Bắt đầu xử phạt trẻ từ 6 tuổi không đội mũ bảo hiểm
Kể từ 12.9, lực lượng cảnh sát giao thông TP.HCM sẽ tổ chức triển khai kế hoạch tuần tra, xử phạt vi phạm quy định bắt buộc đội mũ bảo hiểm cho trẻ em trên địa bàn TP.HCM.
Tại buổi họp báo Triển khai kế hoạch tuyên truyền kết hợp tuần tra xử lý vi phạm quy định đội mũ bảo hiểm đối với trẻ em tổ chức vào chiều ngày 11.9, ông Nguyễn Ngọc Tường, Phó ban An toàn giao thông TP.HCM, cho biết từ tháng 11.2011 đã triển khai tuyên truyền trẻ em đội mũ bảo hiểm.
Kể từ ngày 12.9, lực lượng cảnh sát giao thông sẽ kiểm tra và xử lý vi phạm trường hợp trẻ từ 6 tuổi không đội mũ bảo hiểm khi tham gia giao thông tại 5 quận trọng điểm là Q.1, Q.9, Q.12, Q.Bình Thạnh và Q.Bình Tân.
Nhiều phụ huynh vẫn không quan tâm đội mũ bảo hiểm cho trẻ (Ảnh chụp trên đường Phạm Viết Chánh, Q.1, TP.HCM ngày 11.9)
Đại tá Võ Văn Nhuận, Trưởng phòng Cảnh sát giao thông TP.HCM cho biết sẽ tiến hành ghi hình ở các trường THCS và tiểu học.
Phụ huynh nào bị phát hiện chở con em đến trường nhưng không đội mũ bảo hiểm sẽ bị gởi giấy mời để răn đe, nhắc nhở. Lực lượng tuần tra sẽ tập trung kiểm soát các tuyến đường gần trường tiểu học, THCS, chủ yếu vào giờ tan trường.
Đây là hoạt động chuyên đề nằm trong khuôn khổ thực hiện kế hoạch của Ban An toàn giao thông TP.HCM về thực hiện tuyên truyền kết hợp với tuần tra, kiểm soát, xử phạt vi phạm quy định bắt buộc đội mũ bảo hiểm cho trẻ em trên địa bàn TP.HCM giai đoạn 1 năm 2012.
Kế hoạch này là một phần trong Chương trình quốc gia kéo dài ba năm với thông điệp “Trẻ em cũng phải đội mũ bảo hiểm” do Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia, Cục Cảnh sát giao thông đường sắt – đường bộ, Bộ Giáo dục – Đào tạo phối hợp với Tổ chức Y tế thế giới (WHO) và tổ chức phi chính phủ Quỹ Phòng chống thương vong Châu Á (AIP) phát động.
Video đang HOT
Chưa tới 50% học sinh đội mũ bảo hiểm và đội đúng quy cách
Theo nghiên cứu khảo sát dữ liệu đầu vào cho Dự án “Trẻ em cũng phải đội mũ bảo hiểm” do Trường ĐH Quốc gia Hà Nội thực hiện vào tháng 3.2011, có 40,1% học sinh ở các trường học đội mũ bảo hiểm và 32,4% trẻ em từ 6 tuổi trở lên đội mũ bảo hiểm tại TP.HCM. Trong khi đó, tỷ lệ người lớn đội mũ bảo hiểm tại TP.HCM chiếm hơn 90%.
Cũng theo số liệu thống kê vào tháng 7.2012 của WHO tại Việt Nam, trong khi 77% người lớn tham gia giao thông bằng xe gắn máy đội mũ bảo hiểm đúng quy cách thì tỷ lệ này chỉ chiếm 32% ở trẻ em.
Theo TNO
Nữ Việt kiều làm trang sức gây quỹ cho trẻ em
Một phụ nữ gốc Việt ở Mỹ nhiều năm qua tình nguyện làm đồ nữ trang độc đáo để gây quỹ xây lớp học cho trẻ em miền núi và dạy nghề cho trẻ em khuyết tật.
Người phụ nữ gốc Việt làm đồ nữ trang thủ công tinh xảo trong 8 năm qua. Ảnh:VOV
Bà Nguyễn Thị Liên Hoa, Việt kiều Mỹ, một phụ nữ bình dị, khiêm nhường, hơn 8 năm qua cần mẫn làm những đồ nữ trang tinh xảo bán lấy tiền ủng hộ các dự án từ thiện vì cộng đồng tại Việt Nam.
Xa quê hương gần 40 năm nhưng chưa khi nào người phụ nữ ấy thôi trăn trở phải làm một điều gì đó dù nhỏ bé để góp phần giảm bớt những cảnh đời nghèo khó, bất hạnh nhất là những em nhỏ thiệt thòi ở miền núi, vùng xa ở quê nhà.
Thật tình cờ, cơ duyên đã đưa bà Liên Hoa đến với những mặt hàng nữ trang thủ công cao cấp này. Là người khéo tay và có óc sáng tạo, ban đầu bà tự làm cho mình những chiếc vòng cổ, vòng tay bằng đá tự nhiên và pha lê xinh xắn, độc đáo. Không ngờ, khi đeo đến nơi làm việc, nhiều người bạn Mỹ rất thích thú và tỏ ý muốn mua lại các sản phẩm này. Nhờ đó, bà tự nhủ, sao mình không làm những sản phẩm nữ trang để bán và đóng góp vào quỹ từ thiện.
Tối tối sau khi công việc nội trợ đã xong xuôi, bà lặng lẽ về phòng, bày quanh mình những gói đá màu, pha lê, ngọc trai, hổ phách, mã não, những sợi dây mạ bạc, vàng, cùng với kìm, kéo... Bà giở sách nghiên cứu, mày mò và tỉ mỷ sắp xếp những viên đá màu tự nhiên, hạt pha lê, những hạt trai theo ý tưởng riêng.
Sản phẩm do bà tự thiết kế như đôi khuyên tai lấp lánh, những chiếc nhẫn, vòng tay xinh xinh, những chiếc dây chuyền trang nhã, không bị đụng hàng trên thị trường. Những sản phẩm này không những đẹp mà rất hợp thời trang, có thể sánh vai những mặt hàng nữ trang đang có thương hiệu trên thị trường.
Phần lớn nguyên liệu làm nữ trang được nhập khẩu từ các nước châu Á, châu Âu và Mỹ. Không chỉ là người thiết kế, bà Liên Hoa còn là người thực hiện, bán hàng kiêm luôn thủ quỹ của nhóm từ thiện.
Về cái tên Maya của những món đồ nữ trang này? - Đó là tên cháu nội tôi đấy. Đặt tên cho vui vui mà. Tiếp tục câu chuyện, bà kể, cháu nội bà, Maya, năm nay 7 tuổi. Hàng tối, thấy bà "bày đồ hàng" và "chơi" với những thứ lấp lánh, nhiều màu trong phòng, Maya tò mò vào ngồi cạnh, ngó nghiêng xem bà nội làm gì rồi thích thú, bắt chước và đâm "nghiện" những chiếc nhẫn, vòng, dây chuyền giống bà.
Maya giúp được tôi khá nhiều việc rồi đấy - bà hồ hởi. Mỗi khi làm được một món đồ mới, hai bà cháu lại say sưa ngắm nghía, bình luận.
Dạy nghề và bán hàng từ thiện
Nhẹ nhàng và luôn nở nụ cười, bà Liên Hoa tâm sự, 10 năm trước bà cho mình là người "vô tích sự". Đi làm về quanh quẩn công việc nội trợ là hết ngày. Từ khi bắt tay vào làm đồ nữ trang này, bà rất vui và thấy mình làm được những việc có ích cho cộng đồng, cho quê hương. Việc làm nhỏ bé nhưng có ý nghĩa của bà đã được cả gia đình ủng hộ, từ chồng, con trai đến cháu nội.
Cứ thế, tỉ mỉ, kiên trì làm đồ nữ trang bằng tay nhiều năm qua, bà cùng bạn bè đã tổ chức nhiều đợt trưng bầy, bán hàng quyên góp từ thiện tại Mỹ. Điều đáng nói là toàn bộ nguyên liệu để làm sản phẩm nữ trang đều do bà tự bỏ tiền mua nguyên vật liệu, bỏ thời gian, công sức để thực hiện rồi bán lấy tiền.
Cách nay 4 năm, những mặt hàng nữ trang Maya lần đầu tiên được trưng bày và bán ở Cung thiếu nhi Hà Nội và được nhiều người đón nhận, thích thú. Bà rất vui nhớ lại, lần đó nhóm của bà và các em ở trường Hoa Sữa Hà Nội làm không kịp bán.
Bà Liên Hoa hướng dẫn các học sinh trường Hoa Sữa Hà Nội. Ảnh: VOV
Tiếp theo đợt bán hàng nữ trang từ thiện khả quan của năm 2008, trong đợt về nước tháng 6 vừa rồi, bà Liên Hoa và các thành viên của nhóm từ thiện Hội Văn hóa Khoa học San Diego lại tiếp tục mở quầy trưng bày và bán nữ trang ở Hà Nội và TP HCM.
Toàn bộ số tiền thu được từ 2 đợt bán nữ trang đều ủng hộ chương trình từ thiện "Lớp học cho em" tặng trẻ thơ miền núi. Số tiền tuy chưa được nhiều nhưng việc làm từ thiện của bà Liên Hoa và bạn bè bước đầu đã mang lại những lợi ích nhất định, đánh thức được tình yêu thương, sự chia sẻ nơi con người và thu hút thêm được nhiều người tham gia.
Bán hàng nữ trang từ thiện chỉ là một trong nhiều hoạt động mà nhóm từ thiện của Hội Văn hóa Khoa học San Diego, Hoa Kỳ kết hợp với nhiều tổ chức khác đang thực hiện như tổ chức nhiều hoạt động khác nhau, từ những buổi hòa nhạc, xây những cây cầu cây cầu giúp dân nghèo ở đồng bằng sông Cửu Long hay các hoạt động quyên góp, kêu gọi tài trợ trong xã hội...
Không chỉ làm đồ nữ trang bán từ thiện, bà Liên Hoa còn tham gia dạy nghề cho trẻ em khuyết tật, cơ nhỡ. Bà cho rằng, không thể chỉ giúp đỡ tiền của, vật chất mà phải dạy cho các em có một nghề tự để tự mưu sinh. Vì thế, trong lần về nước năm 2008, bà đã tới dạy nghề cho các em trẻ em khuyết tật, cơ nhỡ trường Hoa sữa, Hà Nội.
"Rất mừng là các em khéo tay, lại tiếp thu rất nhanh. Chúng còn sáng tạo ra những mẫu mã mới đẹp hơn tôi", bà chia sẻ. Bà còn ủng hộ các em số vốn ban đầu bằng các nguyên liệu làm đồ trang sức. Rồi lại tìm đầu ra cho sản phẩm của các em bằng cách mang chúng về Mỹ để bán giúp. Số tiền thu được bà lại quay vòng tiếp tục mua nguyên liệu gửi về nước... Dần dần, tiền hàng, tiền vốn của các em đã được nhân lên. Về nước hè này, bà tiếp tục dạy nghề cho người khuyết tật ở TP HCM.
Bận rộn và khá mệt, nhưng bà vui vì thấy công sức đóng góp của mình cho cộng đồng mang lại hiệu quả thiết thực. Bà tin, việc làm của bà và các thành viên trong nhóm từ thiện sẽ được nhiều người tiếp sức và ủng hộ. Trước khi chia tay, bà Nguyễn Thị Liên Hoa tâm sự, quay về Mỹ, bà lại lao vào công việc, tiếp tục làm ra nhiều sản phẩm nữ trang để ủng hộ quỹ từ thiện. Bà sẽ tiết kiệm, dành tiền lương để mua vé máy bay trở về quê nhà trong những năm tới tiếp tục làm từ thiện.
Theo Vietbao
Đà Nẵng phát hiện nhiều mũ bảo hiểm dỏm Ngày 25.7, Chi cục Quản lý thị trường (QLTT) TP.Đà Nẵng cho biết đã phát hiện hàng trăm mũ bảo hiểm dỏm bày bán ngoài thị trường trong đợt kiểm tra cao điểm vừa qua. Tại cơ sở kinh doanh mũ bảo hiểm K96 đường Điện Biên Phủ, Q.Thanh Khê, TP.Đà Nẵng, Chi cục QLTT phát hiện 426 mũ bảo hiểm không nhãn...