Bắt đầu thanh tra việc chuyển đổi “đất vàng” ở TPHCM
Thanh tra Chính phủ vừa công bố Quyết định thanh tra công tác quản lý Nhà nước và thực hiện pháp luật trong quy hoạch, quản lý xây dựng, đất đai, môi trường đối với khu công nghệ, khu đô thị; việc chuyển đổi nhà – đất công có vị trí đắc địa sang mục đích khác; việc tái cơ cấu doanh nghiệp Nhà nước tại UBND TPHCM.
Ông Đặng Công Huẩn – Phó Tổng Thanh tra Chính phủ phát biểu tại buổi công bố quyết định thanh tra (Ảnh: TTCP).
Đoàn thanh tra liên ngành gồm 23 thành viên, là cán bộ của các cục, vụ của Thanh tra Chính phủ và chuyên viên, thanh tra viên chính của Bộ Tài chính, Bộ Xây dựng, Bộ Tài nguyên và Môi trường. Ông Lê Sỹ Bảy – Vụ trưởng Vụ I (Thanh tra Chính phủ) làm trưởng đoàn thanh tra.
Theo quyết định của Thanh tra Chính phủ, thời gian thanh tra là 70 ngày làm việc kể từ ngày công bố quyết định, không tính ngày lễ, ngày nghỉ theo quy định. Thời kỳ thanh tra từ năm 2010 đến 31/12/2016. Trong quá trình thanh tra nếu có nội dung liên quan đến trước và sau thời kỳ thanh tra, đoàn Thanh tra có thể yêu cầu cung cấp tài liệu, hồ sơ để làm rõ.
Đồng thời, Tổng Thanh tra Chính phủ cũng đã thành lập tổ giám sát hoạt động của đoàn thanh tra gồm 3 thành viên do ông Dương Văn Phấn- Phó Vụ trưởng Vụ Giám sát, Thẩm định và Xử lý sau thanh tra (Thanh tra Chính phủ) làm tổ trưởng.
Phó Tổng Thanh tra Chính phủ Đặng Công Huẩn khẳng định đây là cuộc thanh tra theo kế hoạch đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt trong năm 2017. Trước đó, Thanh tra Chính phủ đã làm việc với Kiểm toán Nhà nước để thống nhất nội dung thanh tra nhằm hạn chế hiện tượng chồng chéo trong thực hiện kế hoạch thanh tra, cũng như bảo đảm không ảnh hưởng nhiều đến hoạt động của đối tượng thanh tra. Thông qua thanh tra sẽ từng bước giải quyết khiếu nại, tố cáo của tổ chức, cá nhân, công dân liên quan đến quy hoạch, xây dựng, môi trường, nhà đất công, tái cơ cấu doanh nghiệp, quản lý vốn nhà nước.
Ông Huẩn yêu cầu trưởng đoàn thanh tra và các thành viên phải thực hiện nghiêm các quy định pháp luật, kỷ luật phát ngôn, bảo mật thông tin. Đồng thời đề nghị Chủ tịch UBND TPHCM có văn bản phân công đầu mối làm việc với đoàn Thanh tra; chuẩn bị đầy đủ hồ sơ, văn bản, số liệu để bảo đảm tiến độ, chất lượng cuộc thanh tra.
Video đang HOT
Lãnh đạo Thanh tra Chính phủ nhấn mạnh đây là các nội dung thanh tra được dư luận quan tâm, được Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo thanh tra, hầu hết đều có tính chất phức tạp liên quan đến hàng loạt quy định pháp luật về nhà đất, quy hoạch, xây dựng, môi trường, cổ phần hóa, thoái vốn, tài chính… nên cần sự phối hợp chặt chẽ giữa các cơ quan chuyên môn của UBND TPHCM với đoàn thanh tra.
Trong khi đó, lãnh đạo UBND TPHCM đã phân công Phó Chủ tịch UBND TPHCM Huỳnh Cách Mạng và Chánh Thanh tra TPHCM Nguyễn Long Tuyền là đầu mối trực tiếp làm việc với trưởng đoàn thanh tra, các thành viên đoàn thanh tra. Quan điểm của lãnh đạo UBND TPHCM là nghiêm túc chấp hành pháp luật, phối hợp tốt với Thanh tra Chính phủ để thực hiện thanh tra có chất lượng tốt nhất đúng yêu cầu của Thủ tướng Chính phủ;, làm rõ các vướng mắc, bất cập về đất đai, xây dựng, quy hoạch, môi trường, quản lý vốn, cổ phần hóa để minh bạch hóa môi trường đầu tư, bảo đảm sự phát triển bền vững của TP.
Theo kế hoạch thanh tra năm 2017 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, Thanh tra Chính phủ sẽ thanh tra việc chuyển đổi đất công có vị trí đắc địa sang mục đích khác tại Hà Nội, Khánh Hoà, Đà Nẵng, Cần Thơ và TPHCM.
Thế Kha
Theo Dantri
Đại biểu Quốc hội "phê" Thanh tra Chính phủ trong vụ Đồng Tâm
Đại biểu Lưu Bình Nhưỡng (đoàn Bến Tre) cho rằng với vụ việc đất đai ở Đồng Tâm, lẽ ra Thanh tra Chính phủ phải tham mưu cho Thủ tướng chỉ đạo giải quyết; nhưng ông chưa thấy Tổng Thanh tra Chính phủ có ý kiến chỉ đạo gì về vấn đề này. Ông Nhưỡng đánh giá nguyên nhân có lỗi hệ thống của ngành thanh tra.
Ngày 9/6, phát biểu giải trình trong phiên họp tình hình kinh tế - xã hội của Quốc hội, ông Phan Văn Sáu - Tổng Thanh tra Chính phủ cho biết, trong quý một năm 2017 tình hình khiếu nại, tố cáo của công dân có xu hướng tăng trở lại.
"Tình hình khiếu kiện của công dân có diễn biến phức tạp, nhất là tại khu vực Tây Nguyên và một số tỉnh miền Trung, miền Nam, sau khi xảy ra sự cố môi trường tại 4 tỉnh miền Trung, có nhiều đoàn đông người xuất phát từ việc khiếu nại không đạt mục đích chuyển sang tố cáo người giải quyết", ông Sáu nói.
Ông Phan Văn Sáu - Tổng Thanh tra Chính phủ
Nguyên nhân dẫn đến tình trạng trên được ông Sáu cho biết, tập trung vào các chính sách pháp luật về đất đai, nhất là trong công tác thu hồi đất, bồi thường, giải phóng mặt bằng đã có nhiều thay đổi; Công tác quản lý nhà nước trong một số lĩnh vực còn yếu kém; Công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo hiệu quả còn thấp.
Chưa hài lòng với cách giải thích của Tổng Thanh tra Chính phủ, đại biểu Lưu Bình Nhưỡng (đoàn Bến Tre) cho rằng, tính từ Kỳ họp thứ hai Quốc hội khóa XIV, ông nhận thấy ngành Thanh tra Chính phủ thiếu quyết liệt, chậm đổi mới, kém hiệu quả.
Tại hội trường, đại biểu Lưu Bình Nhưỡng đưa ra 3 vụ việc cụ thể mà ông theo dõi trong thời gian qua cho thấy Thanh tra Chính phủ không quan tâm giải quyết. Trong đó, đại biểu đề cập đến dự án làm bến xe ở Hải Phòng theo hình thức xã hội hóa, nhưng thành phố này lờ đi không thực hiện trong nhiều năm qua.
"Doanh nghiệp đã lên tận cơ quan tiếp công dân kêu cứu nhưng hiện nay vẫn chưa được quan tâm giải quyết, cũng không đôn đốc không giải quyết gì. Cho nên doanh nghiệp hiện nay rơi vào tình cảnh vô cùng khó khăn", ông Lưu Bình Nhưỡng thông tin.
Vụ thứ 2, là tố cáo tham nhũng cổ phần hòa của Tổng Công ty vận tải thủy thuộc Bộ GTVT. Nhưng vụ việc cũng không được Thanh tra Chính phủ tập trung giải quyết. Tại hội trường, đại biểu Lưu Bình Nhưỡng băn khoăn không hiểu ngành thanh tra sẽ "ngâm" vụ việc này đến bao giờ?
"Vụ thứ 3 là vụ Đồng Tâm... Từ vụ việc bà con bức xúc quá và chuyện giải quyết tiếp dân không đến nơi đến chốn mà người ta quây lại giữ 38 con tin", ông Lưu Bình Nhưỡng nói.
Đại biểu Lưu Bình Nhưỡng đề cập đến vụ Đồng Tâm
Tại hội trường, ông Lưu Bình Nhưỡng cũng băn khoăn sau khi xảy ra vụ việc, bản thân cán bộ phụ trách lực lượng cảnh sát Hà Nội không chủ động giải quyết mà phải Chủ tịch UBND TP Hà Nội và đối thoại với dân giải cứu các chiến sĩ cảnh sát cơ động.
Sau khi xảy ra vụ việc, Thanh tra TP Hà Nội đã ra quyết định thanh tra đất đai Sân bay Miếu Môn. "Tôi đã có ý kiến của với Thủ tướng và Ủy ban Thường vụ Quốc hội đất sân bay Miếu Môn là đất quốc phòng an ninh, không thuộc diện là đất của Hà Nội nhưng tôi chưa thấy Tổng Thanh tra Chính phủ có ý kiến chỉ đạo gì về vấn đề này", ông Lưu Bình Nhưỡng phân tích.
Theo đại biểu Lưu Bình Nhưỡng, với vụ việc đất đai ở Đồng Tâm, lẽ ra Thanh tra Chính phủ phải tham mưu cho Thủ tướng chỉ đạo giải quyết. Từ những phân tích trên, ông Nhưỡng đánh giá nguyên nhân có lỗi hệ thống của ngành thanh tra.
Tranh luận với đại biểu Lưu Bình Nhưỡng, đại biểu Trịnh Ngọc Phương (đoàn Tây Ninh) cho rằng, thông tin đại biểu Nhưỡng đưa ra trong vụ việc Đồng Tâm là "sai sự thật". Vì là buổi truyền hình trực tiếp, nên đại biểu Phương đề nghị đại biểu Nhưỡng "rút lại lời nói của mình".
Sau khi đại biểu Phương đề nghị, đại biểu Lưu Bình Nhưỡng đã nhiều lần giơ bảng xin tranh luận lại. Giữa phần phát biểu của các đại biểu, người điều hành phiên họp - Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển - cho biết vì thời gian còn lại của buổi chiều không nhiều nên chỉ dành cho các đại biểu phát biểu.
Quang Phong
heo Dantri
Di dời Nhà máy xe lửa Gia Lâm: 20 ha "đất vàng" sẽ làm gì? Đại diện các sở ngành Hà Nội kiến nghị, sau khi di dời Nhà máy xe lửa Gia Lâm, 20 ha "đất vàng" nằm giữa trung tâm quận Long Biên sẽ chuyển đổi chức năng đất công cộng, xây dựng bảo tàng ngành đường sắt... Quận Long Biên vừa kiến nghị TP Hà Nội chỉ đạo Sở Tài nguyên và Môi trường cùng...