Bắt giữ 2 đối tượng buôn bán dụng cụ “đập đá”
Phát hiện nhiều dấu hiệu khả nghi, tổ tuần tra đã kiểm tra và thu giữ số lượng lớn dụng cụ sử dụng ma túy dạng đá.
Hai đối tượng Huệ và Phú tại cơ quan công an
Sáng nay 13/8, CAP Hưng Bình, TP Vinh, Nghệ An cho biết, vào khoảng 1 giờ 45 phút ngày 12/8, trong lúc làm nhiệm vụ tuần tra kiểm soát an ninh trật tự tại khu vực hồ Tây Sâm, gần khu vực Bến xe Vinh, tổ tuần tra đã phát hiện 2 đối tượng Nguyễn Thị Phú (sinh năm 1965, trú tại khối 5, phường Lê Lợi) và Phạm Thị Huê (sinh năm 1980, trú tại khối Tân Yên, phường Hưng Bình, TP Vinh) có hành vi buôn bán dụng cụ sử dụng ma túy dạng đá.
Qua kiểm tra, tổ tuần tra đã thu giữ được 29 cóng bằng thủy tinh dùng để sử dụng ma túy dạng đá, 30 máy bật lửa ga chuyên dùng để khò, 40 bình ga mini, 100 ống nhựa hút, 15 bơm kim tiêm, 15 ống nước cất, 18 điện thoại di động cùng 1 số văn bằng, chứng chỉ, đăng ký xe máy và giấy phép lái xe. Tại Cơ quan công an, bước đầu hai đối tượng Phú và Huê đã khai nhận toàn bộ số dụng cụ này thường được bán cho những đối tượng sử dụng ma túy dạng đá.
Video đang HOT
Hiện CAP Hưng Bình đang hoàn tất hồ sơ để xử lý theo pháp luật.
Theo ANTD
Đắc Lắc: Hé lộ đường dây xuất khẩu lao động trái phép sang Nga
Một nạn nhân trong đường dây này vừa trốn thoát từ Liên bang Nga trở về, tố cáo hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản của bà Nguyễn Thị Phú (trú tại xã Cư Ewi, huyện Cư Kuin).
Tuy nhiên, đây không phải nạn nhân duy nhất, bà Phú cũng chỉ là một mắt xích trong đường dây tổ chức xuất khẩu lao động (XKLĐ) trái phép quy mô lớn đang hoạt động tại nhiều tỉnh, thành trong cả nước.
Trốn như... tội phạm
Ngày 12.5, anh Huỳnh Anh Dũng (trú thôn 2, xã Hòa Thắng, TP.tt) gửi đơn đến Công an huyện Cư Kuin tố cáo bà Nguyễn Thị Phú. Theo trình bày của anh Dũng thì khoảng tháng 8.2010, bà Phú nói nếu muốn đi Nga làm việc với mức lương khoảng 10 triệu đồng/tháng thì đưa cho bà 120 triệu đồng để làm thủ tục trọn gói. Ngày 7.9.2010, anh Dũng được bà Phú đưa ra sân bay Nội Bài để xuất cảnh sang Nga.
Sau khi đến Mátxcơva, đoàn của anh Dũng được một số người đưa về Makhala - một thành phố ở miền nam nước Nga. Tại đây, họ được phân đến các công trường xây dựng dân dụng, chủ yếu là nhà ở tư nhân. Do không có giấy tờ hợp pháp nên những người lao động (NLĐ) như anh Dũng thường bị cảnh sát bắt giữ, phạt tiền. Cũng vì nhập cảnh trái phép nên số lao động này không được pháp luật bảo vệ, thường bị cướp bóc, quỵt tiền công v.v... Nhận thấy thu nhập và điều kiện sống không như mong muốn, anh Dũng đã bỏ trốn về nước vào ngày 29.10.2010.
Anh Huỳnh Anh Dũng (bên trái) mô tả cuộc sống khổ sở trong những ngày ở Nga.
Lần theo đơn tố cáo của anh Dũng, chúng tôi biết được có ít nhất 6 người ở Đắc Lắc đi XKLĐ chui thông qua bà Phú. Ông Phan Văn Bình (trú xã Cư Ewi) cho biết: "Vợ chồng tôi vay mượn khắp nơi, đưa cho bà Phú 60 triệu đồng để con trai là Phan Văn Hiên sang Nga "đổi đời". Cháu đi từ tháng 9.2010, mới gửi được khoảng 1.500USD về nhà, tôi trả lãi cho người ta gần hết. Rồi từ tháng 12.2010 đến nay cháu không gửi nữa, tôi hỏi thì cháu bảo tiền kiếm được hiện nay chỉ đủ nuôi sống bản thân thôi".
Vợ ông Bình là bà Nguyễn Thị Thanh liên lạc qua điện thoại, Phan Văn Hiên cho biết tình hình giống như mô tả trong đơn tố cáo của anh Dũng. "Trong hẻm thì đi bình thường, còn ra đường lớn là phải chạy để khỏi bị bắt, có khi chạy trốn suốt đêm không được ngủ..." - Hiên nói. Người cùng thôn với ông Bình là ông Nguyễn Đình Lành cho biết, con trai ông là Nguyễn Đình Thịnh đi sang Nga từ tháng 10.2010, đến nay chưa gửi về được đồng nào vì chi phí cao, không đủ việc làm.
Có đường dây "chăn dắt" lao động
Tường trình của anh Dũng cũng như những lao động còn ở Nga cho thấy, có một đường dây XKLĐ trái phép sang Nga mà bà Phú chỉ là một mắt xích. Sau khi nộp tiền cho bà Phú, NLĐ được đưa ra Nghệ An học bài phỏng vấn, rồi vào Đà Nẵng phỏng vấn trước khi xuất cảnh. Xuyên suốt quá trình này là sự có mặt của một phụ nữ tên là Nhung ở Nghệ An, người nhận tiền trực tiếp từ bà Phú. Tại Nga, những NLĐ này được một người đàn ông tên là Xuân (chồng Nhung) tổ chức cư trú và làm việc bất hợp pháp. Anh Dũng cho biết, hiện ông Xuân đang quản thúc khoảng 300 lao động Việt Nam đi theo diện này.
Hằng tháng, ông Xuân thu nhiều khoản tiền của NLĐ, trong đó có 20% chi phí tìm việc, tiền "lo lót cảnh sát", tiền môi giới v.v... Nếu NLĐ bị bắt, ông Xuân đến nộp phạt, nhưng sau đó lại trừ vào tiền công của họ, khiến nhiều người phải làm việc không công để trừ nợ. Nếu có tiền gửi về nhà, họ phải thông qua đường dây này và chịu một khoản phí, những người như bà Phú đưa tiền đến cho gia đình họ. Để đối phó với nguy cơ bị tố cáo, trước khi NLĐ lên máy bay, đường dây này thu lại giấy nhận tiền để tiêu hủy. Sở dĩ anh Dũng còn giữ được bằng chứng là do anh biết được nếu làm thủ tục trực tiếp với bà Nhung thì chỉ mất 38 triệu đồng/người.
Làm việc với PV Lao Động, bà Nguyễn Thị Phú thừa nhận có tham gia đường dây XKLĐ trái phép nói trên, nhưng bà cho rằng có sự thỏa thuận với người lao động chứ không phải lừa đảo. "Tôi đã nói trước với họ là chỉ đi bằng visa du lịch, sang Nga làm ngoài, có điều là mình không sợ bị bắt vì đã có người của đường dây ở bên đó lo rồi". Dù NLĐ có tự nguyện hay không, sự việc có yếu tố lừa đảo hay không thì việc tổ chức XKLĐ trái phép sang Nga bằng con đường du lịch cũng cần được xử lý theo pháp luật.
Theo Lao Động