Bắt bệnh “nhí nhố” phim truyền hình Việt
Hàng loạt các phim truyền hình Việt trên sóng bị báo chí và các nhà phê bình chê lên, chê xuống với nhiều lý do khác nhau. Nhưng chính khán giả mới là những người đưa ra được lý do thỏa đáng nhất cho sự thất bại của phim Việt đó là ở lý tưởng sống của nhân vật.
Thời hoàng kim của phim Hàn và phim Trung Quốc đã không còn, tưởng rằng chỗ đứng ấy sẽ dần được thay thế bằng phim Việt. Nhưng đến thời điểm hiện nay tỉ lệ khán giả theo dõi phim truyền hình Việt Nam vẫn không hề tăng.
Làm một phép so sánh đơn giản về lượng khán giả giữa hai phim đang phát sóng là “ Lời thú nhận của Eva” – phim Việt với “Sự quyến rũ của người vợ” – phim Hàn ta có thể thấy được sự thất bại thảm hại của phim Việt như thế nào.
Dù rằng thời lượng phim Việt trên sóng đã chiếm đến 30% thậm chí hơn nhưng thời lượng không làm tăng chất lượng. Khán giả quay lưng lại với những bộ phim họ không thích và việc tìm đến một bộ phim khác để giải trí là điều đương nhiên.
Phim “Sự quyến rũ của người vợ” lại gây sốt
Một khán giả xem phim “Xin thề anh nói thật” nói rằng: “tôi xem mãi chẳng hiểu gì”. Khán giả Quỳnh Trang ở Hà Nội nhận xét rằng: “Nhân vật trong phim đa phần bị dập khuôn từ một hình mẫu nhân vật nổi tiếng nào đó của nước ngoài nên có cảm giác khô cứng, diễn xuất thì…dở tệ, nhân vật cứ ngu ngu, đần đần thiếu tính lý tưởng”.
Phim truyền hình Việt phát nhiều mà khán giả cứ thích xem phim ngoại hẳn không phải do tâm lý sính ngoại.
Phim Hàn sốt do đâu
Video đang HOT
Chính khán giả đã bắt bệnh phim Việt, phim dở là do nhân vật thiếu tính lý tưởng sống. Phải chăng các đạo diễn khi xây dựng nhân vật của mình đã không để ý đến vấn đề này, hay do diễn viên của ta diễn xuất quá kém đến nỗi không thể hiện nổi lý tưởng của nhân vật mình đảm nhiệm. Điều này chỉ có người trong cuộc mới biết được.
Nhân vật không được đầu tư trở nên “lố”
Trong khi đó, phim Hàn Quốc lại làm rất tốt vấn đề này. Họ xây dựng phim dựa trên cốt truyện đơn giản với một vài nhân vật, cảnh đẹp, diễn viên đẹp và hơn thế họ chăm chút cho lý tưởng của nhân vật đến nỗi “ai xem cũng hiểu”. “Phim luôn nhấn mạnh vào giá trị nhân văn cũng giống như người Việt: dạy người ta phải yêu mến gia đình, coi trọng người lớn tuổi, vươn lên trong cuộc sống và đấu tranh vì sự đúng đắn của tình yêu” – Huyền Linh, nữ sv trường ĐH Sân khấu điện ảnh.
“Trái tim mùa thu”, một phim trong sê ri phim truyền hình Hàn Quốc tạo nhiều cảm xúc cho khán giả.
Khi xem phim Hàn người xem có được những cảm xúc vui, buồn, bực tức… cùng với các nhân vật trong phim. Điều này rất lâu rồi không thấy ở phim Việt. Nhà phê bình điện ảnh Tô Hoàng bày tỏ trên báo chí rằng: khán giả đang bị “bội thực” phim kém chất lượng. Trước kia, để sản xuất một tập phim có độ dài dưới 60 phút, người ta phải mất tới vài ngày để diễn viên thuộc lời thoại và nắm được tinh thần của các trường đoạn, đồng thời để nhà quay phim có được những hình ảnh tốt nhất theo yêu cầu của đạo diễn. Nay thì một ngày cũng có thể hoàn thành một tập. Vì nhanh nên diễn viên không có thời gian để thuộc lời thoại, chưa nhập vai đã phải diễn trước ống kính thì lấy đâu ra cảm xúc. Với các diễn viên chuyên nghiệp, họ vẫn có thể làm “tròn vai” của mình theo yêu cầu của đạo diễn nhưng khi diễn viên là người mẫu, ca sỹ thì… thật khó nói.
Nói đi thì cũng phải nói lại. Câu chuyện sốt “kim chi” không phải là câu chuyện của riêng Việt Nam mà ngay cả các nền điện ảnh lân cận như: Nhật Bản, Trung Quốc, Đài Loan và Philippines cũng xếp hàng đầu trong bản danh sách mua phim của Hàn Quốc (theo như thông báo của ông Leng Raymundo, phó chủ tịch chương trình của kênh ABS-CBN, năm 2006).
Chê không có nghĩa là tẩy chay
Thực ra với khán giả ở ta, chỉ cần một bộ phim truyền hình dài tập có cốt truyện hay, nhân vật có sức hút, diễn viên diễn xuất tốt, trang phục và bối cảnh đẹp là đã đủ thuyết phục họ “chia” giờ với phim Hàn, phim Đài Loan… Những lời phê bình rầm rộ trên các diễn đàn là minh chứng cho sự quan tâm và tình yêu đối với phim Việt. Khán giả có thể không theo dõi từ đầu đến cuối nếu phim không hay nhưng mỗi khi nhà đài sắp tung phim mới lên sóng thì lại được rất đông khán giả quan tâm.
Những bộ phim từng được khán giả yêu mến trên sóng truyền hình phải kể đến như: Đất và người, Ma làng, Bí thư tỉnh ủy… Sự thành công của những phim này còn vượt xa cả mong đợi của đạo điễn và đoàn làm phim. Không phải chúng ta chỉ giỏi khai thác những đề tài truyền thống, những vấn đề của 30 năm trước mà ở những phim này các nhân vật đều được xây dựng rất kỹ lưỡng, mỗi nhân vật đều có những đặc điểm riêng và lý tưởng sống rõ ràng. Đây là yếu tố vô cùng quan trọng để giờ vàng chiếm chọn trái tim khán giả.
Với đề tài tình yêu và tuổi trẻ, chúng ta từng chứng kiến sự thành công của đạo diễn Vũ Ngọc Đãng với phim Tuyết nhiệt đới một trong những bộ phim truyền hình được quan tâm nhiều nhất trong năm 2006. Phim hướng tới người xem số đông là sinh viên, công nhân viên chức, trí thức trẻ… và từng được gọi là phim “thần tượng” Việt.
Phim lịch sử được đầu tư công phu, bối cảnh thuần Việt
Hay gần đây nhất bộ phim Huyền sử thiên đô – một trong những phim lịch sử đầu tiên của Việt Nam. Dù rằng phim vẫn chưa thực sự suất sắc trong việc diễn xuất, lồng tiếng cũng như tạo bối cảnh. Tuy nhiên, khán giả cũng phần nào hài lòng vì giờ đây họ có thể xem phim về lịch sử của nước mình thay vì suốt ngày phải xem lịch sử của nước bạn.
Khó có chuyên gia hay máy móc nào có thể định hướng thị hiếu khán giả được. Đặc biệt, khán giả bây giờ đều là những người có trình độ và học vấn cao, họ là những khán giả khôn ngoan. Muốn phim Việt được ưa chuộng, các đạo diễn cần phải có những khoảng dừng để xem khán giả đang muốn gì, thích gì.
Theo Bưu Điện Việt Nam
Huyền sử thiên đô phá tan nghi hoặc "Thảm hoạ" Phim giờ vàng
Với Huyền sử Thiên Đô cho thấy Việt Nam hoàn toàn có thể thực hiện được những bộ phim lịch sử hay, hấp dẫn ...
Trước thời điểm Huyền sử thiên đô (kịch bản Nguyễn Mạnh Tuấn, đạo diễn NSƯT Đặng Tất Bình - NSƯT Phạm Thanh Phong, Công ty World Star sản xuất) phát sóng, không ít người nghi ngại bộ phim lịch sử cuối cùng trong loạt phim mừng 1.000 năm Thăng Long - Hà Nội cũng sẽ là sự mờ nhạt, như những phim đã ra mắt trước đó. Tuy nhiên, Huyền sử thiên đô (đang phát sóng lúc 21 giờ ngày thứ năm và thứ sáu hằng tuần trên VTV3) nhận được phản hồi tích cực của khán giả trên các diễn đàn điện ảnh, lịch sử, YouTube, mạng xã hội Facebook... Điều đó cho thấy rằng dù phim chưa thật sự hoàn hảo như mong muốn nhưng đã phần nào làm thỏa cơn khát cho khán giả.
Phim mở đầu bằng sự kiện Lý Công Uẩn (diễn viên Công Dũng) đi dẹp loạn trong những cuộc tranh giành quyền lực của các thân vương. Cũng từ cuộc giao tranh này mà Lý Công Uẩn gặp nữ tướng Giáng Bình (Bebe Phạm) - nhân vật hư cấu, con gái của công thần tiền triều Đinh Đỗ Hoàn - cũng là bắt đầu cho mối tình kéo dài về sau giữa vị tướng họ Lý và con gái của người được xem là kẻ thù triều Lê.
Bên cạnh những khốc liệt trên chiến trường thì những ganh ghét, tranh đua giành giật quyền lực, địa vị đằng sau hậu cung cũng quyết liệt không kém. Nhà biên kịch Nguyễn Mạnh Tuấn có cách kể chuyện hấp dẫn, thông minh với nhiều tình tiết thắt mở đầy kịch tính cho những chuỗi sự kiện, biến cố liên hoàn, vừa là sợi dây xuyên suốt bộ phim vừa lột tả được tính cách của từng nhân vật.
Không chỉ khắc họa hình ảnh Lý Công Uẩn là một vị tướng tài, cương trực, dũng cảm, kịch bản cũng khai thác sâu vào đời sống tình cảm của vị vua triều Lý. Ở những tập đầu, hình ảnh Lý Công Uẩn còn mờ nhạt nhưng dần dần, diễn viên Công Dũng đã tạo cho nhân vật một dung mạo riêng. Được khen nhiều nhất phải kể đến diễn viên Trung Dũng với vai bạo chúa Lê Long Đĩnh.
Vốn tạo ấn tượng lâu nay với dạng vai anh hùng, cương trực nhưng với vai Lê Long Đĩnh, có thể nói Trung Dũng đã lột tả tính cách của nhân vật, sắc sảo từ ánh mắt đến cái cười thâm độc, từ những cử chỉ tưởng chừng nhỏ nhặt nhưng đủ bộc lộ bản chất khát máu, tàn bạo. Bên cạnh đó, NSƯT Hà Xuyên với vai Minh Đạo hoàng hậu, Giáng My (Phụng Càn hoàng hậu), Bebe Phạm (Giáng Bình), Thu Quỳnh (công chúa Cúc Phương), NSND Trọng Khôi (Lê Thái Như), NSƯT Trần Nhượng (Lê Thoán), NSƯT Trần Tường (thiền sư Vạn Hạnh), Duy Thanh (Lê Hoàn), Viết Liên (Đinh Đỗ Hoàn)... cũng đã nhập vai tốt cùng các nhân vật của mình.
Tất nhiên, khó đòi hỏi Huyền sử thiên đô có những cảnh hoành tráng như phim lịch sử Trung Quốc nhưng nỗ lực hết mình của nhà làm phim cho những đại cảnh, võ thuật (được chỉ đạo bởi NSƯT Trần Hùng) cũng làm hài lòng khán giả. Nhiều bối cảnh đẹp, hùng vĩ với những góc máy trau chuốt được đoàn phim ghi hình trong suốt 9 tháng ròng rã khắp miền Bắc đã mang đến cho phim những khung hình đủ gây ấn tượng.
Có thể nói, sau gần 2 năm nghiên cứu, chuẩn bị bối cảnh, trang phục..., các nhà làm phim đã tạo dựng được cho Huyền sử Thiên Đô không gian lịch sử "thuần Việt", các nhân vật thuyết phục, đủ để khán giả hòa mình vào câu chuyện lịch sử với những biến cố và hành trình của các nhân vật chứ không phải là sự xây dựng gượng ép, hời hợt.
Một khán giả trên YouTube cho rằng xem Huyền sử thiên đô mới thấy Việt Nam hoàn toàn có thể thực hiện được những bộ phim lịch sử hay, hấp dẫn. Quả vậy, phim lịch sử Việt vốn dĩ hiếm hoi vì tâm lý ngán ngại của các nhà sản xuất. Nhưng vấn đề nằm ở yếu tố con người. Nếu thực hiện bằng tất cả tâm huyết, trách nhiệm và bản lĩnh thì hoàn toàn chúng ta vẫn có thể có được những tác phẩm hay.
Theo VN Express
Liều thuốc nào cho phim truyền hình Việt? Phim truyền hình Việt hiện nay giống như một cơ thể ốm yếu, biết nguyên nhân gây bệnh nhưng lại khó tìm ra thuốc để chữa tận gốc. Vì đâu nên nỗi? Nhiều phim nhưng lại có quá ít phim hay. Diễn viên nhiều nhưng toàn dân tay ngang. Kịch bản yếu. Diễn xuất nhạt. Số tập phim ra lò mỗi năm tăng...