Bát canh phu thê
Không chỉ tồn tại trong kho tàng ca dao, râu tôm nấu với ruột bầu còn là một món ăn dân dã và hết sức quen thuộc trong bữa cơm của người nông dân.
Thời buổi khó khăn về kinh tế đó đã xa rồi, người ta không ăn món canh này do thiếu thốn về kinh tế mà vì thèm thuồng hương vị ngọt lịm rất đặc trưng riêng có ở bát canh bầu nấu râu tôm. Giờ đây, cuộc sống no đủ, bát canh bầu cũng được “cải tiến” ngày càng ngon miệng hơn. Thay vì nấu râu tôm và ruột bầu, người ta nấu bằng những con tôm tươi ngon và những quả bầu non đang lớn.
Chẳng phải ngẫu nhiên mà người ta lại lấy món canh này ra để chỉ sự đồng thuận và sắt son của tình nghĩa vợ chồng, đây không chỉ đơn thuần là hình ảnh một bát canh đạm bạc trong thời buổi “khốn khó” mà còn bởi sự “phối hợp” giữa hai nguyên liệu tôm và bầu hài hoà hơn mọi nguyên liệu quý hiếm khác. Nó dân dã, thanh sơ như tâm hồn người nông dân nhưng lại tạo nên một sự đồng điệu, ngọt ngào khó phai như tình cảm vợ chồng vậy.
Đã nấu canh bầu thì phải nấu với tôm mới đúng điệu, bầu khi kết hợp với tôm mới cho ra một bát canh ngọt lừ không gì sánh bằng. Mà không phải là những con tôm sú to đắt tiền là ngon đâu, phải là những con tôm tươi đỏ thịt nhỏ như đầu đũa mới ngon ngọt. Tôm to thì khó chứ tôm nhỏ còn tươi nhảy tanh tách trong rổ thì chợ quê hay chợ phố cũng đều bán cả. Chỉ một mớ tôm và nửa quả bầu là đủ để có một nồi canh to đãi cả nhà.
Cách nấu món canh này cũng đơn giản như các loại canh rau thanh đạm khác. Tôm rửa sạch, vớt ra rổ chờ ráo nước. Chọn những trái bầu non, chưa kết hạt trong ruột, lúc này bầu mới giữ được độ tươi, ngọt và không bị xơ. Gọt vỏ xanh bên ngoài, thịt bầu tận dụng hết để nấu. Bầu được cắt khoanh tròn dài bằng ngón tay, nhưng không để từng miếng to như khi người ta nấu bí với sườn non mà tiếp tục xắt dọc thành sợi dày bản hơn bánh phở.
Bắc nồi nước lên bếp đến khi sôi sùng sục thì cho bầu vào, bầu vừa chín tới thì cho tôm vào, nhanh tay nêm nếm cho vừa miệng thì bắc xuống. Rắc mùi tàu, hành lá và ít hạt tiêu vào nồi đảo đều lên.
Canh bầu nấu tôm phải ăn nóng thì mới ngon, nấu lại không mất thời gian nên món này cứ chờ cả nhà về đông đủ, ngồi xuống mâm bắt đầu ăn thì các bà các mẹ nhanh tay nấu bê ra là vừa. Cầm bát canh nóng hổi trên tay nhưng nhìn những miếng bầu xanh non như ngọc xen lẫn những con tôm nhỏ xíu đỏ tươi màu mà thấy người sảng khoái, mọi mệt mỏi bỗng dưng không còn. Ăn bát canh bầu nấu tôm trong những ngày hè ngột ngạt này thì hợp nhất.
Thịt tôm ngọt lừ, trái bầu non vừa ngọt lại thơm thơm. Không gì có thể kết hợp hài hoà hơn thế, hai hương vị ngọt ngào, dân dã hoà lẫn trong bát canh như sự đồng điệu của hai tâm hồn yêu thương, gắn bó với nhau.
Những con tôm nhảy tanh tách hoà nhịp cùng những trái bầu lúc lỉu đang lớn ngoài sân dã tạo nên món canh chứa chan tình nghĩa phu thê, trở thành nét văn hoá ẩm thực bình dị trong đời sống người dân Việt: “Ầu ơ… râu tôm nấu với ruột bầu… chồng chan, vợ húp gật đầu khen ngon”…
Theo Tạp Chí Ẩm Thực