Bật mí cuộc gặp đầu tiên giữa ngoại trưởng Mỹ, Trung sau khi Trump nhậm chức
Ngoại trưởng Mỹ Rex Tillerson và người đồng cấp Trung Quốc Vương Nghị hôm nay gặp nhau tại Đức, lần đầu tiên sau khi Tổng thống Donald Trump nhậm chức.
Ngoại trưởng Mỹ Rex Tillerson (trái) và người đồng cấp Trung Quốc Vương Nghị trong cuộc gặp kín ngày 17/2 tại thành phố Bonn, Đức. Ảnh: Reuters.
Ngoại trưởng Mỹ Rex Tillerson và người đồng cấp Vương Nghị hôm nay có cuộc gặp kín bên lề Hội nghị Ngoại trưởng nhóm G20 tại thành phố Bonn, Đức, Xinhua đưa tin. Hai ngoại trưởng trao đổi quan điểm về quan hệ song phương và những vấn đề hai nước cùng quan tâm.
Đây là cuộc gặp đầu tiên giữa ngoại trưởng Mỹ và Trung Quốc sau khi Tổng thống Donald Trump nhậm chức ngày 20/1.
Video đang HOT
Trump từng nhận cuộc gọi chúc mừng từ lãnh đạo Đài Loan Thái Anh Văn, phá chính sách đối ngoại mà Mỹ đề ra năm 1979. Ông Trump tháng 12 còn cho rằng Mỹ không nhất thiết phải duy trì “Một Trung Quốc”, chính sách công nhận lập trường của Trung Quốc rằng nước này có chủ quyền với đảo Đài Loan.
Ông chủ Nhà Trắng hồi đầu tháng điện đàm với Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình, nói chính quyền của ông sẽ tôn trọng chính sách “Một Trung Quốc”. Động thái này được cho là giúp mở đường cho cuộc gặp kín giữa ngoại trưởng hai nước.
Theo Như Tâm (VNexpress)
Donald Trump và Trung Quốc: Thật và giả
Nhìn vào biểu hiện bề ngoài, quan hệ giữa Mỹ và Trung Quốc ở thời điểm hiện tại không còn bị đe doạ sẽ trở nên căng thẳng và đối địch như lo ngại có thể xảy ra với chính quyền mới và tổng thống mới Donald Trump ở Mỹ.
Tổng thống Mỹ Donald Trump (trái) và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình (phải).
Cô con gái rượu Ivanka Trump cùng đứa cháu gái ngoại của ông Trump đã tới dự buổi tiếp tân của Đại sứ quán Trung Quốc tại Mỹ nhân dịp Tết Đinh Dậu. Ông Trump đã gửi thư, cho dù muộn, chúc Trung Quốc nhân dịp tết cổ truyền năm mới của Trung Quốc và đã chủ động điện đàm với chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình mà thông điệp quan trọng nhất trong đó là chính quyền mới ở Mỹ mong muốn thúc đẩy quan hệ hợp tác với Trung Quốc và cam kết tuân thủ chính sách "Một Trung Quốc".
Tất cả những động thái ngoại giao và tuyên ngôn chính sách này của chính quyền mới ở Mỹ và của cá nhân ông Trump chính là những điều phía Trung Quốc muốn có được và mong chờ bấy lâu nay từ chính quyền mới ở Mỹ và cá nhân ông Trump.
Không thế sao được khi trong cả vận động tranh cử lẫn sau khi đã đắc cử, ông Trump đều chủ ý gây sự chứ không thân thiện với Trung Quốc. Người này doạ sẽ áp dụng mức thuế quan trừng phạt tới 45% đối với hàng hoá của Trung Quốc xuất khẩu sang thị trường Mỹ, cáo buộc Trung Quốc duy trì tỷ giá hối đoái thấp của đồng Nhân dân tệ để lũng đoạn tiền tệ Mỹ, lại còn điện đàm với người đứng đầu chính thể ở Đài Loan và công khai công kích chính sách "Một Trung Quốc" - những điều mà hơn 37 năm qua chưa từng có tổng thống đắc cử hay đương nhiệm nào của Mỹ đã từng làm.
Ông Trump cũng không ngần ngại sử dụng ngôn từ to tát để phê trách Trung Quốc là đã không sử dụng ảnh hưởng có được để tác động tới Triều Tiên nhằm buộc nước này từ bỏ chương trình tên lửa và hạt nhân. Ngoài ra, cả tân bộ trưởng quốc phòng lẫn ngoại giao của Mỹ cũng đều thể hiện thái độ cương quyết và cứng rắn của Mỹ về ý đồ và hành động của Trung Quốc tranh chấp chủ quyền lãnh thổ với một số nước khác ở khu vực biển Hoa Đông và Biển Đông.
Sự thay đổi thái độ và quan điểm của ông Trump đối với Trung Quốc có phần bất ngờ và nhanh chóng. Nó vừa thật lại vừa giả, vừa có tính lâu dài lại vừa nhất thời. Ông Trump không phải là chính trị gia chuyên nghiệp, lại càng không lọc lõi về chính trị an ninh và đối ngoại thế giới.
Sau khi chính thức cầm quyền, tức là phải xử lý cụ thể chứ không còn chỉ cần phát biểu suông, và với tư vấn nhất định của cộng sự, ông Trump chắc đã nhận ra rằng cầm quyền khác với tranh cử và xử lý quan hệ đối ngoại nói riêng cũng như các vấn đề chính trị thế giới nói chung hoàn toàn không đơn giản, không thể chỉ bằng tuyên bố và không phải nước Mỹ muốn làm gì cũng được. Ông Trump theo đuổi mục tiêu khác người tiền nhiệm trong quan hệ với Trung Quốc, định nghĩa lợi ích khác và xác định ưu tiên lợi ích khác, nhưng rõ ràng là không phải muốn làm gì với Trung Quốc thì cũng đều có thể làm được. Cái thật ở đây là nhận thức của ông Trump về Trung Quốc và cách thức xử lý quan hệ của Mỹ với Trung Quốc đang bắt đầu thay đổi, theo hướng thực tế và thực dụng hơn. Cho nên ông Trump mới đã cài số lùi như thế.
Nhưng cái thật cũng mới chỉ có được mức độ nhất định. Những động thái mới rồi của ông Trump nhằm hoà dịu và tranh thủ Trung Quốc vẫn chưa hết tính sách lược. Nó chỉ là đối sách nhất thời bởi thật ra ông Trump và cộng sự trong chính quyền mới ở Mỹ hiện vẫn trong quá trình hoạch định tổng thế chính sách đối nội và đối ngoại cho cả nhiệm kỳ cầm quyền, trong đó có chính sách đối với Trung Quốc và Đài Loan nói riêng và đối với cả khu vực châu Á - Thái Bình Dương nói chung.
Chừng nào chưa có cái mới, chừng đó ông Trump chưa thể và chưa dám nới cái cũ. Nhưng nhìn vào tính cách cá nhân và nhận thức của ông Trump cũng như vào đội ngũ cộng sự hiện tại của ông Trump thì khả năng có cái mới khác hẳn cái cũ, nếu không tất cả thì cũng trên nhiều phương diện quan trọng, là không thể bị loại trừ.
Theo Danviet
Donald Trump và Trung Quốc: Thật và giả Nhìn vào biểu hiện bề ngoài, quan hệ giữa Mỹ và Trung Quốc ở thời điểm hiện tại không còn bị đe doạ sẽ trở nên căng thẳng và đối địch như lo ngại có thể xảy ra với chính quyền mới và tổng thống mới Donald Trump ở Mỹ. Tổng thống Mỹ Donald Trump (trái) và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận...