Bất chấp Trung Quốc ngang ngược, ngư dân quyết vươn khơi bám biển
Mặc cho Trung Quốc ngang ngược xâm phạm chủ quyền trên biển của Việt Nam, nhiều ngư dân cho biết họ không hề e sợ và sẽ tiếp tục vươn khơi, giữ vững ngư trường, bảo vệ chủ quyền biển đảo của Tổ quốc.
Ngư dân Khánh Hòa khẳng định sẽ tiếp tục vươn khơi để giữ vững ngư trường.
“Vùng biển của mình, ngư trường của mình…”
Nói về việc Trung Quốc đưa giàn khoan HD-981 và nhiều tàu quân sự hoạt động bất hợp pháp tại khu vực thuộc lô dầu khí 143 thuộc thềm lục địa Việt Nam, ngư dân Lê Bé (SN 1972, trú xã Vĩnh Lương, Nha Trang, Khánh Hòa), thuyền trưởng tàu cá KH-99317-TS chia sẻ: “Cách đây ít ngày tôi đã nghe được thông tin này trên Hệ thống Đài duyên hải, rồi mới đây còn biết tàu kiểm ngư Việt Nam bị tàu Trung Quốc đâm va dẫn đến hư hỏng nặng nề. Hành động này của Trung Quốc là ngang nhiên lấn chiếm vùng biển của Việt Nam”.
Ông Bé cho biết tàu ông hành nghề giã cào, công suất 380CV, thường đánh bắt cách quần đảo Hoàng Sa khoảng 70 đến 90 hải lý về phía Tây Bắc. Cũng theo ông Bé, việc Trung Quốc ngang nhiên đưa nhiều tàu quân sự vào hoạt động trên vùng biển Việt Nam đang đe dọa sự an toàn của ngư dân trên biển.
Ngư dân Lê Bé (SN 1972) chia sẻ hành động của Trung Quốc là ngang nhiên lấn chiếm vùng biển của Việt Nam.
Tại cảng cá Vĩnh Lương (xã Vĩnh Lương, TP Nha Trang), ông Trương Văn Lai (SN 1974), thuyền trưởng tàu cá KH-99759-TS, tâm sự: “Thông tin tàu Việt Nam bị tàu Trung Quốc đâm va thì chúng tôi đã nắm bắt trên sóng của Đài tiếng nói Việt Nam. Khi nghe tin này, ngư dân chúng tôi rất bức xúc và không khỏi lo ngại về tình hình trên biển những ngày qua. Song đây là vùng biển của ta nên chúng tôi sẽ tiếp tục vươn khơi đánh bắt, vươn khơi bảo vệ chủ quyền biển đảo”.
Ngư dân Trương Văn Lai cũng bày tỏ nguyện vọng mong muốn Đảng, Nhà nước và các cấp có thẩm quyền sớm giải quyết ổn thỏa vụ việc, để ngư dân yên tâm bám biển. “Vùng biển của mình, ngư trường của mình mà tàu Trung Quốc tràn vô như vậy là không thể chấp nhận được”, ông Lai nói.
Tại cảng cá Hòn Rớ (xã Phước Đồng, TP Nha Trang), ông Huỳnh Hải (trú huyện Đức Phổ, Quảng Ngãi), thuyền trưởng tàu cá QNg-98505-TS cho biết tàu ông công suất 380CV, thường đánh bắt ở vùng biển Trường Sa.
Ngư dân Huỳnh Hải (trú huyện Đức Phổ, Quảng Ngãi).
Theo ông Hải, có thời điểm tàu ông đánh bắt cách bờ biển nơi gần nhất chỉ từ 140 đến 160 hải lý nhưng bắt gặp rất nhiều tàu chụp mực của Trung Quốc. “Có lúc tàu tôi chỉ cách tàu Trung Quốc 6 đến 7 hải lý. Đây là vùng biển của Việt Nam, nhưng họ vẫn vào đây đánh bắt”, ông Hải cho biết.
Theo ông Hải, việc có nhiều tàu Trung Quốc đánh bắt đã khiến các tàu cá Việt Nam rất khó làm ăn vì phương tiện, ngư cụ của ta kém hiệu quả hơn. “Tàu tôi hành nghề vây khơi, trên tàu chỉ có hơn chục cái bóng đèn, trong khi tàu của họ có cả trăm bóng đèn cao áp sáng trưng nên mình rất khó đánh bắt”, ông Hải trăn trở.
Ngư dân Huỳnh Hải cũng bày tỏ lo ngại nếu giàn khoan HD-981 của Trung Quốc cứ đóng ở thềm lục địa Việt Nam thì tương lai sẽ có thêm nhiều tàu Trung Quốc xua đuổi ngư dân Việt Nam.
Video đang HOT
Các ngư dân đồng lòng tiếp tục vươn khơi, giữ vững chủ quyền biển đảo.
Trong khi đó, ngư dân Huỳnh Phúc Sang (SN 1973, trú phường Xương Huân, Nha Trang), thuyền trưởng tàu cá KH-95346-TS, lo lắng: “Chúng tôi hành nghề câu cá ngừ đại dương ở ngư trường Hoàng Sa và Trường Sa. Nếu không gỡ giàn khoan của họ đi, chắc chắn sẽ có thêm nhiều tàu Trung Quốc xuống vùng biển của ta, khi đó chúng tôi làm sao đánh bắt?”.
Ngư dân Lý Sơn không ngại Trung Quốc đe dọa
Sáng ngày hôm nay (9/5), 2 Nghiệp đoàn nghề cá xã An Hải và An Vĩnh (Lý Sơn, Quảng Ngãi) cùng hàng trăm người dân đã cùng tập trung lên tiếng kịch liệt phản đối hành động ngang ngược của Trung Quốc trên vùng biển Việt Nam, cách đảo Lý Sơn 119 hải lý và nằm giữa tuyến đường đi ra Hoàng Sa của ngư dân Lý Sơn.
Ngư dân Lý Sơn phản đối hành động Trung Quốc xâm chiếm vùng biển Việt Nam.
Ngư dân Lê Tân (SN 1936, ngụ xã An Hải) từng bị phía Trung Quốc bắt giữ 4 lần ngay tại Hoàng Sa, bức xúc: “Trung Quốc đặt giàn khoan như vậy thật quá ngang ngược. Trung Quốc cố tình xâm lấn, ngăn cản ngư dân đánh bắt ở Hoàng Sa. Dù phía Trung Quốc có ngang ngược như thế nào, ngư dân chúng tôi vẫn tiếp tục bám biển ở ngư trường Hoàng Sa”.
Ngư dân Lê Tân bức xúc khi Trung Quốc ngang nhiên đặt giàn khoan trên vùng biển Việt Nam.
Theo thống kê, đảo Lý Sơn có 120 tàu cá tham gia đánh bắt trên ngư trường Hoàng Sa và Trường Sa. Tổng số ngư dân trực tiếp hoạt động đánh bắt xa bờ khoảng 2.000 lao động.
Vừa trở về từ Hoàng Sa 4 ngày trước, ngư dân Mai Văn Lê (53 tuổi, ngụ xã An Vĩnh) điều khiển tàu cá QNg 96185-TS cùng 2 con trai cũng có mặt trong buổi mít tinh để phản đối hành động Trung Quốc đặt giàn khoan phi pháp. Ngư dân Lê cho biết: “Cách đây 4 ngày, tôi từ đảo Đá Lồi (vùng biển Hoàng Sa) chạy về đi qua khu vực giàn khoan, khi hỏi thì mới biết Trung Quốc xâm chiếm. Đối với tôi, ngư trường Hoàng Sa vừa là nhà và vừa là kế sinh nhai từ bao đời nay. Ngày mai tôi tiếp tục đi ra Hoàng Sa, không sợ bọn nó uy hiếp, đây cũng là trách nhiệm của mỗi ngư dân nhằm bảo vệ chủ quyền biển đảo của Việt Nam trên biển Đông”.
Vừa trở về từ Hoàng Sa, ngày mai, ngư dân Mai Văn Lê vẫn tiếp tục ra Hoàng Sa.
Tại buổi nói chuyện và phản đối hành động phi pháp của Trung Quốc, ông Nguyễn Quốc Chinh – Chủ tịch Nghiệp đoàn nghề cá xã An Hải – nói: “Việc Trung Quốc đưa giàn khoan cùng 80 tàu các loại, kể cả tàu quân sự đến vùng biển này và có những hành động gây cản trở, uy hiếp ngư dân ta là vi phạm chủ quyền và quyền tài phán của Việt Nam theo Quy định của Công ước Liên Hiệp quốc và Luật Biển năm 1982; vi phạm tuyên bố về ứng xử của các bên ở biển Đông năm 2002 (gọi tắc là DOC), gây bất ổn định và đe dọa hòa bình trên khu vực biển Đông, đe dọa trực tiếp đến tính mạng, tài sản và sinh kế của ngư dân Lý Sơn tại ngư trường truyền thống và lâu đời ở Hoàng Sa, Trường Sa”.
Ông Chinh nhấn mạnh: “Chúng tôi kiên quyết yêu cầu Trung Quốc ngay lập tức dừng các hành động bất hợp pháp và rút giàn khoan HD 981 cùng các tàu, bè ra khỏi vùng biển Việt Nam. Chúng tôi kêu gọi bà con ngư dân tiếp tục phát huy truyền thống của hùng binh Đội Hoàng Sa kiêm quản Bắc Hải. Kiên định bám sát ngư trường đê tiếp tục khai thác, đánh bắt hải sản, bảo vệ ngư trường truyền thống, góp phần cùng đồng bào cả nước bảo vệ chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của Việt Nam”.
Ngư dân Hà Minh Trọng (ngụ thôn Đông, xã An Hải) – chủ tàu cá QNg 96237-TS khẳng định: “Dù phía Trung Quốc có gây trở ngại như thế nào, chúng tôi vẫn quyết tâm bám biển ở Hoàng Sa và Trường Sa thân yêu”.
Ngư dân thắp hương tưởng nhớ Đội hùng binh Hoàng Sa.
Tượng đài Đội Hoàng Sa kiêm quản Bắc Hải đứng sừng sững giữa biển Đông.
Trao đổi với PV Dân trí, ông Nguyễn Thanh – Bí thư Huyện ủy Lý Sơn – cho biết: “Trước mắt, địa phương tuyên truyền và động viên ngư dân tiếp tục ra khơi bám biển ở Hoàng Sa và Trường Sa. Mọi sự cố nào xảy ra, đề nghị ngư dân kịp thời thông báo ngay cho chính quyền can thiệp và hỗ trợ. Về lâu dài, huyện đang chờ ý kiến chỉ đạo từ cấp trên”.
Sáng cùng ngày, hàng ngàn ngư dân đến dâng hương trước tượng đài Đội Hoàng Sa kiêm quản Bắc Hải, đồng thời tham quan phòng trưng bày các chứng cứ, tư liệu và hiện vật quý liên quan đến chủ quyền biển đảo Việt Nam ở Hoàng Sa.
Ông Võ Thiên Lăng, Phó Chủ tịch TW Hội nghề cá Việt Nam cho biết TW Hội đã có văn bản gửi Bộ Ngoại giao và Văn phòng Chính phủ để phản đối việc Trung Quốc đưa giàn khoan HD-981 vào thềm lục địa Việt Nam. “Hành động của Trung Quốc những ngày qua là không được”, ông Lăng nói.
Theo Dantri
Không để một tấc biển của ông cha bị xâm lấn!
"Với lực lượng kiểm ngư đang hoạt động trên biển, đây là giai đoạn thử thách. Những vụ việc vừa rồi cho thấy anh em rất kiên cường, không để một "tấc biển" của ông cha ta để lại bị xâm lấn, xứng đáng với niềm tin của toàn dân trao cho"...
...Ông Nguyễn Văn Trung, Phó cục trưởng Kiểm ngư Việt Nam (Tổng cục Thủy sản, Bộ NN&PTNT) nói.
Ông Nguyễn Văn Trung, Phó cục trưởng Kiểm ngư Việt Nam (Tổng cục Thủy sản, Bộ NN&PTNT).
Kiên quyết bám giữ
Trao đổi với Tiền Phong ngày 8/5, ông Trung cho biết: Sau khi có sự va chạm với tàu Trung Quốc, lực lượng kiểm ngư Việt Nam vẫn tiếp tục phối hợp với Cảnh sát biển bám trụ ở hiện trường, kiên quyết với các hành động trái phép của phía Trung Quốc trên vùng biển chủ quyền của Việt Nam.
Tàu kiểm ngư Việt Nam bị đâm có bị hư hỏng nặng không, và tới đây chúng ta có bổ sung lực lượng này ra nơi Trung Quốc đặt giàn khoan HD981 trái phép?
Vừa rồi, có 8 tàu kiểm ngư va chạm với phía Trung Quốc đã hư hỏng nhất định. Quá trình bị tàu Trung Quốc húc, đâm va, tàu kiểm ngư của ta chủ yếu bị méo móp lan can, thành vách, cửa kính vỡ, một số tàu bị rách phần tôn. Đây cũng chỉ là hỏng hóc nhẹ.
Tuy nhiên, phần tốn kém, khắc phục khó là trang thiết bị điện tử hiện đại trên tàu bị vòi rồng nước mặn của tàu Trung Quốc phun vào, gây hư hại. Số tàu kiểm ngư đang tham gia vụ việc trên là 12 chiếc. Tuy nhiên, tùy tình hình có thể tăng thêm tàu để bổ sung lực lượng.
Thưa ông, với cán bộ, kiểm ngư viên tham gia bảo vệ an ninh chủ quyền trên biển, khi gặp những sự cố như vừa rồi mà bị thương, thậm chí có thể hy sinh, chúng ta có chính sách gì hỗ trợ?
Bà con ngư dân hãy yên tâm, vẫn ra khơi đánh bắt bình thường đối với các ngư trường, chứ không riêng ngư trường Hoàng Sa. Phó cục trưởng Kiểm ngư Việt Nam Nguyễn Văn Trung
Với anh em kiểm ngư, hay thuyền viên đồng kiểm ngư hoạt động trên biển, nếu bị thương, hy sinh sẽ được hưởng các chế độ theo quy định theo Pháp lệnh ưu đãi cho người có công. Với lực lượng kiểm ngư đang hoạt động trên biển, đây là giai đoạn thử thách. Những vụ việc vừa rồi, cho thấy anh em cũng rất kiên cường, không để một tấc biển của ông cha ta để lại bị xâm lấn, xứng đáng với niềm tin của toàn dân trao cho.
Thời gian tới, cần đề xuất thêm chính sách tốt hơn, để anh em kiểm ngư yên tâm hoàn thành nhiệm vụ. Sự có mặt, công sức, hy sinh gian khổ của anh em cũng được cả nước ghi nhận, cũng như dư luận quốc tế ủng hộ. Vì vậy, lực lượng kiểm ngư cũng yên tâm, một mặt vì lợi ích chung của đất nước, mặt khác, phía sau chúng tôi, còn có cả toàn dân hỗ trợ, chứ chúng tôi không đơn độc.
Luôn sát cánh cùng ngư dân
Thưa ông, sau những va chạm với tàu Trung Quốc, nơi họ đặt giàn khoan trái phép, việc đi lại, đánh bắt của ngư dân ta gặp những khó khăn gì trên ngư trường của mình?
Bà con ngư dân hãy yên tâm, vẫn ra khơi đánh bắt bình thường đối với các ngư trường, chứ không riêng ngư trường Hoàng Sa. Chỉ có một trở ngại là, ngư dân ở khu vực đảo Lý Sơn (Quảng Ngãi) ra ngư trường truyền thống Hoàng Sa phải đi qua khu vực nơi Trung Quốc đặt giàn khoan trái phép.
Nếu ngư dân đi tiếp cận trực tiếp vào đó sẽ khó khăn, vì tàu ngư dân nhỏ, trong khi các tàu xuất hiện ở khu vực này đều công suất lớn cả. Tuy nhiên, ngư dân có thể mất một vài tiếng đi vòng qua, khiến chi phí tăng lên. Thời gian này, biển đang êm, thuận lợi về thời tiết, bà con cần đẩy mạnh đánh bắt.
Lực lượng kiểm ngư đang có kế hoạch gì để tiếp tục sát cánh, bảo vệ ngư dân những vùng trọng điểm?
Lực lượng kiểm ngư luôn hỗ trợ ngư dân sản xuất trên biển. Sự có mặt ngư dân cũng như lực lượng kiểm ngư trên các ngư trường khác, là điều cần thiết và chúng tôi đang cố gắng thực hiện. Tuy nhiên, trong giai đoạn hiện nay, để đủ số lượng tàu dàn hết các vùng biển là khó, nhưng sẽ bố trí lực lượng các vùng trọng điểm, ngư trường truyền thống của ngư dân.
Thực tế, chúng tôi cũng có kế hoạch, những ngư trường trọng điểm, nơi thường xảy tranh chấp, đều bố trí lực lượng ở đó để quan sát, cũng là chỗ dựa cho ngư dân yên tâm. Trong trường hợp sự cố, tàu hỏng hóc, ngư dân bị ốm đau, hay những lúc bị tàu nước ngoài cản phá, gây rối, lực lượng kiểm ngư sẵn sàng hỗ trợ.
Ngoài ra, hiện Bộ NN&PTNT chuẩn bị trình Chính phủ nghị định về chính sách hỗ trợ ngư dân sản xuất trên biển, giúp ngư dân đẩy mạnh sản xuất, góp phần bảo vệ an ninh chủ quyền của ta trên biển.
Theo ANTD
6 kiểm ngư bị thương tình nguyện ở lại bảo vệ vùng biển Tổ quốc Chiều ngày 9/5, trao đổi với PV Dân trí, ông Vương Mạnh Hòa - Trợ lý chính trị Chi đội Kiểm ngư 3 (thuộc Kiểm ngư Việt Nam) - cho biết, dù bị thương nhưng 6 kiểm ngư vẫn xin tình nguyện ở lại để bảo vệ vùng biển. Hiện sức khỏe của 6 anh em này đã dần hồi phục. "Tinh thần...