“Bật mí” về khổ luyện tại bệnh viện dã chiến tham gia lực lượng “mũ nồi xanh”
Hiện nay, các quân nhân thuộc bệnh viện dã chiến cấp 2 số 2 đang tham gia lớp huấn luyện tiền triển khai tại Cục Gìn giữ hòa bình Việt Nam, sẵn sàng thay quân cho bệnh viện số 1 tại Nam Sudan vào tháng 10 tới.
Cán bộ chiến sĩ bệnh viện dã chiến cấp 2 diễn tập các tình huống giả định trong quá trình huấn luyện – Ảnh: Cục Gìn giữ hòa bình Việt Nam
Bệnh viện dã chiến cấp 2 số 2 (BVDC2.2) tham gia hoạt động GGHB Liên Hiệp Quốc (LHQ) được thành lập theo Quyết định ngày 13-6-2017 của Bộ Quốc phòng với biên chế 70 cán bộ, nhân viên thuộc Học viện Quân y, dự kiến triển khai thay thế bệnh viện dã chiến cấp 2 số 1 làm việc tại Phái bộ LHQ Nam Sudan vào tháng 10-2019. Hiện nay, các quân nhân thuộc BVDC2.2 đang tham gia lớp huấn luyện tiền triển khai tại Cục Gìn giữ hòa bình Việt Nam với tổng quân số 82 quân nhân (gồm cả thành phần biên chế chính thức và dự bị).
Huấn luyện thực địa thực hành tổng hợp
Đại tá Hoàng Kim Phụng, Cục trưởng Cục Gìn giữ hòa bình Việt Nam, cho biết: Lực lượng BVDC2.2 là những quân nhân ưu tú, nòng cốt được lựa chọn từ Học viện quân y, Tổng cục Hậu cần, Quân khu 2, Cục GGHB Việt Nam và Cục Quân y và từng bước được kiện toàn về tổ chức, biên chế theo chuẩn của LHQ. Năng lực một BVDCC2 theo yêu cầu của LHQ bao gồm: Khám và điều trị tối đa 40 bệnh nhân ngoại trú 1 ngày; Khả năng hồi sức cấp cứu và vận chuyển đường không và đường bộ các bệnh nặng tới tuyến y tế cao hơn; Khả năng thực hiện 3-4 ca phẫu thuật 1 ngày có gây mê; Khả năng nhận điều trị nội trú 20 bệnh nhân trong 7 ngày; Thực hiện 10 ca chụp X quang, 10 ca điều trị răng miệng, xét nghiệm chuẩn đoán cơ bản 20 ca trong 1 ngày; Có 2 đội y tế cấp cứu cơ động ngoại viện; Tự bảo đảm đủ vật tư y tế tiêu hao – thuốc chữa bệnh trong bất kì tình huống nào…
Khóa huấn luyện tiền triển khai được thực hiện theo yêu cầu bắt buộc của LHQ, kéo dài gần 3 tháng, bao gồm: Kiến thức nền tảng về GGHB LHQ; khuôn khổ pháp lý GGHB LHQ như Luật Nhân đạo, Luật Giao chiến; các nguyên tắc và quy tắc trong tham gia hoạt động GGHB LHQ; kiến thức về tình hình phái bộ nơi BVDC2.2 triển khai; kiến thức và kỹ năng về công tác tham mưu chỉ huy; thông tin liên lạc; bảo đảm an ninh, an toàn; quan hệ với truyền thông; chăm sóc sức khỏe; kỹ năng sinh tồn trong điều kiện môi trường châu Phi; nhận diện bom – mìn – vật liệu nổ, chống lạm dụng tình dục, tăng cường khả năng giao tiếp tiếng Anh GGHB, kỹ năng giao lưu văn hóa…
Đại tá Hoàng Kim Phụng, Cục trưởng Cục GGHB Việt Nam cho biết từ nay đến trước khi triển khai luân phiên BVDC2.2 đến phái bộ, Cục GGHB sẽ còn tiến hành nhiều hoạt động huấn luyện khác theo chương trình huấn luyện tổng thể cho BVDC2.2, trong đó có huấn luyện cập nhật tình hình địa bàn, huấn luyện thực hành trên sa bàn, và huấn luyện thực địa thực hành tổng hợp trên bộ trang bị của BVDC.
Cán bộ chiến sĩ bệnh viện dã chiến cấp 2 diễn tập các tình huống giả định trong quá trình huấn luyện – Ảnh: Cục Gìn giữ hòa bình Việt Nam
Chuẩn đầu ra kỹ lưỡng
Trung tướng, GS-TS Đỗ Quyết, Giám đốc Học viện Quân y, cho biết sau khi nhận quyết định của Bộ Quốc phòng thành lập BVDC2.2, Học viện Quân y phải đứng ra tổ chức về mặt chính quyền về mặt chuyên môn để đảm bảo mọi công tác chuẩn bị thật là sẵn sàng.
Video đang HOT
Các sĩ quan được huấn luện để làm việc trong môi trường quốc tế – Ảnh: Cục Gìn giữ hòa bình Việt Nam
“Đầu tiên là công tác giáo dục chính trị tư tưởng. Việc này chúng tôi đã thực hiện khá tốt, về cơ bản. Tuy nhiên vào từng trường hợp cụ thể có những khó khăn. Ví dụ như từng gia đình có những hoàn cảnh như chồng, con còn nhỏ mẹ già ốm đau, bản thân sức khỏe của các đồng chí quân nhân… Tuy nhiên đến thời điểm này hầu hết cán bộ chiến sĩ của bệnh viện dã chiến cấp hai đều đã yên tâm và đều quyết tâm xác định nhiệm vụ của mình”- Trung tướng, GS-TS Đỗ Quyết khẳng định.
Bệnh viện làm nhiệm vụ quốc tế, trước tiên phải thực hiện nhiệm vụ chuyên môn, cứu chữa người bệnh. Do đó việc đầu tiên là phải hiểu biết kiến thức chuyên môn, nắm được cơ cấu bệnh tật của người dân ở Nam Sudan. Lãnh đạo BVDC2.2 đã liên hệ với bệnh viện dã chiến cấp hai phố một, đồng thời nhờ phái bộ LHQ gửi cho cơ cấu các mặt bệnh có thể có để Học viện Quân y chủ động xây dựng một giáo trình và tổ chức dạy các quy trình cứu chữa các mặt bệnh.
Các sĩ quan thuộc bệnh viện dã chiến và khách mời Lễ ra mắt và khai mạc huấn luyện tiền triển khai bệnh viện cấp dã chiến cấp 2 số 2 – Ảnh: Dương Ngọc
Về tập huấn, trao đổi chuyên môn với các chuyên gia trong và ngoài nước, đã tổ chức diễn tập chung trên sa bàn với Ấn Độ và Thái Lan, khóa các chiến dịch hỗ trợ Hòa Bình tại Indonesia, hội nghị tư vấn của LHQ để xây dựng sổ tay chất lượng y tế về an toàn bệnh nhân tại Ý , tập huấn điều phối quân gạch ngang dân sự tại Nê-pan, gìn giữ hòa bình trong khuôn khổ sáng kiến hoạt động hòa bình toàn cầu tại Bangladesh và Malayxia, tập huấn sỹ quan tham mưu LHQ, luật nhân đạo quốc tế, ngoại dã chiến, trao đổi chuyên môn, nâng cao nhận thức về bom, mìn, vật liệu nổ sau chiến tranh, phân loại bệnh nhân và quy trình xử lý thương vong hàng loạt…
Đồng thời, để bảo đảm thật tốt quy trình chuyên môn theo chuẩn quốc tế trong điều kiện tác nghiệp ở nước ngoài, Học viện đã chú trọng xây dựng chương trình đào tạo theo quy trình chuẩn của LHQ cả về chuyên môn, y đức; đào tạo tiếng Anh, xây dựng chương trình nâng cao thể lực đối với cán bộ chiến sĩ để đáp ứng điều kiện làm việc khắc nghiệt ở nước ngoài trong điều kiện tầm vóc người Việt Nam vốn nhỏ.
“Chúng tôi đã xây dựng kế hoạch tổng thể theo năm trong kế hoạch tổng thể chia ra các kế hoạch chi tiết và sau đó chia làm lịch học tập và làm việc của các cán bộ chiến sĩ một cách chi tiết: ăn – ngủ giờ nào, chạy bộ, tập tạ như thế nào, thể lực nâng lên ra sao theo từng thời điểm….” – Trung tướng, GS-TS Đỗ Quyết chia sẻ.
Ông cũng nhấn mạnh mỗi sĩ quan, chiến sĩ trong BVDC 2.2 là một đại diện, là sứ giả ở nước ngoài, nên bên cạnh việc rèn luyện về mặt chuyên môn, Học viện chú trọng rèn luyện về mặt điều lệ, tác phong, nguyên tắc ứng xử của LHQ, xác định về chuẩn đầu ra một cách rất kỹ lưỡng.
Đội công binh sẽ sang hoạt động ở phái bộ năm 2020
Thượng tướng Nguyễn Chí Vịnh, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng, khẳng định trong năm 2018, hoạt động gìn giữ hòa bình LHQ của Việt Nam về cơ bản theo đúng kế hoạch đề ra từ năm 2014 được Bộ Chính trị thông qua và Thủ tướng chấp thuận.
Trong năm 2018, đã đưa bệnh viện dã chiến cấp 2 số 1 đi Nam Sudan. Đây là sự kiện không lớn nhưng là việc Việt Nam chưa bao giờ làm, cơ động lực lượng gồm hơn 70 đồng chí sang châu Phi cùng gần 400 tấn hàng bằng cả đường biển và đường không. Ngay khi sang tới nơi phải đảm bảo về các mặt sinh hoạt, ăn ở, thực hiện ngay được nhiệm vụ. Bệnh viện dã chiến cấp 2 đã bước vào hoạt động thuận lợi và đạt được yêu cầu của LHQ.
Trong năm 2019, ưu tiên đầu tiên là tiếp tục làm tốt hoạt động GGHB, hoạt động của từng sĩ quan cũng như bệnh viện dã chiến. Đặc biệt là chuẩn bị tốt việc thay quân vào tháng 1-2019, thay quân không có nghĩa là nghỉ. Lực lượng bệnh viện dã chiến cấp 2 hiện đang ở châu Phi khi về nước sẽ là lực lượng bệnh viện dã chiến của quân đội, thực hiện nhiệm vụ của quân đội, đặc biệt là tìm kiếm cứu nạn, cứu trợ thảm họa cho người dân trong nước. Việt Nam đang nghiên cứu chuẩn bị để năm 2020 có thể có đội công binh sang hoạt động ở phái bộ. Điều này còn phụ thuộc vào hai yếu tố chính là yêu cầu của LHQ và khả năng chủ trương của Việt Nam .
Bài: Dương Ngọc
Theo NLĐO
Thượng tướng Nguyễn Chí Vịnh nói về lực lượng mũ nồi xanh VN trước giờ xuất quân
Sau gần 5 năm chuẩn bị, ngày 1.10.2018 sẽ diễn ra Lễ xuất quân của Bệnh viện dã chiến (BVDC) cấp 2 số 1 lên đường nhận nhiệm vụ ở Phái bộ Gìn giữ hòa bình Liên hợp quốc (GGHB LHQ) tại Nam Sudan.
Thượng tướng Nguyễn Chí Vịnh - Ảnh: Trung Trực/QDND
Sự kiện này có ý nghĩa đặc biệt khi lần đầu tiên, Việt Nam đưa một đơn vị quân đội tham gia nghĩa vụ quốc tế cao cả, thực hiện sứ mệnh hòa bình. Thượng tướng Nguyễn Chí Vịnh, Ủy viên Trung ương Đảng, Ủy viên Thường vụ Quân ủy Trung ương, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng, Trưởng ban chỉ đạo Bộ Quốc phòng về tham gia hoạt động GGHB LHQ đã trả lời phỏng vấn Báo Quân đội nhân dân xung quanh sự kiện này.
Phóng viên (PV): Thưa Thứ trưởng, lễ xuất quân đã cận kề, với vai trò Trưởng ban chỉ đạo, đồng chí đánh giá như thế nào về hoạt động chuẩn bị lực lượng BVDC của Việt Nam?
Thượng tướng Nguyễn Chí Vịnh: Chúng ta đã đi qua một quãng thời gian chuẩn bị khá dài nhưng vô cùng cần thiết, giúp chúng ta chuẩn bị thật kỹ, đáp ứng tốt nhất các yêu cầu của LHQ. Đây là nhiệm vụ mang ý nghĩa đặc biệt, đầy khó khăn, được Đảng, Nhà nước giao cho Bộ Quốc phòng đảm nhận. Quá trình chuẩn bị, triển khai có sự phối hợp liên ngành, liên quốc gia, đòi hỏi chuẩn bị công phu, chặt chẽ. Lực lượng quân y bên cạnh huấn luyện, đào tạo chuyên môn, còn phải học rất nhiều thứ để bảo đảm sẵn sàng và thực hiện tốt nhiệm vụ ở địa bàn phái bộ.
Những năm qua, công tác chuẩn bị nhận được sự quan tâm, phối hợp chặt chẽ, có trách nhiệm của nhiều cơ quan thuộc Bộ Quốc phòng và của Chính phủ, Quốc hội, các cơ quan Trung ương, một số bộ, ngành để hoàn tất các văn bản, hệ thống pháp lý chuẩn bị triển khai lực lượng GGHB. Đến hôm nay, chúng ta tự tin là đã hoàn tất, sẵn sàng để thực hiện nhiệm vụ quốc tế mang ý nghĩa cao cả.
PV: Lần đầu tiên Việt Nam xuất quân thực hiện nhiệm vụ GGHB LHQ. Thứ trưởng đánh giá như thế nào về sự kiện này?
Thượng tướng Nguyễn Chí Vịnh: Trong quá trình chuẩn bị, Việt Nam đã đưa 27 lượt sĩ quan tham gia đảm nhiệm các nhiệm vụ cụ thể trong lực lượng GGHB LHQ. Lần này, một đội hình với biên chế hoàn thiện, đủ năng lực thể hiện bước tiến rất lớn của Việt Nam trong tham gia lực lượng GGHB LHQ. Tôi tin tưởng chúng ta sẽ đạt được thành công, đóng góp cho hòa bình, ổn định của thế giới. Như tôi biết thì LHQ và thế giới cũng chờ đợi để xem, trong thời chiến, Quân đội nhân dân Việt Nam đã rất anh hùng thì nay trong thời bình, quân đội của chúng ta sẽ có khả năng như thế nào. Đây cũng là cơ hội để chúng ta khẳng định, chứng minh sự đóng góp đối với hòa bình thế giới, chứng minh Quân đội nhân dân Việt Nam tiến hành chiến tranh bảo vệ Tổ quốc rất giỏi và bảo vệ hòa bình cũng rất giỏi. Một điểm nổi bật trong lực lượng GGHB đợt này là có 10 nữ sĩ quan. LHQ rất đề cao vai trò phụ nữ và tỷ lệ nữ của các quốc gia tham dự lực lượng GGHB thường chỉ có khoảng 10% quân số, trong khi chúng ta đạt tỷ lệ nữ chiếm 17% quân số. Điều này mang ý nghĩa lớn, cho thấy Việt Nam vừa thực hiện nhiệm vụ GGHB, vừa thực hiện rất tốt mục tiêu bình đẳng giới của LHQ. Họ rất mong chờ sự có mặt của các nữ sĩ quan Việt Nam ở địa bàn Phái bộ GGHB ở Nam Sudan.
PV: Thứ trưởng suy nghĩ gì về vai trò sứ giả của mỗi cán bộ, sĩ quan Quân đội nhân dân Việt Nam khi tham gia GGHB?
Thượng tướng Nguyễn Chí Vịnh: Mỗi cán bộ, y sĩ, bác sĩ không chỉ là sứ giả hòa bình, sứ giả văn hóa mà còn là sứ giả sức mạnh quân sự của chúng ta có được từ truyền thống, trong các cuộc kháng chiến giành độc lập, bảo vệ Tổ quốc. Sức mạnh quân sự thể hiện qua sự nỗ lực, quyết tâm lớn trong quá trình huấn luyện, đào tạo, nâng cao năng lực nghiệp vụ. Mỗi người phải học rất nhiều thứ, không chỉ học chuyên môn, còn phải thành thạo ngoại ngữ, thông thuộc luật pháp quốc tế, am hiểu về chính trị, lịch sử, văn hóa địa bàn... Một đại diện phải là như vậy, vừa thể hiện tính đại diện của Quân đội nhân dân Việt Nam hoạt động ở môi trường quốc tế, vừa mang thông điệp hòa bình của Việt Nam đến với bạn bè quốc tế. Ở địa bàn phái bộ, mỗi cán bộ, chiến sĩ cần luôn luôn đề cao tự lực, tự rèn. Hoàn cảnh khó khăn ở địa bàn phái bộ chính là nơi rèn luyện tốt nhất để nâng cao kỹ năng và trình độ mọi mặt.
PV: Thứ trưởng có thể cho biết tình hình hiện nay ở phái bộ của LHQ mà lực lượng GGHB sẽ có mặt trong vài ngày tới?
Thượng tướng Nguyễn Chí Vịnh: Nam Sudan và nhiều nước ở châu Phi đối diện với đói nghèo, sự mất kiểm soát của chính quyền và xung đột giữa các bộ tộc, phe phái trong một quốc gia. Nhiệm vụ của LHQ là đưa lực lượng đến để ngăn chặn, không để chiến tranh bùng phát trở lại, bảo đảm hòa bình và hòa giải, giúp tái thiết. Tuy nhiên, LHQ có quy định đối với các quốc gia tham gia có thể lựa chọn các nội dung công việc, địa bàn phù hợp, trách nhiệm của bản thân lực lượng GGHB... Chúng ta tham gia trên cơ sở chủ trương, đường lối đối ngoại của Đảng và Nhà nước, bảo vệ hòa bình. Chúng ta không tham gia vào xung đột quân sự, không tham gia vào hệ thống quản trị người dân, chúng ta không tham gia vào những xung đột mà LHQ không có tiếng nói. Nói thế không phải là chúng ta né tránh khó khăn, mà đây là đường lối đối ngoại của chúng ta, không tham gia bất kỳ hoạt động xung đột quân sự nào ở bên ngoài mà chỉ tập trung nhiệm vụ nhân đạo, hòa giải.
PV: An ninh toàn cầu và xung đột xảy ra ở nhiều nơi trên thế giới đòi hỏi sự có mặt của lực lượng GGHB LHQ. Thời gian tới, chúng ta có mở rộng nội dung tham gia lực lượng GGHB LHQ không, thưa Thứ trưởng?
Thượng tướng Nguyễn Chí Vịnh: LHQ đề nghị nhiều nhưng chúng ta chỉ tham gia phù hợp với đường lối đối ngoại và năng lực. Yêu cầu thứ nhất là bảo đảm an toàn lực lượng; thứ hai là hoàn thành nhiệm vụ. Về phương hướng sắp tới, chúng ta thường xuyên nắm bắt thông tin, rút kinh nghiệm, nghiên cứu, hoàn thiện. Cụ thể, ngay sau lễ xuất quân thì BVDC cấp 2 số 2 sẽ chính thức được thành lập, triển khai chuẩn bị để sau một năm khi BVDC cấp 2 số 1 trở về thì sẽ thay thế ở địa bàn phái bộ. BVDC cấp 2 số 1 trở về sẽ trở thành lực lượng cơ động cứu hộ, cứu nạn trong thời bình. Một điều nữa chúng ta tiếp tục chuẩn bị là lực lượng công binh dự kiến để cuối năm 2019, mình sẽ đặt vấn đề xuất quân. Ngoài ra, chúng ta xúc tiến xây dựng Trung tâm GGHB Việt Nam. Vừa rồi, Trung tâm GGHB của Việt Nam được LHQ chứng nhận là trung tâm có tầm cỡ quốc tế của LHQ và là trung tâm ủy thác huấn luyện lực lượng GGHB của LHQ ở khu vực châu Á-Thái Bình Dương.
PV: Trước khi các chiến sĩ "mũ nồi xanh" của Việt Nam lên đường, Thứ trưởng có căn dặn và gửi gắm điều gì?
Tôi tin tưởng tập thể BVDC cấp 2 số 1 của Việt Nam sẽ hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ. Những năm qua, chúng ta triển khai chỉ là công tác chuẩn bị và bây giờ, ngay sau lễ xuất quân là các đồng chí bắt đầu bước vào thực hành thực sự. Vì vậy, trước khi lên đường, thay mặt lãnh đạo Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng và ở cương vị Trưởng ban chỉ đạo, tôi đã yêu cầu, căn dặn lãnh đạo, tập thể BVDC cấp 2 số 1 cần phải thực hiện, duy trì nghiêm túc các quy định, kỷ luật quân đội, kỷ luật hành quân, kỷ luật đơn vị; thực hiện đúng kỷ luật tham mưu, chỉ huy, chế độ báo cáo, bảo đảm công tác chỉ huy thường xuyên, liên tục, kịp thời. Ngay từ đầu cần quan tâm chăm lo đến đời sống vật chất và tinh thần cho cán bộ, chiến sĩ; bảo đảm an ninh, an toàn, xác định đây là yếu tố tiên quyết, hàng đầu trong quá trình thực hiện nhiệm vụ ở thực địa; nỗ lực rèn luyện, học hỏi, khắc phục khó khăn thử thách ở địa bàn mới, tình hình và yêu cầu mới... Tập thể bệnh viện cần luôn nêu cao đoàn kết, quyết tâm, phát huy truyền thống của Quân đội nhân dân Việt Nam rất đỗi tự hào là "đã ra quân là đánh thắng"...
PV: Trân trọng cảm ơn Thứ trưởng!
Ngày 29.9, tại TP.HCM, Ban chỉ đạo Bộ Quốc phòng về tham gia hoạt động GGHB LHQ đã tổ chức lễ giao nhiệm vụ cho BVDC cấp 2 số 1 trước khi lên đường đến Phái bộ GGHB LHQ ở Nam Sudan. Tới dự có Thượng tướng Nguyễn Chí Vịnh, Ủy viên Trung ương Đảng, Ủy viên Thường vụ Quân ủy Trung ương, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng, Trưởng ban chỉ đạo; Thượng tướng Phạm Ngọc Minh, Phó tổng Tham mưu trưởng Quân đội nhân dân Việt Nam, Phó trưởng Ban chỉ đạo; Trung tướng Lê Hiền Vân, Phó chủ nhiệm Tổng cục Chính trị Quân đội nhân dân Việt Nam... Tại buổi lễ, Bộ Quốc phòng và các cơ quan trực thuộc đã công bố các quyết định về điều chuyển nguyên trạng BVDC cấp 2 số 1 trực thuộc Bệnh viện Quân y 175 về Cục GGHB Việt Nam; điều động BVDC cấp 2 số 1 tham gia lực lượng GGHB LHQ tại phái bộ Nam Sudan; kiện toàn Giám đốc BVDC cấp 2 số 1 vào Đảng ủy Cục GGHB Việt Nam. Bệnh viện Quân y 175 và Cục GGHB Việt Nam đã ký kết biên bản bàn giao BVDCcấp 2 số 1.
Theo Đặng Trung Kiên/QĐND
Bệnh viện dã chiến sẵn sàng lên đường Bệnh viện dã chiến cấp 2 đầu tiên của quân đội Việt Nam sẽ lên đường làm nhiệm vụ gìn giữ hòa bình Liên Hiệp Quốc tại quốc gia châu Phi Nam Sudan vào ngày 1-10 Lễ xuất quân đưa bệnh viện (BV) dã chiến cấp 2 lên đường sẽ được tổ chức tại sân bay Tân Sơn Nhất, TP HCM. Sự kiện...