Bất động sản: Cứu hay “để rơi”?
Sau phát biểu gây sốc cho doanh nghiệp bất động sản (BĐS) – “nên để thị trường BĐS rơi tự do”, hôm qua 31/3, Tiến sĩ Alan Phan đã gửi cho Lao Động bức thư ngỏ trả lời 15 câu hỏi chất vấn của 1.000 thành viên CLB BĐS Hà Nội. Bức thư lập tức thu hút sự quan tâm không chỉ của giới doanh nghiệp BĐS… đã có nhiều ý kiến trái chiều về vấn đề này.
Không phải “cứu” hay… không “cứu”!
Trao đổi với một số DN kinh doanh BĐS về quan điểm để thị trường BĐS rơi tự do của ông Alan Phan, một DN BĐS lớn trên thị trường Hà Nội cho rằng, trong sự phát triển kinh tế của một đất nước, khi một thị trường của nền kinh tế khó khăn thì ai cũng có quyền nhận xét, chỉ trích hay tỏ thái độ về các chính sách của Nhà nước, có thể là dưới cái nhìn của một nhà kinh tế hay của một công dân. Vấn đề là cần có cái nhìn thấu đáo, khách quan và có trách nhiệm.
“Quan điểm của ông Alan Phan chỉ là một phát biểu mang tính cá nhân của một Việt kiều không bị ảnh hưởng gì đến quyền lợi khi mà thị trường BĐS Việt Nam dù “rơi tự do” hay “rơi có định hướng”. Cũng chính vì thế, nó tỏ ra rất khách quan, rất đáng suy nghĩ. Nhưng tôi cho rằng, nếu ông Phan đang là NĐT của thị trường BĐS Việt Nam, chưa chắc ông đã dũng cảm nói thế”- lãnh đạo một doanh nghiệp nói.
Không thể phủ nhận, đã có một thời gian dài, rất nhiều DN BĐS làm ăn chụp giật, thị trường BĐS chạy theo phong trào, phát triển theo kiểu “nhà nhà làm BĐS”, điều này dẫn đến sự méo mó của thị trường hiện nay. Hơn ai hết, các DN trong ngành hiểu rõ và đang phải gánh chịu những hậu quả do sự phát triển bất chấp quy luật cung cầu. Lúc này, chính họ đang phải tự mình giải quyết hậu quả, chủ động tìm lối đi về gần với nhu cầu thực của người tiêu dùng.
“Bên cạnh họ, Nhà nước và người dân cũng bị “liên luỵ”. Nhà nước cũng có lỗi khi đã không kịp thời điều chỉnh, định hướng thị trường thậm chí còn có nhiều tác động khiến quả bong bóng phình to hơn. Người dân cũng vậy, “tâm lý đám đông” cũng khiến họ “lên thuyền” cùng DN” – lãnh đạo một DN BĐS tại TPHCM phân tích.
Song, vấn đề hiện nay không phải là ngồi đó để xem ai có lỗi và trách móc mà cần hành động để sửa lỗi, cải tạo, phát triển thị trường BĐS chuyên nghiệp, lành mạnh và minh bạch hơn.
Để sớm vực dậy thị trường BĐS cần có một thị trường minh bạch và lành mạnh. Ảnh: BÌNH AN
Video đang HOT
“Ông Phan cho rằng, DN BĐS “chết”, nhà băng “chết”, CK tụt giảm… cũng không sao, miễn là Chính phủ bảo đảm người dân sẽ không mất tiền”. Nhưng liệu có cách nào để làm được thế? Chính phủ sẽ phải làm gì? Ai cũng hiểu, thị trường BĐS hiện nay là một “yết hầu” của nền kinh tế, nếu nó đổ vỡ thì sẽ giống như quân bài domino, nhiều thứ sẽ đổ vỡ theo mà điển hình sẽ là NH, CK, công nghiệp xây dựng và vật liệu…
DN BĐS phá sản hàng loạt, đồng nghĩa với việc bài toán nợ xấu sẽ vô cùng khó giải, thậm chí NH sẽ sụp đổ, thì ai sẽ là người trả tiền cho người dân? DN BĐS phá sản hàng loạt cũng đồng nghĩa với hàng loạt dự án đang triển khai “đắp chiếu”, người dân đã đóng tiền mua nhà sẽ không thể có nhà và mất tiền…
Trong hoạt động kinh tế của một đất nước, vai trò của Nhà nước là biết đưa tay can thiệp để giải quyết những khó khăn của thị trường một cách đúng lúc, đúng cách chứ không phải là “hãy để chúng chết đi”. Ở chính nước Mỹ – nơi ông Alan Phan mang quốc tịch, câu chuyện về Fannie Mae/Freddie Mac ngày nào là điển hình.
Cuối tháng 2 vừa qua, khi tới Việt Nam, ông John Sheehan là một chuyên gia quốc tế, thành viên Tổ chức giám định BĐS Hoàng Gia (FRICS) của Anh, cũng chia sẻ rằng: “Với tình trạng của thị trường BĐS Việt Nam hiện nay, rất cần có sự can thiệp của Chính phủ. Thị trường BĐS hiện không đủ khả năng để tự cứu mình. Sự can thiệp của Chính phủ càng lớn thì sự khôi phục của thị trường càng nhanh”.
Vấn đề là “cứu” thế nào?
Như vậy, có thể thấy vấn đề của thị trường BĐS hiện nay không phải là sự lưỡng lự cứu hay không cứu mà vấn đề là cứu như thế nào? Để sớm vực dậy thị trường BĐS và hướng tới một thị trường minh bạch, lành mạnh rất cần có sự góp sức, chung tay của “bốn nhà” là DN – NH – Nhà nước và người dân. Triển vọng và cơ hội kinh doanh cho thị trường BĐS Việt Nam trong thời gian tới tùy thuộc không chỉ vào hệ quả chính sách nới lỏng tài chính – tiền tệ, mà còn tuỳ thuộc vào sự triển khai các giải pháp đồng bộ cho thị trường.
DN BĐS tự tìm cách cứu mình bằng tái cấu trúc danh mục đầu tư; Nhà nước hỗ trợ DN bằng việc gỡ bỏ những rào cản chính sách, đưa ra những gói/chính sách kích cầu thị trường, xem xét chính sách bán nhà cho người nước ngoài có dự án đầu tư, kinh doanh lâu dài tại Việt Nam; NH có chính sách mở rộng tín dụng cho vay mua nhà, hỗ trợ cho vay tiêu dùng với lãi suất thấp cho người có nhu cầu mua nhà để ở…
“Tuy nhiên, tôi cho rằng điều quan trọng nhất vẫn là về phía người dân. Mỗi người hãy nên có chính kiến riêng và dẹp bỏ tâm lý chờ đợi. Không thể nói chắc về thời gian, nhưng cùng với việc phục hồi kinh tế, thị trường BĐS chắc chắn sẽ ấm dần lên. Đây là thời điểm người dân cần nắm bắt cơ hội gắn với xu hướng kích cầu cho BĐS nói riêng và kích cầu đầu tư và tiêu dùng nói chung.
Giờ đây, có rất nhiều người muốn thị trường BĐS Việt Nam nhanh chóng lâm vào giai đoạn “bắt chuồn chuồn”, hấp hối, khi đó, họ sẽ dẫn các nhà đầu tư ngoại vào “mua gà ốm” với giá rẻ mạt. Nếu có tầm nhìn 5 năm trở lên, thị trường BĐS Việt Nam vẫn là “con gà đẻ trứng vàng”. Vì thế, đừng tin những gì họ nói mà hoảng” – DN này khuyến cáo.
“Tôi thấy thiếu khoa học nhất là ý kiến ông Phan cho rằng giá BĐS còn giảm từ 30 – 50% trong 3 năm tới. Cơ sở nào để ông đưa ra nhận định như vậy? khi mà ai cũng biết giá xăng dầu tăng, giá vật liệu xây dựng tăng, giá nhân công tăng đều qua các năm…”.
Ông Nguyễn Hữu Cường – Chủ tịch CLB Bất động sản Hà Nội
“Cốt lõi là những BĐS mà quý vị đã và đang sản xuất có mức giá và chất lượng đúng nhu cầu của người tiêu dùng chưa? Nhu cầu về phân khúc nhà cho người thu nhập thấp rất cao; nhưng sản phẩm quá ít. Trong khi đó, nguồn cung-cầu tại phân khúc nhà cao cấp tồn kho có thể phải mất 10 năm mới tiêu thụ hết”.
Tiến sĩ Alan Phan
Theo 24h
'Bơm tiền vào bất động sản là cách cứu nền kinh tế'
Thị trường bất động sản suy sụp sẽ khiến thị trường tài chính rối loạn. Do đó, bơm tiền cho địa ốc không phải là cứu các chủ đầu tư mà giải vây cho nền kinh tế Việt Nam, theo ông Đặng Hùng Võ.
GS.TSKH Đặng Hùng Võ chia sẻ quan điểm về gói cứu trợ cho thị trường bất động sản và khả năng hồi phục của thị trường này trong năm 2013.
- Mới đây Bộ Xây dựng ký kết vay BIDV 30.000 tỷ đồng, mục tiêu là tháo gỡ khó khăn cho thị trường bất động sản, đặc biệt là phân khúc nhà ở xã hội, nhà ở cho người có thu nhập thấp, thông qua việc ưu đãi cho đầu vào là các chủ đầu tư dự án, đầu ra là người có nhu cầu thực về nhà ở. Khoản vay này có thực sự cứu cánh cho thị trường địa ốc trong thời gian tới, thưa ông?
- Theo tôi được biết, việc sử dụng nguồn tài chính này nhằm hỗ trợ một mặt là tiếp cho bên cầu, mặt khác hỗ trợ cho các chủ đầu tư của dự án cũ để có thể giải quyết được tồn kho bất động sản bằng các giải pháp Bộ Xây dựng đã đề xuất. Ví dụ như: những dự án nào sắp hoàn thành thì sẽ cố gắng hoàn thành, những dự án nào năng lực kém phải dừng lại, dự án nào chuyển công năng sang loại hình bất động sản khác như nhà cho thuê, trung tâm thương mại, nhà công vụ... sau khi xem xét cần hỗ trợ để giảm giá tổng giá trị bất động sản.
Bộ Xây dựng ký kết gói tín dụng 30.000 tỷ đồng thực ra là đứng ra bảo lãnh cho khoản vay đó, thì khoản vay đó mới có độ tin cậy cao đối với ngân hàng. Tuy nhiên, Bộ Xây dựng cũng cần kiểm tra, giám sát chặt chẽ để thực hiện cho đúng mục tiêu. Theo tôi, khoản vay này sẽ có tác động ở một mức đáng kể để tháo gỡ tắc nghẽn cho thị trường bất động sản hiện nay.
- Sau khi Chính phủ công bố dự thảo bơm hàng chục nghìn tỷ đồng cứu nền kinh tế, trong đó có địa ốc, dư luận cho rằng không nên bơm cho bất động sản mà phải trị tận gốc rễ, hạ lãi suất tạo điều kiện cho người dân mua nhà. Vậy ông đánh giá như thế nào về vấn đề này?
- Theo tôi hai việc cần phải làm là hỗ trợ trực tiếp lãi suất cho bên cầu là việc cần thiết, là giải pháp tốt. Song song với đó là chủ đầu tư cũng rất cần nguồn vốn này, do họ đang vào thời điểm rất khó khăn. Họ chỉ cần có khả năng tiếp cận vốn với nguồn ưu đãi thì họ cũng tháo gỡ được bất động sản tồn đọng.
Dư luận chỉ quan tâm đến một việc là đừng lấy tiền thuế của dân cho không các chủ đầu tư. Tôi cho rằng hoàn toàn không có chuyện đó. Bởi có nguồn vốn cho bên cầu vay tức là việc cho vay sẽ tạo khả năng thanh toán và hỗ trợ trực tiếp cho người mua bất động sản.
Bên cạnh đó, hỗ trợ cho chủ đầu tư có giải pháp giải quyết hàng tồn kho bất động sản như chuyển công năng nhà ở, chia nhỏ căn hộ như thế nào, hoàn thành gấp các dự án dang dở... đều cần có hỗ trợ tài chính vốn ưu đãi. Ở đây phải hiểu là không phải cho các nhà đầu tư, mà các nhà đầu tư phải trả vốn ngay sau khi thị trường ấm lại. Việc có cần thiết cho nhà đầu tư vay hay không chúng ta phải nhìn dưới góc độ rộng hơn.
Thị trường bất động sản suy sụp thì sẽ gây khủng hoảng tới tài chính, sẽ làm rối loạn thị trường tài chính. Hiện tại cái kho bất động sản quỵ hoàn toàn thì chắc chắn nền kinh tế sẽ có vấn đề. Chúng ta không phải cứu các chủ đầu tư mà cứu nền kinh tế Việt Nam. Không ai ủng hộ cơ chế cho không các chủ đầu tư bất kỳ khoản tiền nào.
Tuy nhiên, chúng ta cứu chủ đầu tư phải minh bạch và công bằng, đây là hai nguyên tắc lớn nhất chúng ta phải giữ được để giải quyết khâu tắc nghẽn của thị trường bất động sản.
- Mặc dù đã có rất nhiều giải pháp để khơi thông tắc nghẽn thị trường bất động sản, nhưng cho tới hiện tại vẫn chưa có dấu hiệu ấm lên. Theo ông, tình trạng này sẽ kéo dài đến bao lâu?
- Theo tôi đánh giá là đã điểm đủ các giải pháp, vấn đề là cơ chế nào thực hiện các giải pháp thì năm 2013 phải tính tới. Còn việc lúc nào xử lý xong tắc nghẽn bất động sản phải phụ thuộc vào giải phóng được hàng tồn kho bất động sản; kích thích được phân khúc nhà ở giá rẻ.
Hai nguyên tắc minh bạch và công bằng là hai nguyên tắc chúng ta phải đảm bảo. Năm 2013 chúng ta phải loay hoay thực hiện nguyên tắc này: cơ chế ra làm sao, thực hiện như thế nào, ưu tiên và chưa ưu tiên giải pháp nào...? Như vậy, năm 2013 chúng ta có thể hy vọng chút ít nóng lên, ấm lên của phân khúc nhà ở giá rẻ, nếu chúng ta có lực đầu tư cao hơn. Việc giải quyết tồn kho bất động sản, gắn với nợ xấu phải tính bước đi dài hơn, có thể chưa giải quyết xong ngày hôm nay, mà có thể chúng ta cần 1-2 năm thậm chí dài hơn nữa.
Theo VNE
Trung tâm thương mại bị thất sủng Kinh tê khó khăn, khách hàng thắt chặt chi tiêu, "ngại" mua sắm ở trung tâm thương mại lớn. Thiếu chỗ để xe, giá hàng hóa đắt đỏ, không tạo được không khí như chợ làm khu mua sắm này càng ế ẩm. Ghi nhận của VnExpress.netcho thấy, tại khu Nam và phía Tây TP HCM nhiêu trung tâm thương mại chât vât...