Bắt đầu chống bão
Trước thông tin “siêu bão” có thể đổ bộ vào miền Trung, chính quyền và người dân các cấp, đặc biệt là các tỉnh Nam Trung Bộ đang cấp tập chuẩn bị đối phó.
Theo dự báo, sau khi đã tàn phá khốc liệt khi đi qua Phillipines, khoảng tối nay (8/11), bão sẽ đi vào phía Đông Nam biển Đông.
Đến 13 giờ ngày 9/11, vị trí tâm bão sẽ cách đảo Song Tử Tây (thuộc quần đảo Trường Sa) khoảng 210 km về phía Bắc. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 16 (tức là từ 184-201 km/giờ), giật trên cấp 17.
Trong khoảng 24-48 giờ tiếp theo, bão di chuyển nhanh theo hướng Tây Tây Bắc, sau đó có khả năng đổi hướng di chuyển theo hướng giữa Tây Tây Bắc và Tây Bắc, mỗi giờ đi được khoảng 30-35 km.
Đến 13 giờ ngày 10/11, vị trí tâm bão ở vào khoảng 16,5 độ Vĩ Bắc; 107,5 độ Kinh Đông, trên khu vực các tỉnh Trung Trung Bộ. Sức gió mạnh nhất ở vùng gần tâm bão mạnh cấp 14-15 (tức là từ 150-183 km/giờ), giật trên cấp 17.
Trong khoảng 48-72 giờ tiếp theo, bão có khả năng đổi hướng di chuyển theo hướng Tây Bắc, đi dọc các tỉnh ven biển Trung Bộ, mỗi giờ đi được khoảng 20 km.
Do ảnh hưởng của hoàn lưu bão, khu vực giữa Biển Đông (bao gồm cả vùng biển giữa quần đảo Trường Sa và Hoảng Sa ) có gió mạnh dần lên cấp 9-11, sau tăng lên cấp 12-14, vùng gần tâm bão đi qua mạnh cấp 15-16, giật trên cấp 17. Biển động dữ dội.
Người dân Đà Nẵng tất tả đón bão
Trước thông tin “siêu bão” có thể đổ bộ vào Đà Nẵng, từ chiều nay (8/11), người dân Đà Nẵng đã bắt đầu chằng chống nhà cửa. UBND thành phố Đà Nẵng cũng đã chỉ đạo các đơn vị khẩn trương chuẩn bị ứng phó với bão.
Dọc các con đường ven biển như Nguyễn Tất Thành, Hoàng Sa- Trường Sa… rất đông người dân mang theo bao dồn cát chở về nhà chằng lên mái tôn. Cùng đó, nhiều gia đình cũng mua đinh và dây thép về tiến hành gia cố lại mái tôn…
Từ chiều ngày 8/11, người dân Đà Nẵng đã bắt đầu gia cố lại mái tôn chống bão
Ông Nga nhà ở phường Thọ Quang (quận Sơn Trà) cho biết, cơn bão số 11 vừa qua đã làm nhà của ông “rung rinh” dù đã chằng chống cẩn thận, nay theo dõi thông tin thấy cơn bão Haiyan này rất mạnh nên ông tự nhủ không thể chủ quan.
Việc đầu tiên ông làm là mua ít bao tải về ra biển dồn cát vào tiếp tục chằng thêm lên mái tôn; rồi ông mua thêm đinh, dây thép gia cố lại chỗ nào mái tôn còn “lỏng lẻo”. “Để cho yên tâm chứ cơn bão này mạnh quá tôi sợ chằng chống như trước không ăn thua gì”, ông Nga lo lắng.
Người dân Đà Nẵng đã quá sợ cảnh bão làm bay tôn, sập nhà nên việc chủ động phòng chống bão là không bao giờ thừa.
Ra biển dồn cát vào bao về chằng chống mái tôn
Tại âu thuyền Thọ Quang, một ngư dân tên Trung (chủ tàu cá Quảng Ngãi) vào trú bão cho biết, sau khi nhận được tin bão, tàu của anh chạy gấp vào bờ dù mới ra khơi được gần 1 tuần. Dù chưa đánh được bao nhiêu cá và chịu lỗ phí tổn nhưng tàu cũng phải chạy vào để đảm bảo tính mạng cho thuyền viên và bảo toàn con tàu trị giá gần 1 tỉ đồng.
Trong khi đó, tại cuộc họp trực tuyến với Chính phủ chiều nay (8/11), Ban chỉ huy PCLB&TKCN Đà Nẵng cho biết, Đà Nẵng đã tổ chức neo đậu cho 1.830 tàu thuyền ở khu tránh bão âu thuyền Thọ Quan và vịnh Mân Thái. Đà Nẵng không còn tàu thuyền nguy hiểm trên biển. TP Đà Nẵng cũng đã tổ chức đưa toàn bộ 143 tàu trên sông Hàn về nơi an toàn trước khi bão đổ bộ vào.
Tàu cá các tỉnh vào trú bão an toàn ở âu thuyền Thọ Quang (quận Sơn Trà, Đà Nẵng)
Ngày 8/11, chủ tịch UBND TP Đà Nẵng Văn Hữu Chiến đã có công điện gửi các sở, ban, ngành, chủ tịch UBND quận, huyện, thủ trưởng các cơ quan đơn vị triển khai công tác phòng chống bão Haiyan.
Để chủ động đối phó với bão Haiyan, chủ tịch UBND TP Đà Nẵng Văn Hữu Chiến yêu cầu chủ tịch UBND quận, huyện, giám đốc các sở, ngành triển khai ngay phương án phòng chống bão, lũ; thông báo cho nhân dân biết để chủ động phòng chống; yêu cầu người dân không có trách nhiệm không được ra đường khi bão vào; thực hiện sơ tán nhân dân ở những khu vực nguy hiểm đến nơi an toàn, di dân tại chỗ, di dân từ nhà không kiên cố sang nhà kiên cố… chú ý đây là cơn bão rất mạnh nên địa điểm di dân phải đảm bảo an toàn và hoàn thành trước 19h ngày 9/11.
Bộ chỉ huy Bộ đội biên phòng tiếp tục kêu gọi tàu thuyền vào bờ hoặc nơi trú tránh an toàn, nghiêm cấm tàu thuyền ra khơi, không cho người ở lại trên tàu khi bão đổ bộ.
Công nhân cây xanh đã bắt đầu cắt tỉa cây xanh để hạn chế thiệt hại khi bão đổ vào
Video đang HOT
Ủy ban nhân dân các quận huyện ven biển yêu cầu người dân neo đậu tàu thuyền đúng nơi quy định, đối với các trường hợp không chấp hành, nếu có thiệt hại do bão, lũ gây ra, không đề xuất UBND thành phố hỗ trợ.
Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch yêu cầu các đơn vị có bảng quảng cáo triển khai các biện pháp đảm bảo an toàn cho các trụ, bảng quảng cáo; đặc biệt các trụ, bảng quảng cáo ở khu vực trung tâm thành phố và bên bờ sông Hàn hoàn thành trước 17h ngày 9/11.
Đề nghị Bộ chỉ huy quân sự thành phố, Công an thành phố, Bộ chỉ huy Bộ đội Biên phòng thành phố sẵn sàng lực lượng, phương tiện chủ động, phối hợp với các lực lượng liên quan trong công tác ứng cứu khắc phục hậu quả do bão Haiyan gây ra.
Người dân chở cát về chèn chống nhà cửa
Theo báo cáo của Ban chỉ huy phòng chống lụt bão và tìm kiếm cứu nạn TP Đà Nẵng, toàn thành phố có 1.848 phương tiện với 7.432 lao động, hiện không còn tàu thuyền nguy hiểm trên biển.
Kế hoạch sơ tán nhân dân của thành phố là sơ tán 19.388 hộ với 73.384 nhân khẩu, nhiều nhất là tại quận Liên Chiểu và huyện Hòa Vang. Phương án sơ tán theo phương châm “tại chỗ”, kêu gọi động viên người dân có nhà kiên cố cố toàn tại địa phương cho người dân cùng tránh trú bão.
Bên cạnh đó, lãnh đạo Sở Thông tin và Truyền thông TP Đà Nẵng cũng quyết định sẽ sử dụng đến kịch bản bảo đảm an toàn thông tin trong tình huống khẩn cấp để phục vụ công tác chỉ đạo ứng phó và ứng cứu. Sở đã có phương án huy động xe phát sóng/tiếp sóng đặc chủng ; khai thác cả kênh điện thoại vệ tinh để phục vụ chỉ đạo, điều hành ứng cứu, cứu nạn.
Công viên Phần mềm số 2 Quang Trung (Đà Nẵng) – nơi đặt các thiết bị quan trọng và hệ thống máy chủ lưu ký quản trị các website điều hành công vụ ; điều hành và chỉ đạo tác nghiệp chuyên môn; tổng đài hệ thống wifi công cộng cũng đã được đặt trong chế độ bảo đảm an toàn cao nhất.
Ngay trong ngày 8/11, QK5 cũng đã tiến hành cuộc họp khẩn cấp triển khai kế hoạch phòng tránh cơn bão Haiyan.
Theo đó, QK5 thành lập ngay sở chỉ huy tại Đà Nẵng và 2 sở chỉ huy cơ động tại Sư đoàn 315 (huyện Núi Thành, Quảng Nam) và Bình Định, do Thiếu tướng Nguyễn Long Cáng, Phó Tư lệnh – Tham mưu trưởng quân khu và Thiếu tướng Đoàn Kiểu, Phó Tư lệnh quân khu chỉ huy, chuẩn bị các lực lượng sẵn sàng cơ động xử lý tình huống.
Trung tướng Lê Chiêm – Tư lệnh QK5 yêu cầu các cơ quan, đơn vị có kế hoạch di chuyển các phương tiện xe máy ra khỏi nhà xe, đề phòng sự cố sập đổ nhà xe; các loại thuốc men, lương thực, thực phẩm được cho vào bao gói cẩn thận.
Từ 12 giờ trưa ngày 8/11, các cơ quan, đơn vị dừng ngay việc huấn luyện để chuẩn bị phương tiện xe máy, tàu thuyền, bệnh viện, trạm xá…sẵn sàng di dời và ứng cứu nhân dân đến nơi tránh trú bão an toàn; chuẩn bị sẵn cơ số thuốc, lương thực, thực phẩm sẵn sàng tiếp tế cho nhân dân…
Các đơn vị của quân khu đứng chân trên địa bàn cần có sự phối hợp chặt chẽ, triển khai các phương án ứng phó, phòng tránh giúp nhân dân giảm thiểu thiệt hại do bão gây ra.
Đối với các vùng thường xảy ra lũ ống, lũ quyết trên địa bàn Tây Nguyên, các đơn vị chủ động phối hợp với chính quyền địa phương và các lực lượng triển khai di dời nhân dân ra khỏi vùng nguy hiểm.
Bình Định, Phú Yên mưa ngập nhiều nơi
Do ảnh hưởng áp thấp nhiệt đới, từ đêm ngày 5 đến ngày 7/11, trên địa bàn tỉnh Bình Định, Phú Yên có mưa to kéo dài gây ngập lụt, cô lập nhiều nơi ảnh hưởng không nhỏ đến việc đi lại, sinh hoạt của người dân.
Tại Bình Định, ghi nhận của PV Dân trí, sáng 8/11 tại huyện Tuy Phước do mưa lớn kết hợp với nước trên thượng nguồn đổ về làm nhiều tuyến đường giao thông ở các xã Phước Thuận, Phước Sơn, Phước Hòa, Phước Nghĩa,… bị ngập úng cục bộ, nhiều khu dân cư bị chia cắt, cô lập.
Hàng ngàn học sinh sống ở Khu đông huyện Tuy Phước phải nghỉ học sáng 8/11
Mưa lớn lũ về nhiều địa phương bị chia cắt, người dân phải đi bằng ghe thuyền (ảnh D.Công)
Tại 2 tuyến tỉnh lộ huyết mạch của huyện Tuy Phước là DT 640 và 636B, nhiều đoạn bị ngập sâu từ 0,5 – 0,7m nên người dân phải qua lại bằng đò và xe tải. Đặc biệt, đoạn qua khu vực bờ tràn Huỳnh Mai, xã Phước Nghĩa, đập Bà Rùa ở thị trấn Tuy Phước và bờ tràn Sông Tranh của xã Phước Hiệp (huyện Tuy Phước) có đoạn ngập sâu cả gần 1m, gây chia cắt đoạn đường từ trung tâm huyện Tuy Phước đi các xã Phước Thuận, Phước Sơn, Phước Hòa, Phước Hưng, Phước Nghĩa…
Nước dâng cao khiến hàng ngàn học sinh trên địa bàn huyện phải nghỉ học, hàng ngàn công nhân lao ở khu đông của huyện đang làm công nhân tại Khu Công nghiệp Phú Tài (TP Quy Nhơn) phải nghỉ làm.
Còn tại huyện Hoài Nhơn, nhiều tuyến đường liên thôn tại các xã Hoài Mỹ, Hoài Hương, Hoài Hải… nhiều đoạn nước ngập 0,3 – 0,5m. Nhiều diện tích nuôi trồng thủy sản trên địa bàn đang đứng trước nguy cơ bị nước lũ cuốn trôi gây thiệt hại cho người nuôi tôm.
Tại Phú Yên, ngày 8/11, nước sông Kỳ Lộ dâng cao làm ngập cầu La Hai (huyện Đồng Xuân, Phú Yên) trên 1m. Hàng trăm người qua lại phải đi vòng lên đường sắt. Tuyến đường qua cầu tràn thôn Phước Lộc, xã Xuân Quang 3 (Đồng Xuân) bị ngập sâu trong nước lũ, UBND xã Xuân Quang 3 cử lực lượng xã đội chốt chặt hai đầu không cho người dân qua lại khu vực nguy hiểm.
Nước sông Kỳ Lộ dâng cao làm ngập cầu La Hai
Đoạn từ cầu Cây Cam (xã An Định) đi xã An Nghiệp, nước ngập sâu trên 0,5m (ảnh N.Sơn)
Cũng do tràn thôn Phước Lộc bị ngập nước, người dân đi vòng qua xã Xuân Phước qua cầu Trà Bương về xã Xuân Quang 1, Phú Mỡ. Nước lũ ngập sâu, chảy xiết cuốn trôi xe gắn máy người đi đường khi qua cầu Trà Bương.
Tuyến đường từ ĐT 641 ra thôn Tân Hòa (xã Xuân Sơn Nam, Đồng Xuân), nước ngập sâu gần 1m, khu vực này bị chia cắt hoàn toàn. Theo nhiều người dân ở huyện Đồng Xuân thì khó khăn nhất là tuyến đường ĐT 647 từ xã Xuân Phước đi xã Phú Mỡ do nước suối dâng cao chia cắt nhiều đoạn, khu vực ngập nặng nhất là đoạn qua thôn Phú Tâm (xã Xuân Quang 1) thôn Phú Tiến 1, Phú Tiến 2 (xã Phú Mỡ).
Tại huyện Tuy An, đoạn cầu Cây Cam từ xã An Định đi xã An Nghiệp (Tuy An) nước ngập sâu trên 0,5m. Riêng tuyến đường từ ĐT 641 đi qua thôn Định Trung 2 (xã An Định), nước lũ ngập sâu gần 1m.
Theo tin từ Bộ Ngoại giao: ngay sau khi nhận được thông tin từ Ban chỉ đạo Phòng chống lụt bão Trung ương và Ủy ban quốc gia tìm kiếm cứu nạn về tình hình cơn bão có tên Haiyan đang tiến vào Biển Đông, ngày 7/11/2013, Cục Lãnh sự, Bộ Ngoại giao đã có công hàm gửi các nước Malaysia, Indonesia, Trung Quốc và Philippines đề nghị hỗ trợ các tàu, thuyền và ngư dân Việt Nam vào tránh trú bão trong trường hợp tàu thuyền và ngư dân Việt Nam không kịp về bờ. Bộ Ngoại giao cũng đã chỉ đạo các Đại sứ quán Việt Nam tại các nước theo dõi chặt chẽ diễn biến tình hình cơn bão đồng thời khẩn trương phối hợp với các cơ quan chức năng sở tại để có các biện pháp hỗ trợ kịp thời đối với tàu, thuyền và ngư dân Việt Nam.
Theo Dantri
"Bão quái vật" Hải Yến nguy hiểm thế nào?
Cơn bão được đánh giá có sức tàn phá thảm khốc này đã quét qua Philippines để vào biển Đông. Dự kiến đêm 10/11, siêu bão sẽ đổ bộ vào đất liền Việt Nam.
Theo thông báo của Trung tâm dự báo khí tượng thủy văn Trung ương, siêu bão HaiYan (bãi Hải Yến) có cường độ cấp 17, giật trên cấp 17 đang di chuyển nhanh về phía biển Đông. Dự kiến đêm 10/11, siêu bão sẽ đổ bộ vào đất liền Việt Nam. Dự báo của cơ quan khí tượng Việt Nam và thế giới cho thấy đây là cơn bão mạnh nhất từng có trên thế giới, di chuyển rất nhanh, diễn biến phức tạp và hướng đi dự báo vào các tỉnh miền Trung".
Hiện, bão đã quét qua Philippines và đi vào biển Đông.
Cơn bão hoành hành trên quần đảo trung tâm của Philippines khiến nhiều người thương vong, hơn 100.000 người phải ẩn náu trong các trung tâm cứu nạn và hàng trăm chuyến bay bị hủy bỏ.
Siêu bão cùng với những cơn gió cực mạnh dồn dập ngoài khơi khi đổ bộ vào thành phố Visayas của nước này khiến toàn bộ liên lạc của thành phố này bị cắt đứt.
Tốc độ gió duy trì ở mức 315k/h khiến siêu bão Haiyan được coi là một trong những cơn lốc nhiệt đới mạnh nhất đổ bộ vào đất liền trong lịch sử.
Khi siêu bão quái vật này lao về hướng Philippines vào ngày thứ Năm, Tổng thống Benigno S.Aquino III cảnh báo quốc gia này đang đối mặt với một "thiên tai".
Vị trí và đường đi của siêu bão Hải Yến (bão HaiYan) - Nguồn: TT Dự báo KTTV TƯ
Siêu bão Haiyan giật 360km/h
Bão Haiyan, tên Phillippines là Yolanda (tiếng Việt là Hải Yến) với sức mạnh khủng khiếp nhất khi di chuyển dọc đất nước từ phía Tây với tốc độ 295 k/h, giật 360 k/h. Sức mạnh của gió trong siêu bão Haiyan tương đương với bão cấp 5 (theo thang của Mỹ).
Video từ đất liền tại Philippines cho thấy những cơn gió gào thét, bẻ gãy nhiều cây cối, gây cảnh đổ nát, hoang tàn trên các con phố.
Sáng nay, Thống đốc Roger Mercado của tỉnh phía Nam Leyte cho biết tất cả con đường đều bị tắc nghẽn vì bão đã làm nhiều cây đổ. Ông cho biết quá sớm để công bố mức độ tàn phá của siêu bão Haiyan. "Chúng tôi chưa biết được mức độ thiệt hại như thế nào và đang cố gắng dự đoán. Đây thực sự là một cuộc tàn phá".
Cơn bão được dự đoán sẽ khuấy đảo dọc trung tâm Philippines suốt ngày thứ Sáu và sáng thứ Bảy trước khi vào biển Đông. Cơn bão được hi vọng sẽ suy yếu khi đi qua đất liền nhưng các nhà dự báo cho rằng nó vẫn giữ nguyên cường độ siêu bão khi đi qua các hòn đảo nhỏ.
Một siêu bão sẽ có những cơn gió duy trì tốc độ hơn 240 k/h trong vòng ít nhất 1 phút, theo Ủy ban Quản Trị Khí Quyển và Đại Dương Quốc gia Mỹ.
Bão Haiyan có đường kính lớn, ảnh hưởng tới 2/3 Philippines, tức là chừng hơn 1,850 kilomet. Những cơn gió mang sức mạnh của bão nhiệt đới có bán kính 240 kilomet từ trung tâm bão.
Một ngôi nhà bị sóng biển đánh sập (Ảnh: Reuters)
"Thực sự vô cùng nguy hiểm"
Hội đồng Giảm thiểu nguy cơ thiên tai Quốc gia Philippines cho biết một người đã chết khi cơn bão hoành hành tại Surigo del Sur, tỉnh phía Đông nước này.
Chính quyền Cebu cho biết họ không thể xác định một người phụ nữ bị bị ngã từ trên cây bị thương hay đã chết. Ông Neil Sanchez, một quan chức chống bão, cho biết chính quyền đã mất liên lạc với thị trấn nơi vụ việc xảy ra.
Chính quyền cho biết, một ngày trước khi cơn bão ập vào, một em bé 1 tuổi và một người khác đã tử vong sau khi bị các mảnh vỡ trong cơn lốc xoáy đập vào người tại tỉnh Cotabato. Hiện vẫn chưa xác định được cơn lốc có liên quan tới siêu bão hay không.
Trước khi bão tới, hàng ngàn người đã di tản tới những nơi an toàn, tránh xa các vùng nguy hiểm tại thành phố Tacloban, khu vực duyên hải đối mặt với cơn bão đầu tiên. Thành phố với chừng 200.000 dân này hiện đã bị cắt đứt mọi liên lạc vì sự tàn phá của cơn bão.
Video do CNN ghi lại được cho thấy các con đường của thành phố bị ngập đầy nước và mảnh vỡ.
Trong bài phát biểu hôm thứ Năm, ông Aquino cảnh báo người dân rằng "Chúng ta sẽ đối mặt với thiên tai trong những ngày tới. Tôi xin phép được nhắc lại: Cơn bão &'thực sự vô cùng nguy hiểm' và chúng ta có thể giảm bớt thiệt hại nếu chúng ta không coi nhẹ thông tin trên".
Chính quyền đã dùng mọi phương tiện để đối mặt với cơn bão. Các quan chức tổ chức cứu trợ cho những nơi dự tính sẽ chịu thiệt hại nặng nề, ông Aquino cho biết.
Gió dữ dội và mưa lớn qua một cửa sổ tòa nhà (Ảnh: Reuters)
Động đất chưa đi, siêu bão đã tới
Chính quyền cảnh báo hàng chục tỉnh dọc đất nước phải chuẩn bị cho những cơn lũ lụt và lở đất. Khoảng 125.000 người trên cả nước đã phải di cư tới các trung tâm cứu trợ.
Một vài người bị thương nặng nhất đang phải sống trong những căn lều tạm bợ tại đảo trung tâm Philippines là Bohol.
Tháng trước, một cơn động đất đã xảy ra gần với con đường đi của cơn bão và cướp đi ít nhất 222 mạng người, làm gần 1.000 người bị thương và khiến 350.000 người phải di cư, theo thông tin từ chính quyền.
"Đây thực sự là một vùng của sự chấn động. 3 tuần qua sau cơn động đất, mọi người vẫn đang cảm thấy sốc và những cơn mưa khiến chúng tôi thực sự khó khăn. Phần lớn mọi người được khuyên di tản tới vùng an toàn. Nhưng có khoảng vài ngàn người vẫn ở lại trong những căn lều tạm bợ và giờ đây siêu bão tới khiến chúng tôi quỵ ngã", Aaron Aspi, một chuyên gia liên lạc tại Bohol cho biết.
Một người đàn ông chạy qua gốc cây cổ thụ bật gốc do bão (Ảnh: Reuters)
Các khu nghỉ dưỡng cạnh bờ biển bị đe dọa
Một hòn đảo khác nằm trong đường đi của cơn bão là khu nghỉ mát nổi tiếng Boracay. Một vài khách du lịch đã phải nhanh chóng di chuyển, bỏ lại kỳ nghỉ để tới vùng an toàn.
Ross Evans, một chuyên gia thiết kế máy bay ở Florida, Mỹ cho biết thực sự "khẩn cấp và hoang mang" khi nhìn cảnh khách du lịch phải đợi các con tàu tới đưa ra khỏi Boracay hôm thứ Năm vừa qua.
Trò chuyện qua điện thoại trước khi lên chuyến bay tới Manila, ông Ross cho biết cảm thấy "kinh hoàng" cho những ai chẳng may bị kẹt lại trong cơn bão.
Ông cho biết ông cùng những người may mắn rời Phillippines sớm hơn 2 ngày so với kế hoạch đều "cảm thấy rất may mắn".
Nằm gần khu vực biển Thái Bình Dương, nơi xuất phát những cơn bão nhiệt đới, Philippiné thường phải chịu thiệt hại nặng nề từ các cơn bão.
Có chừng 20 cơn bão hoành hành quốc gia có nhiều quần đảo này mỗi năm. Một trong số đó gây nên hậu quả cực kỳ nghiêm trọng.
Tháng 12 năm ngoái, bão Bopha đã tàn phá đảo Mindanao, phía Nam Philippines. Cơn bão được cho là mạnh nhất năm ngoái này được cho là đã khiến 1.900 người thiệt mạng.
Theo Khampha
Miền Trung nơm nớp lo siêu bão Hải Yến đổ bộ Dự báo siêu bão Hải Yến (bão HaiYan) - cơn bão được dự báo mạnh nhất trong 10 năm qua sẽ đổ bộ vào miền Trung, người dân nơi đây bắt đầu tất bật chuẩn bị đối phó. Trong khi đó, dù siêu bão Hải Yến vẫn đang cách xa đất liền nhưng ở các chợ ở Đà Nẵng ngày hôm nay giá...