Bất ngờ: Chôm chôm trồng được ở Quảng Trị, đã thế trái sai “phát hờn”
Nhiều người bất ngờ và rất thú vị với những vườn chôm chôm lúc lỉu quả chín đỏ, thơm ngon, ngọt giòn xuất hiện ở tỉnh Quảng Trị, vùng đất vốn không phải để trồng chôm chôm.
Những người nông dân thông minh, táo bạo đã đưa giống chôm chôm Thái Lan và miền nam về trồng từ nhiều năm trước để hôm nay loại cây trái ngọt này chín đúng vào dịp Tết cổ truyền, bán được giá cao.
Rất bất ngờ, thú vị
Bà Nguyễn Hồng Phương, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Quảng Trị nếm thử trái chôm chôm chín đỏ rực được trồng trên đất xã Gio Bình, huyện Gio Linh, khi thăm vườn cây mà không khỏi bất ngờ và vui mừng trước thành quả ngọt ngào đầu năm mới.
Vườn chôm chôm miền tây huyện Gio Linh chín đỏ dịp Tết.
Ông Lê Đăng Huệ ở làng Bình Hải, xã Gio Bình có vườn chôm chôm đang thu hoạch cho biết, mười năm trước, nhiều nông dân của xã Gio Bình đã tìm tòi một loại cây trồng mới để tận dụng những ô đất trống trong vườn nhà hoặc ngoài nương rẫy cao-su.
Thế là cây chôm chôm được chọn trồng. Thông thường, chôm chôm sớm được thu hoạch vào tháng 5, chôm chôm chính vụ sẽ được thu hoạch vào tháng 7. Còn chôm chôm của gia đình ông Huệ và các xã miền tây huyện Gio Linh năm nay bất ngờ cho thu hoạch vào dịp Tết.
Trước Tết đến nay, ông Huệ thu hoạch chôm chôm bán với giá trung bình 30 ngàn đồng/kg, vườn của gia đình ông có nhiều cây cho năng suất hơn 100kg. Vườn chôm chôm được trồng vùng này cho quả rất tốt với hai loại giống là chôm chôm Thái Lan và chôm chôm nhãn, đều có vị ngọt, giòn và thơm.
Sáng này vợ chồng ông Mai Văn Lập và bà Bùi Thị Huệ ở làng Gia Bình, xã Gio An thu hoạch vườn chôm chôm, phần thì bán vì nhu cầu mua rất lớn, phần còn lại tặng cho con cháu mỗi người vài ký làm quà. Chôm chôm của ông Lập, bà Huệ ngon nổi tiếng nhất vùng nên thu hoạch trong buổi sáng là bán hết ngay.
Nông dân Mai Văn Lập ở xã Gio An vui mừng khi chôm chôm bán được giá.
Ông Lập cho biết, ba năm đầu khi cây chôm chôm mới trồng ở vùng đất mới, khí hậu nắng gió Lào khắc nghiệt nên phát triển chậm. Sang năm thứ tư về sau, vượt qua được thử thách thăm dò thời tiết, chuyển qua giai đoạn thích nghi nên cây chôm chôm nhanh chóng phát triển tốt ở vùng đất đỏ bazan ở các xã miền tây huyện Gio Linh.
Video đang HOT
Nhiều người bất ngờ và thú vị vì chưa từng nghe vùng đất đỏ miền tây huyện Gio Linh và cả tỉnh Quảng Trị trồng được cây chôm chôm. Càng bất ngờ hơn bán chôm chôm lại được giá cao không thua trồng các loại cây khác trên cùng một diện tích đất.
Được trồng theo phương pháp hữu cơ, người mua lại tận mắt chứng kiến nhà vườn thu hoạch nên khi chôm chôm vừa hái khỏi cây liền được người tiêu dùng mua hết vì ngon và sạch.
Nhiều thương lái đến mua tại vườn với giá trung bình 30 ngàn đồng/kg, bán lẻ tại chỗ giá 35 ngàn đồng/kg, đưa vào đến thành phố Đông Hà bán giá lên gấp đôi. Thương lái muốn mua nhiều nhưng nguồn cung chôm chôm nay không còn nữa.
Ông Trần Giải, chủ tịch UBND xã Linh Hải cho biết, người dân làng Sơn Tây của xã này trồng rất nhiều chôm chôm. Năm nay, chôm chôm được mùa, chín sớm, bán giá cao vẫn không đủ phục vụ nhu cầu Tết. Mô hình trồng chôm chôm phát triển kinh tế gia đình rất phù hợp vùng đất này.
Vẽ lại bản đồ chôm chôm
Ông Trần Văn Quảng, Chủ tịch UBND huyện Gio Linh cho biết, mô hình trồng chôm chôm có nhiều ở các xã Gio Bình, Gio An, Gio Hòa, Gio Sơn, Linh Hải…Là giống nhập từ Thái Lan và miền Nam nhưng chôm chôm rất phù hợp với thổ nhưỡng, khí hậu của các xã miền tây huyện Gio Linh.
Trải nghiệm giữa vườn chôm chôm ngày Tết rất thú vị.
Điểm nổi bật nhất của huyện Gio Linh là phát triển nông nghiệp bền vững theo chuỗi giá trị từng bước nâng cao thu nhập của nông dân. Lãnh đạo huyện luôn trăn trở câu hỏi bằng cách nào để giúp nông dân làm giàu và luôn mong muốn nông dân mạnh dạn đề xuất cùng Nhà nước làm gì để nông dân mạnh, thực hiện được câu nói của Bác Hồ: “Nông dân ta giàu thì nước ta giàu. Nông nghiệp ta thịnh thì nước ta thịnh”.
Huyện Gio Linh có thế mạnh sản xuất nông nghiệp nên huyện chú trọng cơ cấu lại nông nghiệp, nông thôn. Đẩy mạnh phát triển sản xuất nông, lâm, ngư trên cả ba vùng đồng bằng, gò đồi và vùng cát. Với vùng miền tây Gio Linh đất đỏ, ngoài cây truyền thống nổi tiếng như hồ tiêu, cây bơ, cây cao-su, bây giờ có thêm mô hình cây trồng chôm chôm.
Nhờ nông dân sáng tạo nên mô hình trồng chôm chôm ở miền tây huyện Gio Linh được ghi tên vào bản đồ phát triển cây chôm chôm Việt Nam.
Bà Nguyễn Hồng Phương, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Quảng Trị cho biết, thời gian qua sự chuyển dịch trong ý thức của nông dân huyện Gio Linh rất đáng tự hào. Nông dân luôn mạnh dạn đổi mới tổ chức sản xuất, tiếp cận thị trường.
Một loạt điển hình nông dân, nhóm hộ nông dân các xã trên với các mô hình trồng chôm chôm, cam xã đoài…cho thu nhập cao, đó là những loại cây trước đây ông cha chưa hề trồng, đã nói lên tầm nhìn mở rộng của nông dân. Họ là những nông dân thấy xa hiểu rộng, dám làm những việc khác hơn truyền thống, trồng những cây khác hơn cây lúa, dám nuôi tôm công nghệ hai giai đoạn trên diện tích lớn.
Tuy nhiên, những nông dân như thế này vẫn chưa nhiều. Làm sao để có nhiều hơn những người nông dân thấy xa hiểu rộng để họ tự làm giàu được, là thách thức lớn nhất đối với người đứng đầu của ngành và địa phương.
Theo ông Trần Văn Quảng, để không ngừng phát triển, huyện Gio Linh cần người nông dân mạnh dạn đổi mới hơn nữa. Từ những diện tích đất manh mún họ tự giác thỏa thuận, chung nhau trong hợp tác xã nông nghiệp kiểu mới để tạo thành cánh đồng lớn sẵn sàng liên kết với các nhà đầu tư hiệu quả xây dựng vùng công nghiệp sản xuất, chế biến rau quả hoặc vùng công nghiệp thủy sản chế biến cung cấp cho thị trường trong nước và thị trường quốc tế.
Với sự tổ chức hợp lý những người nông dân đổi mới sẽ không bị mất đất, đất của nông dân trong HTX nông nghiệp kiểu mới sẽ được phá bỏ bờ ruộng manh mún, cày xới xây dựng thành cánh đồng lớn, được phân lô ngay ngắn theo hệ thống kênh mương đúng theo kỹ thuật khoa học, có hệ thống giao thông thuận tiện cho việc chăm sóc và vận chuyển sản phẩm cây trồng của nông dân đến khu chế biến và bảo quản trước khi xuất kho.
Người nông dân đổi mới sẽ thật sự đổi đời, thu nhập ổn định cao hơn. Huyện Gio Linh sẽ tạo điều kiện tối đa, mở rộng thêm mô hình trồng chôm chôm. Kêu gọi doanh nghiệp đầu tư vào mô hình cùng nông dân có thu nhập ổn định hơn nên sẽ làm nghĩa vụ đóng góp vào sự phát triển của địa phương, đất nước ngày càng tốt hơn.
Theo Lâm Quang Huy (Báo Nhân Dân)
Quảng Trị: Dẫn dụ chim yến-nghề "1 vốn 4 lời"
Dẫn dụ chim yến có thể nói là nghề "một vốn, bốn lời", bởi không cần đầu tư chăn nuôi, chỉ bỏ tiền xây nhà rồi dụ chim yến về sinh sống, làm tổ.
Loài chim trời này hiện đang mang về nguồn thu nhập hàng chục đến hàng trăm triệu đồng mỗi năm cho người nuôi yến.
Từ một vài hộ nuôi yến, đến nay việc đầu tư xây dựng nhà nuôi yến đã bắt đầu phát triển ở nhiều địa phương như các xã Gio Châu, Gio Hải, Gio Mỹ, Gio Việt, Trung Giang, thị trấn Cửa Việt (huyện Gio Linh), xã Triệu An (huyện Triệu Phong), thị trấn Lao Bảo (huyện Hướng Hóa), thành phố Đông Hà...
Khi hỏi về nguồn lợi nhuận mà chim yến mang lại, anh Phan Văn Trọng ở Khu phố 2 (thị trấn Cửa Việt, huyện Gio Linh, tỉnh Quảng Trị) cho biết, anh là người tiên phong trong việc xây dựng nhà nuôi yến ở thị trấn Cửa Việt. Khoảng đầu năm 2016, sự cố môi trường biển xảy ra làm ảnh hưởng đến nghề sấy hấp cá của gia đình anh.
Một cơ sở nuôi chim yến của người dân ở Khu phố 2, thị trấn Cửa Việt, huyện Gio Linh. Ảnh: HTS.
Nguồn thu nhập của gia đình anh bị sụt giảm. Qua nhiều đêm trăn trở, cuối cùng anh quyết định chọn nghề xây dựng nhà nuôi yến. Sau thời gian tìm hiểu, nghiên cứu từ sách, báo, ti vi cũng như sự hỗ trợ về mặt kĩ thuật của những người nuôi yến ở tỉnh Quảng Ngãi, Khánh Hoà mà anh quen biết, cuối năm 2016 anh đầu tư 500 triệu đồng xây dựng cơ sở hạ tầng, lắp đặt máy móc phục vụ nuôi chim và bắt đầu dẫn dụ chim yến.
Đến nay, cơ sở nuôi yến của anh Trọng có trên 200 cặp chim yến bố, mẹ về sinh sống, làm tổ. Từ năm 2016 đến năm 2018, anh chỉ mới "thu bói" tổ yến với thu nhập mỗi năm khoảng vài chục triệu đồng.
Năm 2019, cơ sở nuôi yến của gia đình anh mới thực sự vào "chính vụ" với nguồn thu nhập mang lại khoảng 100 - 150 triệu đồng/năm (giá tổ yến thô trên thị trường giao động khoảng 27 - 28 triệu đồng/ kg; tổ yến đã nhặt sạch lông có giá trên 30 triệu đồng/kg).
Trong năm 2018, anh Trọng xây dựng thêm một nhà nuôi yến nữa với số tiền đầu tư hơn 2 tỉ đồng, hiện đã đưa vào sử dụng.
Anh Trọng cho biết: "Nuôi chim yến là nghề mang lại nguồn thu nhập khá cao cho nhiều người nuôi, nhưng cũng ẩn chứa nhiều rủi ro, nguy cơ "trắng tay" cao. Và hiện nay, người nuôi yến chủ yếu là mang tính tự phát. Nhiều hộ nuôi yến khi bắt tay vào nuôi đã không nghiên cứu đầy đủ về điều kiện khí hậu, thời tiết, vùng sinh thái cũng như tập tính sinh trưởng của loài chim yến.
Dẫn đến việc một số hộ nuôi yến đầu tư nguồn vốn lớn để xây nhà nuôi yến xong, số lượng yến về làm tổ ít hoặc không về làm tổ. Rồi chim yến về làm tổ, nhưng đến mùa đông lạnh, nhiệt độ xuống thấp làm yến chết hàng loạt gây thiệt hại cho người nuôi yến...".
Theo anh Trọng thì chim yến là loài chim ăn côn trùng bay gồm rầy nâu, rầy xanh, mối... trong thiên nhiên. Vì vậy, chim yến có thể được xem là loài dùng để đấu tranh sinh học và bảo vệ mùa màng cho nhà nông. Tổ yến có nhiều thành phần chất dinh dưỡng quý hiếm và nhiều khoáng chất giúp bổ phổi, tăng cường hệ miễn dịch, đẩy nhanh quá trình tái tạo tế bào, giúp người bệnh nhanh hồi phục sức khỏe...
Qua kinh nghiệm nuôi yến của anh trong thời gian qua, thì khi xây dựng nhà yến, việc làm đầu tiên là chọn vị trí và khu vực tốt cho việc xây dựng ngôi nhà nuôi chim yến. Bởi vị trí và khu vực cho nhà nuôi yến rất quan trọng, quyết định chi phí xây dựng, quản lí, tốc độ phát triển bầy đàn cũng như năng suất, chất lượng tổ yến. Yếu tố tiếp theo là nhiệt độ trong nhà nuôi yến, bởi nhiệt độ ảnh hưởng trực tiếp đến sự sinh trưởng đàn yến trong nhà.
Khi thiết kế và xây dựng nhà nuôi yến phải tính đến sự tác động của việc thay đổi nhiệt độ của môi trường, làm sao cho nhiệt độ trong nhà yến luôn duy trì ổn định ở mức 27 - 29 độ C (đây là mức chuẩn cho chim yến sinh sống, làm tổ, sinh sản và phát triển). Một yếu tố nữa đó là ánh sáng trong nhà nuôi yến.
Chim yến thường có xu hướng thích những góc tối, kín đáo, ấm, yếu tố này người nuôi yến phải chú ý khi tiến hành thiết kế, xây dựng nhà nuôi yến. Nhà nuôi yến nên đặt theo hướng Đông - Tây hoặc Nam - Bắc. Ngoài các yếu tố trên thì hệ thống âm thanh chim yến để tạo tiếng kêu bầy đàn, là tín hiệu dẫn đường cho chim yến biết nơi ở của chúng và dẫn dụ chim về nhà yến là vô cùng quan trọng.
Hệ thống âm thanh là một tổ hợp bao gồm máy phát âm thanh (đầu phát gắn thẻ nhớ USB, thẻ nhớ MP3...), dây dẫn âm thanh, hệ thống loa gồm loa nóc, loa lỗ, loa dẫn đường, loa trong phòng, bộ điều khiển âm thanh theo thời gian trong ngày, theo mùa sinh sản của chim trong năm....
Thực tế qua tìm hiểu một số mô hình nuôi chim yến ở các địa phương chúng tôi nhận thấy, hấu hết các cơ sở nuôi chim yến đều mang tính tự phát và chưa có định hướng phát triển dài hạn...; sản phẩm tổ yến chưa có thị trường ổn định; các nhà nuôi yến gây ra tiếng ồn từ thiết bị phát âm thanh dẫn dụ chim yến, với âm thanh lớn và khó nghe; tiềm ẩn nguy cơ về dịch cúm gia cầm...
Để nghề nuôi chim yến phát triển bền vững, các cơ quan chức năng, đơn vị, địa phương trong thời gian tới cần phải định hướng quy hoạch nuôi chim yến trên cơ sở báo cáo thống kê, khảo sát hiện trạng các nhà nuôi chim yến và đề xuất vùng quy hoạch nuôi chim yến trên địa bàn; có các văn bản hướng dẫn kĩ thuật về xây dựng nhà nuôi yến, nuôi chim yến bảo đảm an toàn sinh học...
Các cơ quan chức năng cũng cần quy định về tần suất và thời gian phát âm thanh dẫn dụ chim yến không làm ảnh hưởng đến môi trường xung quanh (đây cũng là căn cứ để xử lí vi phạm về tiếng ồn); có các giải pháp về khoa học công nghệ liên quan tới phòng trừ dịch bệnh; công nghệ bảo quản và chế biến các sản phẩm sau thu hoạch từ tổ yến; nâng cao chất lượng sản phẩm, đủ sức cạnh tranh trên thị trường...
Nghề nuôi chim yến cần phát triển sản xuất theo chuỗi sản phẩm, gắn kết các khâu từ sản xuất, chế biến đến tiêu thụ sản phẩm, trong đó các doanh nghiệp chế biến, tiêu thụ sản phẩm giữ vai trò định hướng đặt hàng, tiêu chuẩn nguyên liệu, hỗ trợ sản xuất, nhằm phát huy thế mạnh liên kết làm tiền đề thúc đẩy tốc độ phát triển nhanh và hiệu quả nghề nuôi chim yến trên địa bàn tỉnh Quảng Trị.
Theo HTS (Báo Quảng Trị)
Quảng Trị truy điệu và an táng 7 hài cốt liệt sỹ cất bốc tại Gio Linh Các đại biểu cùng đông đảo nhân dân trên địa bàn đã đặt vòng hoa, dâng hương tưởng niệm, ghi nhớ công lao to lớn của các Anh hùng liệt sỹ đã hy sinh tuổi xuân, xương máu cho sự nghiệp cách mạng. An táng hài cốt liệt sỹ. (Ảnh minh họa. Nguồn: TTXVN) Ngày 16/1, tại Nghĩa trang Liệt sỹ huyện Gio...