Bất hợp lý giá đất và chính sách đền bù
Trao đổi với Tiền Phong về Luật Đất đai (sửa đổi), TS Vũ Trọng Bình cho rằng, khi chuyển đổi đất nông nghiệp sang đất đô thị, người nông dân khi được đền bù nên căn cứ theo giá thị trường qua đấu giá.
TS Vũ Trọng Bình .
Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) quy định, giá đất do Nhà nước quyết định bảo đảm nguyên tắc phù hợp với giá thị trường. Bỏ quy định bảng giá đất do UBND tỉnh ban hành và công bố hàng năm. Điều này có xóa bỏ chênh lệch lớn giữa giá đất theo thị trường và giá do nhà nước quy định như hiện nay?
Thế nào là giá thị trường và giá thị trường được xác định như thế nào cần phải làm rõ. Giá thị trường chỉ được xác định khi đấu giá công khai, minh bạch. Giá đất khác nhau khi góc, hướng, địa điểm khác nhau.
Thị trường là phải để thị trường quyết định. Như tôi nói, giá qua đấu giá chính là giá thị trường chứ không phải giá đất nhà nước công bố hàng năm là giá thị trường.
Khi đó, giá đất rất minh bạch, ngay trong một xã, thôn có thể có giá đất khác nhau và người dân được đền bù khác nhau bởi khu đất bị thu hồi có lợi thế khác nhau. Ngoài ra, thời điểm thu hồi, đấu giá khác nhau thì giá đất cũng khác nhau.
Video đang HOT
Khi đó, sẽ không có chuyện tỵ nạnh giữa người dân các vùng giáp ranh về giá đền bù. Trong quá trình đấu giá đại diện người dân được tham gia giám sát Hội đồng đấu giá. Nếu làm minh bạch như vậy sẽ giảm bớt tình trạng khiếu nại, tố cáo về đền bù, giải phóng mặt bằng mà đa phần do chưa hài lòng về giá.
Cũng chính vì chênh lệch giá đất, thị trường và đền bù mà nảy sinh những xung đột khiếu kiện khi thu hồi đất nông nghiệp chuyển sang đô thị hoặc khu công nghiệp. Theo ông, Luật sửa đổi phải lưu ý gì?
Hiện nay quá trình giao đất, DN và hộ nông dân nào tiếp cận, quan hệ tốt thì được giao không thì ngược lại. Luật sửa đổi phải quy định, nhà nước làm quy hoạch chuyển đổi sử dụng đất.
Dùng tiền ngân sách để có mặt bằng sạch. Tổ chức đấu giá đất minh bạch. Giá trị gia tăng thêm sau đấu giá sẽ được phân chia cho dân bao nhiêu phân trăm cần quy định rõ và nộp thuế.
Theo tôi, đã là đất kinh doanh, thương mại là phải đấu giá chứ không có chuyện giao đất. Bởi còn giao đất thì còn không minh bạch, dẫn đến tham nhũng, khiếu kiện. Sau khi có quỹ đất sạch nhà nước sẽ tổ chức đấu giá rộng rãi, bỏ hẳn cơ chế giao đất, xin – cho.
Dự thảo Luật sửa đổi đã kéo dài thời gian giao đất nông nghiệp lên 50 năm, mở rộng hạn điền, ông nghĩ sao?
Thời gian giao đất kéo dài từ 20 năm hiện nay lên 50 năm thì người dân sẽ yên tâm đầu tư.
Tuy nhiên, cần phân loại cụ thể. Với những vùng nông nghiệp ổn định, vĩnh viễn thời gian giao đất cần kéo dài hơn nữa, thậm chí giao đất vĩnh viễn.
Ưu tiên đầu tư cơ sở hạ tầng cho những vùng chuyên sản xuất lúa, cà phê, cao su… Những vùng được quy hoạch trong vành đai của đô thị hóa, khu công nghiệp tương lai gần thì giao đất nông nghiệp quá dài chưa chắc đã tốt.
Bởi nếu giao đất 50 năm nhưng khi người dân đầu tư cơ sở hạ tầng thì 20 năm sau thu hồi sẽ rất lãng phí.
Do vậy, việc giao đất phải căn cứ vào quy hoạch và mức độ ổn định của sử dụng đất. Ví như, đất cho nông nghiệp vĩnh viễn thì giao một lần, đất nông nghiệp chuyển đổi giao 50 năm và đất vành đai đô thị hóa tương lai gần giao 20 – 30 năm.
Luật sửa đổi cũng cho phép chuyển đổi đất nông nghiệp. Điều này sẽ kích thích việc tích tụ ruộng đất, thưa ông?
Đi cùng việc tăng quy mô sản xuất, tăng diện tích đất giao cho các hộ gia đình, cá nhân thì cần có những quy định, điều kiện giao đất. Nguyên tắc là sản xuất càng lớn thì việc quản trị càng phải chặt chẽ.
Nếu giao đất quy mô lớn nhưng không kèm theo điều kiện sẽ có những trang trại qui mô lớn nhưng hiệu quả thấp, không bằng sản xuất nhỏ. Nếu không tuân thủ điều kiện sản xuất hoặc bỏ hoang thì nhà nước lập tức thu hồi.
Cám ơn ông.
Theo TPO
Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi): Mơ hồ nguyên tắc định giá
Hôm qua, 17-9, Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) đã cho ý kiến về dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi). Một trong những nội dung được bàn tới nhiều nhất là các quy định về giá đất. Một số ý kiến đánh giá các quy định này còn mơ hồ, chưa có căn cứ vững chắc để áp dụng thực tế.
Quy định mơ hồ về giá đất sẽ gây ra khiếu kiện khi Nhà nước thu hồi đất
(Trong ảnh: GPMB dự án đường Lê Văn Lương kéo dài, Hà Nội)
Tù mù "giá thị trường"
Được xem là "xương sống" của dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) nhưng quy định về định giá đất trong dự luật theo nguyên tắc "giá đất do Nhà nước quyết định phải bảo đảm nguyên tắc phù hợp với giá thị trường" lại không nhận được sự đồng thuận của các Ủy viên UBTVQH. Nhiều người cho rằng còn "mơ hồ, không khả thi".
Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Nguyễn Minh Quang đề xuất: "Giá đất do Nhà nước quyết định bảo đảm nguyên tắc phù hợp với giá thị trường" (thay cho nguyên tắc "sát với giá chuyển nhượng quyền sử dụng đất thực tế trên thị trường trong điều kiện bình thường" như Luật hiện hành). Trên cơ sở khung giá của Chính phủ, UBND cấp tỉnh ban hành bảng giá của địa phương. Khung giá đất, bảng giá đất ổn định, chỉ điều chỉnh khi giá đất trên thị trường có thay đổi lớn.
Góp ý về nội dung này, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách Phùng Quốc Hiển phê bình: "Giá đất là một trong những điểm nút quan trọng nhất cần tháo gỡ hiện nay. Song dự Luật lần này lại đưa ra nguyên tắc còn mơ hồ hơn là "phù hợp với giá thị trường". Như thế, không những không cởi được nút thắt, mà còn gây tranh cãi nhiều hơn. Tất nhiên Luật đã giao lại cho Chính phủ quy định, nhưng như vậy là nội dung quan trọng nhất thì lại không được đưa vào Luật".
Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Nguyễn Văn Giàu nhìn nhận, quy định về giá đất là khâu khó nhất, phải xác định "thị trường" là ở thời điểm nào, có những công cụ nào để quản lý thị trường, không gây biến động lớn, không tạo ra cú "sốc". Ông đề nghị Bộ trưởng Nguyễn Minh Quang sắp xếp báo cáo thêm với UBTVQH về phương pháp xác định giá đất. Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng hỏi thẳng: "Dự luật quy định giá đất theo giá thị trường, vậy thì định giá theo thị trường nào? Thị trường khi đã có quy hoạch sử dụng đất hay thị trường khi đấu giá hoặc khi đã thu hồi đất là rất cách xa nhau? Như vậy là quá mơ hồ, tù mù vì đã có thị trường đâu mà tính...". Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Phan Trung Lý cho rằng, Ban soạn thảo cần đặc biệt lưu ý đến các quy định về sở hữu, về quyền đại diện chủ sở hữu và quyền định đoạt của Nhà nước về đất đai, sự phân cấp quản lý của chính quyền địa phương... sao cho phù hợp với nội dung Hiến pháp sẽ sửa đổi.
Cảnh giác với dự án "treo"
Trưởng ban Công tác đại biểu của UBTVQH Nguyễn Thị Nương thẳng thắn đánh giá, dự thảo luật còn một số vấn đề quan trọng chưa thấu đáo. Phân tích kỹ hơn về vấn đề thu hồi đất, bà Nguyễn Thị Nương cho rằng, các căn cứ thu hồi đất như vậy là quá rộng và chưa đảm bảo lợi ích hài hòa giữa người dân, doanh nghiệp và Nhà nước. Trong nhiều trường hợp, thiệt thòi luôn thuộc về nhân dân. Tại nhiều dự án, người bị thu hồi đất luôn bức xúc bởi chênh lệch giữa giá thu hồi đất với giá đất của nhà đầu tư bán ra thường rất cao trong khi chi phí họ phải bỏ ra không lớn. Ngược lại, người dân đã phải bỏ ra công sức nhiều đời để có đất.
Chủ nhiệm UB Tài chính Ngân sách Phùng Quốc Hiển đề nghị nên có 4 cấp quy hoạch, trong đó, có cấp xã vì nếu chỉ có đến cấp huyện sẽ xảy ra tình trạng có rất nhiều quy hoạch "treo". Ông nói: "Quy hoạch "treo" là một trong những nguyên nhân cản trở sự phát triển, phản ánh việc sử dụng đất đai không hợp lý, không hiệu quả...".
Cũng liên quan tới vấn đề này, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng không đồng tình với quy định "việc thu hồi đất được tiến hành khi có quy hoạch". Ông cho rằng, quy định như vậy là rất "lơ mơ". Nhiều địa phương hiện đang loay hoay giải quyết bài toán hậu thu hồi đất, làm bùng phát dự án "treo". Chủ tịch Quốc hội cảnh báo: "Nếu quy định cứ có quy hoạch là được thu hồi đất thì chưa ổn. Khiếu kiện sẽ không giảm, thậm chí còn tăng lên. Thu hồi đất ngay sau khi có quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất nhưng chưa làm đường, chưa xây dựng các công trình không khéo vừa lãng phí tiền bạc, vừa bỏ đất hoang! Bài học từ các khu công nghiệp bỏ đất trống vẫn còn đó...".
Theo ANTD
Giá đất "tù mù" làm người dân, nhà nước cùng thiệt Chủ tịch QH Nguyễn Sinh Hùng cho rằng, sau khi xác định giá để bồi thường cho dân, đất thu hồi phục vụ dự án mới lên mạnh, lúc trả tiền đền bù, giá xây dựng đã lạc hậu. Quy định "giá đất phù hợp với thị trường" vẫn... tù mù như lâu nay. Dự thảo luật Đất đai sửa đổi lần đầu...