Bất đồng quan điểm nấu ăn, nàng dâu NGÁN NGẨM khi vào bếp với mẹ chồng ngày Tết
Mỗi lần về quê chồng ăn Tết, chị P. (Thanh Hoá) đều khéo léo tránh để mẹ chồng con dâu đụng tay trong bếp, vì chị và mẹ chồng thường có những bất đồng trong quan điểm nấu ăn.
Mối quan hệ mẹ chồng nàng dâu luôn là câu chuyện muôn thuở và mỗi nhà lại là những câu chuyện khác nhau chẳng ai giống ai. Chị P may mắn làm dâu trong một gia đình có mẹ chồng thoáng tính, cũng khá tâm lý. Hơn nữa, cưới xong chị và chồng lên thành phố ở riêng buôn bán nên chị và mẹ chồng ít chạm mặt nhau, nhờ đó mâu thuẫn không xảy ra nhiều.
Chị P bảo, chị và mẹ chồng gần như hoà hợp rất nhiều điều trong quan điểm sống, duy chỉ có một điều mà đến khi về nhà chồng ăn cái Tết đầu tiên chị mới ngớ người nhận, ra sự mâu thuẫn trầm trọng giữa hai người chính là quan điểm nấu ăn.
Chị Phương và mẹ chồng có những bất đồng trong quan điểm bếp núc
Xa gia đình cả năm nên vợ chồng chị sắp xếp công việc về nhà nội từ ngày 25 Tết. Trước khi lấy chồng, chị P cũng có học qua một lớp nấu ăn nên có thể nói, chị thuộc dạng dâu đảm và không ngại thể hiện tài năng trước nhà nội. Vì vậy, chị luôn xông xáo vào bếp nấu cơm cùng mẹ chồng. Nhưng sau cái Tết đầu tiên, chị rút ra một điều rằng, nên khéo léo để tránh cho mình và mẹ chồng chung bếp nếu muốn năm mới không có những điều khó nói.
“Đầu tiên là việc nấu canh, thông thường để bát canh được dậy mùi, hương vị đậm đà tôi nêm gia vị thêm chút nước mắm và hạt nêm. Thấy vậy mẹ chồng tôi la lên, kêu trời khi thấy tôi cầm chai nước mắm rót vào. Bà bảo, nêm muối với mì chính là đậm đà lắm rồi còn cho mắm vào thì mặn đắng lại nặng mùi ai ăn được. Tôi vâng lời, nghĩ rằng chắc do khẩu vị từng người nên thôi. Đến khi xào củ quả, tôi mang chai dầu hào đã mua sẵn ở thành phố lúc sắm tết thì mẹ chồng tỏ ra không hài lòng, bà bảo tôi cứ cho mắm muối vào, rau củ cũng ngọt sẵn rồi, ở quê không có mấy cái gia vị đó thì cũng ăn ngon cả đấy thôi. Lúc này tôi mới thấy hơi bất ngờ vì không nghĩ cũng có lúc, mình và mẹ chồng khắc khẩu như vậy”, chị P kể lại.
Lần khác, hai mẹ con đang cuốn nem rán làm cỗ cúng thì có hai bác bạn mẹ chồng chị P đến chúc Tết, thấy vậy chị bảo mẹ yên tâm giao nốt phần còn lại để mẹ thoải mái có dịp trò chuyện cùng bạn bè. Cuốn xong xuôi, chị pha sẵn hỗn hợp nước chanh và dấm quét lên bề mặt để miếng nem được vàng óng bắt mắt. Vậy mà bất ngờ, mẹ chồng chị đi xuống hỏi như tra khảo, chị quét cái gì, để làm gì, làm linh tinh nhỡ Tết nhất cả nhà ăn đau bụng có khổ không. Mặc cho chị ra sức giải thích đây chỉ là một mẹo vặt trong chuyện bếp núc để món ăn được thơm ngon bắt mắt, nhưng mẹ chồng vẫn phản đối gay gắt.
Bà bảo chưa từng thấy ai làm vậy bao giờ rồi dặn chị chuẩn bị cơm cho khách, trước khi lên nhà bà còn không quên dặn chị rán nem ít dầu vừa tránh ngán lại tốt cho sức khoẻ. Lúc này chị P mới bắt đầu ngán ngẩm, bình thường không sao nhưng cứ vào bếp là y như rằng mẹ con lại có bất đồng.
Video đang HOT
Mồng 3 Tết, bố chống nói thèm nồi cá kho thịt, chị P vui vẻ ra chợ mua đồ về rồi dành hết tâm huyết vào món ăn. Xong khâu sơ chế, chị đặt cá, thịt ba chỉ, thêm vài lát giềng và chuối xanh chuẩn vị, chỉ cần thắng kẹo đắng ướp vào nữa là xong. Trong khi chị P đang loay hoay tìm lọ đường, thì mẹ chồng chị mới nấu canh xong đã bắc vội nồi cá lên bếp kho.
“Tôi cuống quýt bảo con chưa nêm đủ gia vị thì mẹ chồng tôi xua tay bảo, khỏi cần kẹo đắng, cứ kho hết lên là tự ngấm, cần gì đẹp màu, ăn chứ có ngắm đâu, lâu nay ở nhà bố mẹ toàn ăn vậy chả sao. Nghe đến đây, tôi ngán ngẩm thật sự, nhất là khi nhìn đĩa cá kho thịt bày ra như kho vội. Chỉ là những mẹo vặt bình thường hay những nguyên liệu cần thiết, nhưng nếu bà không biết thì sẽ mặc nhiên cho rằng không đúng và chẳng thấy ai làm như vậy”, chị P tâm sự.
Chị P. và mẹ chồng dù rất hòa hợp với nhau nhưng cũng có lúc bất đồng, đó là khi cả hai cùng đứng bếp
Sau cái Tết ấy, chị P luôn tìm cách khéo léo để tránh việc hai mẹ con cùng có mặt trong căn bếp nấu cơm, khi mẹ nấu thì chị ra ngoài đảm nhận công đoạn sơ chế. Khi chị nấu thì nói khéo không muốn bà cực nhọc gian bếp, có con dâu về phải đỡ đần. Tất nhiên, chị P không chê mẹ chồng nấu ăn vụng, có những món bà nấu đậm chất dân giã truyền thống rất ngon, chị không thể theo kịp nhưng có những lúc quan điểm nấu ăn, nêm nếm gia vị của bà chưa được linh hoạt, khiến chị thực sự ngán ngẩm khi đứng chung bếp.
Văn Anh
Theo emdep.vn
Ông bà "tuân lệnh'" cháu, bố mẹ khó dạy con
Không thể phủ nhận vao trò của ông bà đối với cháu, nhưng cũng không thể không nhận ra những tiêu cực qua cách dạy dỗ của ông bà với cháu.
Để bà đánh chừa nhé!
Đó là câu nói thường dùng nhất của bà Đinh Thị Huế (ở Ba Đình, Hà Nội) đối với đứa cháu nội mới hơn 3 tuổi. Bất cứ khi nào bé Su không hài lòng về chuyện gì, bà cũng tìm được một "kẻ xấu" để "đánh chừa" thì bé mới không ăn vạ hoặc khóc lóc. Mỗi khi bé Su bắt bà phải "xử" ai hay "xử" đồ vật nào làm bé khó chịu là bà ngay lập tức... "tuân lệnh".
Buổi chiều khi mẹ bé Su về, thấy 2 chị em đang chơi nhưng cô chị nhỡ tay làm rơi món đồ chơi của Su xuống đất, bé giẫy đành đạch, đòi mẹ đánh chị. Dù đã được mẹ an ủi, chị xin lỗi nhưng Su vẫn cứ khóc. Bé muốn mẹ đánh chừa chị là phải được như ý thì mới chịu. Chị Bảo nhất quyết không làm theo ý thì mẹ chồng chị vội chạy ra ôm cháu rồi bảo: "Nín đi, để bà đánh chừa chị Bống nhé".
Đây không phải lần đầu bé Su đòi hỏi rồi bướng bỉnh như thế. Chị đã làm đủ cách nhưng không "trị" được con, vì chị cứ vắng nhà là lại đâu vào đấy. Chị tủi thân rồi cũng ngồi khóc. Cả nhà loạn lên mỗi người một ý chỉ vì một đứa trẻ.
Chị Bảo tâm sự: "Mẹ chồng rất tốt, cách sống của bà cũng khá hiện đại chứ không cổ hủ, thế nhưng cái cách nuông chiều cháu thì bà không bỏ được. Bà xót cháu 5 thì tôi cũng xót con 10. Tôi cũng đã thử áp dụng nhiều cách dạy con không đòn roi, cũng cố hiểu tâm lý của con nhưng chẳng áp dụng được. Thằng bé rất bướng và không phải là đứa trẻ có thể thỏa hiệp ngoài việc làm theo ý nó. Cũng may mẹ chồng tôi là người dễ tính và thương con cháu, nếu không thì chắc mẹ chồng con dâu đã căng thẳng vì bất đồng trong cách nuôi dạy trẻ".
Vì sao ông bà "nghe lệnh" cháu?
Không có hướng dẫn về việc làm ông bà như thế nào nhưng ông bà là người phải chịu áp lực rất lớn với việc hỗ trợ con cái chăm sóc cháu.
Những đứa trẻ thường có nhiều đòi hỏi và không hiểu được lý do đúng sai, chúng chỉ đòi những gì chúng thích, nếu không thỏa mãn thì chúng khóc theo bản năng. Chính vì "khả năng" khóc lóc và ăn vạ này của trẻ tùy từng mức độ mà ông bà cảm thấy "sợ" và buộc phải chiều theo ý chúng.
Trẻ rất ngây thơ nhưng cũng rất nhạy bén. Nếu được đáp ứng đòi hỏi, ngay lập tức chúng nghĩ rằng mình cứ đòi là được. Nếu ông bà không cương quyết ngay từ đầu thì chắc chắn trẻ sẽ được nước lấn tới.
Chị Hồ Thu An (Đống Đa - Hà Nội) kể lại: "Hôm ấy vừa đi làm về tôi chứng kiến cảnh đứa con nhỏ hơn 2 tuổi của tôi đang đòi ông nội đưa cho cái kéo để cắt giấy, ông lập tức đứng lên với cái kéo rồi đưa cho cháu. Tôi phát hoảng vội chạy vào lấy cái kéo từ tay con, thằng bé khóc thét lên đòi lại. Nó ăn vạ gần một tiếng đồng hồ chỉ vì muốn bằng được cái kéo.
Sợ nhất là hôm ông đưa cả hộp thuốc của ông cho cháu chơi, khi tôi có ý trách thì ông bảo rằng trẻ con làm sao nó mở ra được. Thực tế tôi đã chứng kiến một cậu bé lên 2 được ông bà cho chơi tuýp thuốc bôi da và phải đi cấp cứu vì... ăn gần hết tuýp thuốc.
Cứ cháu đòi là ông bà "tuân lệnh" vô điều kiện. Chẳng hiểu từ bao giờ những đứa trẻ lên 2 lên 3 lại có thể điều khiển được cả người lớn như thế".
Nhiều ông bà không chỉ chiều cháu vì yêu cháu, mà còn chiều cháu vì sợ con cái trách mắng vì đôi khi cháu khóc quá thành ốm thì bố mẹ chúng lại trách ông bà.
Yêu chiều cháu theo cách nào cho đúng?
Ngày nay, cái thời "yêu cho roi cho vọt" không còn nữa, thậm chí các chuyên gia tư vấn tâm lý còn đưa ra rất nhiều phương pháp dạy trẻ không đòn roi, không quát mắng mà vẫn đạt hiệu quả mong muốn.
Yêu thì mới chiều, đó là tâm lý chung của các ông bà thời nay đối với cháu. Nhưng giới hạn của sự yêu chiều đó phải có mức độ nhất định và phải được thống nhất giữa các thế hệ trong gia đình.
Để giúp các con dạy dỗ và trông chừng những đứa trẻ, ông bà không nên quá bảo thủ hoặc tự ái khi nhận được ý kiến từ các con. Đặc biệt đừng để trẻ nhìn thấy sự mâu thuẫn giữa bố mẹ và ông bà, điều đó sẽ không tốt cho suy nghĩ của trẻ về người lớn. Trẻ sẽ làm nũng hơn, bướng bỉnh hơn, bớt nể sợ người lớn và càng khó bảo hơn...
Để thống nhất cách dạy con cháu giữa bố mẹ và ông bà, các chuyên gia tâm lý cũng khuyên bố mẹ nên nói chuyện với ông bà về các nguyên tắc dạy con, cùng lên danh sách những gì trẻ được làm và không được làm. Tốt nhất nên nói từng việc một, đừng một lúc mà đưa ra đủ thứ nguyên tắc, ông bà sẽ không nhớ hết và sẽ khó chịu vì cảm thấy bị chỉ đạo. Nếu bố mẹ phân tích mọi việc dựa trên lợi ích của con trẻ sẽ dễ dàng được ông bà đồng thuận. Đặc biệt bố mẹ chú ý tránh chê bai ông bà cổ điển, lạc hậu. Kinh nghiệm xưa của ông bà cũng rất đáng để cha mẹ ngày nay tham khảo.
Yến Nhi
Theo giadinh.net.vn
Phát hãi với người chồng ưa sạch sẽ, chuyên đòi hỏi oái oăm Hầu như tiền chi tiêu, con ăn học là lương của tôi. Lương của chồng chỉ đủ cho anh đi lại, tiêu xài và giúp đỡ gia đình chồng; không động đến lương của tôi là còn may. Tôi khuyên anh tìm việc gần nhà để giảm chi phí và cùng nhau chăm sóc con nhưng anh không đồng ý. Vợ chồng tôi...