Bắt 3 đối tượng sản xuất thẻ sinh viên giả tại Hà Nội
Ngày 6.8, Phòng CSHS – Công an TP.Hà Nội cho biết vừa bắt giữ 3 đối tượng “kinh doanh” thẻ sinh viên giả. 3 đối tượng này đều là sinh viên của một trường đại học trên địa bàn Hà Nội.
Trước đó, từ thông tin phản ánh “Choáng với thẻ sinh viên giả giá… bèo ở Hà Nội” do một số báo đăng tải về những “cò” rao bán thẻ sinh viên giả trên mạng internet với giá 200 nghìn đồng/thẻ, chỉ cần gửi ảnh và thông tin sau một ngày là nhận thẻ, chất lượng y như thật, qua đó, Đội Phòng ngừa đấu tranh chống tội phạm buôn bán người – Phòng CSHS – Công an Hà Nội đã vào cuộc điều tra làm rõ ổ nhóm tội phạm này.
Cụ thể, tại khu vực ngõ 210, đường Hoàng Quốc Việt, phường Cổ Nhuế 1, quận Bắc Từ Liêm, tổ công tác của đơn vị này đã bắt quả tang Nguyễn Thành Công, 21 tuổi, đang bán 6 thẻ sinh viên giả với giá 900 nghìn đồng cho Nguyễn Anh Vũ, 20 tuổi, cả hai đều là sinh viên Trường Đại học Điện lực.
Các đối tượng Tú, Vũ, Công.
Từ lời khai của hai đối tượng, cơ quan công an đã làm rõ thêm một đối tượng liên quan là Ngô Xuân Thanh Tú, 21 tuổi, cũng là sinh viên Trường Đại học Điện lực.
Video đang HOT
Đối tượng Công khai, từ đầu tháng 3.2016, thấy sinh viên tại một số trường mải mê đi làm thêm kiếm tiền nên thường nhờ người đi học hộ, đi thi hộ nên Công đã bàn với Tú (hai đối tượng ở trọ cùng nhau tại đường Phạm Văn Đồng, Hà Nội) góp vốn làm ăn.
Hai đối tượng chung tiền mua 1 máy in màu nhãn hiệu EPSON với giá 6 triệu đồng, rồi lập tài khoản Facebook lấy tên “Làm thẻ sinh viên” với mục đích để những sinh viên có nhu cầu làm thẻ giả liên hệ.
Qua tìm hiểu trên mạng Internet, Công và Tú học cách thức làm thẻ sinh viên giả và tìm được “nguồn” cung cấp phôi để làm thẻ giả và đã mua 230 phôi thẻ với giá 3.000 đồng/phôi.
Khi có khách đặt hàng, các đối tượng yêu cầu khách gửi ảnh và chụp hình thẻ sinh viên của trường đại học mà người đó cần làm, rồi dùng phần mềm xử lý ảnh, ghép ảnh khách đã gửi đè vào ảnh thẻ sinh viên đã có sẵn do khách gửi, giữ nguyên toàn bộ nội dung trên thẻ. Sau khi in được thẻ, Công hẹn khách đến ngõ 210 đường Hoàng Quốc Việt để giao dịch.
Các đối tượng đang thực hiện giao dịch mua bán thẻ sinh viên giả.
Cơ quan điều tra đã khám xét khẩn cấp nơi ở của các đối tượng, thu giữ nhiều tang vật liên quan đến hành vi sản xuất thẻ sinh viên giả gồm: 2 máy tính xách tay, 1 máy in màu và 200 phôi thẻ chưa có thông tin.
Cơ quan điều tra cho biết, hành vi của các đối tượng nêu trên có dấu hiệu làm giả con dấu, tài liệu của cơ quan, tổ chức quy định tại Điều 267 BLHS. Hiện vụ hồ sơ vụ việc và đối tượng đã được Phòng CSHS bàn giao cho Công an quận Bắc Từ Liêm để điều tra, xử lý theo thẩm quyền.
Theo P.Hà (ANTĐ)
"Trả công" 3 cây vàng để cán bộ xã làm giả hồ sơ
Ngày 1.6, Viện KSND Tối cao tống đạt cáo trạng truy tố bị can Nguyễn Minh Vương (SN 1968, trú tại xã Gia Hiệp, huyện Di Linh, tỉnh Lâm Đồng) về tội "làm giả tài liệu của cơ quan, tổ chức".
Ảnh minh họa. Nguồn: Internet
Theo cáo trạng, cuối năm 1998, Nguyễn Thị Thanh Phương (ở TP.Biên Hòa, tỉnh Đồng Nai) đã nhờ Định Thị Tâm (ở xã Bắc Sơn, huyện Thống Nhất, nay là huyện Trảng Bom, tỉnh Đồng Nai) làm giả giấy khai sinh, hộ khẩu thường trú, giấy đăng ký kết hôn và một số giấy tờ khác cho 3 bộ hồ sơ con lai giả với giá từ 4.000 USD - 10.000 USD/bộ.
Sau đó, Tâm đã đến gặp Nguyễn Minh Vương (văn thư UBND xã Phú Lâm, huyện Tân Phú, tỉnh Đồng Nai thời điểm đó; người được giao giữ con dấu của UBND xã) để nhờ làm giả giấy tờ cho 3 bộ hồ sơ con lai giả nêu trên và thỏa thuận sẽ trả công 3 lượng vàng 96%.
Nhận lời, Vương "bắt tay" với Đỗ Ngọc Sơn, khi đó là Phó trưởng Công an xã Phú Lâm, huyện Tâm Phú, Đồng Nai thực hiện. Theo phân công, Vương có trách nhiệm đánh máy, điền các thông tin theo quy định cho 3 bộ hồ sơ giả, ký giả chữ ký của Chủ tịch UBND xã và đóng dấu; còn Sơn xác nhận hộ khẩu cho 3 bộ hồ sơ này và ký tên đóng dấu Công an xã.
Sau khi hoàn tất 3 bộ hồ sơ giả con lai, Vương giao lại cho Tâm và nhận trước 200 USD. Số tiền và vàng còn lại, Tâm hứa sẽ trả sau. Bằng các bộ hồ sơ con lai được làm giả, Nguyễn Thị Thanh Phương và đồng phạm đã đưa 2 trường hợp và thân nhân của họ đi Mỹ và được chấp thuận định cư tại nước này vào năm 2000. Còn một trường hợp được thu xếp đưa đi Mỹ vào tháng 9.2001, nhưng sau đó bị phát hiện giả mạo...
Sau đó, những đối tượng liên quan đến phi vụ làm giả hồ sơ con lai lần lượt bị bắt giữ, đưa ra xét xử và tuyên phạt từ 3 năm tù treo cho đến 30 năm tù giam về các tội "tổ chức đưa người trốn đi nước ngoài, làm giả tài liệu của cơ quan tổ chức, giả mạo trong công tác".
Riêng bị can Nguyễn Minh Vương bỏ trốn cho đến cuối tháng 1.2016 thì bị Cơ quan an ninh điều tra - Bộ Công an bắt theo quyết định truy nã và phục hồi điều tra bị can về tội "làm giả con dấu, tài liệu của cơ quan, tổ chức".
Theo L.D (Tiền Phong)