Bất an lấn chiếm hành lang an toàn đường sắt
Thêm một vụ tai nạn giao thông nghiêm trọng xảy ra lúc 4 giờ sáng 5-11 giữa tàu hỏa và xe container tại km 1706 928 (đoạn giao cắt với đường Lý Thường Kiệt, phường Dĩ An, TP Dĩ An, tỉnh Bình Dương) khiến xe container đứt lìa phần đầu kéo, đầu tàu hỏa hư hỏng.
Vụ tai nạn thêm một hồi chuông cảnh báo tình trạng lấn chiếm hành lang an toàn đường sắt, tự mở lối đi, cố tình vượt qua rào chắn khi có tín hiệu dừng…
Người dân trồng rau trong khu vực an toàn đường sắt
Muôn kiểu lấn chiếm
Tuyến đường sắt đi qua khu phố 2, khu phố 3, phường Hiệp Bình Chánh (quận Thủ Đức, TPHCM), nhiều năm qua đã tồn tại nhiều căn nhà và công trình phụ trợ sát đường ray. Mặc dù chính quyền địa phương đã bố trí thông báo nghiêm cấm các hành vi lấn chiếm, chiếm dụng, xây dựng, căng lều bạt, kinh doanh, trồng cây, để vật tư, xả rác thải… trong khu vực hành lang an toàn đường sắt nhưng hầu như không có tác dụng. Khu vực đường Kha Vạn Cân (phường Hiệp Bình Chánh, quận Thủ Đức), hành lang đường sắt có dấu hiệu xuống cấp, gần đường ray còn nhiều rác thải vứt bừa bãi, đặc biệt là tình trạng tự ý mở lối đi riêng, băng ngang đường sắt, nguy cơ mất an toàn giao thông (ATGT) trầm trọng. Anh Nguyễn Hữu Hải, sống tại khu phố 2, phường Hiệp Bình Chánh bức xúc: “Trên địa bàn phường có đường ngang dân sinh không có gác chắn, vì vậy mỗi ngày khi phải băng ngang qua đường ray xe lửa, chúng tôi nơm nớp lo sợ. Có 3 căn nhà nằm trong phạm vi hành lang ATGT đường sắt án ngữ ngay giao lộ che khuất tầm nhìn người đi đường, một số hộ còn cơi nới, xây dựng kiên cố”.
Trong khi đó, tại nhiều khu vực, người dân đã tự ý cắt bỏ hàng rào hành lang an toàn. Dọc đường Mai Văn Ngọc, phường 10, quận Phú Nhuận, nằm cặp theo đường sắt, một số đoạn bị người dân phá bỏ hàng rào để trồng cây, nuôi gà, phơi phóng quần áo. Tương tự, nhiều đoạn hàng rào an toàn đường sắt đi qua khu vực phường 8, quận Phú Nhuận; đường Chiến Thắng, phường 1, quận Gò Vấp… cũng bị phá bỏ.
Quyết liệt chấn chỉnh
Theo thống kê của ngành chức năng, trên địa bàn TPHCM hiện có tổng cộng 24 đường ngang xe lửa; trong đó 20 đường ngang có nhân viên trực gác, 4 đường ngang tổ chức phòng vệ theo hình thức cảnh báo tự động hoặc cần chắn tự động. Tuy nhiên, nguy cơ tai nạn vẫn luôn chực chờ. Theo Ủy ban ATGT quốc gia, nguyên nhân gây tai nạn chủ yếu do người điều khiển phương tiện, người đi bộ, nằm, ngồi trên đường sắt và dọc 2 bên hành lang an toàn đường sắt chiếm 44%; tai nạn tại lối đi tự mở chiếm 40%.
Ông Võ Khánh Hưng, Phó Giám đốc Sở GTVT TPHCM khẳng định, các đơn vị phòng, ban chức năng chịu trách nhiệm kiểm tra, phát hiện các cá nhân, tổ chức có hành vi xâm hại đến kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ và đường sắt, tự ý mở lối đi trái phép cần phải xử lý nghiêm để giải quyết dứt điểm tình trạng trên. Nhằm chấn chỉnh tình trạng mất ATGT đường sắt, UBND TPHCM cũng vừa yêu cầu Công an TPHCM tăng cường kiểm tra, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm gây mất ATGT đường bộ, đường sắt tại các vị trí đường ngang, nhất là các hành vi che khuất tầm nhìn; dừng đậu xe tại những nơi giao cắt đường bộ – đường sắt, cố tình vượt qua đường khi đã có tín hiệu cảnh báo tàu đang đến, cần chắn đã hạ xuống. Để việc xử lý hiệu quả, Công an TPHCM cần đẩy mạnh phạt “nguội” qua camera tại các vị trí có đường sắt đi qua.
Việc tuyên truyền, giáo dục, xử phạt, cưỡng chế các công trình xây dựng trái phép gây mất an toàn cho hành lang đường sắt là hết sức cần thiết. Với thông điệp “Dừng lại quan sát trước khi qua đường ngang, vì an toàn của bản thân và xã hội”, trước hết, người dân phải tự ý thức khi tham gia giao thông. Cùng với đó, công tác quản lý, giám sát, điều tiết giao thông tại các địa bàn có nhiều điểm giao cắt với đường sắt phải được giám sát nghiêm túc. Hệ thống cảnh báo, đèn tín hiệu, thiết bị an toàn phải duy tu, bảo dưỡng định kỳ. Cán bộ làm nhiệm vụ cảnh giới, giám sát phải được tập huấn, bồi dưỡng nghiệp vụ thường xuyên.
UBND TPHCM yêu cầu từ nay đến hết ngày 31-12-2020, UBND các quận 3, Phú Nhuận, Bình Thạnh, Gò Vấp và Thủ Đức, nơi có tuyến đường sắt đi qua địa bàn, phải thực hiện kế hoạch công tác đảm bảo trật tự hành lang ATGT và xử lý dứt điểm các lối đi tự mở qua đường sắt. Giai đoạn 2021-2025, UBND TPHCM chỉ đạo các cơ quan, đơn vị xử lý các vị trí vi phạm hành lang ATGT đường sắt tiềm ẩn TNGT; kiểm tra và đảm bảo ATGT tại các vị trí đường ngang; đề xuất sớm triển khai tuyến đường sắt trên cao Bình Triệu – Hòa Hưng, nhằm giảm các điểm giao cắt giữa đường bộ và đường sắt đi qua khu vực trung tâm thành phố .
Bến xe, bãi đỗ xe phải có trạm sạc điện?
Bến xe, bãi đỗ xe phải có trạm sạc điện là một quy định trong dự thảo Luật Giao thông đường bộ (sửa đổi) vừa được Bộ GTVT trình Quốc hội cho ý kiến.
Ảnh minh họa
Theo Bộ GTVT, dự thảo Luật lần này có nhiều điểm khác biệt. Một trong số đó là khoản 2 Điều 45 quy định bến xe, bãi đỗ xe, trạm dừng nghỉ phải đầu tư xây dựng các trạm sạc điện cho phương tiện giao thông cơ giới sử dụng năng lượng điện. Quy định này nhằm gắn kết việc phát triển kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ với sự phát triển của phương tiện giao thông, khi xu thế phương tiện năng lượng điện đang dần lên ngôi.
Ngoài ra, dự luật còn quy định người lái ô tô đưa đón học sinh phải có hai năm kinh nghiệm lái xe kinh doanh vận tải hành khách. Khi đưa đón học sinh tiểu học và mầm non phải bố trí tối thiểu một người quản lý trên mỗi ô tô để hướng dẫn, giám sát, duy trì trật tự và đảm bảo an toàn cho học sinh trong suốt chuyến đi. Trường hợp sử dụng ô tô có sức chứa trên 24 chỗ để đưa đón học sinh mầm non, phải bố trí tối thiểu hai người quản lý trên mỗi xe.
Điều chỉnh đoạn tuyến Quốc lộ 15B đoạn qua khu di tích Ngã ba Đồng Lộc Thủ tướng đồng ý điều chỉnh đoạn tuyến đường địa phương thành đoạn tuyến Quốc lộ 15B và chuyển đoạn tuyến Quốc lộ 15B qua khu di tích lịch sử Ngã ba Đồng Lộc thành đường địa phương. Thủ tướng Chính phủ vừa có ý kiến về việc điều chỉnh Quốc lộ 15B đoạn qua khu di tích lịch sử Ngã ba Đồng...