Bất ngờ ca khúc chào năm mới phổ biến hơn cả bài ‘Happy New Year’
Mỗi năm mới sang, giai điệu ca khúc ‘ Happy new year’ lại vang lên hầu khắp nơi ở Việt Nam. Tuy nhiên, đây không phải là lựa chọn hàng đầu trong dịp đón xuân về ở nhiều nơi trên thế giới.
“Auld Lang Syne” là ca khúc mừng năm mới nổi tiếng nhất thế giới, không phải “Happy new year”.
Sự phổ biến của ca khúc “Happy New Year”, do nhóm nhạc huyền thoại ABBA thể hiện, tại Việt Nam khiến hầu hết mọi người nghĩ nó cũng được các nước trên thế giới yêu thích vào dịp năm mới sang.
Thực tế không phải vậy, “Happy New Year” chỉ đặc biệt nổi tiếng ở Việt Nam, Thụy Điển và một số quốc gia khác. Ca khúc năm mới phổ biến nhất trên thế giới thuộc về “Auld Lang Syne” – bài hát dân ca truyền thống được phổ nhạc từ một bài thơ Scotland do Robert Burn sáng tác vào năm 1788.
Theo truyền thống, “Auld Lang Syne” được hát khi đồng hồ điểm vào 0h đêm giao thừa giữa năm cũ và năm mới, biểu thị cho sự khởi đầu mới.
Ca khúc này không chỉ được sử dụng vào năm mới, mà còn vang lên trong các đám tang, lễ tốt nghiệp, và thay cho lời kết thúc hoặc chia tay vào nhiều dịp khác.
Phiên bản Auld Lang Syne do Mariah Carey thể hiện.
Ý nghĩa của “Auld Lang Syne”
Tiêu đề của bài thơ Scotland mang ý nghĩa “rất lâu về trước”, “ngày tháng trôi qua” hoặc “thời xưa cũ”…
Bài thơ ban đầu chỉ có 5 câu thơ, kêu gọi mọi người nâng cốc cho những ngày đã qua. Ý nghĩa này thích hợp cho những dịp như năm mới.
Năm 1793, Robert Burns đã gửi bài thơ của mình cho James Johnson, khi Johnson đang biên soạn cuốn sách tập hợp các bài hát cổ của Scotland – Bảo tàng âm nhạc Scotland.
Burns đã gửi lời bài hát của mình kèm dòng mô tả: “Ca khúc này là một ca khúc cũ, của thời xa xưa, chưa bao giờ được in, thậm chí chưa từng có bất kỳ bản thảo nào cho đến khi tôi lấy nó từ một ông cụ”.
“Auld Lang Syne” từng được sử dụng trong rất nhiều chương trình truyền hình và phim ảnh, một trong số đó là những ảnh quay kinh điển nhất trong rạp chiếu phim.
Trong tác phẩm về đề tài thảm họa “The Poseidon Adventure” (1972, tựa Việt: Chuyến tàu định mệnh), giai điệu ca khúc vang lên thể hiện sự diệt vong, khi sóng biển nhấn chìm con tàu xa xỉ SS Poseidon.
“Auld Lang Syne” cũng được phát lên trong cảnh cuối của bộ phim hài lãng mạn “When Harry Met Sally” rất được yêu thích năm 1989, khép lại câu chuyện tình yêu đẹp đẽ của cặp đôi chính.
Nhiều năm trôi qua, những câu chữ trong “Auld Lang Syne” vẫn nguyên vẹn ý nghĩa, được nhiều quốc gia trên thế giới yêu thích vào dịp năm mới, giống như “Happy New Year” tại Việt Nam.
Theo Tiền Phong
Ban nhạc ABBA giờ ra sao sau 40 năm ca khúc 'Happy New Year' ra đời?
Gần 40 năm kể từ khi ca khúc nổi tiếng 'Happy new year' ra mắt công chúng, các thành viên ban nhạc ABBA đã không còn sát cánh cùng nhau, mỗi người đều chọn cho mình hướng đi riêng.
Nhóm nhạc huyền thoại ABBA.
Một năm mới đến, giai điệu quen thuộc của ca khúc "Happy new year" của ABBA lại vang lên ở hầu khắp nơi trên đất nước Việt Nam. Tính đến thời điểm hiện tại, bài hát nổi tiếng này chạm mốc 39 tuổi đời.
"Happy new year" ra đời vào năm 1980, với cái tên ban đầu là "Daddy Don't Get Drunk On Christmas Day", vốn không dành để chào đón năm mới. Mãi đến năm 1999, tận dụng việc cả thế giới đang háo hức chuẩn bị bước sang một thiên niên kỷ mới, ABBA chính thức tung ra "Happy New Year" dưới dạng đĩa đơn.
Hai năm sau khi ca khúc ra đời (1982), nhóm nhạc ABBA chính thức tan rã, kết thúc 10 năm gắn bó, và chưa từng tái hợp.
ABBA là ban nhạc pop đình đám nhất từ trước đến nay của Thụy Điển, đồng thời cũng thuộc danh sách những nhóm nhạc huyền thoại của thế giới.
Ban nhạc được thành lập vào năm 1972, tên nhóm được đặt theo tên của các thành viên Agnetha Faltskog, Bjorn Ulvaeus, Benny Andersson và Anni-Frid Lyngstad. Họ chiến thắng trong cuộc thi Eurovision Song vào năm 1974, tạo bước đệm để tên tuổi vang danh khắp thế giới.
Trong suốt con đường sự nghiệp, nhóm tiêu thụ được hơn 380 triệu album và đĩa đơn trên toàn thế giới, trở thành ban nhạc đầu tiên đến từ một quốc gia không nói tiếng anh đạt được thành công rực rỡ ở các quốc gia nói tiếng Anh.
Không chỉ hợp tác với nhau trong âm nhạc, hai cặp nam nữ trong ABBA đã nên duyên vợ chồng. Benny và Anni-Frid kết hôn trong giai đoạn 1978- 1980. Bjorn và Agnetha chung sống với nhau từ năm 1971 - 1979 và có hai con chung, một trai và một gái.
Cùng với các cuộc hôn nhân tan vỡ, ABBA chia tay nhau vào năm 1982. Dù đã "đường ai nấy đi", nhóm vẫn "bội thu" nhờ phát hành ABBA Gold vào năm 1992, bán được gần 30 triệu bản trên toàn thế giới.
Năm 2018, nhóm tái xuất sau 35 năm để thu âm hai ca khúc " Still Have Faith In You" và "Don't Shut Me Down". Hai năm trước đó, 4 thành viên cũng từng xuất hiện cùng nhau trên sân khấu trong bữa tiệc kỷ niệm 50 năm hợp tác giữa Bjon Ulvaeus và Benny Andersson. Tuy nhiên, họ phủ nhận về khả năng tái hợp.
ABBA tái xuất khi tuổi đã xế chiều.
Agnetha Fatskog
Sau khi ABBA tan rã, Agnetha Fatskog tiếp tục gặt gái thành công với tư cách ca sĩ solo trong giai đoạn 1982 - 1988.
Tuy nhiên, sự nghiệp của giọng ca sinh năm 1950 bị gián đoạn một thời gian dài do loạt biến cố trong cuộc sống.
Hai cuộc hôn nhân tan vỡ (lần 2 với Tomas Sonnenfeld từ 1990 - 1993), gặp tai nạn giao thông kinh hoàng vào năm 1983, mẹ ruột tự tử vào năm 1994 và bị người yêu cũ bám đuôi buộc Agnetha phải sống ẩn dật từ năm 1989 - 2004.
Năm 2013, Agnetha Fatskog lần đầu tiên xuất hiện trở lại sân khấu trực tiếp sau 25 năm tại BBC Children in Need, song ca cùng Gary Barlow.
Hiện tại, Agnetha đang sống một mình ở một trang trại thuộc ngoại ô thành phố Stockholm.
Anni-Frid Lyngstad
Cũng trở thành nghệ sĩ solo sau khi rời ABBA, Anni-Frid vẫn duy trì được phong độ, với album solo đầu tiên bán được hơn 1,5 triệu bản.
Cô tái hôn với Hoàng tử Heinrich Ruzzo Reuss von Plauen của xứ Plauen vào năm 1992. Tuy nhiên, Heinrich Ruzzo qua đời ở tuổi 49 vào năm 1999 vì bệnh ung thư. Nữ ca sĩ sinh năm 1945 liên tiếp gánh chịu nỗi đau mất người thân khi một năm trước đó, con gái Lise-Lotte thiệt mạng trong một vụ tai nạn xe hơi.
Chồng mất, Anni-Frid được thừa kế gia tài "khổng lồ" được cho là khoản 75 triệu bảng Anh.
Ca sĩ sinh năm 1945 hiện sống cùng bạn đời người Anh Henry Smith trong một ngôi làng nhỏ tại Thụy Sĩ. Frida là một trong những người góp sức mở Bảo tàng ABBA ở Stockholm, Thụy Điển năm 2013.
Benny Andersson và Bjorn Ulvaeus
Benny và Bjorn tiếp tục làm việc cùng nhau sau khi rời ABBA. Hai người đồng sáng tác các vở nhạc kịch đình đám như Chess, Mamma Mia...
Bjorn và Benny còn đồng sản xuất bộ phim Mamma Mia! (2008), Mamma Mia! Here We Go Again (2018). Cả hai cũng thành lập công ty Littlestar (London), chuyên khai thác bản quyền những ca khúc lấy cảm hứng từ vở nhạc kịch Mamma Mia!. Theo Time, "cặp bài trùng" kiếm được 4,3 triệu USD từ công việc này. Họ còn được trao Giải thưởng Ivor Novello vào năm 2008.
Benny Andersson.
Về đời tư, sau khi ly hôn Anni-Frid, Benny tái hôn với Mona Norklit, một dẫn chương trình người Thụy Điển. Cặp đôi có với nhau một con trai.
Nhạc sĩ sinh năm 1946 từng nghiện trong thời gian dài. Đến năm 2001, ông mới cai nghiện thành công. Hiện tại, Benny là người giàu nhất trong nhóm, sở hữu khối tài sản 100 triệu bảng Anh.
Bjorn Ulvaeus.
Bjorn Ulvaeus cũng tìm được hạnh phúc mới bên nhà báo Lena Kllersj vào năm 1981. Họ có với nhau 2 con gái. Hiện, nhạc sĩ sinh năm 1945 đang sống ở Thụy Điển, và có khoảng 90 triệu bảng Anh. Tuy vậy, cựu thành viên ABBA gặp vấn đề về sức khỏe khi từng tiết lộ bị mắc chứng mất trí nhớ.
Theo The Sun
Nhận được tin bà mất, Mark (GOT7) bật khóc nức nở trên sân khấu concert Nhận được tin bà mất, Mark (GOT7) bật khóc nức nở trên sân khấu concert GOT7 hiện đang tập trung thực hiện world tour Eyes on You và mở màn là 3 đêm concert liên tiếp tại Seoul. Tuy nhiên, có vẻ như loạt đêm diễn gần đây liên tiếp chứng kiến những việc không vui xảy đến với các thành viên GOT7....