Bất đồng trong các gia đình Hong Kong vì biểu tình
Near Chiu, chàng thanh niên 23 tuổi, hàng ngày vẫn lao ra đường phố tham gia cuộc biểu tình nêu yêu cầu về bầu cử kéo dài hơn một tuần nay, bất chấp sự phản đối của bố mẹ.
Near Chiu ngồi bên ngoài tòa nhà của chính quyền cuối tuần trước. Ảnh: WSJ
Một đêm, khi Near Chiu trở về nhà mệt nhoài, chỉ muốn được tắm rửa sau nhiều ngày phơi mình trên phố cùng đám đông chiếm giữ một số khu vực của thành phố, câu đầu tiên cậu nhận được từ bố là “ Sao, đã nếm thử mùi hơi cay chưa?”. Chiu đi về phòng riêng, ngăn với phòng khách bằng một tấm rèm, và tiếp tục theo dõi tin tức về dòng người biểu tình trên máy tính.
Bố của Near Chiu, ông Chiu Kin Ming, là một chủ cửa hàng bán ngọc bích, cho biết ông cảm thấy cuộc biểu tình dẫn tới đụng độ với cảnh sát hôm 28/9 gây hại cho thành phố, gây ảnh hưởng tới công việc kinh doanh của ông và những người khác.
Ông Chiu là một trong số những người phản đối cuộc biểu tình đang diễn ra. Hầu hết những người này là ở độ trung tuổi, là chủ các cửa hàng và bán dạo trên phố, than phiền rằng công việc kinh doanh của họ bị thiệt hại nặng nề do sự hỗn loạn do biểu tình gây nên. “Sẽ có những vấn đề nảy sinh”, ông Chiu cho biết.
Các thanh thiếu niên Hong Kong, thành phần cốt lõi của các cuộc biểu tình, mang một tầm nhìn đầy khát vọng về một xã hội tự do trong bầu cử, nơi công chúng có quyền đưa ra tiếng nói của mình. Trong khi những người trung tuổi lại cảm thấy “may mắn” vì đã thoát khỏi nghèo đói để bằng lòng với cuộc sống hiện tại và không muốn mạo hiểm đánh đổi những gì đang có trong tay.
Video đang HOT
Theo một kết quả thăm dò tháng trước tại Đại học Trung văn Hong Kong, có 75% người Hong Kong ở độ tuổi 15 – 24 tuổi phản đối việc bầu trưởng đặc khu mới trong số những người được chỉ định từ Bắc Kinh. Trong khi chưa đến 50% người ở độ tuổi 40-59 phản đối. Với nhóm Chiếm Trung tâm (Occupy Central), có 47% người dưới 24 tuổi ủng hộ, so với 21% ủng hộ từ nhóm trung niên.
Ông Chiu Kin Ming. Ảnh: WSJ
Ông Chiu Kin Ming, một người đàn ông rắn chắc ở độ tuổi 50 với mái tóc hớt ra sau, muốn con trai tiếp quản cửa hàng bán ngọc bích của gia đình. Ông cho biết ông tự hào vì mình đã nuôi lớn hai đứa trẻ và tậu một ngôi nhà nhờ vào việc buôn bán.
Còn Near Chiu, tóc để ngang trán, muốn trở thành một nhiếp ảnh gia để nuôi sống bản thân, giống như một trong những thần tượng của cậu là Steven Meisel, nhiếp ảnh gia thời trang của Mỹ. Chiu mặc chiếc áo màu đen với dòng chữ “Tôi chụp mọi người” cùng hình chiếc máy ảnh in trên đó. Nhưng hiện tại cậu chưa muốn đi tìm một công việc vì cậu muốn tiếp tục đi biểu tình.
“Tôi sẽ không bán hàng. Đó không phải là thế giới phù hợp với tôi”, Chiu nói trước khi quay trở lại đường phố đông đúc người biểu tình.
Nhiều thanh niên Hong Kong khác cũng giống như Near Chiu, dù đến tuổi trưởng thành vẫn ở chung với bố mẹ, một phần theo truyền thống và một phần do giá cả bất động sản đắt đỏ trong một trong những thành phố đông đúc nhất thế giới. Những thanh niên này thường phải lén lút ra khỏi nhà để tham gia biểu tình mà không để bố mẹ biết, hy vọng họ không phát hiện ra.
Một hôm khi Near Chiu cùng bố mẹ và chị gái đang xem truyền hình, hình ảnh từ đám đông biểu tình đã làm nổ ra một cuộc tranh luận trong gia đình. Ông Chiu khăng khăng là nền kinh tế đã được cải thiện.
Ông Chiu lớn lên ở một vùng quê nghèo nàn phía bắc tỉnh Quảng Đông (Trung Quốc), nơi họ chỉ trồng ngô để kiếm sống. Sau đó bố của ông đưa gia đình sang Hong Kong và mở cửa hàng Ngọc bích và Trang sức Tak Lee, nằm ngay trên con phố nhộn nhịp Canton. Vào độ tuổi 20, ông Chiu nối nghiệp cha, ông có ấn tượng mạnh về những trung tâm mua sắm của Hong Kong và yêu thích cuộc sống ở đây.
Trong nhiều năm, gia đình sống trong một nơi mà họ chỉ kê đủ một chiếc giường và chia sẻ bếp và nhà vệ sinh với các gia đình khác. Nhưng cửa hàng ngọc bích của nhà ông Chiu làm ăn ngày càng phát đạt và họ mua được một căn hộ với một phần tiền hỗ trợ của chính quyền vào năm 1994 với giá 38.700 USD.
Gia đình ông Chiu dần dần có điều kiện mua sắm nhiều vật dụng đắt tiền. Near Chiu được bố mua cho chiếc máy ảnh khi mới 16 tuổi. Cậu bé đi lang thang hàng giờ khắp thành phố để chụp ảnh. Nhưng Near Chiu khi về nhà chỉ nhận được mỗi một câu từ bố: “Con cần phải trở thành một người hữu ích. Cần phải kiếm nhiều tiền hơn”.
Near Chiu ước mơ trở thành một nhiếp ảnh gia nổi tiếng. Ảnh: WSJ
Với tên thật là Chiu Sung Tat, chàng thanh niên bắt đầu tự gọi mình là Near theo một nhân vật phim hoạt hình của Nhật Bản. Cậu cho biết càng lớn lên thì cậu càng quan tâm tới chính trị và xã hội dân sự hơn là kiếm tiền. Near Chiu bắt đầu xem các phiên họp trực tuyến về lập pháp của Hong Kong. Cậu bị ấn tượng bởi những nhà lập pháp nêu lên các vấn đề về phong trào dân chủ và về tầng lớp lao động của thành phố.
Từ đó Near Chiu bắt đầu tham gia các cuộc biểu tình. Cậu thi vào Đại học Thành phố Hong Kong để học về truyền thông sáng tạo. Cậu chong đèn học vào ban đêm và cha cậu vẫn hy vọng con trai mình sẽ nối nghiệp ông buôn bán ngọc bích.
“Tôi nghĩ thế hệ này muốn theo đuổi ước mơ của họ hơn là chỉ dùng những cách thức truyền thống tiếp nối tổ tiên”, Near Chiu nói. Near Chiu tham dự các cuộc biểu tình ngay từ đầu, bắt đầu hôm 26/9 gần khu vực của chính quyền bị chắn bởi hàng rào cao hơn 3 m. Một số sinh viên trèo qua hàng rào nhưng bị cảnh sát ngăn lại. Near cùng các sinh viên khác dựng các chướng ngại vật lên và cản cảnh sát tiến lên. Cậu ngủ ngoài trời đêm đó và cùng những người biểu tình đi khắp các tuyến phố trong những ngày tiếp theo và chụp ảnh. Khi về nhà, Near và bố lại tranh luận về tác động của cuộc biểu tình khiến các con phố lớn bị tê liệt.
Ông Chiu than phiền về công việc kinh doanh chậm chạp, ông không bán được món đồ nào trong nhiều tuần. Near Chiu tốt nghiệp từ tháng 6, nhưng cậu chỉ tập trung vào các cuộc biểu tình, dù cậu mong rằng một ngày cậu sẽ trở thành một trợ lý cho một nhiếp ảnh gia nổi tiếng, kiếm được khoảng 1.600 USD mỗi tháng.
“Quá thấp”, mẹ Near Chiu nhận xét về mức lương ước muốn của con trai.
“Tôi không thể tin nổi”, bố Near Chiu tiếp lời.
Sau khi ngủ vài giờ, Near thức đến gần sáng, xem xét lại các bức ảnh của cuộc biểu tình. Ngày hôm sau, cậu trở lại các con phố.
Khánh Lynh
Theo VNE