Bất đồng quan điểm về xử phạt “xe không chính chủ”
Bộ GTVT vừa hoàn tất Dự thảo Nghị định 71 sửa đổi về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ-đường sắt (lần 3). Trong Dự thảo mới, Bộ GTVT loại bỏ quy định xử phạt “ xe không chính chủ”, nhưng Bộ Công an lại kiên quyết bảo lưu.
Nội dung Dự thảo Nghị định 71 được đăng tải trên website của Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) để lấy ý kiến các Bộ ngành và nhân dân trước khi trình Chính phủ tập trung vào 7 nội dung quan trọng là những bất cập cần sửa đổi, mức phạt các hành vi vi phạm, phân định thẩm quyền xử lý và xử phạt vi phạm, tạm giữ giấy tờ và phương tiện…
Bộ GTVT và Bộ Công an có quan điểm trái ngược về việc xử phạt xe không chính chủ
Riêng vấn đề liên quan đến xử phạt đối với chủ phương tiện vi phạm hành vi không chuyển quyền sở hữu phương tiện theo quy định (thường gọi là xe không chính chủ – PV) đang tồn tại nhiều ý kiến khác nhau, vì vậy trong Dự thảo đưa ra 2 quan điểm song song để trưng cầu ý kiến nhân dân.
Trong đó, quan điểm thứ nhất đề nghị tiếp tục quy định xử phạt đối với hành vi vi phạm nói trên trong Nghị định 71 sửa đổi để buộc chủ phương tiện phải tuân thủ nghiêm các quy định của pháp luật về đăng ký phương tiện. Tuy nhiên, cần mô tả lại hành vi vi phạm và điều chỉnh lại mức phạt cho phù hợp với quy định của Luật Giao thông đường bộ và các văn bản hướng dẫn thi hành pháp luật có liên quan.
Quan điểm thứ hai cho rằng chưa quy định xử phạt đối với các hành vi vi phạm nói trên trong Nghị định 71 sửa đổi, vì mức xử phạt quá cao, qua thực tiễn triển khai thực hiện Nghị định này cho thấy tính khả thi chưa cao, chưa nhận được sự đồng thuận của đại đa số quần chúng nhân dân. Ngoài ra, các quy định hiện hành liên quan đến việc chuyển quyền sở hữu phương tiện (đăng ký lại phương tiện sau khi được mua, cho, tặng, thừa kế) còn chưa thật sự thuận lợi dẫn đến còn tồn đọng một số lượng lớn xe chưa chuyển quyền sở hữu.
Cơ quan soạn thảo Nghị định cho biết, trong khi Bộ GTVT muốn bãi bỏ quy định xử phạt hành vi không chuyển quyền sang tên đổi chủ thì Công an lại quyết bảo lưu quy định này trong Nghị định, vì thế cơ quan soạn thảo buộc phải đưa cả 2 quan điểm nói trên vào Dự thảo Nghị định.
Như vậy, do không thống nhất được ý kiến trong Ban soạn thảo nên về việc duy trì hay bãi bỏ quy định xử phạt hành vi vi phạm không chuyển quyền sở hữu phương tiện sẽ do Chính phủ quyết định.
Video đang HOT
Trong Dự thảo Nghị định lần 3 này cũng không quy định xử phạt chủ phương tiện không nộp phí bảo trì đường bộ. Quy định này sẽ được đưa vào Nghị định về xử phạt phí và lệ phí.
Một điểm mới trong Dự thảo lần 3 là quy định xử phạt hành vi đội mũ bảo hiểm không đảm bảo 3 thành phần cấu thành là vỏ mũ, đệm hấp thụ xung động và quai mũ. Nếu người tham gia giao thông cố tính đội loại mũ không phải mũ bảo hiểm thì coi như không đội và bị xử phạt từ 100.000 – 200.000 đồng/lần vi phạm.
Ngoài ra, Dự thảo lần này gần như giữ nguyên các quy định về mức phạt tiền và hình thức xử phạt bổ sung đối với cá nhân, tổ chức khi vi phạm những hành vi là nguyên nhân hoặc tiềm ẩn nguy cơ cao gây mất an toàn giao thông; Việc quy định xử phạt đối với chủ phương tiện (xe ôtô) khi để người điều khiển phương tiện (người làm công) vi phạm một trong các hành vi: chở quá số người quy định, chở quá tải trọng, quá khổ giới hạn cho phép, điều khiển xe ô tồ liên tục quá thời gian quy định;
Việc phân định thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ, đường sắt đối với Cảnh sát giao thông đường bộ, Cảnh sát giao thông đường sắt, các lực lượng Cảnh sát khác (không phải là Cảnh sát giao thông đường bộ, đường sắt) và Thanh tra giao thông vận tải chuyên ngành; Việc quy định thẩm quyền xử phạt và thẩm quyền lập biên bản vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ, đường sắt của các chức danh (tại Điều 71, Điều 72, Điều 73, Điều 75 của Dự thảo Nghị định); Quy định tạm giữ phương tiện, giấy tờ có liên quan đến người điều khiển và phương tiện vi phạm (tại Điều 77 của Dự thảo Nghị định).
Được biết, sau khi lấy ý kiến các Bộ ngành và nhân dân, Bộ GTVT sẽ trình Chính phủ Dự thảo này trong tháng 5. Nếu được Chính phủ phê duyệt thì Nghị định 71 sửa đổi về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ-đường sắt sẽ bắt đầu có hiệu lực từ ngày 1/7 tới đây.
Theo Dantri
Xe không chính chủ: Mượn xe không cần giấy ủy quyền
"Với xe đi mượn, người tham gia giao thông không cần phải có giấy ủy quyền của chủ sở hữu phương tiện, nhưng bắt buộc phải có đủ giấy tờ như đăng ký xe, giấy phép lái xe... Trường hợp xe bị tạm giữ sẽ xác minh thêm lỗi có chính chủ hay không".
Đại tá Đào Vịnh Thắng - Trưởng phòng Cảnh sát giao thông (CSGT), Công an TP Hà Nội - trao đổi với PV Dân trí thông tin trên sáng nay (21/3).
Quy định xử phạt hành vi không chuyển quyền sở hữu phương tiện theo Thông tư 11 của Bộ Công an đang "vấp" phải nhiều ý kiến trái chiều trong dư luận, vậy xin ông cho biết CSGT Hà Nội sẽ xử lý như thế nào từ 15/4 tới đây?
Về mặt chủ trương, Nghị định 34 và Nghị định 71 sửa đổi của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ thì mọi người tham gia giao thông phải chấp hành.
Còn với Thông tư 11 của Bộ Công an, Thông tư đã quy định chi tiết việc thi hành một số điều của Nghị định 34 và Nghị định 71 sửa đổi của Chính phủ, trong đó xử phạt hành vi không chuyển quyền sở hữu phương tiện theo quy định.
Tuy nhiên, trong quá trình thực thi nhiệm vụ, lực lượng CSGT không được phép dừng xe đang lưu thông trên đường để kiểm soát và xử lý xe chưa sang tên đổi chủ.
CSGT không được dừng xe kiểm soát lỗi không chính chủ
Ông nói rằng không được dừng xe để kiểm soát nhưng có thông tin cho rằng khi xử lý vi phạm, lực lượng CSGT sẽ cộng lỗi xe không chuyển quyền sở hữu (nếu có), điều này có đúng không?
Hoàn toàn không có chuyện cộng lỗi xe không chuyển quyền sử hữu khi xử lý hành vi vi phạm giao thông mà phải xác minh làm rõ thì mới được xử lý.
Ông có thể nói rõ hơn về điều này?
CSGT sẽ thông qua công tác đăng ký, cấp biển số; điều tra, giải quyết tai nạn giao thông; qua phương tiện, thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ; các trường hợp phương tiện vi phạm bị tạm giữ theo quy định và qua điều tra các vụ án hình sự... nếu phát hiện người mua hoặc bán xe không làm thủ tục sang tên, di chuyển, thay đổi đăng ký xe (mua, bán xe không sang tên) theo quy định tại Thông tư 11 của Bộ Công an thì phải xác minh, xác định rõ hành vi vi phạm về mua, bán xe không sang tên và sẽ xử phạt trường hợp quá thời gian 30 ngày kể từ ngày làm giấy tờ mua - bán xe nhưng chưa làm thủ tục sang tên, di chuyển thay đổi đăng ký xe.
Mức phạt áp dụng đối với hành vi vi phạm không chuyển quyền sở hữu là bao nhiêu thưa ông?
Theo Nghị định 34, ô tô vi phạm hành vi không chuyển quyền sở hữu sẽ bị xử phạt từ 6 - 10 triệu; với mô tô và xe máy vi phạm xử phạt từ 800.000 đến 1,2 triệu đồng.
Với quy định này, trường hợp là xe đi mượn mà vi phạm thì sẽ xử lý như thế nào thưa ông?
Xe đi mượn có hành vi vi phạm giao thông nhưng có đầy đủ giấy tờ thì chỉ phạt lỗi vi phạm trực tiếp (ví dụ vượt đèn đỏ thì chỉ phạt lỗi vượt đèn đỏ). Trường hợp không có đầy đủ giấy tờ thì phải tạm giữ phương tiện theo quy định là 10 ngày sau đó sẽ xác minh làm rõ. Nếu đúng là xe mượn của anh/chị/người thân thì không phạt hành vi không sang tên đổi chủ mà chỉ phạt lỗi vi phạm trực tiếp là vượt đèn đỏ.
Người sở hữu phương tiện phải chịu trách nhiệm hoàn toàn về việc cho mượn xe, phải đưa đăng ký xe hợp lệ cho người mượn và phải biết người mượn xe có giấy phép lái xe hợp lệ.
Tuy nhiên, trường hợp liên quan đến các vụ án hình sự, tai nạn giao thông, thông qua thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ phát hiện có tình tiết phức tạp của người điều khiển phương tiện thì CSGT sẽ phải xác minh điều tra làm rõ, nếu phát hiện xe đó không phải là mượn mà đã mua bán qua nhiều chủ hoặc mua bán nhưng chưa làm thủ tục sang tên chuyển chủ thì phải xử lý phạt theo quy định.
Ngoài ra, xử phạt đối với chủ phương tiện giao xe cho người không đủ điều kiện điều khiển xe tham gia giao thông theo quy định của pháp luật, của Luật giao thông đường bộ như: độ tuổi, sức khỏe, không giấy phép lái xe, không có chứng chỉ bồi dưỡng kiến thức pháp luật về giao thông đường bộ, không có chứng chỉ điều khiển xe máy chuyên dùng...; chủ phương tiện biết người điều khiển không đủ điều kiện mà không ngăn cản...
Thông tư 11 chỉ có hiệu lực trong 1,5 tháng (từ 15/4 đến 30/6) khi chờ Nghị định xử phạt mới ban hành, vậy điều này có gì bất hợp lí không thưa ông?
Chúng tôi chỉ là lực lượng thực hiện, thi hành quy định. Còn trong quá trình thực hiện có vấn đề gì thì chúng tôi sẽ có báo cáo với các cập lãnh đạo. Tuy nhiên, quan điểm của CSGT Hà Nội là làm gì thì làm nhưng cần tạo mọi điều kiện cho nhân dân, để nhân dân hiểu và thực hiện tốt, đồng thời nâng cao tinh thần trách nhiệm của cán bộ chiến sỹ trong khi thực thi nhiệm vụ.
Xin trân trọng cảm ơn ông!
Theo Dantri
Quấy rối tình dục là gì? Chờ hướng dẫn Chúng tôi đã có cuộc trao đổi với các thành viên ban soạn thảo về việc giải thích khái niệm quấy rối tình dục (QRTD), vì sao phạt QRTD nhân viên ở công sở cao, với người giúp việc quá thấp... - Phóng viên: Dự thảo quy định xử phạt người có hành vi QRTD người lao động nhưng hiện nay chưa có...