Bắt học sinh uống axit để trừng phạt
Các học sinh trường trung học ở thành phố Gamagori, tỉnh Aichi, Nhật Bản chưa hết hãi hùng khi bị thầy giáo phạt uống axit pha loãng chỉ vì làm thí nghiệm thất bại.
Một giáo viên khoa học ở Nhật Bản phạt học sinh bằng cách bắt uống axit pha loãng.
Theo giới chức giáo dục địa phương, sự việc xảy ra vào ngày 18/1 trong buổi thực hành thí nghiệm sử dụng nam châm và vật mạ sắt của một thầy giáo dạy khoa học tại một trường trung học trong địa bàn thành phố Gamagori. Ngay khi bắt đầu buổi thực hành, vị thầy giáo đã tuyên bố, bất cứ ai không làm thí nghiệm chính xác sẽ bị buộc phải uống axit clohydric.
Nói là làm, khi 2 học sinh làm thí nghiệm thất bại, thầy giáo này liền trao cho mỗi người một cốc thủy tinh đựng đầy chất lỏng và bắt phải uống hết sau khi tự nếm trước một ít.
Một học sinh vừa uống một ngụm lập tức phải nhổ ra vì không thể chịu nổi mùi vị của axit dù nó đã được pha rất loãng. Trong khi đó, học sinh còn lại bị buộc phải uống sạch. Vụ việc bị đưa ra ánh sáng sau khi một học sinh kể lại chuyện này với phụ huynh.
Video đang HOT
Theo phòng giáo dục Gamagori, thầy giáo khoa học có giải thích rằng, axit đã được pha rất loãng và do đó, không gây ra bất cứ rủi ro nào tới sức khỏe của học sinh.
Tuy nhiên, phòng giáo dục vẫn kết luận: “Sự việc trên gây nguy hại đến đời sống và sức khỏe của học sinh. Đó là hình phạt phi giáo dục và chúng tôi chỉ có thể gửi lời xin lỗi tới các em học sinh lẫn phụ huynh học sinh. Chúng tôi đang tích cực xử lý vụ việc và đang cân nhắc để đưa ra các hình thức xử phạt nghiêm khắc đối với giáo viên mắc sai phạm”.
Ngoài ra, lãnh đạo nhà trường cũng trực tiếp tới nhà thăm hỏi 2 học sinh và chính thức gửi lời xin lỗi. Vụ bê bối xảy ra trong bối cảnh dư luận Nhật Bản vẫn còn bị chấn động sau vụ tự tử của một học sinh trung học vì bị huấn luyện viên bóng rổ nhiều lần đánh đập, ngược đãi, càng “thêm dầu vào lửa” khiến cư dân mạng nước này phẫn nộ.
“Thầy giáo đó cũng nên bị buộc uống axit mà không pha loãng. Ông ta không phải là thầy giáo mà là nhà khoa học điên loạn”, cư dân mạng Nhật Bản phản ứng dữ dội.
Theo Zing
Giáo viên phạt học sinh uống axit
Giới chức giáo dục Nhật Bản quyết định kỷ luật một giáo viên, người ép hai học sinh uống axit hydrochloric pha loãng, gây phẫn nộ trong dư luận.
Các học sinh ở một trường trung học của tỉnh Aomori, Nhật Bản. Ảnh minh họa: NY Times
Nikkei Shimbun đưa tin người giáo viên dùng đến hình phạt trên sau khi hai nam sinh báo cáo sai kết quả của một cuộc thí nghiệm khoa học ngày 18/1.
Vụ việc chỉ được đưa ra ánh sáng khi một học sinh khác kể với bố mẹ về những gì đã xảy ra.
Các quan chức giáo dục tỉnh Aichi, miền trung Nhật Bản, cho hay giáo viên trên giải trình với họ rằng, axit không gây nguy hiểm cho các học sinh vì đã được pha loãng. Tuy nhiên, giải thích này không thuyết phục được giới chức.
"Vụ việc này đe dọa đến tính mạng và sức khỏe của các học sinh, đây là thất bại nghiêm trọng của lãnh đạo và chúng tôi chỉ biết gửi lời xin lỗi đến các học sinh cũng như gia đình của các em", thông báo của sở giáo dục có đoạn.
Giới chức cho biết họ đang bàn bạc để đưa ra hình thức kỷ luật đối với giáo viên trên.
Đây là vụ việc mới nhất gây lo ngại trong dư luận Nhật Bản về những biện pháp xử phạt trong trường học. Các giáo viên ở nước này bị cấm dùng nhục hình với các học sinh, nhưng vụ tự tử của một nam sinh 17 tuổi hôm 23/12 năm ngoái cho thấy hình thức này vẫn còn tồn tại như một phần không thể thiếu trong môi trường học đường.
Nam sinh trên là đội trưởng đội bóng rổ của trường cấp ba ở thành phố Osaka, và thường xuyên bị thầy huấn luyện xử phạt. Một ngày trước khi được tìm thấy treo cổ trong phòng riêng, cậu bị thầy giáo tát liên tiếp vào mặt do phạm lỗi trong lúc luyện tập. Trong bức thư viết cho thầy mà cậu chưa bao giờ gửi, nam sinh trên nói rằng "dù em mắc lỗi như các bạn khác nhưng em vẫn bị mắng nhiếc gay gắt vì em là đội trưởng".
Sau vụ tự sát của bạn, 21 trong số 50 thành viên của đội bóng rổ cho biết họ cũng bị thầy huấn luyện đối xử tương tự. Bị phòng giáo dục triệu tập, thầy giáo trên chỉ khai rằng biện pháp của ông là "một cách truyền cảm hứng cho các vận động viên".
Theo VNE