Bắt cán bộ trong sai phạm ông Thản : Liên quan thế nào?
Chủ tịch UBND P.Kiến Hưng và 2 cựu cán bộ thanh tra Q.Hà Đông bị bắt giam vì liên quan đến sai phạm của ông Lê Thanh Thản.
Ngày 7/8/2019, nhiều tờ báo trong nước thông tin, Công an TP. Hà Nội đã có quyết định khởi tố, bắt tạm giam ông Nguyễn Duy Uyển (54 tuổi), Chủ tịch UBND P. Kiến Hưng, Q. Hà Đông cùng hai cựu cán bộ thanh tra xây dựng Q. Hà Đông vì liên quan đến những sai phạm của ông Lê Thanh Thản – Chủ tịch Tập đoàn Mường Thanh.
Được biết, dự án Tổ hợp chung cư cao cấp và thương mại Bemes do doanh nghiệp của ông Thản làm chủ đầu tư được xây dựng tại P. Kiến Hưng, Q. Hà Động đã có nhiều sai phạm trong việc thay đổi thiết kế, vượt quá số tầng quy định trong giấy phép được cấp. Điều đó dẫn tới việc hàng trăm căn hộ bị cấp sổ đỏ sai.
Trao đổi với Đất Việt, nhiều chuyên gia trong lĩnh vực đất đai cho biết, trong một dự án xây dựng, trách nhiệm của cán bộ cấp xã, phường là giám sát quá trình xây dựng, được kiểm tra thủ tục pháp lý của dự án đang trong quá trình xây dựng từ đó có thể ra quyết định xử phạt, tạm đình chỉ dự án và tham mưu cho cấp trên có phương hướng xử lý khi phát hiện ra sai phạm trật tự xây dựng trên địa bàn.
Chung cư Bemes, P. Kiến Hưng, Q. Hà Đông, TP. Hà Nội do doanh nghiệp của ông Lê Thanh Thản làm chủ đầu tư có nhiều sai phạm.
Ngoài ra, cơ quan cấp xã – phường còn có trách nhiệm xác nhận hồ sơ, giấy tờ, thủ tục để trình cơ quan cấp quận và Thành phố tiến hành cấp sổ đỏ cho những khu đất, thừa đất, căn hộ có đủ điều kiện.
“Từ việc đối tượng bị bắt giam có thể thấy rõ được mức độ vi phạm của đối tượng này liên quan đến sự việc như thế nào.
Có thể, ông Uyển và hai cựu cán bộ thanh tra xây dựng Q. Hà Đông bị điều tra về tội thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng hoặc đồng phạm với ông Thản để lừa dối người dân, khách hàng” – luật sư Trần Xuân Bách, Đoàn Luật sư TP. Hà Nội nhận định.
Theo ông Bách, đối với bị can Nguyễn Duy Uyển với tư cách là Chủ tịch UBND P. Kiến Hưng nếu không chỉ đạo cấp dưới trong việc kiểm tra, giám sát trật tự xây dựng trên địa bàn và khi làm thủ tục đề xuất cấp trên cấp sổ đỏ mà không có sự kiểm tra, giám sát chặt mà “ký bừa” thì có thể có dấu hiệu thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng.
Tuy nhiên, nếu như ông Uyển biết rõ những sai phạm của ông Thản tại chung cư Bemes nhưng vẫn “nhắm mắt” cho qua, làm các thủ tục khác thì tính chất vi phạm đã thay đổi, không phải là thiếu trách nhiệm nữa mà là cố tình vi phạm, có vai trò như đồng phạm trong vụ việc, tiếp tay cho sai phạm xảy ra, đẩy sự việc đi nghiêm trọng hơn.
Đối với 2 cựu cán bộ thanh tra Q. Hà Đông cũng tương tự. Tuy nhiên, có một vấn đề được luật sư Trần Xuân Bách đặt ra là có hay không việc 3 bị can mới bị bắt liên quan đến hướng điều tra mới của vụ việc về việc nhận hối lộ?
“Nếu các cựu cán bộ biết rõ sai phạm mà vẫn cho qua thì không thể vì vô tư, vì nể nang mà chắc chắn có yếu tố vụ lợi đằng sau mà ở đây nói thẳng ra là việc đưa nhận tiền hay vật chất có giá trị. Nếu như thế thì tính chất phạm tội sẽ rẽ sang một hướng khác, các bị can cũng sẽ bị khởi tố với tội danh khác nhau” – ông Bách nhận định.
Vân Ngọc
Theo baodatviet
Sai phạm 'động trời' tại Mường Thanh: Xử lý sai phạm của doanh nghiệp, vậy cán bộ tiếp tay trong sạch hết à?
Lực lượng thanh tra xây dựng, quản lý đô thị và chính quyền sở tại đã ở đâu trước những sai phạm động trời ở các dự án của Tập đoàn Mường Thanh?
Ông Lê Thanh Thản - đại gia trong lĩnh vực bất động sản - Chủ tịch Tập đoàn Mường Thanh vừa bị khởi tố bị can. Ông Thản bị khởi tố do liên quan đến những sai phạm lớn xảy ra tại một số dự án chung cư do Tập đoàn Mường Thanh làm chủ đầu tư.
Xung quanh việc này, dư luận đặt câu hỏi trách nhiệm của các cơ quan quản lý hành chính nhà nước ở đâu khi để doanh nghiệp sai phạm tràn lan, nghiêm trọng, trong thời gian dài như vậy?
Đại biểu Quốc hội Lưu Bình Nhưỡng.
Ngày 11/7, trả lời VTC News về vấn đề này, ông Lưu Bình Nhưỡng - Phó trưởng Ban Dân nguyện của Ủy ban Thường vụ Quốc hội đánh giá dư luận đặt vấn đề như thế là đúng.
Ông Nhưỡng phân tích: "Một pháp nhân làm những việc vi phạm rất lớn, rất rõ ràng, giữa thanh thiên bạch nhật, kéo dài qua nhiều ngày chứ không phải là cái kim trong bị mà bảo không phát hiện ra?
Tôi nghe người dân phản ánh, trổ một cái cửa, mở một cái lối đi là có thanh tra xây dựng đến hỏi. Vậy ông Thản xây cả đô thị mà không phát hiện sai phạm, thế quản lý nhà nước ở đây là gì?"
Vậy ông Thản xây cả đô thị mà không phát hiện sai phạm, thế quản lý nhà nước ở đây là gì?Ông Lưu Bình Nhưỡng
Phó trưởng Ban Dân nguyện của Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho rằng người đứng đầu quản lý hành chính nhà nước ở địa phương nơi có dự án phải chịu trách nhiệm về sai phạm đó.
"Từ đơn vị cấp phép, thanh tra xây dựng, chính quyền từ cấp phường, xã, trị trấn đến quận, huyện, thành phố... đều có trách nhiệm.
Trường hợp chủ đầu tư sai, cơ quan quản lý hành chính nhà nước nghiêm minh trong hoạt động chấp pháp, kiên quyết không thỏa hiệp thì sao họ hoàn thiện công trình được", đại biểu Quốc hội Lưu Bình Nhưỡng nói.
Cũng theo ông Nhưỡng, trong những vụ việc thế này phải làm rõ trách nhiệm của cán bộ quản lý, xử lý trường hợp vi phạm đến nơi đến chốn.
"Mình phải xử lý cán bộ sai phạm của mình trước. Mình xử lý sai phạm của doanh nghiệp, của dân vậy cán bộ trong sạch hết à? Vẩn đục chỉ ở phía người dân thôi à?", ông Nhưỡng đặt nghi vấn.
Bên cạnh đó, đại biểu Quốc hội tỉnh Bến Tre cũng đề nghị xử lý cả những chủ đầu tư khác có vi phạm tương tự để đảm bảo tính công bằng của pháp luật.
Dư luận cho rằng phải xử lý trách nhiệm của cơ quan quản lý nhà nước trên địa bàn nơi xảy ra sai phạm.
Cùng quan điểm, luật sư Nguyễn Anh Tuấn - Đoàn Luật sư TP. Hà Nội nhìn nhận sai phạm của ông Lê Thanh Thản có "bóng dáng" của các cơ quan quản lý nhà nước trên địa bàn.
"Vi phạm của ông Thản có vai trò của cơ quan quản lý hành chính nhà nước, các lực lượng thanh tra xây dựng, UBND các quận, huyện, thậm chí cả UBND TP.Hà Nội vì đã buông lỏng quản lý, dẫn đến sai phạm của chủ đầu tư trong quá trình triển khai dự án", luật sư Nguyễn Anh Tuấn nói.
Ông Tuấn cho rằng, nếu các cơ quan quản lý nhà nước làm đúng các quy định pháp luật, kiên quyết xử lý sai phạm từ khi bắt đầu thì chủ đầu tư sẽ không có cơ hội thực hiện hành vi vi phạm.
Tương tự, luật sư Trần Đình Triển - Đoàn Luật sư TP.Hà Nội cho rằng một dự án đầu tư xây dựng về nhà ở qua nhiều khâu. Trong quá trình thực hiện lại chịu giám sát của nhiều cơ quan quản lý hành chính nhà nước. Do đó, rất khó để chủ đầu tư có thể thực hiện trót lọt các hành vi vi phạm.
"Nếu cho rằng ông Thản có vi phạm, vậy trách nhiệm của cơ quan quản lý nhà nước ở đâu? Hồ sơ pháp lý dự án đã quy định cho phép người ta xây bao nhiêu căn nhà, mỗi căn bao nhiêu tầng hầm, bao nhiêu tầng thương mại, độ cao bao nhiêu... Nếu họ thực hiện không đúng thì thanh tra ở đâu sao thời gian dài không phát hiện vi phạm? Trong quá trình họ xây dựng lại không có ý kiến gì?", ông Triển nói.
Đồng quan điểm với đại biểu Lưu Bình Nhưỡng, luật sư Trần Đình Triển cho rằng cần phải xử lý những chủ đầu tư khác có vi phạm tương tự.
"Tại sai nhiều dự án khác cũng có sai phạm tương tự lại không bị xử lý. Thậm chí nhiều doanh nghiệp kinh doanh bất động sản huy động vốn của dân dưới dạng góp vốn nhưng bao lâu nay rồi có nhà đâu?", luật sư Trần Đình Triển nói thêm.
Video: "Đại gia điếu cày" Lê Thanh Thản sẽ có thể đối diện mức án nào?
Hàng ngàn căn hộ xây... vượt phép
Theo kết luận của Thanh tra TP.Hà Nội, các dự án do Tập đoàn Mường Thanh của ông Lê Thanh Thản đầu tư đều vi phạm nghiêm trọng pháp luật, xây vượt nhiều lần so với quy hoạch.
Cụ thể, tại khu bán đảo Linh Đàm, dự án VP3 Linh Đàm tăng chiều cao từ 29 lên 32 tầng, giảm 1 tầng hầm và 2 tầng kỹ thuật, tăng diện tích khối đế từ 1.402 m2 lên 1.673 m2 (tăng 271 m2), xây tăng diện tích khối tháp từ 1.125 m2 lên 1.583 m2 (tăng 458 m2).
Dự án VP5 Linh Đàm cũng tăng chiều cao từ 29 tầng lên 33 tầng, giảm 1 tầng hầm, tăng diện tích xây dựng từ 1.402 m2 lên 2.413,7 m2 (tăng 1.0122,7 m2), thay đổi công năng sử dụng từ tầng 2 đến tầng 5, xây tăng số lượng căn hộ từ 216 lên 805 căn.
Dự án VP6 Linh Đàm được phê duyệt 138 căn nhưng xây dựng thành 840 căn.
Tại Dự án chung cư CT6 tại phường Kiến Hưng (Hà Đông) quy hoạch thiết kế được duyệt, dự án có hai tòa chung cư gồm CT6A và CT6B, với tổng số căn hộ được duyệt là 936 căn hộ chung cư cao tầng và 34 nhà thấp tầng, biệt thự liền kề.
Tuy nhiên, qua rà soát, kiểm tra thực tế, cơ quan chức năng phát hiện chủ đầu tư đã xây thêm tòa CT6C, nâng tổng số căn chung cư không phép là 654 và 4 căn biệt thự liền kề, nhà thấp tầng.
Tại Dự án CT5 Tân Triều cũng xây vượt từ 492 lên 846 căn hộ, vượt 354 căn; CT6 Kiến Hưng tăng diện tích thêm hàng ngàn mét, khối nhà cao tầng xây từ 231 căn hộ lên 1.602 căn, vượt 1.371 căn so với quy hoạch...
H.BÌNH
Theo VTC
Vì sao 'đại gia điếu cày' Lê Thanh Thản bị khởi tố nhưng vẫn được tại ngoại? Luật sư phân tích nguyên nhân ông Lê Thanh Thản, Chủ tịch tập đoàn Mường Thanh bị khởi tố nhưng vẫn được tại ngoại. Sáng 9/7, Cơ quan CSĐT Công an thành phố Hà Nội, dưới sự giám sát của VKSND thành phố Hà Nội khám xét và thu giữ nhiều tài liệu tại trụ sở công ty Mường Thanh tại bán đảo...