Bắt giữ xe tải vận chuyển 15 thùng mỹ phẩm nhập lậu
Công an tỉnh Nghệ An đã phát hiện và thu giữ 15 thùng mỹ phẩm, 110 chiếc chiếu, 26 bì quần áo, giày dép có nhiều kích cỡ, nhãn mác khác nhau do nước ngoài sản xuất, tất cả số hàng trên đều không có giấy tờ, hoá đơn, nguồn gốc xuất xứ.
Trước đó, ngày 18-1, Phòng Cảnh sát bảo vệ và cơ động nhận được tin báo của nhân dân, về việc phát hiện một chiếc xe đang bốc hàng lậu với số lượng lớn tại khu vực bến xe chợ Vinh thuộc phường Hồng Sơn, TP Vinh, tỉnh Nghệ An.
Toàn bộ số hàng không rõ nguồn gốc trên xe
Ngay lập tức, lực lương công an đã vào cuộc xác minh và bố trí lực lượng mật phục theo dõi chiếc xe. Một lúc sau, khi chiếc xe mang BKS 29R – 0633 và đầu kéo mang BKS 29M – 4695 đang lưu thông theo hướng từ Nam – Bắc. Tổ tuần tra kiểm soát nhanh chóng bám theo và tiến hành kiểm tra hành chính.
Qua kiểm tra, phát hiện trên xe chở 15 thùng mỹ phẩm (thuốc nhuộm tóc, kem dưỡng da, dầu gội đầu) và 110 chiếc chiếu, 26 bì quần áo, giày dép có nhiều kích cỡ và nhãn mác khác nhau do nước ngoài sản xuất không có giấy tờ, hoá đơn, nguồn gốc xuất xứ.
Tại cơ quan công an, tài xế Hồ Tấn Phong (38 tuổi, trú tại phường Vinh Tân, TP Vinh, tỉnh Nghệ An) khai nhận chở số hàng trên cho nhiều tiểu thương buôn bán trong chợ Vinh gửi ra Hà Nội.
Hiện, Phòng Cảnh sát bảo vệ và cơ động đã chuyển giao toàn bộ tang vật cho Chi cục quản lý thị trường Nghệ An xử lý theo quy định.
Theo ANTD
Giáp Tết, lo rượu giả
Những ngày qua, thị trường rượu ở Hà Nội đã bắt đầu nhộn nhịp. Theo Nghị định 94/2012 của Chính phủ, sản phẩm rượu chỉ được tiêu thụ tại Việt Nam khi có nhãn hàng hoá theo quy định của pháp luật nên hiện nay, hầu hết các cửa hàng, siêu thị... đều bày bán hàng có nhãn mác. Tuy vậy, nếu thiếu kinh nghiệm, người tiêu dùng vẫn rất dễ mua phải rượu giả.
Lực lượng chức năng quận Tây Hồ kiểm tra một cơ sở làm rượu vang giả tại đường Xuân La, Tây Hồ
Vang Chile "nhập nội"
Để chuẩn bị quà biếu "sếp", gần 1 tuần nay anh Lê Văn Tuấn ở khu đô thị mới Đại Kim - Định Công, quận Hoàng Mai đã lên mạng và gọi điện tham khảo ý kiến của bạn bè về nơi bán rượu chất lượng tốt. Tuy vậy, sau khi mua thử một chai rượu vang Chile tại một cửa hàng trên đường Giải Phóng về uống, anh Tuấn đã tỏ ra khá thất vọng. "Tôi đã đến cửa hàng lớn, chọn chai rượu có dán tem chống hàng giả hẳn hoi nhưng không hiểu sao ngay trong lần uống đầu tiên, mới uống đến chén thứ 3 mà tôi đã thấy ngâm ngẩm đau bụng. Qua ngày hôm sau, rượu đã có vị chua và khá nhạt nên tôi không dám sử dụng nữa. Tôi mang đến cửa hàng thì họ bảo do tôi không biết cách bảo quản"(?!).
Nhằm đáp ứng nhu cầu của người tiêu dùng về mặt hàng rượu trong dịp Tết, hiện các cửa hàng đã gom đủ hàng phục vụ khách. Bà Lê Thị T - chủ một cửa hàng kinh doanh rượu bia trên phố Hai Bà Trưng tiết lộ, vào thời điểm này, trung bình mỗi ngày, cửa hàng bán được khoảng 50 chai rượu mỗi loại. Tùy theo túi tiền, khách có thể lựa chọn rượu từ vài trăm nghìn đến hàng chục triệu đồng. Tuy vậy, khi chúng tôi hỏi về giấy tờ chứng minh nguồn gốc xuất xứ của mặt hàng này thì bà T quay ngoắt vào trong và xua tay: "Hàng "xịn" 100%. Không mua thì thôi, hỏi han lằng nhằng, mất thời gian".
Về công tác quản lý mặt hàng rượu, những ngày qua Chi cục Quản lý thị trường (QLTT) Hà Nội đã phối hợp cùng các cơ quan chức năng kiểm tra, phát hiện khá nhiều cơ sở, doanh nghiệp sản xuất rượu giả với số lượng lớn. Chiều 21-12-2012, Đội QLTT số 11 - Chi cục QLTT Hà Nội phối hợp với Đội Cảnh sát kinh tế - CAQ Tây Hồ bắt quả tang một cơ sở làm rượu vang giả với quy mô lớn tại ngõ 38, Xuân La, Tây Hồ, Hà Nội. Đoàn kiểm tra đã thu giữ hơn 10.000 chai rượu vang giả với các nhãn hiệu Bordeaux, Chile đã được đóng gói thành phẩm chuẩn bị đưa ra thị trường và một lượng lớn bao bì, nhãn mác các loại rượu vang nhập ngoại, tem chống hàng giả. Các đối tượng sản xuất rượu giả khai nhận đã dùng rượu vang Đà Lạt, vang đóng túi không nguồn gốc để san chiết, đóng chai, dán nhãn mác các thương hiệu đang bán chạy trên thị trường. Ngày 26-12-2012, Đội QLTT số 12 - Chi cục QLTT Hà Nội kiểm tra cơ sở sản xuất nước giải khát, rượu Thiên Long tại xã La Phù, huyện Hoài Đức đã phát hiện cơ sở này đang sản xuất nước giải khát có ga, rượu champagne thủ công sử dụng nguyên liệu phụ gia thực phẩm, đường hóa học, cồn không nằm trong danh mục được sử dụng chế biến thực phẩm.
Còn tại TP.HCM, trong những ngày cuối tháng 12-2012 và đầu tháng 1-2013, lực lượng QLTT đã phát hiện và bắt giữ nhiều vụ vận chuyển rượu ngoại không có tem nhập khẩu, không có hóa đơn chứng từ được vận chuyển từ biên giới về bằng xe máy và xe khách công cộng. Điển hình là vụ một thanh niên điều khiển xe máy đã bỏ lại phương tiện và 60 chai rượu nhãn hiệu Chivas Regal tại đường Trường Chinh (quận Tân Bình) để chạy thoát thân khi bị phát hiện.
Phải phạt nặng
Điều đáng nói là thủ đoạn và hình thức làm rượu giả ngày càng trắng trợn. Bên cạnh đó, tình trạng buôn lậu, vận chuyển rượu không có hóa đơn, chứng từ, nguồn gốc cũng diễn biến khá phức tạp. Tại Hà Nội, khách hàng có thể dễ dàng mua rượu ngoại "xách tay", mua qua mạng với hình thức giao hàng tận nơi. Hình thức mua bán này tiềm ẩn nhiều rủi ro khó lường bởi nếu không có kinh nghiệm, khách dễ dàng phải trả giá cao cho rượu giả. Mặt khác, tem, chai, nút chai của nhiều hãng rượu ngoại nhập vẫn bị làm giả một cách tinh vi. Rượu ngoại giả thường đóng trong các chai có nhãn mác nổi tiếng.
Một đại diện của Chi cục QLTT Hà Nội cho biết, theo Nghị định 08/2013/NĐ-CP, đối với những cơ sở, doanh nghiệp sản xuất hàng giả, mức xử phạt có thể lên đến 100 triệu đồng. Song do lợi nhuận cao nên các đối tượng vẫn lén lút sản xuất, buôn bán rượu giả, bất chấp hậu quả. Các cơ sở này thường dùng thủ đoạn lấy rượu rẻ tiền, đóng chai dán nhãn mác các loại rượu có uy tín. Tuy nhiên, phức tạp nhất hiện nay là vấn đề tem giả được sản xuất tinh vi rất khó phân biệt bằng mắt thường. Cơ quan chức năng muốn phân biệt tem thật, tem giả phải thông qua cơ quan giám định. Tuy vậy, nhằm ngăn chặn tình trạng sản xuất, tiêu thụ rượu giả, những ngày tới, lực lượng QLTT Hà Nội sẽ tăng cường kiểm tra các tuyến phố thương mại, chuyên doanh về mặt hàng thuốc lá, rượu, các cơ sở sản xuất, xuất nhập khẩu, kinh doanh thương mại và dịch vụ có dấu hiệu vi phạm.
Theo Bác sỹ Vũ Minh Hiếu - bệnh viện E, thành phần cấu tạo rượu giả chủ yếu là cồn công nghiệp và hóa chất. Giá thành làm nên mỗi chai rượu giả chỉ khoảng vài chục nghìn đồng nhưng khi dán nhãn "rượu ngoại" thì giá đội lên tới vài trăm nghìn, thậm chí vài triệu đồng. Khi uống phải rượu giả, người sử dụng có nguy cơ bị ngộ độc cao do các loại vi khuẩn, nấm men có hại cho sức khỏe và các chất độc như furfuron, metanol, aldehyde..., phẩm màu bị cấm có trong rượu. Do vậy, để bảo vệ quyền lợi của người tiêu dùng, Nhà nước cần ban hành những chế tài xử phạt nghiêm minh đối với những đối tượng sản xuất, vận chuyển, buôn bán, tàng trữ mặt hàng này, như truy tố về hình sự nếu có đủ căn cứ. Bên cạnh đó, mỗi người tiêu dùng khi mua bất cứ sản phẩm rượu nào nên đến các nhà phân phối chính hãng hoặc cửa hàng có uy tín, đồng thời kiểm tra kỹ về nguồn gốc, xuất xứ.
Theo ANTD
Chặn thực phẩm bẩn tuồn vào nội thành Nếu không hẹn trước, khi đến Đội Cảnh sát phòng chống tội phạm (PCTP) môi trường của CAQ Cầu Giấy, Hà Nội trong những ngày này thật khó gặp được ai. Từ chỉ huy đến CBCS mỗi người một việc, bám sát cơ sở nhằm phòng ngừa và kịp thời ngăn chặn, xử lý đối với những hành vi sản xuất, buôn bán,...