Bắt bệnh ô tô thông qua tiếng kêu
Những âm thanh bất thường phát ra từ ô tô đều là sự cảnh báo hỏng hóc của bất kì bộ phận nào đó trên xe của bạn. Trong quá trình khởi động hay lái xe, nếu bạn nghe thấy bất kì tiếng động lạ nào do xe của bạn phát ra, hãy cảnh giác vì đó là dấu hiệu bất ổn của các bộ phận xe.
Bài viết dưới đây sẽ giúp bạn “bắt bệnh” ô tô thông qua tiếng kêu để có biện pháp xử lý kịp thời.
Nguyên nhân khiến ô tô xuất hiện tiếng ồn lạ khi đang lái xe:
Nếu ô tô của bạn phát ra tiếng kêu bất thường khi bạn đang lái xe, hãy cân nhắc kiểm tra các bộ phận xe sau đây.
Khi lái chậm hoặc phanh gấp:
- Phanh: Tiếng rít của kim loại mà bạn nghe thấy khi lái xe với tốc độ chậm hay phanh gấp có thể là kết quả của việc lắp đĩa phanh không chuẩn, tình trạng bị mòn của đĩa phanh hay má phanh bám bụi… Hãy cân nhắc kiểm tra lại toàn bộ hệ thống phanh trên xe của bạn, bao gồm cả bộ kẹp để đảm bảo an toàn.
- Hệ thống treo: Hệ thống treo của bạn được cấu tạo từ nhiều bộ phận khác nhau, bao gồm lò xo, bộ giảm xóc, thanh giằng, vòng đệm, khớp cầu và khớp nối vạn năng. Nếu không được bôi trơn bằng loại dầu thích hợp, những bộ phận này có thể bị khô và dễ bị hư hỏng do ma sát giữa kim loại, từ đó chuyển thành tiếng rít khi bạn lái xe.
Kiểm tra phanh khi nghe thấy tiếng rít của kim loại trên xe (Ảnh: Cars)
Khi khởi động hoặc tăng tốc xe:
- Các loại dây đai trên ô tô: Tiếng rít lớn phát ra từ ô tô giống hiện tượng cao su trượt trên ròng rọc cũng có thể là kết quả của sự lỏng lẻo hoặc bị mòn của dây đai quạt, đai truyền động, dây đai cam…
Tiếng kêu từ ô tô có thể bắt nguồn từ các loại dây đai (Ảnh: My Car Makes Noise)
Nguyên nhân khiến ô tô xuất hiện tiếng ồn lạ khi đánh lái
Video đang HOT
Dưới đây là những động cơ tiềm ẩn nguy cơ hư hỏng nếu ô tô của bạn phát ra âm thanh bất thường khi đánh lái.
- Hệ thống lái: Nếu có tiếng rít phát ra từ phía trước xe khi đang quay đầu thì đó có thể là dấu hiệu cho thấy chất lỏng trợ lực lái trong xe hiện sắp cạn kiệt hoặc bị nhiễm bẩn.
- Thiết kế nội thất: Trên thực tế, thiết kế nội thất trong xe cũng có thể gây ra âm thanh lạ. Nhiệt độ cao có thể khiến kim loại và các vật liệu khác nở ra, từ đó làm khít các khe hở và gây ra tiếng kêu khi các bộ phận cọ xát vào nhau.
- Hệ thống treo: Nếu xe của bạn có tiếng kêu “cót két” khi đang quay đầu thì nguyên nhân có thể là do khớp nối đồng tốc trong hệ thống treo đã xuống cấp vì hao mòn hoặc thiếu chất bôi trơn.
- Lốp xe: Với tiếng kêu phát ra từ lốp xe khi bạn đánh lái, hãy kiểm tra độ căn chỉnh của bánh xe, độ mòn và căng của lốp để tìm ra cách khắc phục sớm nhất có thể, không chỉ tiết kiệm chi phí sửa chữa mà còn đảm bảo an toàn khi lái.
Âm thanh lạ của ô tô báo hiệu vấn đề của hệ thống lái trên xe (Ảnh: Car From Japan)
Xe điện có gì khác biệt so với ôtô truyền thống?
Trong vài năm gần đây, phân khúc xe điện đã nóng dần lên với việc các hãng xe liên tục ra mắt sản phẩm mới. Ngành công nghiệp ôtô đang trở nên sôi động trong những năm gần đây với sự xuất hiện của nhiều mẫu xe điện.
Xe điện đang dần trở thành xu hướng và có thể thay thế hoàn toàn ôtô truyền thống trong tương lai. Vậy xe điện và xe sử dụng động cơ đốt trong có điểm gì giống và khác nhau.
Giống nhau về thiết kế cơ bản
Xe sử dụng động cơ đốt trong và xe điện đều có chung những thành phần như vỏ xe, hệ thống phanh, hệ thống lái, hệ thống treo (giảm chấn), hệ thống khung gầm, hệ thống điện, hệ thống điều hòa, các tính năng giải trí và an toàn...
Ở phần thiết kế tổng thể, có lẽ sẽ khó phân biệt được xe điện với ôtô truyền thống, nếu như không dựa vào thiết kế lưới tản nhiệt, ống xả hay các kí hiệu trên xe.
Khác nhau ở hệ truyền động và nhiên liệu
Sự khác nhau lớn nhất giữa xe điện và xe sử dụng động cơ đốt trong là phần hệ thống động cơ: ôtô truyền thống sử dụng động cơ đốt trong, hoặc xe lai (Hybrid) sử dụng động cơ đốt trong kết hợp động cơ điện, nhưng trên xe điện thì chỉ sử dụng duy nhất động cơ điện.
Ưu điểm của động cơ điện là vận hành êm ái, có thể cung cấp mô-men xoắn lớn ngay ở vòng tua máy thấp, dải vòng tua máy rộng, có thể lên đến 20.000 vòng/phút.
Porsche Taycan - mẫu xe hạng sang thuần điện đã được bán chính hãng tại Việt Nam.
Để truyền công suất từ động cơ đến các bánh xe, cần có hệ thống truyền động. Xe điện có hệ thống truyền động rất đơn giản, không cần có hộp số, hộp gài cầu, hay trục các đăng...trong khi đó các thành phần trên là trang bị phải có trên xe sử dụng động cơ đốt trong.
Xe điện đã có thể bỏ hẳn đi các hệ thống trên nên sẽ có không gian nội thất rộng rãi hơn. Các nhà sản xuất có thể bố trí thêm rất nhiều tiện nghi bên trong xe như ghế mát-xa, hộc để đồ, hệ thống âm thanh... do có nhiều vị trí lắp đặt thiết bị.
Cabin của một chiếc Porsche Taycan.
Ôtô vận hành được cần phải có nhiên liệu. Động cơ trên xe điện (EV) được cung cấp năng lượng bởi các hệ thống pin, sử dụng công nghệ pin lithium-ion, vốn là loại pin có thể sạc đi sạc lại nhiều lần.
Trong khi ôtô truyền thống sử dụng nhiên liệu hóa thạch (xăng, dầu diesel) đang dần cạn kiệt, xu hướng tất yếu là ứng dụng công nghệ năng lượng tái tạo và thân thiện môi trường để thay thế.
Xe sử dụng động cơ đốt trong có nhiều công đoạn bảo dưỡng hơn.
Bảo dưỡng cũng chính là điểm khác biệt giữa xe điện và ôtô truyền thống. Trên ôtô truyền thống, việc bảo dưỡng phải được thực hiện thường xuyên sau ít nhất là 5.000 km với các công việc phải làm là thay dầu động cơ, thay lọc dầu, lọc gió, kiểm tra nước làm mát, kiểm tra rò rỉ dầu, rò rỉ nước làm mát...
Các công việc trên hoàn toàn không xuất hiện trong danh mục bảo dưỡng của xe điện. Ngoài ra, bảo dưỡng các hệ thống khác như phanh, hệ thống lái, hệ thống điều hòa, hệ thống treo,... là những hạng mục bảo dưỡng chung cho cả hai loại xe này.
Ưu điểm và nhược điểm
Xe điện có ưu điểm là kết cấu đơn giản, không gian trong xe rộng rãi hơn, động cơ điện hoạt động êm ái, thân thiện môi trường hơn do hoạt động không có khí thải, việc bảo dưỡng cũng đơn giản và chi phí thấp. Nhược điểm là thời gian sạc pin lớn hơn nhiều lần so với tiếp nhiên liệu, chi phí thay thế pin cũng lớn.
Sở hữu nhiều ưu điểm, xe điện sẽ trở thành xu thế tất yếu trong tương lai.
Ưu điểm lớn nhất của xe sử dụng động cơ đốt trong là có mạng lưới nhà máy sản xuất rộng khắp, việc thay thế phụ tùng đơn giản, việc tiếp nhiên liệu cũng dễ dàng và quãng đường di chuyển được lớn sau mỗi lần đổ đầy nhiên liệu.
Bên cạnh đó, phải kể đến những nhược điểm là phải bảo dưỡng phải thường xuyên do kết cấu gồm rất nhiều thành phần phức tạp, khi động cơ hoạt động sinh ra phát thải gây ô nhiễm môi trường cũng là vấn đề nan giải đối với các nhà chức trách.
Xe sử dụng động cơ đốt trong sẽ bị khai tử trong tương lai.
Với những ưu điểm vượt trội của xe điện, các nhà sản xuất ôtô đang chạy đua về nghiên cứu sản xuất, liên tục cải tiến các công nghệ để có thể chế tạo chiếc xe điện với giá thành rẻ hơn, thời gian sạc nhanh hơn và quãng đường di chuyển được xa hơn.
Chính vì thế việc phổ biến xe điện là xu thế tất yếu trong tương lai do những ưu điểm vượt trội và nguồn năng lượng hóa thạch đang dần cạn kiệt.
Chuyên gia phân tích các lỗi khiến ô tô trượt kiểm định Nguyên nhân chiếm tỷ lệ cao nhất khiến phương tiện không đạt chuẩn kiểm định là do hệ thống phanh, khí thải, hệ thống lái, bánh xe... Theo số liệu từ Cục Đăng kiểm Việt Nam, trong 2 tháng đầu năm 2022, toàn quốc có hơn 681.200 xe ô tô vào đăng kiểm định kỳ tại các trung tâm đăng kiểm. Trong đó...