Bật mí về dãy số xuất hiện trong các bộ phim của hãng Pixar
Nhiều fan cứng Disney, Pixar đã nhìn ra bí ẩn này trong nhiều phim và nhận được lời giải đáp từ chính các họa sĩ làm việc tại đây.
Năm 1979, George Lucas mở một xưởng phim hoạt hình trực thuộc Lucasfilm. Chưa đầy 5 năm sau nhà sản xuất lừng danh nhận ra làm phim hoạt hình không phải là sở trường của mình và bán lại studio này cho Steve Jobs (CEO hãng Apple) với giá 5 triệu USD. Sau bản hợp đồng ký ngày 3/2/1986 xưởng phim chính thức được đổi tên thành Pixar. Trong 2 thập niên tiếp theo giá trị của hãng phim vô danh ngày nào đã vươn lên con số 7,4 tỷ USD trong thương vụ mua bán giữa Apple và hãng phim Walt Disney vào năm 2006.
Sau gần 30 năm hình thành và phát triển, mỗi sản phẩm của Pixar đều mang trong mình nhiều điều thú vị mà chỉ các họa sĩ tại đây biết được. Một trong số đó là dòng mật mã A113 bí ẩn xuất hiện trong tất cả các phim của hãng. Dãy mật mã chính là tên một phòng học tại Học viện Nghệ thuật California – nơi trưởng thành của nhiều họa sĩ Pixar và Disney. Ngay từ bộ phim đầu tiên của Pixar – Toy Story ra mắt năm 1995 dòng chữ số A113 đã xuất hiện rất rõ ràng bên cạnh nhân vật Woody.
Ngoài ra, A113 còn là biển số xe quen thuộc xuất hiện trong bộ phim hoạt hình Lilo and Stitch.
Dù xuất hiện ở vị trí khá nhỏ và mờ nhưng người hâm mộ vẫn nhận ra chiếc biển số A113 trong bộ phim Cars.
Video đang HOT
Không chỉ có biển số xe, mật mã A113 còn được đặt cho chiếc tàu hỏa trong bộ phim The Princess and the Frog.
Hoặc chỉ cần tinh mắt bạn có thể thấy chiếc máy ảnh trong bộ phim Finding Nemo cũng mang mã số A113.
Ở một vị trí rõ ràng hơn, người hâm mộ có thể tìm thấy A113 trên con mắt trí thông minh nhân tạo AUTO trong bộ phimWall-E ra mắt năm 2008.
Một cảnh quay ông lão Carl ngồi chờ bên ngoài căn phòng A113 không được nhiều người nhớ tới trong bộ phim Up.
Căn phòng A113 cũng chính là nơi gã quái vật James P Sullivan xuất hiện trong Monster Inc.
Trong bộ phim bom tấn mới đây nhất của Pixar – Big Hero 6 mật mã A113 lại xuất hiện dưới dạng ngôn ngữ lập trình.
Theo Zing
10 robot giàu cảm xúc nhất trên màn ảnh
Dù mang vẻ bề ngoài khô khan, những người máy này đem tới cho khán giả không ít cảm xúc trong phim chúng xuất hiện.
C-3PO và R2-D2 trong loạt Star Wars: C-3PO và R2-D2 là cặp robot kinh điển trong lịch sử điện ảnh thế giới khi gắn liền với loạt phim khoa học viễn tưởng Chiến tranh giữa các vì sao suốt gần bốn thập kỷ. Đây đều là những robot trung thành, vào sinh ra tử cùng nhân vật chính Luke Skywalker trong hành trình giải cứu dải ngân hà.Từ ngoại hình đến tính cách của cả hai đều trái ngược: C-3PO vốn là một robot cấp cao, mang dáng vẻ con người, thông minh đến độ kiêu căng; trong khi đó, R2-D2 nhỏ con hơn và thích đùa bỡn. Sự tương phản này đem tới không ít tình huống hài hước cho loạt phim.
T-800 trong Terminator 2: Judgment Day:Ở phần hai của Kẻ hủy diệt, người máy T-800 được giao nhiệm vụ trở về quá khứ để cứu lấy mẹ con nhà Connor. Nhân vật do siêu sao hành động Arnold Schwarzenegger thủ vai theo đó có một cuộc chiến đầy cam go với "người máy chất lỏng" T-1000. Suốt cả phim, T-800 hết mình bảo vệ cậu bé John Connor hệt như một người cha, dù mặt không biểu lộ chút cảm xúc nào. Giây phút T-800 bình thản tạm biệt cậu bé trước khi bộ phim khép lại đến giờ vẫn là khoảnh khắc xúc động nhất của cả loạt phim Terminator.
Andrew Martin trong Bicentennial Man:Chàng người máy trong Bicentennial Man không khác gì hình bóng của diễn viên hài bạc mệnh Robin Williams. Hành trình cảm xúc của Andrew, suy cho cùng, là vòng đời của một con người. Xuất thân chỉ là một cỗ máy quản gia, cậu bắt đầu phát triển những xúc cảm nhẹ nhàng với cô chủ như chàng thiếu niên mới lớn. Ở giai đoạn sau, Andrew nảy sinh khát khao được làm người; để rồi nhận được cái kết viên mãn: thanh thản qua đời bên cạnh người mình yêu ở tuổi 200, và được cả thế giới thừa nhận là một con người.
David trong A.I. Artificial Intelligence: Cậu bé người máy David là nhân vật được đạo diễn Steven Spielberg "đo ni đóng giày" cho diễn viên nhí Haley Joel Osment. Để nhập vai, Osment từng phải hạn chế chớp mắt, học cách thực hiện những động tác sao cho giống một người máy. Trên màn ảnh, David sở hữu suy nghĩ như một đứa trẻ, được mua về để bà chủ Monica có thể nguôi ngoai nỗi đau khi con trai mắc bệnh hiểm nghèo. Tại căn nhà của Monica, David luôn coi bà là người mẹ thực sự và tình cảm giữa cả hai thậm chí kéo dài qua đến hai thiên niên kỷ.
WALL-E trong WALL-E:Trong tương lai giả định, thế giới bị ô nhiễm nặng đến mức loài người phải bỏ lên tàu vũ trụ để sinh sống. Trên trái đất chỉ còn lại duy nhất chú robot WALL-E với nhiệm vụ thu gom rác. Cuộc sống tẻ nhạt kéo dài tưởng như vô tận của WALL-E bỗng nhiên bị đảo lộn khi cậu gặp và phải lòng EVE - một robot cao cấp được con người phái về. Tình cảm của cả hai không cần đến lời thoại, thể hiện chỉ qua những cử chỉ giao tiếp đơn giản. Chính điều này giúp cho bộ phim WALL-E gây xúc động mạnh và trở nên vô cùng đáng nhớ.
Atom trong Real Steel: Vốn là một robot bị bỏ lại tại bãi rác, Atom được cậu bé Max mang về và biến thành đấu sĩ. Max không đối xử với Atom như những người chủ khác mà xem chú robot này như bạn thân. Không có sức mạnh vượt trội, nhưng Atom sở hữu năng lực đặc biệt: sao chép cử động của con người. Một trong những khoảnh khắc xúc động nhất phim là khi Atom bắt chước cử động của Charlie Kenton - cha của Max, ở trận đấu quyết định. Tại thời khắc đó, Atom dường như vượt qua ranh giới của một cỗ máy vô tri vô giác và trở thành hiện thân tình cảm Charlie dành cho con trai.
Samantha trong Her: Bộ phim Her của đạo diễn Spike Jonze đưa người xem đi tới một cung bậc cảm xúc hoàn toàn mới mẻ: tình yêu giữa con người và trí tuệ nhân tạo, cụ thể là một hệ điều hành. Chán nản và thất vọng trong cuộc sống, nhà văn Theodore mua một hệ điều hành có trí thông minh về để bầu bạn với mình, chọn giới tính nữ và đặt tên cho nó là Samantha. Theodore và Samantha nhanh chóng trở thành tri kỷ, rồi từ tình bạn bỗng chốc biến thành tình yêu. Qua giọng nói của mỹ nhân Scarlett Johansson, Samantha trở thành một nhân vật có nội tâm phức tạp, biết quan tâm, lắng nghe, biết hờn ghen, giận dỗi, sở hữu đủ mọi cảm xúc hỉ nộ ái ố như con người.
Baymax trong Big Hero 6: Gây ấn tượng mạnh bởi vẻ ngoài to béo vụng về nhưng tính tình thân thiện, Baymax là chú robot được yêu mến nhất trên màn ảnh trong năm 2014. Không chỉ là một người máy chữa bệnh, Baymax mang trong mình cả tâm hồn của người sáng chế Tadashi thông qua tấm thẻ nhớ màu xanh do anh chế tạo. Tình thương yêu không vụ lợi của Baymax dành cho Hiro cũng chính là hình ảnh phản chiếu tình cảm mà Tadashi quá cố muốn gửi gắm tới em trai. Không chỉ có những khoảnh khắc hài hước, Baymax còn khiến không ít khán giả rơi lệ trong cảnh cậu hy sinh với câu hỏi: "Bạn đã hài lòng với sự chăm sóc của tôi chưa?"
Chappie trong Chappie: Đây là nhân vật chính trong tác phẩm mới nhất của Neill Blomkamp, đạo diễn người Nam Phi từng gây tiếng vang với bộ phim District 9. Vốn là một robot thử nghiệm có tư duy, Chappie dần dần từng bước học hỏi và phát triển trí tuệ khi tiếp xúc với thế giới bên ngoài. Hành trình của Chappie gây thú vị cho người xem bởi nó phản ánh chân thực quá trình học hỏi, sáng tạo của một đứa trẻ từ những điều nhỏ nhặt nhất. Chappie sẽ khởi chiếu tại Việt Nam từ ngày 6/3.
Theo Zing
10 bộ phim tuyệt vời tròn 20 tuổi năm 2015 Dù đây không hẳn là những bộ phim hay nhất của 20 năm về trước nhưng chúng gắn liền với đại bộ phận giới trẻ thời bấy giờ và đến nay vẫn còn lưu lại dấu ấn. Một vài bộ phim thật sự được yêu thích, một số khác đến nay vẫn có nét tươi mới dù chúng được sản xuất cách đây...