Bật mí về công nghệ Stop Motion và những bí mật hậu trường đằng sau “Ngôi Làng Tiền Sử”
Hãy cùng xem đằng sau hậu trường của bộ phim hoạt hình “ Early Man” (Ngôi Làng Tiền Sử) có gì thú vị.
Các fan cứng của những bộ phim hoạt hình trên khắp thế giới chắc hẳn không còn quá xa lạ với thể loại Stop Motion. Có thể kể đến một vài cái tên đình đám mà các tín đồ hoạt hình không thể bỏ qua như Coraline (năm 2009), Paranorman (năm 2012), The Boxtrolls (2014), hay series làm mưa làm gió trên kênh truyền hình Disney – Shaun The Sheep. Trong năm 2018 này, bộ phim mới toanh với định dạng Stop Motion độc đáo Early Man – Ngôi Làng Tiền Sử sẽ được trình làng, hứa hẹn sẽ đem lại nhiều điều bất ngờ và tiếng cuời cho khán giả.
Ngôi Làng Tiền Sử vui nhộn sẽ ra mắt tại Việt Nam trong dịp Tết Nguyên Đán
Ngôi Làng Tiền Sử chính là bộ phim Stop Motion có quy mô hoành tráng nhất mà xưởng hoạt hình Aardman đình đám từng thực hiện trong suốt hơn 40 năm hoạt động của mình. Bộ phim bắt đầu được triển khai vào tháng 05 năm 2016 và những công đoạn của quá trình sản xuất đã kéo dài tới tận những tuần cuối cùng của năm 2017. Tuy nhiên, những công việc chuẩn bị đã được tiến hành một cách khẩn trương từ nhiều tuần trước khi camera bắt đầu bấm máy.
Việc tạo ra được một bộ phim Stop Motion trải qua rất nhiều công đoạn tỉ mỉ khác nhau và cũng rất kỳ công. Bởi các nhà làm phim phải sắp xếp bối cảnh, chụp lại liên tiếp từng phân cảnh để từ đó đưa vào xử lý trên bàn dựng chuyên dụng và tạo thành đoạn phim sống động.
Có rất nhiều bí mật hậu trường thú vị cùng những con số ấn tượng trong quá trình thực hiện bộ phim hoạt hình Ngôi Làng Tiền Sử đã được bật mí!
Hậu trường của “Early Man” (Nguồn: YouTube)
Đầu tiên phải kể đến lực lượng đoàn làm phim hùng hậu. Bạn có ngờ rằng, chỉ với một bộ phim hoạt hình mà phải huy động đến khoảng 150 người tham gia trực tiếp vào quá trình sản xuất. Ở những thời kỳ cao điểm, có khoảng 33 chuyên gia xử lý đồ hoạ cùng nhau làm việc tại phim trường. Mọi người cùng làm việc trong phim trường Aztec West rộng xấp xỉ 4.700 m, tương đương với kích thước của 4 bể bơi tiêu chuẩn Olympic. Ở một số thời điểm có tới 40 bộ phận làm việc tại đây. Vào giai đoạn cao điểm, số lượng máy quay cùng hoạt động ở Aztec West có thể lên tới con số 40.
Một cảnh động trong phim mới “Ngôi Làng Tiền Sử”
Thêm vào đó, bắt đầu từ một ý tưởng, những nhà biên kịch sẽ ngồi lại cùng nhau để cho ra đời một câu chuyện hoàn chỉnh. Câu chuyện ấy sẽ được các họa sĩ phác họa nội dung lên giấy vẽ, để từ đó những nhà làm phim có thể hiểu được câu chuyện mà thiết kế khung cảnh, động tác, kỹ xảo, bố trí góc máy cho phù hợp.
Các chuyên viên thiết kế bối cảnh chính chắc có lẽ là những người kiên nhẫn và khéo léo nhất. Họ chính là những “bậc thầy phù thủy” tạo ra tất cả mọi thứ từ việc dựng cảnh, các nhân vật, thậm chí là từng đồ vật và đạo cụ. Tất cả đều được may vá, đẽo khắc bằng tay đầy tỉ mỉ.
Bộ phim đã sử dụng 273 con rối được chế tác bởi 23 nghệ nhân làm rối khác nhau trong suốt 30 tháng ròng. Phải mất gần 10 tuần để hoàn thành một con rối, và nhóm thực hiện đã chế tác tổng cộng 18 con rối Dug và 8 con rối cho mọi thành viên của bộ tộc Đồ Đá.
Tạo hình các con rối của bộ tộc Đồ Đá
Bên cạnh đó, bất cứ ai từng đặt chân tới phim trường Aztec West cũng sẽ phải sửng sốt trước độ tỉ mỉ của những bối cảnh thế giới thời tiền sử được dàn dựng.
Điển hình như bộ phận mỹ thuật đã phải tạo ra 60 thân cây để dựng nên khu rừng ở quê hương bộ tộc Đồ Đá, và mỗi thân cây cần tới một tuần để có thể hoàn thành.
Video đang HOT
Từng nhân vật, dụng cụ trong phim 100% là hàng handmade đấy nhé!
Và chắc chắn công trình khiến mọi người bất ngờ nhất chính là thành phố Đồ Đồng với sân vận động khổng lồ – tuy đã được thu nhỏ về mặt kích thước nhưng tất cả các đường nét kiến trúc vẫn được khắc hoạ vô cùng cụ thể, chi tiết.
Các nhà làm phim điều chỉnh tỉ mỉ từ khung cảnh…
động tác nhân vật…
… cho đến góc máy phù hợp!
Early Man – Ngôi Làng Tiền Sử đã đánh dấu sự xuất hiện trờ lại của cha đẻ những bộ phim hoạt hình được giải Oscar – Nick Park trong năm 2018 này. Những thước phim vui nhộn trong Ngôi Làng Tiền Sử – bộ phim hoạt hình duy nhất trong dịp Tết Nguyên Đán, chắc chắn sẽ trở thành lựa chọn lý tưởng dành cho các khán giả.
Được chắp bút bởi bộ ba Mark Burton, James Higginson và John O’Farrell, Early Man lấy bối cảnh thời kì tiền sử, khi mà những loài sinh vật cổ đại và những chú voi ma-mút còn đang thống trị trên Trái Đất. Nội dung phim xoay quanh Dug (do Eddie Redmayne lồng riếng) cùng đồng đội là chú heo rừng Hognob trong nỗ lực thống nhất bộ tộc. Cả hai phải chiến đấu chống lại kẻ thù xảo quyệt nhất – Chúa tể Nooth (do Tom Hiddleston lồng tiếng) đến từ thị trấn Thời Kỳ Đồ Đồng để bảo vệ quê hương.
Early Man – Ngôi Làng Tiền Sử khởi chiếu bắt đầu từ ngày 16/02/2018 (Mùng Một Tết Âm Lịch).
Theo Trí Thức Trẻ
15 nhân vật phản diện bị Walt Disney loại khỏi phim trong phút chót (Phần 1)
Những nhân vật cực thú vị nhưng bị loại bỏ trong giai đoạn phát triển và thiết kế phim của hãng Walt Disney.
Ai ai cũng có một nhân vật phản diện mà mình yêu thích, đặc biệt là các vai phản diện của Disney. Những vai ác của họ có một điều gì đó khá đặc biệt, khiến cho người xem thích thú và có phần ngưỡng mộ: Từ lạnh lùng kiêu sa như Maleficent, tới khoe mẽ như Gaston, hoặc rùng rợn và hơi đe dọa của Scar chẳng hạn. Chính vì điều này mà những kẻ ác nhân này lại có một lượng fan kha khá trong suốt những thập kỷ vừa qua, và vẫn sẽ tiếp tục có mặt ở đó để tạo ra sự xung đột và sự kịch tính trong từng bộ phim của Disney. Thậm chí vài kẻ ác còn có những bài hát thuộc dạng thứ dữ.
Thế nhưng, ít người biết rằng trước khi được định hình như vậy, những vai phản diện đã phải trải qua không ít lần biến đổi về mặt tạo hình lẫn tính cách trong giai đoạn phát triển phim và nhân vật. Chưa kể tới việc trước khi tạo ra họ, thì Disney cũng đã phác thảo ra rất nhiều những nhân vật phản diện khác, tuy nhiên những nhân vật này không có cơ hội đưa lên phim phần vì tạo hình quá kinh dị, hoặc quá "người lớn" không phù hợp với các bé, quá hùng mạnh hay bị "hợp thể" với nhau để tạo ra một kẻ ác khác.
Vậy nên câu hỏi đặt ra là: Nếu Scar không phải là trùm cuối của Vua Sư Tử thì sao? Hay kẻ thù của Gia Đình Siêu Nhân chẳng phải là Syndrome thì sẽ như thế nào? 15 nhân vật phản diện chưa từng được lộ diện sau đây sẽ cho các vị biết thêm một chút về những gì đã có thể xảy ra cho những phim kinh điển của Disney.
15. Nhóm Fujitas (Big Hero 6)
Nữ quái Fujitas trong phim
Trong Big Hero 6 mới ra mắt gần đây, vai phản diện của chúng ta là Giáo sư Robert Callaghan, một người cha muốn trả thù cho người con gái của mình. Nhưng theo ý tưởng ban đầu thì vai phản diện này là một kẻ tên Mr. Yama, trùm thế giới ngầm của San Fransokyo. Y lẽ ra là kẻ chủ mưu, và Fujitas là tên gọi của 3 nữ quái tay sai của y, nhận vai trò "hành" 6 người hùng lên bờ xuống ruộng. Về sau nhân vật Yokai lên thay thế, nhưng vai trò của bộ tam này vẫn không đổi.
Mãi cho đến khi ý tưởng và Robert Callaghan xuất hiện, thì Fujitas cùng cái thế giới ngầm này tạm thời bị gác lại để phát triển bộ phim theo hướng chiều sâu gia đình hơn. Tuy nhiên, Big Hero 6 cũng đã có đề cập tới việc có thể lực hắc ám nấp sau vỏ bọc thành phố bình yên này. Có lẽ nếu phim có phần 2 thì các nhà làm phim sẽ lại khai thác ý tưởng nhóm Fujitas, vì quả thật 3 cô nữ quái trang điểm kiểu Nhật, đi giày trượt, dùng quạt với dù để đánh nhau quả là một ý không hề tồi.
14. Banagi (The Lion King)
Trước khi có Scar, chúng ta đã có linh cẩu Banagi
Nhắc tới The Lion King, hay Vua Sư Tử, thì người lớn chúng ta thường không nhớ tới Simba, mà lại nhớ tới con sư tử bờm đen Scar, nhân vật phản diện chính của phim với chất giọng cực đỉnh của Jeremy Irons. Thế nhưng ban đầu thì Scar không phải là kẻ thủ ác của cả phim, mà là một con linh cẩu tên Banagi.
Banagi, hay ông hoàng của lũ linh cẩu, xuất hiện trong cả 2 bản nháp thô của phim Lion King, và được mô tả là bậc thầy của nghệ thuật thao túng, kẻ giật giây đứng sau Scar. Scar về cơ bản chỉ là một con sư tử "hữu dũng vô mưu", bị Banagi điều khiển bằng lời đường mật hay bằng sự đe dọa. Thậm chí, trong một bản nháp có cả việc Banagi hại chết Mufasa, đưa Scar lên làm vua bù nhìn còn hắn cai trị trong bóng tối. Và khi Simba trở về thì chàng sư tử trẻ phải một mình đấu với cả Banagi và Scar.
Về sau thì dường như nhà làm phim quyết định rằng chỉ nên có 1 vai phản diện, và những nét đặc trưng của Banagi đều được đưa hết vào Scar.
13. Mick, Bowie và Lemmy (The Emperor's New Groove)
Tạo hình quá kinh dị, nên các anh bị loại từ vòng đầu
Trước khi The Emperor's New Groove, hay Vũ Điệu Mới của Hoàng Đế, ra mắt khán giả, thì nó đã có một cái tên khác là The Kingdom of the Sun - Vương Quốc Mặt Trời (Không phải Hậu Duệ Mặt Trời nhé). Phiên bản nháp đầu tiên này dựa theo tác phẩm The Prince and the Pauper (Hoàng Tử và Thằng Bé Ăn Mày) của văn hào Mark Twain, và theo đúng truyện thì hai nhân vật chính của chúng ta đổi chỗ để nếm trải cuộc sống của nhau, tất nhiên là theo phong cách Inca.
Vai phản diện trong bản nháp này vẫn không đổi, vẫn là bà khọm Yzma, nhưng tay sai của bà ta thì lại khác. Thay vì chàng Kronz khờ khạo, Yzma lại có 3 con xác ướp chạy việc cho mình. Lũ xác ướp biết đi này lần lượt mang tên Mick, Bowie và Lemmy, nhại theo tên của 3 ca sĩ Mick Jagger, David Bowie và Lemmy Kilmister, và chúng cũng phục vụ mục đích là cây hài gây cười cho cả phim. Nhưng về sau ý tưởng xác ướp này bị loại bỏ vì lý do là tạo hình kinh dị không thích hợp cho trẻ nhỏ.
12. Hera (Hercules)
Và các em nhỏ đã bị lừa dối bao năm nay
Trong hoạt hình Hercules, chàng lực sĩ vô song của chúng ta phải đối đầu với người chú ruột Hades của mình, kẻ đã năm lần bảy lượt cố hại chết Hercules chỉ vì e ngại sức mạnh của anh sẽ làm đổ sông đổ bể mưu đồ của y.
Có điều, nếu các bạn có chút hiểu biết về Thần Thoại Hy Lạp, các bạn sẽ nhận thấy cốt truyện trên sai lè. Theo đúng trong truyện thì Hera mới là người luôn toan tính giết chết Hercules.
Hercules về bản chất là con của Zeus với một nữ phàm nhân (một trong số hàng tá những đứa con rơi con rớt của Zeus). Vì một lý do gì đó (chắc là ghen) mà Hera cực kỳ ghét người con á thần này, và đày ải chàng trai này vô tội vạ không biết bao nhiêu lần.
Tất nhiên, đưa khái niệm "ngoại tình", "ghen tuông" và "con rơi" vào phim hoạt hình của Disney thì thật là chuyện không tưởng. Do đó bên sản xuất và đạo diễn đã phải sáng tạo đôi chút để biến Hercules của chúng ta thành một á thần, và Hades được chọn làm kẻ thay thế Hera lên ngôi phản diện.
11. Bà Hoàng tuyết (Frozen)
Phác thảo ban đầu của Bà Chúa Tuyết
Người viết dám cá: Khi nhắc đến Frozen của Disney thì ngay lập tức các bạn sẽ lẩm nhẩm bài hát "Let It Go". Không chỉ có bài hát tuyệt vời, mà Frozen còn sở hữu một cốt truyện khá xúc động về tình chị em và hành trình chấp nhận bản thân của mình.
Tuy nhiên, theo ý tưởng ban đầu thì Frozen lẽ ra là được chuyển thể toàn vẹn từ câu chuyện cổ tích The Snow Queen hay Bà Chúa Tuyết của Hans Christian Andersen. Và theo nguyên tác thì Bà Chúa Tuyết này không có họ hàng thân thích gì với Anna hết, thêm vào đó bà ta chỉ chăm chăm muốn đóng băng trái tim chân thiện của Anna. Trong phiên bản phát thảo ban đầu, nhân vật Bà Chúa Tuyết được lấy cảm hứng từ ca sĩ lừng danh Bette Midler với tính khí khá trái khoáy, ngang ngược và chua ngoa.
Cũng vì lý do này mà đội ngũ sản xuất thực hiện đã mất khá lâu mới có thể tìm ra cách chuyển thể tác phẩm này lên phim. Và thay đổi lớn nhất đến từ việc tạo ra Elsa thay thế, rồi còn biến cô công chúa là nhân vật tương đối bi kịch và không phải là kẻ phản diện chân chính của phim. Chính điều này đã khiến Elsa trở thành nhân vật được những cô bé yêu thích nhất, mỗi tội là cô không hề giống Bà Chúa Tuyết trong truyện.
10. Những người chị của Belle (Beauty and the Beast)
Tạo hình khá xấu xí của hai người chị
Cô gái Belle trong Beauty And The Beast (Giai Nhân và Quái Vật) của Disney là người con một của một nhà phát minh lập dị, ai đã xem phim đều biết hết. Nhưng điều mà họ không biết là Belle lẽ ra còn có 2 người chị nữa. Trước khi Gaston là kẻ phản diện chính thức của phim, thì ngọn nguồn rắc rối của Belle gần như xuất phát từ 2 người chị này.
Tóm tắt khái quát là 2 cô chị ghen ăn tức ở vì có quá nhiều người tới cầu hôn cô em xinh đẹp này, và khi cha của họ bị Quái Vật bắt thì hai người này đã toan bỏ mặc cha mình, chỉ có mình Belle là đi tìm cha.
Cho đến khi biết được người em đang sống trong nhung lụa với chàng Quái Vật, hai ả này lại xui khiến những người khác là Belle đang bị Quái Vật bắt giam và dẫn cả đám người tới tấn công lâu đài, nhưng mục đích chính của cả hai là chiếm lấy của cải trong đó.
Và như mọi người cũng thấy, cốt truyện này bị xem là không phù hợp và bị loại. Còn những kẻ phàm phu tục tử đi cầu hôn Belle thì bị gom lại thành một, đó là Gaston.
9. Gloom (Inside Out)
Thật ra thì nhìn cũng khá hài hước
Inside Out thật sự gây bất ngờ với rất nhiều người xem rạp, vì quan điểm thực tế về sự trầm cảm và lo âu của tuổi mới lớn được thể hiện khá cụ thể trong phim. Và bản thân bộ phim không hề có một vai phản diện cụ thể, thay vào đó là sự bất an và cảm xúc lẫn lộn trong mỗi con người.
Tuy nhiên, chính sự trầm cảm được nhắc tới trong phim lẽ ra cũng đã có một hình hài cụ thể với tên gọi là Ngài Gloom, và y cũng suýt chút trở thành vai phản diện thật sự. Theo cốt truyện ban đầu thì khi Riley dần trở nên trầm cảm, Gloom cũng trương phình theo trong tâm trí cô bé, đến mức y toan chiếm lấy toàn bộ những cảm xúc khác và ngăn cản Joy trở về đài chỉ huy cho bằng được.
Trong những bức phát thảo ban đầu, thì Gloom được vẽ với đôi mắt chán nản sầu đời, toát ra nét thâm hiểm và hay áp bức người khác, lúc nào cũng chỉ muốn che phủ mọi thứ. Có vẻ như một phần ít tính cách của Gloom đã được chuyển vào Anger (Giận Giữ) và Sadness (Buồn Bã).
Theo Trí Thức Trẻ
10 "hạt sạn" chẳng mấy ai nhận ra trong các phim của Pixar và Disney Phim thiếu nhi thì chẳng mấy ai "vạch lá tìm sâu", song có nhiều tình tiết trong các phim của Disney vô lý đến mức không thể phớt lờ. Tóc của nhân vật chính bỗng nhiên đổi màu, hay mái chèo của họ bỗng nhiên "thoắt ẩn thoắt hiện" trong những cảnh hát hò? Đó chỉ là một trong số những tình tiết...