Bắt đầu xét xử đại án Huyền Như giai đoạn 2
Được triệu tập tới tòa với tư cách người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan nhưng nhiều người nguyên là cán bộ lãnh đạo ngân hàng không tới tham dự phiên tòa xét xử Huyền Như và đồng phạm với lý do bị bệnh.
Ngày 8/2, TAND TPHCM mở phiên tòa xét xử các bị cáo Huỳnh Thị Huyền Như (sinh năm 1978, nguyên quyền Trưởng phòng Giao dịch Điện Biên Phủ, ngân hàng Vietinbank – Chi nhánh TPHCM) và Võ Anh Tuấn (nguyên cán bộ văn phòng ngân hàng Vietinbank) bị truy tố về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản.
Phiên xử do thẩm phán Huỳnh Anh Kiệt (Phó Chánh tòa hình sự) làm chủ tọa. Có 14 luật sư tham gia bào chữa, bảo vệ quyền lợi trong vụ án. Trong đó, 2 luật sư bào chữa cho bị cáo Huỳnh Thị Huyền Như là luật sư Nguyễn Văn Ngoan (Đoàn luật sư TPHCM) và luật sư Lê Nguyễn Quỳnh Thi (Đoàn luật sư TPHCM). Luật sư Phan Trung Hoài (Đoàn luật sư TPHCM) bào chữa cho bị cáo Võ Anh Tuấn.
Bị cáo Huyền Như (trái) cùng đồng phạm hầu tòa.
Ngoài 5 nguyên đơn dân sự gồm Công ty Cổ phần Chứng khoán Saigonbank-Berjaya, Công ty Cổ phần Đầu tư Hưng Yên, Công ty Cổ phần Chứng khoán Phương Đông, Công ty Cổ phần Bảo hiểm Toàn Cầu, Công ty Cổ phần Đầu tư Thương mại An Lộc và người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan, HĐXX còn triệu tập 16 cá nhân tham gia tố tụng.
Trong phần làm thủ tục, thư ký báo cáo HĐXX các ông bà Nguyễn Văn Sẽ (nguyên Giám đốc VietinBank Chi nhánh TPHCM) và Nguyễn Thị Minh Hương (nguyên Phó Giám đốc) là các lãnh đạo đơn vị giai đoạn Như thực hiện hành vi lừa đảo…. được triệu tập đến toà với tư cách nhân chứng và người liên quan nhưng vắng mặt.
Theo đó, bà Hương có đơn vắng mặt do đang cấp cứu tại bệnh viện. Ông Sẽ không có mặt tại nơi cư trú theo người nhà báo lại đang chữa bệnh tại Mỹ.
Trong phần thủ tục, luật sư Phan Trung Hoài đề nghị HĐXX áp dụng bộ luật tố tụng hình sự mới để mời điều tra viên của cơ quan điều tra Bộ Công an và kiểm sát viên Viện Kiểm sát Tối cao thực hiện quá trình tố tụng của vụ án đến phiên tòa. Theo luật sư Hoài, cần có những người này để làm rõ vấn đề tố tụng đối với bị cáo Võ Anh Tuấn. Luật sư cho rằng, 1 hành vi của Võ Anh Tuấn đang bị xem xét trách nhiệm hình sự 2 lần.
Phiên tòa này an ninh thắt chặt. Hàng chục cảnh sát bảo vệ tư pháp được bố trí bảo vệ quanh phòng xử. Tòa bố trí hai khu vực để người tham gia tố tụng và những người liên quan đến vụ án có thể theo dõi phiên xét xử.
Video đang HOT
Theo cáo trạng, do kinh doanh thua lỗ, phải trả lãi suất cao, từ tháng 5/2011 đến tháng 9/2011, Huỳnh Thị Huyền Như đã lấy danh nghĩa đi huy động tiền gửi cho Vietinbank để gặp, thỏa thuận với người môi giới, người đại diện của 5 công ty.
Huyền Như cam kết ngoài trả lãi suất theo quy định (14%/năm) sẽ trả thêm phí cho người môi giới tiền chênh lệch ngoài hợp đồng.
Khi các đơn vị này chuyển tiền vào tài khoản thanh toán của họ mở tại Vietinbank, Như lập các chứng từ, ký giả chữ ký của chủ tài khoản, sử dụng quyền hạn là kiểm soát viên, trưởng phòng giao dịch để thực hiện chuyển tiền từ tài khoản của các đơn vị tại Vietinbank đi trả nợ cá nhân. Tổng số tiền mà Như và đồng phạm lừa đảo chiếm đoạt được của 5 công ty là hơn 1.085 tỉ đồng.
Phiên tòa bắt đầu tranh luận, dự kiến sẽ kéo dài tới ngày 12/2.
Xuân Duy
Theo Dantri
Vụ Huyền Như: Nhiều đại gia cho vay nặng lãi thoát tội ngoạn mục
Do làm ăn thua lỗ, Huyền Như đã vay lãi nặng để trả nợ. Trước áp lực lãi mẹ đẻ lãi con, Như thực hiện nhiều thủ đoạn chiếm đoạt hàng ngàn tỉ đồng chỉ để trả lãi vay. Tuy nhiên, nhiều đại gia cho vay nặng lãi trong vụ án này đã thoát tội ngoạn mục.
Tham ô hay chiếm đoạt?
Ngày 7/2, thẩm phán Huỳnh Anh Kiệt - Phó Chánh tòa Hình sự TAND TPHCM, xác nhận TAND TPHCM sẽ đưa vụ án lừa đảo chiếm đoạt tài sản xảy ra tại Ngân hàng TMCP Công thương Việt Nam (Vietinbank) ra xét xử sơ thẩm vào ngày 8/2.
Hai bị can sẽ ra tòa là Huỳnh Thị Huyền Như (sinh năm 1978, nguyên quyền Trưởng phòng Giao dịch Điện Biên Phủ - Vietinbank Chi nhánh TPHCM) và Võ Anh Tuấn (nguyên cán bộ văn phòng Vietinbank).
Trong phiên tòa này, HĐXX đã triệu tập lãnh đạo ngân hàng Vietinbank.
Tháng 2/2015, Tòa Phúc thẩm TAND Tối cao tại TPHCM (nay là Cấp cao) đã tuyên hủy một phần bản án sơ thẩm của TAND TPHCM xử bị cáo Huyền Như lừa đảo 4.000 tỉ đồng.
Theo đó, cấp phúc thẩm yêu cầu điều tra nhằm làm rõ hành vi tham ô chiếm đoạt 1.085 tỉ đồng trên tài khoản tiền gửi của 5 công ty vì riêng số tiền này có dấu hiệu tham ô. Vụ án Huyền Như giai đoạn 2 sẽ diễn ra vào ngày 8/2 liên quan đến số tiền này.
Quá trình thụ lý lại, phía cơ quan điều tra và Viện Kiểm sát vẫn giữ nguyên quan điểm truy tố tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản, không phải tham ô như nhận định của cấp phúc thẩm.
Bất đồng quan điểm, TAND TPHCM đã trả hồ sơ yêu cầu điều tra bổ sung nhiều lần nhưng cơ quan điều tra và công tố vẫn không thay đổi quan điểm, giữ nguyên quyết định truy tố tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản.
Liên quan tới vụ án này ông Đinh Văn Quế (nguyên Chánh tòa hình sự TAND Tối cao) cho rằng, tham ô là hành vi của người lợi dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt tài sản mà mình có trách nhiệm quản lý; còn chiếm đoạt bằng thủ đoạn nào (gian dối, lạm dụng tín nhiệm, lén lút hay công khai...) không phải là dấu hiệu đặc trưng của tội tham ô tài sản.
Không ai phủ nhận rằng Huyền Như có hành vi gian dối để chiếm đoạt tài sản của nhiều khách hàng. Tuy nhiên, phải coi tiền của khách hàng đã gửi vào VietinBank là tiền mà VietinBank có trách nhiệm quản lý. Huyền Như đã lợi dụng chức vụ, quyền hạn của mình để chiếm đoạt tiền do VietinBank quản lý.
Về lý luận cũng như thực tiễn xét xử, chưa có trường hợp nào hành vi lợi dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt tài sản do mình quản lý lại không bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội tham ô tài sản cả.
Theo ông Quế, nếu Huyền Như bị kết án về tội tham ô tài sản thì VietinBank có trách nhiệm bồi thường cho khách hàng. Tuy nhiên, nếu khách hàng có lỗi hoặc có động cơ không trong sáng khi gửi tiền vào VietinBank hoặc thông đồng với Huyền Như để được "chăm sóc", hưởng tiền lãi cao hơn so với tiền lãi quy định thì vẫn có thể không buộc VietinBank bồi thường mà buộc Huyền Như bồi thường cho khách hàng. Vấn đề dân sự trong vụ án hình sự phải được giải quyết theo quy định của Bộ Luật dân sự.
Nhiều đại gia cho vay nặng lãi thoát tội
Nguyên nhân thúc đẩy Huyền Như thực hiện nhiều thủ đoạn để chiếm đoạt hàng ngàn tỉ đồng là để trả lãi vay quá nặng trong quá trình đầu tư thua lỗ. Khi vụ án bị phanh phui, nhiều đối tượng cho Huyền Như vay nặng lãi đã bị xử lý.
Cụ thể, giai đoạn 1 của vụ án này đã có nhiều bị cáo hầu tòa về tội cho vay lãi nặng (Điều 163 BLHS) như Đào Thị Tuyết Dung, Nguyễn Thiên Lý, Nguyễn Thị Lành, Phạm Văn Chí và Hùng Mỹ Phương và lãnh án từ hai năm án treo đến hai năm tù.
Nếu như cấp sơ thẩm chỉ buộc các bị cáo nộp lại số tiền thu lợi bất chính thì cấp phúc thẩm đã sửa án, buộc các bị cáo nộp lại số tiền dùng thực hiện tội phạm và thu lợi bất chính để sung quỹ nhà nước. Cụ thể, bị cáo Chí là hơn 23 tỉ, Lành 9.028 tỉ, Phương 218,5 tỉ, Dung 440,4 tỉ, Lý 1.296 tỉ...
Đồng thời, hai cấp tòa còn kiến nghị Cơ quan điều tra Bộ Công an tiếp tục xác minh, làm rõ đối với một số đối tượng có hành vi cho vay lãi nặng vượt quá 10 lần lãi suất do Ngân hàng Nhà nước quy định tại thời điểm cho vay nhưng chưa bị truy tố gồm: Lê Huyền Trân, Phạm Thái Đông, Luyện Thị Mai Hòa, Kiều Thị Thu Hương, Lê Thị Ngọc Nga, Nguyễn Thị Phương Hoàng Trung và Trần Thị Nhất.
Quá trình điều tra, cơ quan điều tra và Viện kiểm sát xác định Lê Huyền Trân, Phạm Thái Đông, Luyện Thị Mai Hòa, Kiều Thị Thu Hương và Trần Thị Nhất cho Huyền Như vay từ năm 2008 đến tháng 9/2011. Tuy nhiên, cơ quan điều tra không thu thập được tài liệu, chứng cứ vật chất nào khác ngoài lời khai của Như và nhóm giúp việc cho Như về việc vay mượn tiền.
Các đối tượng cho vay cũng không thừa nhận đã cho vay lãi suất cao; không có tài liệu chứng minh việc vay mượn giữa hai bên đối với từng khoản vay cụ thể nên không đủ căn cứ để xử lý trách nhiệm hình sự.
Đối với Lê Thị Ngọc Nga từ ngày 1/10/2009 đến 9/10/2009 cho vay 4 tỉ đồng lãi suất 0,6%/ngày và đã nhận 216 triệu đồng tiền lãi. Hành vi này có dấu hiệu tội cho vay lãi nặng nhưng do hết thời hiệu truy cứu trách nhiệm hình sự nên quyết định không khởi tố đối với trường hợp này.
Còn Nguyễn Thị Phương Hoàng Trung cho Như vay lãi suất 0,4%/ngày (tức 144%/năm, gấp 10,66 lần so với mức lãi suất cao nhất của Ngân hàng Nhà nước) và được hưởng tiền lãi trong gần 3 năm là hơn 660 tỉ đồng. Hành vi có dấu hiệu tội cho vay lãi nặng và tháng 7/2016, công an đã ra quyết định khởi tố bị can. Tuy nhiên, quá trình điều tra, công an không xác định được Trung đang ở đâu nên đã ra quyết định truy nã khi nào bắt được sẽ xử lý sau.
Xuân Duy
Theo Dantri
Phiên tòa xét xử "siêu lừa" Huyền Như sẽ kéo dài đến 27 Tết Huỳnh Thị Huyền Như bị cáo buộc tự huy động vốn để chiếm đoạt gần 1.100 tỉ đồng của 5 công ty để trả nợ cá nhân. Chiều tối ngày 19/1, thông tin từ TAND TPHCM cho biết cơ quan này sẽ mở phiên tòa sơ thẩm xét xử vụ án Huỳnh Thị Huyền Như (nguyên quyền Trưởng phòng giao dịch Điện Biên...