Bắt giữ đại ca giang hồ và cuộc giải cứu bất thành
Theo hồ sơ trinh sát, Hoàng Lại Nam (SN 1978), trú tại tập thể trường ĐH Dược, phường Đồng Nhân, quận Hai Bà Trưng, TP Hà Nội là đối tượng rất nguy hiểm.
Trùm giang hồ Hoàng Lại Nam bị bắt giữ
Lần theo dấu vết đại ca giang hồ
Nam được xác định là đối tượng có liên quan trực tiếp đến vụ án giết người, tàng trữ sử dụng trái phép vũ khí quân dụng và gây rối trật tự công cộng xảy ra tại vỉa hè phố Thi Sách, phường Ngô Thì Nhậm, quận Hai Bà Trưng, TP Hà Nội xảy ra ngày 16-10-2014. Khi biết Công an TP Hà Nội đang ráo riết điều tra, truy bắt mình, Hoàng Lại Nam đã nhanh chân bỏ trốn. Chưa dừng lại ở đó, chỉ một thời gian ngắn sau, Nam lại tham gia vào vụ thanh toán ở Lạng Sơn và bị Công an huyện Lộc Bình, tỉnh Lạng Sơn chính thức phát lệnh truy nã về hành vi cố ý gây thương tích ngày 10-12-2014.
Xác định nếu Hoàng Lại Nam ngày nào còn ở ngoài vòng pháp luật thì sẽ tiếp tục gây nguy hiểm, gây bất an cho xã hội nên Công an TP Hà Nội đã tổ chức truy lùng gắt gao. Qua nhiều tháng không có tung tích của Nam thì đến cuối tháng 11, đầu tháng 12-2015 các trinh sát nắm được thông tin Hoàng Lại Nam đang có mặt ở TP.HCM, kết hợp cùng với nhiều tay anh, chị gốc Bắc để gây dựng băng nhóm hoạt động trong lĩnh vực cho vay nặng lãi, đòi nợ thuê. Giai đoạn này, tổ trinh sát của ban chuyên án đã có mặt, làm việc với Phòng Cảnh sát truy nã tội phạm, Công an TP.HCM đề nghị phối hợp để bắt giữ Hoàng Lại Nam.
Bằng các biện pháp nghiệp vụ và nhiều nguồn thông tin khác nhau, sáng 13-12, Phòng Cảnh sát truy nã tội phạm, Công an TP.HCM nhận được nguồn tin báo Hoàng Lại Nam đang có mặt tại địa bàn quận 7. Nam bị phát hiện ngồi sau xe máy của một người đàn ông di chuyển trên đường Lê Văn Lương, phường Tân Hưng, quận 7. Sau đó, đại ca này đến trước căn nhà số 354 đường Lê Văn Lương của Trần Thị P. (SN 1983).
Dưới sự chỉ đạo của Đại tá Trần Văn Tém – Trưởng Phòng Cảnh sát truy nã tội phạm, Công an TP.HCM, tổ trinh sát đã ém quân trước ngôi nhà. Khi Nam vừa từ trong nhà đi ra, lập tức các trinh sát ập vào. Vốn là một tay giang hồ có đầy kinh nghiệm nên khi thấy người lạ ập vào, Nam lập tức ném tất cả đồ đạc mang theo chạy lên cầu thang lên tầng 2. Các trinh sát đã phải bắt liền 3 phát súng chỉ thiên mới khống chế được Nam khi hắn đang trốn trong nhà vệ sinh. Ngay sau đó, tổ công tác đã áp giải Nam về trụ sở CAP Tân Hưng, quận 7 để phục vụ công tác điều tra.
Chiêu bài… giả điên
Vốn ma mãnh nên khi bị đưa về trụ sở công an phường, Hoàng Lại Nam giở chiêu bài… giả điên. Nam chửi bới và không chịu hợp tác khai báo. Khi Nam vừa bị bắt giữ, có nhiều đối tượng lạ, xăm trổ đầy mình xuất hiện trước trụ sở CAP Tân Hưng. Nghi vấn kế hoạch của băng nhóm giang hồ đang muốn giải cứu cho Hoàng Lại Nam nên các trinh sát đã tăng cường cảnh giác, canh gác đối tượng. Lãnh đạo Phòng Cảnh sát truy nã tội phạm, Công an TP.HCM cũng điều động thêm một tổ trinh sát đến CAP Tân Hưng để tăng cường bảo vệ, ứng phó….
Video đang HOT
Bên trọng trụ sở CAP, Hoàng Lại Nam vẫn giả điên, la hét, gây náo động… Có lúc Nam đã giả vờ dàn cảnh giằng co nhằm mục đích tìm cơ hội tẩu thoát. Bên ngoài những đối tượng lạ kéo đến càng lúc càng đông. Gần 19h đêm tổ công tác của Công an TP Hà Nội gồm 2 trinh sát đã có mặt tại trụ sở CAP Tân Hưng. Sau khi nhận diện đúng… người quen, ngay lập tức Nam thay đổi thái độ và ngoan ngoãn hợp tác, bắt đầu khai báo.
20h đêm lực lượng có mặt tại trụ sở CAP Tân Hưng, quyết định di chuyển Nam về trụ sở Phòng Cảnh sát truy nã tội phạm, Công an TP.HCM để tiến hành các thủ tục bàn giao cho tổ công tác của Công an TP Hà Nội theo quy định. Lúc này, phía bên ngoài trụ sở CAP, số đối tượng lạ lên đến hàng chục người, nổ máy xe ầm ĩ.
Khi Nam bị áp giải ra xe đặc chủng thì có một người đàn ông chạy vào dàn cảnh đòi gặp… người quen. Thấy hành động của người này khả nghi, các trinh sát lập tức cách ly Nam, đưa lên xe. Cửa xe đặc chủng nhanh chóng đóng sập, chiếc xe lao vun vút trong màn đêm. Lập tức có nhiều xe gắn máy của các đối tượng lạ đeo bám theo sau.
Ngay trong đêm khi Nam bị đưa về trụ sở Phòng Cảnh sát truy nã tội phạm, Công an TP.HCM thì các trinh sát tham gia cuộc áp giải mới thở phào nhẹ nhõm, kết thúc hành trình truy bắt một trùm giang hồ, đầy nguy hiểm.
Theo_An ninh thủ đô
Khánh Hòa quyết xây trụ sở: Phân vân tiền của ai?
"Chính phủ đã kêu tạm dừng triển khai xây dựng thì sẽ không tỉnh nào được tiếp tục thực hiện, dù làm theo hình thức nào".
Địa phương phân vân xây và không xây
Ban Thường vụ Tỉnh ủy Khánh Hòa vẫn quyết định triển khai xây dựng trung tâm hành chính mới dù Thủ tướng Chính phủ đã yêu cầu tạm dừng triển khai đầu tư xây dựng các trung tâm hành chính tập trung từ giữa tháng 11/2015.
Theo giải thích của địa phương, thì công trình được xây dựng theo hình thức BT (xây dựng - chuyển giao) không xin tiền ngân sách trung ương, nên không ảnh hưởng.
Bên cạnh Khánh Hòa, vẫn còn một số tỉnh cũng đang có kế hoạch xây dựng Trung tâm hành chính tỉnh theo hình thức BT như Nghệ An, Thanh Hóa, Thái Bình, Hải Dương.
Trao đổi với Đất Việt, ngày 17/12, ông Phạm Quang Dũng - Phó Chánh văn phòng UBND tỉnh Thái Bình cho biết: "Sau khi có chỉ đạo của Thủ tướng, UBND tỉnh đã có chủ trương dừng lại không xây dựng Trung tâm hành chính nữa, bởi đã là chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ thì phải chấp hành".
Trong khi đó, ông Võ Hồng Dương - Phó Chánh Văn phòng UBND tỉnh Nghệ An cũng cho biết: "UBND tỉnh Nghệ An cũng đã ra quyết định sẽ không tiến hành xây dựng trung tâm hành chính tỉnh".
Khác với Thái Bình, Nghệ An, ông Lê Quang Hiển - Chánh văn phòng UBND tỉnh Thanh Hóa cho hay: "Thanh Hóa vẫn đang tiến hành các bước chuẩn bị cho việc đầu tư xây dựng Trung tâm hành chính tỉnh, còn đến lúc nào đầu tư thì vẫn chưa rõ, nhưng chắc chắn vẫn trong khuôn khổ pháp luật cho phép".
Theo ông Hiển, đúng quy định thì Thanh Hóa vẫn sẽ làm. Hiện nay mới chỉ là giai đoạn làm thủ tục, tức là vẫn có chủ trương triển khai, bởi vì, trụ sở các ban ngành của Thanh Hóa đã xuống cấp nhiều.
Phối cảnh khu hành chính tập trung tỉnh Nghệ An
Ông Hiển nhấn mạnh: "Thủ tướng chỉ đạo tạm dừng để rà soát, đối với các tỉnh đầu tư quá lớn hàng nghìn tỷ đồng, còn Thanh Hóa chỉ đầu tư 600 tỷ đồng, vốn đầu tư ít. Thậm chí, số tiền còn có thể thấp hơn vì đó là con số dự toán tổng tiền các hạng mục, nhưng nếu làm từng hạng mục còn rẻ hơn nhiều.
Hơn nữa, chúng tôi triển khai theo hình thức BT không dùng tiền ngân sách, nên không ảnh hưởng gì".
Đầu tư theo hình thức BT vẫn là tiền của dân
Trước thông tin các tỉnh đưa ra, ông Huỳnh Văn Tiếp - ĐBQH tỉnh Cần Thơ cho rằng, trụ sở hành chính cũng là tài sản công, nên đó cũng là tài sản của dân.
Ông Tiếp phân tích: "Chính phủ đã kêu tạm dừng triển khai xây dựng thì sẽ không tỉnh nào được tiếp tục thực hiện. Dù làm theo hình thức nào, kể cả BT thì vẫn là tài sản công.
Hơn nữa, vấn đề quan trọng là đánh giá hiệu quả của quản lý hành chính không phải là trụ sở nguy nga, hoành tráng mà là năng lực, cơ chế chính sách. Tôi cho rằng, cơ sở hiện tại các tỉnh đang sử dụng vẫn đảm bảo nhu cầu làm việc, chưa cần thiết phải xây dựng một trụ sở nguy nga, hàng nghìn tỷ đồng.
Cứ nhìn ra các nước xung quanh, họ chủ yếu đầu tư tiền cho trang thiết bị máy móc, còn trụ sở cũng bình thường, thiết nghĩ, cơ sở khang trang mà làm việc không chất lượng thì cũng không cần thiết".
Cũng đưa ra quan điểm về vấn đề này, ông Nguyễn Ngọc Bảo - ĐBQH tỉnh Vĩnh Phúc lại cho rằng, hiện nay, ở rất nhiều tỉnh, trụ sở của các Sở, ban ngành gần như một khu riêng biệt, rất lãng phí. Hơn nữa, có những Sở diện tích rộng nhưng chỉ có vài người làm, kèm theo những khu thể thao, sân chơi bóng...
Cho nên, việc xây dựng một tòa nhà tập hợp tất cả các cơ quan là chủ trương hoàn toàn đúng, nhưng vấn đề ở đây là cách triển khai của nhiều tỉnh có vấn đề, vì trông chờ vào nguồn ngân sách Trung ương, có nhiều tỉnh xin hỗ trợ hàng nghìn tỷ đồng là điều khó chấp nhận, khi nợ công ngày càng tăng cao.
Đó cũng chính là lý do vì sao Thủ tướng phải chỉ đạo tạm dừng triển khai, vì xây trụ sở mà dùng ngân sách nhà nước là hoàn toàn không đúng với chủ trương. Đáng lẽ, trụ sở của tất cả các Sở, ban ngành hiện có phải được hóa giá, rồi lấy tiền đó để đầu tư xây dựng trụ sở mới, như vậy chắc chắn sẽ hiệu quả.
Ông Bảo nhấn mạnh: "Nguồn ngân sách nhà nước không phải bầu sữa không bao giờ cạn để chúng ta lãng phí".
"Hiện nay, dư luận hay đề cập đến tham nhũng, nhưng có mấy ai biết lãng phí còn đang cao hơn gấp nhiều lần. Một con số đáng giật mình, đó là một năm Bộ Tài chính phải bỏ ra khoảng 13000 tỷ đồng cho tiền xăng xe đi lại của các lãnh đạo.
Câu chuyện xây Trung tâm hành chính cũng vậy, tôi cho rằng chủ trương xây dựng là đúng, nhưng cách làm thì chúng ta đang quá nhiều sai phạm. Phải kiên quyết không dùng tiền ngân sách, tỉnh nào làm được thì cho triển khai", ông Bảo nói.
Châu An
Theo_Báo Đất Việt
Điều gì giúp đồng Nhân dân tệ thành đồng tiền dự trữ của IMF? Ngân hàng Trung ương Trung Quốc hôm nay (1-12) tuyên bố rằng Trung Quốc sẵn lòng đón nhận quyết định của Quỹ tiền tệ quốc tế (IMF) đưa đồng nhân dân tệ vào vào rổ những đồng tiền thành phần tạo nên Quyền rút vốn đặc biệt (SDR) của IMF. Ngân hàng Trung ương Trung Quốc cho rằng quyết định thêm đồng Nhân...