Bất động sản Hà Nội: ‘Sốt nóng’ liệu có nguội nhanh?
Bất chấp tác động từ đại dịch COVID-19, như một chu kỳ có tính lặp lại, thị trường bất động sản dịp cuối năm, giáp Tết Nguyên đán tại các thành phố lớn, đặc biệt là Hà Nội vẫn cho thấy sức nóng mạnh mẽ từ kênh đầu tư truyền thống này.
Đất vùng ven, đất ngoại thành, thậm chí là đất rừng, đất đồi, đất lâm nghiệp vẫn nhận được sự quan tâm lớn của giới đầu tư và vẫn thu hút mạnh mẽ dòng tiền trong xã hội sau chuỗi thời gian dài “nằm im tránh dịch”. Sốt sắng và tâm lý “không bỏ lỡ” khiến nhiều người dân “đứng ngồi không yên”, đổ về săn tìm cơ hội đầu tư cùng với sự dẫn dắt nhịp điệu của đội ngũ môi giới góp phần đẩy giá đất tại các khu vực này tăng vọt trong sự ngỡ ngàng của các chuyên gia, nhà quản lý.
Thị trường bất động sản dịp cuối năm tại các thành phố lớn vẫn cho thấy sức nóng. Ảnh minh họa: Vân Sơn/Báo Tin tức
“Sốt nóng” trở lại
Như “biển lặng gặp gió hung”, vẫn những địa bàn quen thuộc của thị trường, giá đất tại vùng ven Thủ đô từng sốt nóng 1- 2 năm trước, sau một thời gian dài lắng xuống vì dịch COVID-19 bất ngờ trỗi dậy, tiếp tục trở lại vị trí ưu tiên trong con mắt của giới đầu tư.
Thông tin từ nhiều kênh cho thấy, chỉ trong 1 tháng trở lại đây, giá đất Quốc Oai tăng 15 – 20%, Ba Vì thậm chí lên đến 45%. Hiện tại, đất Ba Vì là điểm nóng sốt đối với giới đầu tư không chỉ từ xu hướng “bỏ phố về quê” mà còn đến từ thông tin quy hoạch Khu du lịch Quốc gia Ba Vì – Suối Hai. Nhiều nhà đầu tư vẫn bất chấp đầu tư với ý định làm trang trại, khu nghỉ dưỡng kiếm lời. Các huyện Sóc Sơn, Hoài Đức, Mê Linh, thị xã Sơn Tây, Hòa Lạc cũng đã tăng thêm 10 – 15 triệu đồng/m2 đất.
Nguyên nhân chủ đạo làm nên đợt sóng lần này xuất phát từ nguồn thông tin từ huyện lên quận, từ quận lên thành phố khiến những khu vực này trở thành tâm điểm của các nhà đầu tư lớn, nhỏ, trên thị trường. Bên cạnh đó, Thành phố Hà Nội gần đây cũng đã có thêm nhiều kế hoạch đầu tư các nút giao thông trọng điểm, hàng loạt dự án hạ tầng tỷ đô liên tục được quy hoạch và xây dựng khiến sức nóng về nhà đất được đẩy lên cao hơn bao giờ hết.
Thậm chí, với những khu vực vùng ven sông Hồng vốn đã tăng giá đầu năm do có thông tin Quy hoạch phân khu đô thị nay lại càng trở nên đắt giá. Nguyên nhân là do thành phố ra thông báo mới sẽ thực hiện phê duyệt Đồ án quy hoạch phân khu đô thị sông Hồng chậm nhất trong nửa đầu tháng 1/2022. Thông tin ngày càng rõ ràng, cụ thể về Quy hoạch phân khu mới đã khiến giá đất ở Thạch Cầu, Cự Khối, Bắc Cầu, Đông Anh dậy sóng, tăng thêm khoảng 20% so với thời điểm trước. Hàng loạt nhà đầu tư đã tới những địa điểm này để tìm hiểu và mua những miếng đất có giá trị.
Cũng để lợi dụng sự sốt nóng và quan tâm về thị trường bất động sản, đội ngũ cò đất, môi giới nhà đất đã thổi bùng cơn sốt đất lên cao. Nhiều môi giới bất động sản bất chấp đổ về các nơi là điểm nóng về giá đất tại Hà Nội để chèo kéo khách, giới đầu tư, tạo ra những đợt sóng đầu tư nhằm kiếm lợi nhuận. Số lượng văn phòng môi giới, giao dịch nhà đất xuất hiện dày đặc tại các điểm nóng.
Chỉ tính riêng khu vực Đông Anh hay Long Biên đã có tới hàng chục văn phòng môi giới nhà đất lớn nhỏ mọc lên san sát nhau. Nhiều hàng quán cà phê, buôn bán phút chốc đã biến thành địa điểm kiêm môi giới nhà đất cho khách hàng có nhu cầu quan tâm đến đất đai. Môi giới sẵn sàng tung tin về giá đất, rao bán đất sinh lời nhanh, đồn thổi về sức nóng của thị trường và các cơ hội để đầu tư, hình thành nên những cơn sốt đất ảo để làm lũng đoạn thị trường.
Những cơn sốt đất trong năm qua đã khiến nhiều người lo lắng, đặc biệt là những người có nhu cầu về đất. Tuy nhiên, khi nhìn nhận lại, mức giá đất đắt đỏ thực chất chỉ là trên miệng cò đất, còn trên thực tế, các giao dịch mua bán nhà đất không nhiều. Đất trồng cây lâu năm, đất ruộng, đất đồi, các dự án đã bỏ hoang vốn không có nhiều người hỏi mua. Giá đất thực tại vốn không hề tăng cao như lời cò đất, nếu có thì chỉ nhích nhẹ theo sức nóng của thị trường.
Video đang HOT
Theo phản hồi của người dân và cả chính quyền địa phương, mặc dù người tới xem khá nhiều nhưng số lượng giao dịch mua bán đất thành công, tỉ lệ chốt mua thấp. Thậm chí, ở một số địa phương giá đất không tăng nhiều so với thời điểm cuối năm 2020. Đơn cử tại khu đất giãn dân thôn Đồng Táng, xã Đồng Trúc hay xã Bình Yên (huyện Thạch Thất) ngay gần Trường Đại học FPT và Khu Công nghệ cao Láng – Hoà Lạc nhưng có không ít thửa đất được rao bán nhiều tháng nay không có người mua.
Tương tự, tại huyện Gia Lâm, có những mảnh đất 40-50m khách mua hơn nửa năm nay nhưng lợi nhuận chỉ tăng khoảng 10%, chứ không tăng “chóng mặt” như dư luận đồn thổi… Đặc biệt, bước sang tháng cận Tết Nguyên đán 2022, cảnh đông đúc người mua, bán không còn xuất hiện. Thay vào đó, các mảnh đất đã im lìm nằm chờ khách tới mua.
Sốt nóng liệu có nguội nhanh?
Lý giải hiện tượng này, các chuyên gia cho rằng có lẽ do sự khan hiếm nguồn cung nhà ở, đất đai ở vùng trung tâm Thủ đô mà nhà đầu tư và người có nhu cầu mua đất có xu hướng tìm đến vùng ven đô nhiều hơn. Song trên thực tế, nhu cầu đầu tư thực, ở thực và dài hạn thường rất ít. Do đó, giá đất thường chỉ tăng một thời gian khi được “thổi” rồi nhanh chóng trở về giá cũ.
Theo Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Văn Sinh, việc tăng giá đất không chỉ do cò đất tung tin mà còn có hiện tượng các sàn giao dịch bất động sản câu kết nhau ôm hàng, làm giá, tạo sóng, thổi giá, gây sốt ảo. Hoạt động của các sàn giao dịch bất động sản còn tồn tại nhiều bất cập.
Việc tăng giá đất tiềm ẩn nhiều rủi ro. Người có nhu cầu mua đất thật có thể không mua được hoặc phải mua với giá quá cao so với thực tế; các nhà đầu tư thì có nguy cơ gặp phải nợ xấu, lỗ nặng khi giá đất có thể quay về giá trị ban đầu. Người bán thì không bán được nhưng vẫn đưa ra giá trên trời mong kiếm được lời nhanh ngay trong cơn sốt đất.
Khi giá tăng cao quá nhanh vượt xa giá trị thực và khả năng thanh toán của phần lớn người dân cũng dễ phát sinh ra “bong bóng” bất động sản. Chủ tịch Hội Môi giới Bất động sản Việt Nam Nguyễn Văn Đính cảnh báo, các nhà đầu tư thiếu chuyên nghiệp, thiếu kiến thức tham gia đều có nguy cơ mua phải những bất động sản ảo, bất động sản không phù hợp quy định pháp luật và có khả năng mất trắng hoặc khoản đầu tư có thể bị lỗ. Nếu nhà đầu tư muốn mua bất động sản ở thời điểm này, đặc biệt ở các địa bàn đang chờ quy hoạch, dự án lớn triển khai, hạ tầng giao thông kết nối vào nội đô vẫn chưa hoàn chỉnh thì bất động sản chưa thể sinh lời nhanh.
Các chuyên gia khuyến nghị, để tránh dẫn đến tình trạng “bong bóng” bất động sản, nhà đầu tư cần cảnh giác không chạy theo các cơn sốt, tin đồn về quy hoạch hạ tầng, các dự án hay phân khúc bất động sản rủi ro, nên chọn đầu tư các dự án có pháp lý đầy đủ và của các doanh nghiệp bất động sản uy tín. Đồng thời, không nên tham gia vào những thị trường có hiện tượng ảo, “sốt” giá, những thị trường không chính thống, không phù hợp các quy định của pháp luật.
Khi đầu tư đất nền, với những sản phẩm phải chốt trong ngắn hạn và những thị trường đang sốt nóng có quy hoạch mới để kích cầu thị trường, nhà đầu tư cần đặc biệt lưu tâm đến vấn đề quy hoạch và pháp lý. Thị trường bất động sản vốn luôn có nhiều tiềm năng trong trung – dài hạn nhưng thời điểm này không dành cho đầu tư “lướt sóng” theo kiểu “chộp giật”, nhà đầu tư cần phải có kế hoạch đầu tư chiến lược rõ ràng.
Cơn sốt đất ảo có thể bùng nổ bất kì lúc nào và gây ra những rủi ro nghiêm trọng cho cả người mua và người bán. Việc cần làm lúc này là phải tháo gỡ vướng mắc, tăng nguồn cung, đáp ứng nhu cầu chính đáng của thị trường, tránh để tình trạng cung cầu lệch lạc, mất cân đối kéo dài.
Các chuyên gia cho rằng, chính quyền địa phương cần phải sớm vào cuộc, cần thiết nên có những biện pháp mạnh tay làm giảm hoạt động giao dịch, nhất là việc xử lý triệt để các vi phạm, chấn chỉnh thị trường mua bán nhà đất.
Mặt khác, chính quyền cũng phải công khai, minh bạch thông tin về quy hoạch, tiến độ triển khai các dự án, đặc biệt là những dự án lớn hay sáp nhập, nâng cấp đơn vị hành chính… để người dân, doanh nghiệp nắm rõ. Việc công khai quy hoạch chính là giải pháp mấu chốt để ngăn chặn hiện tượng tung tin đồn thổi, đầu cơ nhằm đẩy giá đất để trục lợi bất hợp pháp.
Bên cạnh đó, việc điều chỉnh những vướng mắc trong quy định của pháp luật, sửa đổi nội dung các quy định của luật hiện hành có liên quan, tạo hành lang pháp lý quản lý thị trường bất động sản chặt chẽ cũng là việc làm cần thiết để giảm sốt đất, giúp thị trường bất động sản phát triển lành mạnh hơn.
Bất động sản có 'tái sốt' sau làn sóng COVID lần thứ 4?
Ngay sau khi các địa phương gỡ bỏ giãn cách xã hội và thực hiện Nghị quyết 128/NQ-CP quy định tạm thời "Thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19", số lượng giao dịch mua và thuê bất động sản đã tăng trở lại.
Đặc biệt là thị trường bất động sản Hà Nội được đánh giá sôi động lại rất nhanh cho thấy mức độ quan tâm và nhu cầu đối với lĩnh vực này vẫn rất cao. Các chuyên gia bày tỏ lo ngại có thể hình thành đợt sốt đất mới sau làn sóng COVID lần thứ 4.
Dự án HanHomes Giang Biên (quận Long Biên, Hà Nội). Ảnh minh họa: Minh Nghĩa/TTXVN
Hà Nội vừa kết thúc việc thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16/CT-TTg để chuyển dần sang trạng thái bình thường mới thì gia đình ông Nguyễn Kinh Bắc - quận Bắc Từ Liêm đã nhanh chóng làm thủ tục đặt cọc và mua một căn nhà xây sẵn với trị giá hơn 5 tỷ đồng trên phố Xuân La. Ông Bắc chia sẻ, khi làm thủ tục công chứng mua - bán, gia đình rất bất ngờ vì thấy nhiều nhà cũng chọn giao dịch vào thời điểm này.
Lý do khiến ông Bắc nhanh chóng "chốt mua" là vì tiền gửi ngân hàng lãi suất thấp, giá nhà đất có xu hướng tăng và ngay cả vật liệu xây dựng cũng "leo thang". Nếu cứ để tiền gửi ngân hàng thì lãi suất cũng không đủ bù tốc độ tăng giá của bất động sản - ông Bắc cho hay.
Tâm lý ông Bắc cũng khá trùng hợp với diễn biến của thị trường bất động sản 2 năm qua. Các chuyên gia cũng nhận xét, kết thúc mỗi đợt bùng phát dịch, thị trường bất động sản luôn có sự phục hồi nhanh chóng. Cuối năm 2020, đầu năm 2021 - khi đợt dịch lần thứ 3 được kiểm soát, thị trường bất động sản cũng chứng kiến cơn sốt đất diễn ra trên diện rộng ở hầu hết các địa phương trên cả nước và chỉ "hạ nhiệt" khi có sự vào cuộc của các bộ, ngành, địa phương.
Bởi vậy, dù thị trường gặp khó khi đối mặt với làn sóng COVID-19 lần thứ 4 nhưng nhu cầu đầu tư bất động sản vẫn lớn. Thị trường sẽ tiếp tục bật trở lại sau thời gian bị nén. Tình trạng thiếu hụt nguồn cung cũng khiến thị trường nóng lên khi xã hội quay trở lại cuộc sống bình thường mới.
Trong khi đó, do ảnh hưởng của dịch bệnh, tiến độ thi công chậm, quá trình cấp phép xây dựng cho các dự án cũng bị kéo dài... khiến thị trường ngày càng hiếm dự án chất lượng với đầy đủ pháp lý. Bối cảnh cầu cao hơn cung cũng là một trong những nguyên nhân khiến giá mặt bằng chung các phân khúc trên thị trường bất động sản nhích lên.
Dưới góc độ của nhà đầu tư, bà Phạm Thanh Thủy (quận Ba Đình - Hà Nội) chia sẻ, đối tượng đầu tư vào kênh chứng khoán chủ yếu là những người trẻ, biết sử dụng công nghệ, có kiến thức về doanh nghiệp. Còn người trung tuổi có tiền sẽ thích đầu tư bất động sản vì phù hợp với kênh kiếm tiền này hơn.
Hiện Chính phủ đang thúc đẩy mạnh hoạt động đầu tư công với việc phát triển hàng loạt công trình hạ tầng cũng là một trong những động lực khiến nhà đầu tư có thể kỳ vọng yếu tố thúc đẩy thị trường bất động sản tiếp tục tăng trưởng tốt trong thời gian tới - bà Thủy nhận xét. Đặc biệt, sau mấy đợt "sốt đất" vừa qua, tâm lý nhà đầu tư chuyên nghiệp đã vững vàng hơn, có thêm những phương án dự phòng thích hợp.
Giám đốc CBRE Việt Nam Võ Huỳnh Tuấn Kiệt cho rằng, câu chuyện "sốt đất" không phải mới mà luôn diễn ra, hết đợt này sẽ hình thành đợt khác theo nhịp đập thị trường. Thực tế suốt thời gian dài qua, thị trường bất động sản Việt Nam đã trải qua nhiều lần sốt đất. Do đó, việc lặp lại tình trạng này cũng là hiện tượng bình thường; thậm chí, "sốt đất" sẽ luôn phổ biến tại những khu vực đang có xu hướng phát triển hoặc khu vực đang phát triển về hạ tầng hay có quy hoạch mới.
Theo chuyên gia Trần Khánh Quang, khi độ phủ vaccine tiếp tục gia tăng, mọi hoạt động xã hội sẽ cơ bản quay trở lại bình thường. Khi nhu cầu đầu tư bất động sản còn cao thì tình trạng "sốt đất" sẽ tiếp tục diễn ra. Tuy nhiên, rào cản lớn nhất trong việc đưa thị trường bất động sản quay trở lại quỹ đạo phát triển nằm ở yếu tố tâm lý. Các chủ đầu tư cũng phải tính toán lại thời điểm công bố các dự án để kinh doanh khi nhu cầu, thu nhập của khách hàng đã thay đổi sau thời gian dịch bệnh.
Ông Quang phân tích, trong 3 tháng vừa qua, dịch bệnh nghiêm trọng khiến thị trường khó khăn hơn, nhưng độ "thấm" vẫn chưa thể hiện rõ. Do đó, thời gian tới sẽ có hai trạng thái. Nếu cải thiện được tình hình thì bất động sản vẫn là thị trường hấp dẫn và sẽ có cơn sốt nhẹ. Nhưng nếu vẫn chưa vượt qua được ngưỡng tâm lý và còn khó khăn hơn thì thị trường có khả năng sẽ tiếp tục "trầm lắng". Các nhà đầu tư đều có niềm tin vào thị trường sẽ tiếp tục tăng; trong đó, có một bộ phận nhà đầu tư bất động sản vẫn luôn mong muốn xảy ra các cơn "sốt đất" để kiếm lời nhanh.
Thực tế cũng ghi nhận, thời gian qua, thị trường bất động sản liên tục tăng giá và không có dấu hiệu giảm. Do đó, tình trạng tăng giá đất hay "sốt đất" ở một số khu vực giá đất đang thấp vẫn có thể xảy ra. Tiến sỹ Đinh Thế Hiển nhận xét, ở bất cứ lĩnh vực nào, sự tăng trưởng cũng sẽ đạt đến ngưỡng bão hòa, có thể diễn biến theo chu kỳ hoặc tính chất của lĩnh vực đó.
Đối với lĩnh vực đầu tư bất động sản, tính chất dựa trên giá cả. Khi tăng đến một mức nào đó có thể sẽ xảy ra tình trạng cục bộ. Đơn cử như một khu vực tăng giá trước khi hạ tầng đến thì sẽ làm cho giá đất khu vực đó chỉ tăng trong một khoảng thời gian nhất định rồi bị ngưng lại hoặc rớt giá.
Bởi vậy, sau khi dịch bệnh được kiểm soát, "sốt đất" có xảy ra hay không còn phụ thuộc vào khu vực đó có điều kiện gì phù hợp. Nếu khu vực đó có thông tin quy hoạch mới, giá đất còn thấp hoặc trước đó giá đất chưa tăng tương xứng... thì dễ xảy ra "sốt". Chứ với những khu vực đã từng "sốt đất" rồi thì rất khó vì giá đất tăng có thể đã đạt ngưỡng chịu đựng trên thị trường - Tiến sỹ Đinh Thế Hiển phân tích.
Trước diễn biến thị trường, bà Đỗ Thu Hằng - Giám đốc bộ phiên Nghiên cứu và Tư vấn - Savills Việt Nam cảnh báo, tại một số khu vực, bất động sản trước đó chưa được đánh giá cao nhưng sau "sốt đất" đã xảy ra hiện tượng giá tăng vượt quá giá trị thực tế, trở thành giá trị ảo. Điều này dẫn đến rủi ro cao cho các nhà đầu tư; đồng thời gây ra hệ lụy xấu cho toàn thị trường cũng như ảnh hưởng đến nền kinh tế.
Do đó, khi có hiện tượng vượt quá giá trị thực thì bản thân các nhà đầu tư cũng nhận thấy cần phải điều chỉnh, không thể đi trên con sóng cao để nhận lấy rủi ro. Bên cạnh đó, dòng tiền hiện nay đổ vào bất động sản cũng bị kiểm soát, liên quan đến quy định đầu tư vốn ngắn hạn và dài hạn cũng như một số công cụ khác về quản lý các hoạt động kinh doanh bất động sản.
Đặc biệt, tính pháp lý cũng rất quan trọng, nhất là những nhà đầu tư theo kiểu "đón sóng" hạ tầng thì cần kiểm tra thông tin quy hoạch từ địa phương, tránh đi theo những tin đồn thất thiệt, tâm lý đám đông.
Môi giới bất động sản 'xoay xở' trong mùa dịch Dịch COVID-19 diễn biến phức tạp đã khiến nhiều sàn bất động sản nhỏ lẻ, tiềm lực tài chính yếu kém phải dừng hoạt động, hàng loạt môi giới bất động sản lâm vào cảnh thất nghiệp. Họ đang phải "xoay xở" mưu sinh khi chưa biết lúc nào dịch bệnh mới chấm dứt. Ông Nguyễn Văn Đính, Tổng thư ký Hội Môi...