Bất đắc dĩ làm mẹ đơn thân
Đã quá lứa mà không tìm được bạn đời phù hợp, có bầu nhưng không dám bỏ thai…, nhiều chị em ngày nay chấp nhận làm mẹ đơn thân để có con, bất chấp tiếng xì xào của gia đình, người đời.
Chuyện tình duyên của chị Thúy (quê Hòa Bình) khá lận đận. Hai mối tình thời sinh viên của chị đều dang dở, lần đầu chị bị người tình phản bội. Lần thứ hai, gia đình chị nhất quyết ngăn cấm vì anh là bộ đội. Kể từ ngày bị ngăn cấm đến với anh, chị chẳng còn yêu ai được nữa. Ở tuổi 33, chị trở nên khô khan, khó tính với đàn ông hơn, càng lúc càng không tìm thấy sự hòa hợp chỉ sau vài buổi hẹn hò.
Càng ngày, chuyện chồng con của chị càng bị bố mẹ hối thúc nhiều. Tuy không có cảm giác với đàn ông, nhưng chị Thúy lại khát khao làm mẹ, nhất là ở tuổi này, việc sinh nở đã khó khăn. “Nếu cứ đợi chờ một người đàn ông thích hợp thì không biết đến bao giờ mới gặp”, chị chia sẻ và bắt đầu nghĩ đến chuyện làm mẹ đơn thân.
Ảnh: finanhelp.
Sở hữu khuôn mặt ưa nhìn nhưng chị Nhẫn (Hải Hậu, Nam Định) vẫn chưa có mảnh tình vắt vai dù đã bước sang tuổi 30. Khuyết tật bẩm sinh ở chân khiến chị luôn mặc cảm, hễ gặp người đàn ông nào chỉ biết cúi mặt. “Hồi còn trẻ cũng có vài thanh niên trêu ghẹo nhưng nhìn thấy bộ dạng đi đứng của mình là bỏ chạy ngay”, chị chua xót kể.
Càng nhiều tuổi, chị càng khao khát có đứa con để được săn sóc, yêu thương. Chị bắt đầu nảy sinh ý định xin một đứa con của người đàn ông qua đường nào đó. Lân la tìm hiểu, chị Nhẫn phát hiện việc tìm kiếm người như vậy trên mạng là không quá khó. Từ đó, chị năng lên mạng, vào chat và bắt bạn hơn.
“Hy vọng từ nay đến cuối năm sẽ tìm được bố cho con mình”, chị tâm sự. Tuy nhiên, chị cũng lo lắng vì không biết cuộc sống tới đây mình có thể chăm chút đủ đầy cho con được không. Nhất là khi cuộc sống của người khuyết tật như chị bình thường vốn đã rất khổ cực.
Không ít thiếu nữ trẻ chấp nhận làm mẹ đơn thân. Lan (Tuyên Quang) làm mẹ khi mới 20 tuổi. Tình yêu của cô và con trai đại gia cùng huyện kéo dài được 3 năm thì gặp sự phản đối của gia đình nhà chàng vì không môn đăng hộ đối. Sự việc bị đẩy lên đỉnh điểm khi mẹ anh này dọa tự tử nếu con trai không chịu vâng lời. Lan đành ngậm ngùi chia tay tình đầu mà không hay biết đã mang giọt máu của anh. Đến khi cái thai ở tháng thứ 3, cô mới tìm gặp anh và nói chuyện thì bị từ chối phũ phàng. Lan không đành lòng bỏ con nên giữ lại để sinh.
“Thời gian gần đây cũng có người ngỏ ý chăm sóc hai mẹ con, nhưng em sợ cảnh bố dượng con riêng nên lại thôi”, cô chia sẻ.
Vài chục năm trước, chuyện một cô gái chưa chồng đột nhiên mang bụng bầu về nhà thường bị xem là “mối nhục” của cả dòng họ, thậm chí gánh trên vai nỗi ám ảnh “gọt đầu bôi vôi”, cả đời không ngẩng đầu lên được. Ngày nay nhiều chị em đã chủ động “tìm con”, hoặc giữ lấy giọt máu của mình khi trót có thai với người yêu. Dù vẫn vấp phải sự phản đối của gia đình, song phần nhiều trong số họ tự chủ, sẵn sàng cho việc nuôi dạy con. Trên các diễn đàn đã xuất hiện không ít những “hội các bà mẹ đơn thân”, là nơi các chị em chia sẻ nỗi buồn, kinh nghiệm sinh nở cũng như chăm con.
Trang face Hội những bà mẹ đơn thân với hàng trăm thành viên, chia sẻ cho nhau kinh nghiệm đi sinh, nuôi dạy con và cả những cảm xúc, kinh nghiệm khi ứng phó với phản ứng của gia đình, xã hội.
Đánh giá về hiện tượng ngày càng nhiều người chấp nhận làm “single mom”, trong khi xã hội có nhiều luồng ý kiến thì ngay các chuyên gia cũng bất đồng quan điểm. Có chuyên gia cho rằng người phụ nữ cố đẻ con không cha là ích kỷ, sai lầm, thì lại có người ủng hộ theo quan điểm tôn trọng cá thể.
Nhà nghiên cứu tâm lý Nguyễn An Chất cho rằng, làm mẹ đơn thân là tùy sự lựa chọn của mỗi người, nhưng người phụ nữ chỉ nghĩ đến lợi ích của mình mà quên mất lợi ích của đứa con. “Về mặt tinh thần, đứa con sẽ thiếu hẳn tình yêu thương của người cha. Nó không thể phát triển toàn diện, bình thường. Sự kỳ thị của bạn bè, xã hội khiến nó khó lòng vượt qua được. Hơn nữa, biết đâu lại có chuyện kết hôn giữa những đứa con cùng cha khác mẹ thì vô cùng tai hại”, ông phân tích.
“Vấn đề này còn rất nặng nề ở Việt Nam hiện nay. Trong khoảng 10 năm đổ lại, chúng ta chưa nên áp dụng ’single mom’ vì đứa con có thể mất niềm tin vào chính mẹ của nó”, nhà nghiên cứu chia sẻ.
Video đang HOT
Cho rằng xã hội ngày nay đã không còn định kiến nặng nề như xưa với những phụ nữ không chồng mà chửa, PGS Nguyễn Thị Minh Hằng (Phó giám đốc Trung tâm Hỗ trợ và Tư vấn tâm lý) lại có quan điểm khác: “Đối với những trường hợp đặc biệt như trên thì người xung quanh còn có xu hướng động viên họ có một đứa con. Có con cũng là một quyền lợi rất chính đáng của bất kỳ người phụ nữ nào. Đây là vấn đề hết sức nhân văn trong ứng xử với con người nói chung và phụ nữ nói riêng”.
Tuy vậy, bà Hằng cũng cho rằng, để làm bà mẹ đơn thân không hề đơn giản, sẽ gặp rất nhiều khó khăn, cả về kinh tế, xã hội, tâm lý và nuôi dạy con cái, do vậy người phụ nữ phải suy xét, tìm hiểu kỹ và lường trước những khó khăn.
Bà cho biết, nhiều nghiên cứu tâm lý học đã chứng minh rằng, nếu trẻ em sinh ra và lớn lên thiếu người cha sẽ gặp khó khăn rất lớn trong quá trình hình thành nhân cách. Bé gái lớn lên có hạnh phúc lứa đôi, trong khi mẹ mình đơn côi nên không nỡ xa mẹ. Vì thế, các em gặp khó khăn trong quan hệ với người khác giới. Bé trai thì gặp khó trong việc tìm kiếm một hình mẫu đàn ông để học tập. Các em sẽ ít nam tính hơn và thường lo âu, lúng túng trước thử thách trong cuộc đời.
“Đó chỉ là một vài trong số rất nhiều hệ lụy mà đứa trẻ sống và lớn lên chỉ có mẹ. Người mẹ đơn thân cần tìm hiểu tâm lý của trẻ em sống thiếu cha để nuôi dạy con mình thật tốt, biết tránh cho con những hệ lụy xấu hoặc bù đắp thiệt thòi cho con”, bà Hằng khuyên.
Cho rằng nên đứng ở vị trí của những người trong cuộc để hiểu lựa chọn của họ, thạc sĩ Nguyễn Thu Quỳnh (Viện khoa học xã hội Việt Nam) đưa ra quan điểm nên tôn trọng lựa chọn đó như những lối sống. Lối sống chỉ phù hợp với mỗi cá thể, tùy thuộc vào hoàn cảnh, số phận, những va vấp trong cuộc đời, không thể có sự áp đặt chung.
“Chúng ta hãy tôn trọng sự lựa chọn lối sống của các cá thể. Đừng sợ điều đó có ảnh hưởng đến trào lưu chung hay không bởi nếu điều gì đó trở thành trào lưu, dù muốn hay không, ý chí cá nhân, thậm chí luật pháp hoặc các định chế xã hội khác cũng không thể ngăn cản được”, bà Quỳnh nói.
Riêng những phụ nữ phải chịu nhiều thiệt thòi khi làm single mom, bà Quỳnh cho rằng nên thông cảm và thấu hiểu thay vì chỉ đi phân tích sự thua thiệt, gánh nặng vất vả của họ và áp lực tâm lý lên những đứa trẻ. Mặc dù, việc phân tích đó hoàn toàn đúng để người mẹ và xã hội có những bù đắp phù hợp cho những đứa trẻ.
Cùng quan điểm trên, thạc sĩ xã hội học Đặng Vũ Cảnh Linh (Viện Nghiên cứu Truyền thống và Phát triển) cho rằng, xã hội nên có cái nhìn thông thoáng và độ lượng hơn. Ở góc độ quyền con người, nhu cầu có một gia đình tròn vẹn – chưa nói đến gia đình hạnh phúc – luôn là nhu cầu cơ bản, chính đáng và thậm chí lớn nhất. Nhưng thực tế xã hội hiện đại cho thấy với một số người, nhu cầu này có thể chỉ là khát vọng và không phải ai cũng có đủ điều kiện cần thiết để hiện thực hóa được nhu cầu đó.
“Chúng ta không nên cổ vũ cho hiện tượng single mom nhưng cũng không nên chối bỏ, kỳ thị hành vi của họ. Một xã hội văn minh là xã hội biết đồng cảm, chia sẻ và tôn trọng cuộc sống, lựa chọn cá nhân với những đặc điểm đôi khi rất riêng của nó. Dư luận thiếu tích cực không chỉ gây tổn thương mà còn có thể giết chết chính những người trong cuộc”, ông Linh cho biết.
Theo ông, single mom là mô hình gia đình cần xã hội, pháp luật thừa nhận. Đây là một loại hình gia đình đặc biệt khi người mẹ phải làm cả chức năng của người bố. Cần phải có những nghiên cứu cẩn thận, xác lập căn cứ khoa học và thực tiễn để đưa ra giải pháp tốt nhất hướng tới hỗ trợ người trong cuộc.
Theo Cục điều tra dân số Mỹ, cứ 10 đứa trẻ được sinh ra thì 4 đứa là con của mẹ đơn thân. Khoảng 45% bà mẹ độc thân chưa bao giờ kết hôn.
Theo VNE
Chuyện rùng rợn những hài nhi lẫn trong bãi rác Núi đá mài
Việc tìm thấy những hài nhi lẫn trong bãi rác Núi đã mài thôn Hồng Thái xã Tân Cương, TP.Thái Nguyên không quá xa lạ, và những câu chuyện đau lòng, kỳ bí mở ra.
Việc bấy lâu nay bãi rác ở khu Núi đá mài tập trung ngày một nhiều những thi thể thai nhi bị giết hại, vứt bỏ khiến cho ông tổ trưởng đội vệ sinh số 5 (gồm có 8 người) Phạm Xuân Sơn (Công nhân môi trường của công ty cổ phần môi trường và công trình đô thi Thái Nguyên) kiêm thêm cái chức danh người quản trang bất đắc dĩ. Câu chuyện nhặt được thi thể hài nhi ở đây cũng đã không còn là chuyện mới.
Nhưng phía sau những câu chuyện cảm động về tình người nơi bãi rác lại trở nên huyền bí hơn bao giờ hết, khi người dân địa phương vẫn thường xuyên rỉ tai nhau về chuyện báo ân báo oán của các hài nhi ở nơi tận cùng nỗi đau của những số phận không vẹn tròn...
Khu vực nghĩa địa, nơi an nghỉ của những "thiên thần khu bãi rác"
Đau lòng những "thiên thần" bị vứt bỏ...!
Chúng tôi tìm đến Khu bãi rác Đá mài ở thôn Hồng Thái (xã Tân Cương, TP.Thái Nguyên) một ngày cuối năm, con đường dài và ngoằn nghèo cũng trở nên gian nan hơn trong cái rét đậm. Rồi những ngôi mộ bé nhỏ của các hài nhi vô danh, vô thừa đã bị chính bố mẹ chúng đứt ruột sinh ra vứt bỏ một cách tàn nhẫn hiện dần ra sau những tán lá rừng xanh um tùm...!
Cách khu chứa rác thải tầm 300m, là những ngôi mộ bé nhỏ nằm bên sườn đồi, lộ rõ trong đám lá cây do các cô chú công nhân môi trường trồng cao ngang ngực người. Theo bước chân người quản trang bất đắc dĩ, chúng tôi thấy chua xót biết bao khi được nghe ông kể những mẫu chuyện về những mảnh đời bất hạnh nơi đây.
Ông Sơn (55 tuổi) người đã có thâm niên suốt 20 năm qua làm công nhân khu bãi rác này, là người đã chứng kiến biết bao câu chuyện cảm động từ tình người ở nơi chỉ có mùi xú uế và những đồ bỏ đi này.
Câu chuyện về tình yêu của đôi vợ chồng anh Quyền (đội trưởng đội nhặt rác), chuyện thi thoảng những người nhặt rác vẫn nhặt được tiền từ trong bãi rác vào dịp cuối năm, rồi đến chuyện chính ông là người đã chứng kiến chuyện thi thể hài nhi đầu tiên vô tình được nhặt được ở đây.
Chị Th vẫn chưa hết bàng hoàng khi nhắc đến câu chuyện nhặt được hài nhi trong bãi rác
Ngồi trong căn nhà nhỏ của ban quản lý, ông cụ trầm ngâm: "Vào cuối năm 2002, thi thể hài nhi đầu tiên mà chúng tôi nhặt được là một bé gái, cháu bé trông bụ bẫm, trắng trẻo và khỏe mạnh lắm, nhưng lại bị 2 vết bầm tím kéo dọc về hai bên cổ. Bị bỏ trong một túi nilon màu đen và nằm lẫn với đống rác thải, thấy vậy chúng tôi bèn đưa cháu vào tắm rửa cho cháu xong thì làm lễ khâm liệm cháu, cũng ở gần khu vực nghĩa trang của các cháu bây giờ..."
Những năm 2002-2004, số lượng các hài nhi bị bỏ rơi và được anh chị em trong khu bãi rác này nhặt được ngày một nhiều. Thấy vậy, anh chị em trong tổ vệ sinh số 5, đã có đề xuất lên công ty cho quy hoạch một khu đất nhỏ để làm nơi chôn cất những sinh linh bé nhỏ để chúng được an nghỉ.
Mặc dù kinh phí không nhiều, nhưng anh em trong tổ ai cũng tự tâm mỗi người một ít góp lại, cùng với sự hỗ trợ của công ty nên công việc cũng nhanh chóng hoàn thành. Quý nhất là nhóm thợ do anh Ngô Văn Quyền (SN 1971, nhóm trưởng nhóm nhặt rác) mời đến đã không nhận tiền công mà chỉ xin một ít rồi mua lễ về thắp hương cho các cháu, hôm hoàn thành thì cha xứ ở đây cũng đến làm lễ siêu thoát cho các cháu.
Những đứa trẻ bị vứt bỏ về đây, hầu như là công nhân không phát hiện được, công việc tìm kiếm cũng khó mà chủ yếu là do vô tình gặp phải. Có lần máy ủi đang ủi rác xuống thì khi nhìn ra thấy có vật lạ, khi lái xe xuống kiểm tra thì mới phát hiện ra là có xác cháu bé nằm trên đầu máy ủi, anh em lại đưa vào làm lễ tắm rửa rồi tổ chức chôn cất...
"Đau lòng hơn là các cháu bị vứt bỏ và được các xe chở rác đưa đến đây lại đều là những cháu đã đủ tháng, nói trộm vía chứ cháu nào cũng mập mạp và rất xinh xắn...!" ông Sơn ngậm ngùi
Ông Sơn nghẹn ngào kể: "Vào cuối tháng 12/2012, trong lúc đang đi nhặt rác, chúng tôi phát hiện ra một cháu gái. Ban đầu xe đổ rác thì thi thể cháu lúc đó bị lẫn vào với đống rác thải, anh em cào rác cứ nghĩ đó là xác một con động vật nào đó bị vứt bỏ, nhưng sau đó mới phát hiện ra là xác hài nhi. Cháu bé cũng trong tình trạng bị bóp cổ chết, nhìn thấy mà thương tâm cháu bị 2 vết bầm ở cổ và một vết đâm vào ngực..."
Rùng mình nghe chuyện "con" xin theo về nhà và đặt tên cho con...?!
Những mẫu chuyện đau lòng về các hài nhi nơi bãi rác, các cháu được nhặt được trong bãi rác cũng may mắn một cách kỳ lạ, có lẽ vì thế mà việc những hài nhi nhặt được trong khu bãi rác ở đây như đang được phủ lên bức màn bí ẩn về những câu chuyện ly kỳ nơi xóm nhỏ.
Ban đầu là câu chuyện về bà Nguyễn Thị Tạo (một người sống bằng nghề nhặt rác ở trong xã), đã có nhiều lần đi nhặt rác và nhặt được thi thể các hài nhi bé nhỏ, câu chuyện tưởng như bình thường nếu như không có chuyện bà hỏi xin đưa các cháu về chôn gần nhà mình.
Bãi rác Núi đá mài, nơi nhiều hài nhi Vô Danh... được tìm thấy.
Bà Tạo kể: chính bà đã nhiều lần nhặt được xác hài nhi, nhưng sau khi tắm rửa rồi làm lễ khâm liệm cho các "con" xong. Về nhà sau mỗi đêm đó, bà liền mơ gặp các "con", hoặc là nghe tiếng trẻ nhỏ khóc đòi theo về. Là người vốn có tấm lòng từ bi, lại thương trẻ nên đã nhiều lần bà làm đề xuất xin đưa thi thể "các con" về khu nghĩa địa trước cửa nhà chôn cất, thờ cúng và tiện đường chăm nom.
"Tôi cũng đã đưa được 2 ngôi mộ các cháu gái về gần nhà chôn cất, rồi nhờ cha xứ làm lễ. Nhưng về sau này vì thấy có nhiều hài nhi bị bỏ rơi, nên công ty quy hoạch khu nghĩa địa, hơn nữa thủ tục xin chuyển cũng rườm rà phức tạp nên Tôi không xin được...!" bà Tạo chia sẻ.
Có nhiều người cho rằng chính vì điều này đã làm ảnh hưởng không nhỏ đến sức khỏe của bà, hôm chúng tôi đến, cũng là hôm bà đang bị căn bệnh đau nhức xương khớp hành hạ. Qua điện thoại bà cho biết bà đã đi viện y học cổ truyền điều trị được 3 tháng nay rồi, công việc cũng không còn làm được gì nhiều, ngòai việc thi thoảng ghé về nhà chăm cháu nội và ghé thắp hương cho các hài nhi bé nhỏ.
Rùng mình hơn khi nghe câu chuyện chị Phạm Thị Thủy kể về việc chồng mình mơ thấy nhặt được trẻ con thì ngay sáng hôm sau đi làm gặp ngay xác một cháu trai nằm trong ống quần phụ nữ nơi bãi rác.
Còn nhớ như in: Hôm đó là vào buổi đêm ngày mùng 8/7/2012, thấy chồng ú ớ trong cơn mê, sáng ra chị Thuy gặng hỏi chuyện thì được trả lời "hình như tối qua tôi mơ thấy tiếng trẻ con gọi" rồi hôm đó anh đi làm. Chưa hết buổi thì nghe có người báo là thấy có đứa trẻ bị vứt bỏ trong bãi rác, chị liền vào, rồi tắm rửa cho cháu bé, nhưng khi tắm thì thấy máu bắt đầu trào ra từ 2 vết cắt trên cổ, một vết đâm vào đúng ngực. Tắm rửa cho cháu xong, thì làm thủ tục chôn cất cẩn thận cho cháu.
Ông "quản trang bất đắc dĩ" Phạm Xuân Sơn.
Sau hôm đó, tôi về nằm ngủ cứ bị ám ảnh bởi hình ảnh cháu trai, nhìn cháu khỏe mạnh, mập mạp lắm, nhưng cháu chết quả là rất thảm, bị đâm chết. Nhiều hôm đi làm, tôi như nhìn đâu cũng thấy như cháu bé đang đi cùng, thậm chí đêm nằm ngủ còn mơ cháu về xin được đặt tên, rồi tôi lấy tên cho cháu là Vô Danh Thừa và ghi lên mộ.
Còn về phần chồng tôi thì chỉ ít ngày sau, vào ngày 25/7, mặc dù đang khỏe mạnh chồng tôi sau buổi đi làm về gặp một cơn mưa rồi bị cấm khẩu rồi mất. Mãi sau này tôi mới được nghe "đồng nghiệp" nhặt rác cùng kể lại, là hôm chồng tôi cuốc được hài nhi kia, vì sợ quá mà bỏ chạy, để ông Quyền (nhóm trưởng nhóm nhặt rác) làm thay việc đưa cháu bé lên rồi làm thủ tục như thường lệ của anh chị em ở đây khi vô tình nhặt được thi thể các cháu.
Đến hôm gia đình tôi làm lễ cúng 15 ngày cho chồng thì cháu bé có nhập hồn vào thầy cúng, mặc dù tôi không gọi có nói lời: Cảm ơn "mẹ" đã đặt đúng tên cho con, vì tên con ngoài đời là Thừa nhưng họ Võ Văn...! Sau đó chị đã phải thay đổi họ cho cháu trên ngôi mộ.
Nhắc đến chuyện hồn ma báo ân, báo oán ở bãi rác khu Núi đã mài, ông Sơn khẳng định chắc nịch rằng: Không có chuyện báo ân, báo oán gì ở đây. Chuyện anh Văn bị cấm khẩu rồi chết là do anh ấy đi làm đúng hôm trời mưa, rồi về thì bị cảm mà chết. Còn bản thân ông Sơn là người có thâm niên làm việc lâu năm nhất, cũng là người chứng kiến việc hài nhi bị vứt bỏ đầu tiên trong khu bãi rác được tìm thấy và cũng thường xuyên túc trực ở đây, nhưng tuyệt nhiên chưa hề gặp thấy hồn ma, hay chuyện các cháu đến trêu đùa gì. Có nhiều hôm ông vẫn đi một mình vào buổi tối, lên thăm các cháu. Có một điều khiến ông cũng cảm thấy an ủi phần nào, là từ đầu năm đến nay không có cháu nào bị vứt bỏ ở khu vực này...
Theo Đời Sống & Pháp Luật
Những dị nhân không ngủ của Việt Nam Tất cả những "Dị nhân bất đắc dĩ" này đều đã đi chạy chữa bằng nhiều phương pháp nhưng không trường hợp nào tìm ra cách chữa được căn bệnh kỳ lạ kia! Bà Bảy kỳ nhân Đó là biệt danh người dân gọi cho bà Đinh Thị Ánh (50 tuổi) ở Đại Hiệp, Đại Lộc, Quảng Nam. Đã hơn 25 năm trời...