Bất chấp khủng hoảng Ukraine, Nga sẽ vẫn tuân thủ hiệp ước cắt giảm vũ khí với Mỹ
Nga sẽ vẫn tuân thủ nghiêm chỉnh Hiệp ước cắt giảm vũ khí chiến lược (hay START) được ký năm 2010 với Mỹ, bất chấp sự bất đồng về tình hình khủng hoảng ở Ukraine giữa hai cường quốc, Thứ trưởng Ngoại giao Nga Sergei Ryabkov cho biết ngày 6.5.
Các tên lửa đạn đạo Topol-M của Nga diễu hành tại Quảng trường Đỏ. Ảnh: AP
START được ký kết hồi năm 2010 là một phần của sự cải thiện chung trong mối quan hệ giữa Washington và Moscow và được đánh giá là thành công to lớn của Tổng thống Mỹ Barack Obama.
Tuy nhiên, mối quan hệ giữa Nga và Mỹ đã trở nên căng thẳng kể từ khi bùng nổ cuộc nội chiến ở Syria, và căng thẳng đó đã gia tăng một cách đáng kể trong cuộc khủng hoảng ở Ukraine vài tháng qua.
Hồi tháng 3, các hãng thông tấn Nga dẫn lời một nguồn tin cho rằng Bộ Quốc phòng nước này đang xem xét việc đình chỉ thực hiện START.
Video đang HOT
Tuy nhiên, hãng tin RIA Novosti trích dẫn tuyên bố của ông Ryabkov khẳng định: “Không hề có lý do để đình chỉ việc thực hiện hiệp ước”.
START được ký kết lần đầu tiên vào năm 1991, và đến năm 2010, nó tiếp tục được bổ sung với nội dung hai cường quốc sẽ cam kết cắt giảm số đầu đạn hạt nhân chiến lược xuống còn 1550 và giới hạn số bệ phóng tên lửa hạt nhân chiến lược xuống còn mức 800 bệ phóng vào năm 2018.
Hiệp ước còn cho phép mỗi bên tiến hành 18 cuộc thanh tra mỗi năm tại nước đối phương.
Cũng trong tuyên bố của mình, ông Ryabkov đã nhắc lại cáo buộc của Moscow rằng Washington đã làm trầm trọng thêm cuộc khủng hoảng ở Ukraine và cho biết Nga đã làm mọi cách để xuống thang căng thẳng.
Theo ông Ryabkov, việc thả các quan sát viên quân sự của phe ly khai ở miền đông Ukraine hồi tuần trước chính là minh chứng cho cách tiếp cận mang tính xây dựng của Nga, và khẳng định rằng điều đó sẽ không xảy ra nếu không có sự hòa giải của Tổng thống Putin.
Theo Một thế giới
Philippines 'bật đèn xanh' để Mỹ tăng cường hiện diện quân sự
Mỹ và Philippines đã đạt được thỏa thuận có hiệu lực trong 10 năm, cho phép quân đội Mỹ tăng cường hiện diện quân sự tại đảo quốc Đông Nam Á này trong bối cảnh giữa Philippines và Trung Quốc đang có tranh chấp chủ quyền biển đảo.
Binh sĩ Mỹ và Philippines đang cùng tham gia một cuộc tập trận chung tại căn cứ quân sự ở tỉnh Cavite (Philippines) - Ảnh: AFP
AP dựa vào tiết lộ của 2 quan chức Philippines và những tài liệu mật mà hãng tin Mỹ này tiếp cận được vào ngày 27.4 để đưa ra thông tin trên.
Thỏa thuận Tăng cường Hợp tác Quốc phòng sẽ cho phép quân đội Mỹ quyền tạm thời được ra vào các căn cứ quân sự có chọn lọc ở Philippines, cũng như cho phép người Mỹ bố trí chiến đấu cơ và tàu thuyền tại đây.
Hiệp ước này dự kiến sẽ được ký vào ngày 28.4, ngay trước khi Tổng thống Mỹ Barack Obama đặt chân đến Philippines, nguồn tin giấu tên của AP tiết lộ.
Philippines là chặn dừng chân cuối cùng trong chuyến công du 4 nước châu Á của ông Obama. Trước đó, ông Obama đã đến Nhật, Hàn Quốc và Malaysia.
Ngoài ra, tài liệu mật từ phía chính phủ Philippines mà AP tiếp cận được không đề cập đến chi tiết sẽ có bao nhiêu binh sĩ Mỹ được tăng cường sang Philippines, nhưng có quy định rằng số lượng sẽ tùy thuộc vào quy mô của các hoạt động phối hợp quân sự diễn ra ở các căn cứ tại Philippines.
Được biết, kể từ năm 2002, đã có hàng trăm binh lính Mỹ được điều động sang khu vực miền nam Philippines để hỗ trợ công tác huấn luyện chống khủng bố và đóng vai trò như cố vấn cho quân đội Philippines.
Hiến pháp Philippines cấm Mỹ đồn trú vĩnh viễn tại đảo quốc này. Theo thỏa thuận sắp được 2 phía ký kết, một chỉ huy Philippines sẽ được phép ra vào toàn bộ các khu vực mà Manila chia sẻ với lực lượng Mỹ, AP dẫn tài liệu mật cho hay.
Vào năm 2013, chính bất đồng về quy định cho phép một chỉ huy Philippines ra vào các khu vực quân đội Mỹ đồn trú bên trong các căn cứ địa phương đã cản trở quá trình đàm phán về thỏa thuận hợp tác quân sự của 2 nước.
Hiệp ước sắp được ký kết được cho là sẽ giúp thắt chặt hơn quan hệ hợp tác giữa quân đội 2 nước Mỹ và Philippines, cũng như sẽ giúp tăng cường năng lực phòng thủ và cứu hộ thiên tai của Manila, AP nhận định.
Được biết, hiện Trung Quốc và Philippines đang có tranh chấp chủ quyền tại bãi cạn Scarborough ở biển Đông, nơi được đánh giá là một ngư trường màu mỡ ở phía tây bắc Philippines.
Theo TNO
TQ và nhiều nước ký hiệp ước tránh xung đột Trung Quốc, Mỹ, Nhật và hơn chục quốc gia châu Á Thái Bình Dương khác đã ký một thỏa thuận hải quân nhằm đảm bảo truyền thông sai lệch giữa các tàu trên biển không leo thang thành xung đột. Bộ luật cho những cuộc chạm trán bất ngờ trên biển, đã được các bên nhất trí hôm 22/4 tại thành phố cảng...