Bật mí về cách tiêu tiền của giới nhà giàu Nhật Bản
Quan điểm của giới nhà giàu Nhật Bản là không khoe khoang tài sản, họ né tránh phô trương. Nhà giàu Nhật Bản không xây dựng biệt thự, mà chỉ thích tiêu tiền ở trong nước. Họ thích đi du lịch trong nước, dùng rượu trong nước và các tác phẩm nghệ thuật của Nhật Bản hơn là phương Tây. Họ cho rằng đây là biểu hiện của trách nhiệm công dân Nhật Bản.
Một trong những vấn đề kinh tế xã hội lớn nhất trong các nước phát triển hiện nay chính là khoảng cách về thu nhập giữa người giàu và người nghèo. Ở Mỹ, vấn đề này đã trở thành một vấn đề lớn khi mà 1% người giàu luôn tìm cách sống cô lập với phần còn lại của xã hội.
Ảnh: Japan Times
Giới nhà giàu ở Nhật Bản thì khác. Ở Nhật Bản bạn có thể sống ngay bên cạnh một triệu phú mà bạn không hề biết họ là triệu phú, bởi vì những ngôi nhà của họ cũng chỉ đơn sơ như của bạn.
Quan điểm của giới nhà giàu Nhật Bản là không khoe khoang tài sản. Quan điểm này được căn cứ dựa trên lối sống lâu nay của người Nhật không muốn nổi bật giữa đám đông.
Những năm gần đây, khi thị trường chứng khoán Nhật không ngừng tăng điểm, giới truyền thông Nhật đang nhắc nhiều hơn đến “giới siêu giàu”.
Tuy nhiên, bạn định nghĩa một người giàu ở Nhật Bản là thế nào? Theo ông Atsushi Miura, người mà năm ngoái đã xuất bản cuốn sách có tựa đề “Người giàu mới”, thì trong ngành công nghiệp tài chính, một người được xem là giàu có nếu như thu nhập hàng năm của họ trên 30 triệu Yên và họ sở hữu khối tài sản ít nhất là 100 triệu Yên.
Hiện có khoảng 1% người Nhật đang sở hữu khối tài sản 1,3 triệu Yên.
Hay một cách khác để định nghĩa người giàu ở Nhật chính là những người này thường sống bằng lợi nhuận từ các khoản đầu tư hoặc tài sản khác, mà không cần động đến số tài sản nằm trong khoảng 1,3 triệu Yên này.
Video đang HOT
Trong nghiên cứu của mình, ông Miura phát hiện rằng, 1% người giàu Nhật đang né tránh phô trương. Họ không xây dựng biệt thự. Họ thường chi tiêu tiền vào những thứ họ thích và có xu hướng nghiêng về những thứ phi vật thể.
Họ thường tiêu tiền vào nghệ thuật và các buổi hòa nhạc chứ không phải là những chiếc xe hạng sang hay món đồ trang sức đắt tiền. Họ thường đi du lịch và đặc biệt là đi du lịch trên biển.
Ông Miura cũng phát hiện rằng những người giàu mới ở Nhật thường có xu hướng tiêu xài tiền trong nước nhiều hơn. Họ mua mọi thứ và đi du lịch trong nước. Họ thích dùng loại rượu nihonshu (loại rượu nổi tiếng của Nhật Bản) hơn là rượu ngoại và họ thích các tác phẩm nghệ thuật của Nhật Bản hơn là của phương Tây.
Đây không chỉ đơn giản là vấn đề về thẩm mỹ. Đây chính là một biểu hiện của trách nhiệm công dân Nhật Bản.
Những người giàu mới ở Nhật Bản hiểu được vị trí của họ trong xã hội và họ biết rằng đất nước Nhật Bản cần tiền của họ.
Tuy nhiên, giống như bao người giàu ở các quốc gia khác, người giàu ở Nhật Bản cũng thường né tránh việc để các tài sản của họ bị đánh thuế. Theo đó, họ cũng cố gắng giữ tài sản của họ ở nước ngoài. Tuy nhiên, sang năm nay, chính phủ Nhật Bản đã ra quy định, những người nào có tài sản vượt quá 50 triệu Yên thì phải báo cáo.
Một đặc điểm khác của những người giàu mới ở Nhật Bản đó là họ ý thức được sự giàu có. Đó chính là lý do những người giàu mới ở Nhật Bản thường giàu có bằng chính nỗ lực, ý tưởng và kỹ năng của họ.
Thậm chí, những người được thừa kế tài sản thì họ cũng luôn cố gắng làm việc và tích lũy. Không có khái niệm “người giàu nhàn rỗi” ở Nhật Bản.
Trên thực tế, đối với con cái của những người giàu ở Nhật, những gì họ để lại cho con của họ không phải là nhiều tiền mà là những kỹ năng để kiếm tiền. Họ đặc biệt quan tâm đến việc mang đến cho con những cơ hội giáo dục tốt nhất, hiểu cách vận động của dòng tiền trong xã hội, cách kiếm tiền.
Theo nhà nghiên cứu Junji Hatoriya thuộc tổ chức Nomura Research, con cái của những người giàu có không nhất thiết phải kế thừa sự giàu có của họ hoặc mong đợi để kế thừa nó. Thay vào đó, chúng nhìn vào cha mẹ của mình và học hỏi.
Trong khi chỉ có 8% dân số có kinh nghiệm đầu tư, thì có tới 24% những đứa trẻ xuất thân từ gia đình có tài sản trên 100 triệu Yên có kinh nghiệm đầu tư, 52% có các danh mục đầu tư riêng.
Cũng theo Nomura, cha mẹ đóng vai trò rất quan trọng trong việc hình thành nên kinh nghiệm đầu tư cho con cái mình.
Nomura định nghĩa “cặp đôi quyền lực” đó là những cặp đôi mà trong đó cả hai đều đi làm và kiếm 10 triệu Yên mỗi năm. Trong nhóm này, có đến 44% có kinh nghiệm đầu tư.
Một nghiên cứu khác của Nomura chính là người Nhật rất sành công nghệ. Dù họ là những người về hưu thì họ vẫn rất am hiểu công nghệ và họ dành một khối lượng lớn thời gian để online. Theo đó, họ hiểu được thế giới hoạt động ra sao và giáo dục về đầu tư thông qua internet thế nào.
Nomura ước tính có khoảng 8,8 triệu người Nhật thuộc nhóm sành công nghệ có tài sản trung bình khoảng 26 triệu Yên.
Theo Tuyết Nhung (Theo Japan Times) (Một thế giới)
Xuất khẩu hải sản, động lực mới của nền kinh tế Nhật Bản
Nhu cầu hải sản tại Nhật Bản đã giảm đáng kể trong thập kỷ qua khi người dân nước này ăn nhiều thịt lợn và thịt bò hơn, khiến ngư dân trong nước phải tìm kiếm khách hàng từ nước ngoài. Theo đó, cùng với sự xuống giá của đồng yên, chiến lược chuyển hướng ra thị trường bên ngoài của Nhật Bản đang phát huy hiệu quả.
Các nền kinh tế đang nổi là những khách hàng mua các loại hải sản giá trị cao từ Nhật Bản
Hiện nay, xuất khẩu hải sản của Nhật Bản đang có xu hướng tăng vọt, trong bối cảnh những công ty như Yamato Holdings Co. và ANA Holdings Inc. đang mở rộng mạng lưới phân phối trên toàn châu Á, khu vực vốn vẫn tiêu thụ phần lớn cá hồi từ Na Uy, cách xa hơn 8.000 km.
Xuất khẩu đem lại cho ngành khai thác hải sản của Nhật Bản 1.400 tỷ yên (11,6 tỷ USD) mỗi năm, cho dù số ngư dân trong nước đã giảm tới 42% kể từ năm 1995 trước sự cạnh tranh gay gắt từ sản phẩm hải sản nhập khẩu có giá rẻ hơn. Trong khi nhu cầu nội địa giảm trên 20% trong thập kỷ qua, nhu cầu tiêu thụ toàn cầu nổi lên là động lực tăng trưởng chính đối với lĩnh vực truyền thống lâu đời này của đất nước Mặt Trời mọc.
Theo số liệu thống kê của Bộ Nông nghiệp, Lâm nghiệp và Ngư nghiệp Nhật Bản, xuất khẩu hải sản của nước này trong nửa đầu năm 2015 tăng khoảng 30%, đạt 293.806 tấn, tăng so với mức 232.424 tấn cùng kỳ năm 2014, qua đó hỗ trợ đáng kể cho mục tiêu thúc đẩy doanh số bán hải sản ra thị trường nước ngoài của Thủ tướng Shinzo Abe. Các loại hải sản được tiêu thụ nhiều là sò và cá ngừ để chế biến sushi. Xuất khẩu hải sản đang chứng minh sự tăng trưởng mạnh mẽ khi xuất khẩu ôtô, máy móc và thiết bị điện tử chưa thể phục hồi so với mức đỉnh năm 2007.
"Chúng tôi có thể chào bán số cá mà chúng tôi đánh bắt được buổi sáng ngay trong chiều cùng ngày. Đó là mục tiêu bán hàng của của chúng tôi. Nếu đánh bắt được nhiều hơn, chúng tôi có thể bán ra thị trường nước ngoài. Đó sẽ là điều tuyệt vời", Shigeru Koike, một ngư dân 72 tuổi tại cảng Inatori cách thủ đô Tokyo 150 km cho biết.
Trên thực tế, đồng yên yếu giữ vai trò khá lớn, khiến các sản phẩm xuất khẩu của Nhật Bản trở nên rẻ hơn so với một số nhà nhập khẩu. Đồng nội tệ của Nhật đã giảm giá 11% so với USD trong năm qua, và cũng giảm giá ở mức tương đương so với một số quốc gia lân cận, trong đó có Trung Quốc, Ấn Độ hay vùng lãnh thổ Đài Loan.
Tại thị trường nội địa Nhật Bản, lượng tiêu thụ cá trên đầu người trong năm tài khóa 2014 (tính tới tháng 3/2014) giảm xuống mức 27 kg, so với mức đỉnh trung bình 40,2 kg kéo dài hàng chục năm trước đó. Trong khi đó, lượng tiêu thụ thịt lần đầu tiên vượt cá trong năm 2006 và hiện Nhật Bản đã trở thành nhà nhập khẩu thịt lợn lớn nhất thế giới.
Dù Tổ chức Lương thực và Nông nghiệp Liên hiệp quốc (FAO) ước tính, Nhật Bản vẫn nhập lượng cá trị giá 15,3 tỷ USD từ nước ngoài trong năm 2013, song con số đó đã giảm từ mức 18 tỷ USD của năm trước đó. Bên cạnh đó, lượng tiêu thụ cá toàn cầu đã tăng lên mức trung bình 19 kg/người trong năm 2012, so với mức 9,9 kg giai đoạn năm 1960 của thế kỷ trước. Ngân hàng Thế giới ước tính, nhu cầu tiêu thụ cá sẽ tăng lên 151,8 triệu tấn vào năm 2030 so với mức 111,7 triệu tấn năm năm 2006.
Để khai thác tiềm năng tiêu thụ hải sản trên toàn cầu, trong đó có thị trường Trung Quốc, các công ty vận chuyển và giao nhận hàng hóa lớn nhất Nhật Bản đã nhanh chóng sử dụng xe tải đông lạnh để vận chuyển cá từ cảng tới sân bay.
Các nền kinh tế đang nổi cũng là những khách hàng mua các loại hải sản giá trị cao từ Nhật Bản. Cá hồi hiện chiếm khoảng 14% giao dịch và là mặt hàng phổ biến nhất trong chế biến sushi của khách hàng châu Á bên ngoài Nhật Bản.
Không giống như Na Uy, chỉ tập trung vào cá hồi, ngư dân Nhật Bản có thể cung cấp khoảng 350 loại cá khác nhau để chế biến sushi, Nobuhiro Nagaya, Giám đốc điều hành Hiệp hội các liên đoàn ngư nghiệp Nhật Bản cho biết.
"Trước đây, rất khó để xuất khẩu cá tươi tới thị trường Đông Nam Á mà không bị giảm bớt chất lượng, tuy nhiên hiện tại đã bớt khó khăn hơn. Cá cam của Nhật Bản cũng có độ béo tương tự cá hồi Na Uy. Nếu khách hàng Đông Nam Á ăn thử, chắc chắn họ cũng sẽ yêu thích chúng", Nobuhiro cho biết.
Việt Khoa (Theo báo chí nước ngoài)
Theo_Tin Nhanh Chứng Khoán
Robot - lời giải thần kỳ cho nền kinh tế Nhật Bản Nếu như ở Mỹ và châu Âu, sự gia tăng của máy móc được dự báo sẽ nghiêm trọng hóa tình trạng thất nghiệp và sụt giảm lương, thì tại Nhật Bản, robot là cách xử lý êm đẹp cho tình trạng lão hóa dân số, suy giảm lực lượng lao động và rào cản với dân nhập cư. Nhân viên vận hành...