy xét, đến ngày 5/6, CAP Hòa Hiệp Bắc phối hợp cùng CAQ Liên Chiểu đã làm rõ hành vi phạm tội của Lanh.
Tại trụ sở CAQ Liên Chiểu, Lanh đã khóc. Nhưng tất cả đều đã muộn. Ngày 7/6, Cơ quan CSĐT CAQ Liên Chiểu đã khởi tố vụ án, khởi tố bị can và ra lệnh bắt tạm giam Huỳnh Cửu Lanh về hành vi cướp tài sản theo khoản 1 điều 133 Bộ luật Hình sự. Cái giá mà Lanh phải trả cho một phút nông nổi thiếu suy nghĩ thật quá đắt và chua xót!
Theo VTC
1.001 "độc chiêu" buôn lậu
Cuối năm, quốc lộ 9 nối cửa khẩu Lao Bảo với TP Đông Hà được gọi là "cung đường buôn lậu". Theo những chuyến hàng từ Lao Bảo về, mới biết dân buôn quả là tinh vi và lắm trò để lợi dụng cơ chế, tránh né cơ quan chức năng.
Ngược lên cửa khẩu Lao Bảo theo quốc lộ 9, không thể không giật mình trước dòng xe khách nối đuôi nhau lên xuống tấp nập. Xe khách chỉ lèo tèo dăm ba khách, mà chở cơ man hàng hóa. Từ rượu ngoại, thuốc lá, bia, nước giải khát đến nồi điện, mỹ phẩm... chất đống từ sàn xe lên tới nóc. Anh bạn đường hất hàm: "Hàng lậu cả đấy!".
Khi buôn lậu "sống" nhờ cơ chế
Trong hằng hà sa số những món hàng lậu được chuyển về "rốn" Đông Hà và tản đi các tỉnh lân cận, ngành Hải quan Quảng Trị đau đầu nhất với mặt hàng điện thoại di động (ĐTDĐ). Theo Chi cục Hải quan Cửa khẩu quốc tế Lao Bảo, từ đầu năm 2009 đến nay có hơn 53.000 chiếc ĐTDĐ được nhập vào khu kinh tế - thương mại, trị giá trên 70 tỷ đồng. Theo quy định, các doanh nghiệp xuất sẽ được hoàn thuế VAT 10%, có nghĩa là trên 7 tỷ đồng đã nằm yên trong tài khoản của các doanh nghiệp này.
Thực tế, với lượng dân số ít ỏi trong khu kinh tế - thương mại, sức tiêu thụ ĐTDĐ không thể lớn đến như vậy, vì thế các cơ quan chức năng đều nhận định nạn thẩm lậu mặt hàng này vào nội địa ngay sau khi được xuất và hoàn thuế. "Việc quản lý mặt hàng này rất khó vì quá nhỏ và khi vận chuyển thường được tháo hộp, thậm chí tách rời từng loại phụ kiện rồi phân tán nhằm tránh sự kiểm tra của Hải quan" - ông Lê Anh Tuấn - Phó Chi cục trưởng cho hay.
Theo giới doanh nghiệp ở Lao Bảo, các mặt hàng này vì kích cỡ nhỏ nên thường sau khi nhập vào sẽ được các doanh nghiệp xuất bán ngay cho một số đầu nậu chuyên tìm đường vận chuyển về lại nội địa. Các đầu nậu này sẽ phân tán hàng cho các đối tượng gùi cõng qua các lối mòn từ QL14, qua các làng bản rồi xuyên ra QL9 đoạn sau Cổng B trước khi tập kết, chở về Đông Hà. Rất ít khi các đầu nậu vận chuyển qua Cổng B vì dễ bị phát hiện.
Đó là chưa kể một lượng không nhỏ những người buôn nhỏ chỉ mua vài chục cái trở xuống, nhét khắp người rồi dễ dàng vượt qua cổng kiểm soát. Có lẽ chính vì thế, trong số ĐTDĐ thẩm lậu vào nội địa, chỉ có 113 chiếc (trị giá gần 200 triệu đồng) được phá hiện, bắt giữ. Đã vài lần ngành Hải quan phát hiện được các vụ vận chuyển, nhưng các đối tượng đều trốn thoát.
Ông Tuấn cho hay, thực tế Cục Hải quan Quảng Trị đã kiến nghị UBND tỉnh đề xuất với Bộ Tài chính không đưa mặt hàng này vào danh mục được hoàn thuế vì mặt hàng này không mang lại hiệu quả thiết thực cho khu kinh tế - thương mại Lao Bảo song chưa có câu trả lời bởi quan điểm của Bộ là áp dụng thí điểm để nghiên cứu trước khi áp dụng rộng rãi. Trước đó, Bộ Tài chính cũng đã áp dụng hoàn thuế với mặt hàng sim, card điện thoại song đã rút lại vì không thể quản lý được.
Mặc dù vậy, nhiều doanh nghiệp và đầu nậu cũng đã kịp "vớ bẫm" nhờ sự thí điểm này bởi thực tế, việc quản lý sự thẩm lậu của sim, card hay ĐTDĐ hiện nay là một nhiệm vụ quá khó khăn với ngành Hải quan.
Những chiêu "ve sầu thoát xác"
Không chỉ có ĐTDĐ, QL9 mùa này thực sự "nóng từng centimet" khi những chuyến xe chở hàng lậu nối đuôi nhau túa về xuôi. Nếu các mặt hàng tiêu dùng như thuốc lá, rượu bia, nước giải khát, đường... thường được các đầu nậu thuê dân bản địa gùi cõng hoặc giấu công phu trong các hộc hàng "hai đáy" của xe để qua mặt các cơ quan chức năng thì các loại mặt hàng khác được lựa chọn hình thức tinh vi hơn.
Mới đây nhất, ngày 15/12/2009, Đội Kiểm soát Hải quan vừa bắt vụ vận chuyển 38 con bò lậu có nguồn gốc từ Lào. Nhưng con số này xem ra còn khá nhỏ so với nạn buôn lậu bò qua biên giới trong năm qua ở Quảng Trị. Giá bò ở Lào, Thái Lan rẻ chưa bằng ½ giá ở Việt Nam, nên những chú bò trở thành mặt hàng "hot" của các đầu nậu.
Bò được đưa theo các đường tiểu ngạch vào Lao Bảo, được vỗ béo trước khi "chuyển quốc tịch".
Bò lậu thường được chuyển qua biên giới bằng các đường tiểu ngạch, được các đầu nậu giao cho "chân rết" thuê dân địa phương chăn giữ, trông coi. Mặc dù bằng mắt thường có thể thấy bò Thái Lan, Lào to hơn bò Việt Nam nhiều nhưng bằng cách này, các lực lượng chức năng rất khó chứng minh nguồn gốc bất hợp pháp của bò, bởi người dân ở đây thường nhận là bò họ nuôi từ lâu. Sau khi được vỗ béo, số bò này được người dân lùa tự do đến các điểm tập kết trong nội địa trước khi được chuyển lên các xe tải lớn đưa đi tiêu thụ.
Khi chiêu thức này dần bị lộ, nhiều đầu nậu bò còn mở các lò mổ ngay trong thị trấn Lao Bảo để giết mổ bò tại chỗ trước khi đưa các sản phẩm đi tiêu thụ. Trong cuộc họp giải quyết vấn nạn bò lậu mới đây, ông Nguyễn Ngọc Sắc - Chủ tịch UBND huyện Hướng Hóa - nhận định: mỗi đêm, hàng chục tấn thịt bò được vận chuyển về xuôi qua đường bộ. Số thịt này đều từ số bò lậu được thuê nuôi phân tán trong dân. Nguy cơ bò lậu tràn về không chỉ làm thất thu nguồn thuế của Nhà nước, mà còn kéo theo nguy cơ dịch bệnh vì chẳng có con bò lậu nào được kiểm dịch.
Không ít bò lậu được giết mổ tại cửa khẩu trước khi chuyển về xuôi theo đường bộ.
Một chiêu bài buôn lậu tinh vi khác được nhiều người cho là đã xuất hiện ở Lao Bảo trong thời gian qua là nạn "thay áo" xe ôtô, vốn đang rộ lên ở khá nhiều cửa khẩu giáp với Lào, Campuchia. Theo ông Ngô Minh Tuấn - Phó Chi cục trưởng Chi cục Hải quan cửa khẩu Lao Bảo: "Đến nay, có hơn 300 chiếc xe biển Lào tạm nhập nhưng chưa tái xuất. Hàng tháng, chúng tôi đều có báo cáo gửi Tổng Cục Hải quan và Cục CSGT về tình trạng này".
Theo giới sành xe, những chiếc xe biển Lào hay biển LB ngoài việc để chạy liều mà không đăng ký lại còn được "thay áo" bằng chiêu thức "hai nhập một" hoặc một giấy tờ dùng chung cho hai xe. "Chủ một chiếc xe đắt tiền chỉ cần báo mất giấy tờ, xin cấp lại sẽ có hai bộ đăng ký. Cứ như vậy, lái xe sang Lào, chọn một chiếc tương tự với giá chỉ bằng phân nửa xe mới ở Việt Nam (thuế ôtô ở Lào chỉ 1%), đem vào garage làm lại số khung, số máy mới thì chỉ mất khoảng 1 tuần là có hai chiếc xe giống hệt nhau, cùng một biển số" - một người thường "đánh" hàng Lao Bảo cho biết.
Cũng theo anh này, có cách khác đơn giản hơn là "săn" các chiếc xe bị tai nạn hoặc đã "hết date" vì sử dụng nhiều với giá bèo (chỉ 20-25% giá xe mới cùng loại ở VN), chạy sang Lào mua một chiếc tương tự mới cứng với giá non nửa ở VN rồi làm lại số khung, số máy xong thì lắp biển từ xe cũ vào vô tư chạy về VN mà chỉ mất khoảng 70% số tiền mua xe tương ứng ở VN. Chưa có chiếc xe nào bị phát hiện mua gian theo cách này. Và khi người viết trăn trở về tính an toàn của trò "ve sầu thoát xác" này và muốn nhờ "làm" một chiếc, anh chàng này khẳng định "an toàn tuyệt đối".
Hai ngày ăn ở tại thị trấn Lao Bảo, chúng tôi chợt nhận ra rằng các "ngón nghề" mà dân buôn lậu ở đây sử dụng đã mới hơn rất nhiều so với vài năm về trước. Những cách đối phó như một hóa đơn nhiều lô hàng, chở thêm nhiều người để chia lẻ lô hàng, dùng "khổ nhục kế" hay mượn người đông gây áp lực với lực lượng chức năng đã được coi là "xưa". Có nhiều đầu nậu "thế hệ mới" đã xuất hiện, có tổ chức theo dõi cả cơ quan chức năng, lợi dụng chính sách hoặc dùng công nghệ để hợp pháp hóa nguồn gốc hàng.
Theo Dân Trí