Bắt 2 đối tượng lừa bán 12 nạn nhân ở Hà Tĩnh sang Campuchia
Từ đầu năm 2022, Cơ quan CSĐT Công an tỉnh Hà Tĩnh tiếp nhận nhiều đơn đề nghị giải cứu của những gia đình có người thân bị lừa sang Campuchia lao động rồi bị bóc lột, cưỡng bức.
Vào cuộc xác minh, điều tra, đơn vị này phát hiện ra hai đối tượng Nguyễn Tiến Dũng (SN 1998), trú xã Kim Song Trường, huyện Can Lộc, tỉnh Hà Tĩnh và Nguyễn Ngọc Tuyền (SN 1994), trú xã Độc Lập, huyện Hưng Hà, tỉnh Thái Bình là 2 đối tượng liên quan trực tiếp đến các vụ việc đưa người dân trên địa bàn Hà Tĩnh sang lao động tại Campuchia trong thời gian qua.
Hai đối tượng Nguyễn Ngọc Tuyền và Nguyễn Tiến Dũng.
Trước đó, vào tháng 1/2022, hai đối tượng này cùng với một đối tượng khác là Lộc Thị Luân (SN 2001) quê ở tỉnh Nghệ An, đã bị Công an tỉnh Đồng Nai bắt giam, khởi tố về tội “mua bán người”. Theo kết quả điều tra, dưới sự chỉ đạo của Nguyễn Ngọc Tuyền, Nguyễn Tiến Dũng và Lộc Thị Luân có nhiệm vụ tìm kiếm các phụ nữ người Việt Nam có nhu cầu qua Campuchia làm việc.
Nạn nạn nhân được tập kết ở khu vực TP Hồ Chí Minh, sau đó vận chuyển đưa đến vùng biên giới rồi giao cho các đối tượng khác để vượt biên trái phép, bằng con đường “tiểu ngạch” sang Campuchia. Chỉ tính riêng từ đầu tháng 12 đến ngày 29/12/2021, các đối tượng nói trên đã câu kết, dụ dỗ hàng chục nạn nhân là phụ nữ Việt Nam bán cho một số đối tượng ở Campuchia để phục vụ khách tại động mại dâm và các cơ sở karaoke, massage trá hình. Các nạn nhân muốn trở về Việt Nam phải chi số tiền từ 100 triệu đồng đến 150 triệu đồng mỗi người.
Trở lại với các vụ việc xảy ra trên địa bàn tỉnh Hà Tĩnh, Cơ quan CSĐT Công an tỉnh Hà Tĩnh xác định, từ cuối năm 2020, lợi dụng tình hình dịch bệnh COVID-19 diễn biến phức tạp, nhiều người không có việc làm. Trong bối cảnh đó, đã xuất hiện nhiều ổ nhóm đối tượng chuyên lừa gạt người bán sang Camphuchia cưỡng bức lao động tại các khu Casino do người Trung Quốc quản lý.
Video đang HOT
Phương thức, thủ đoạn hoạt động chủ yếu là lợi dụng nhu cầu tìm việc làm của người dân, các đối tượng thường đăng, tải các bài viết lên Facebook cá nhân, giới thiệu người đi làm việc tại Campuchia với nội dung “công việc nhẹ nhàng, chăm sóc khách hàng” hoặc làm SEO (tư vấn) trên máy tính, lương ổn định mỗi tháng từ 25 triệu đồng đến 50 triệu đồng, mọi chi phí xuất cảnh sang Campuchia do Công ty chi trả, không cần giấy tờ chỉ cần chứng minh nhân dân.
Bằng hình thức này, các đối tượng đã tuyển mộ được rất nhiều người, bố trí xuất cảnh trái phép và chuyển giao nạn nhân cho các ông chủ người Trung Quốc. Hoạt động các đối tượng rất chuyên nghiệp, tổ chức thành đường dây vận chuyển người vượt biên trái phép với thủ đoạn tinh vi, câu kết chặt chẽ với nhau.
Các nạn nhân chủ yếu trong độ tuổi lao động, khi sang Campuchia thường bị cưỡng bức làm việc trong các công ty hoạt động game bài cá cược qua mạng do người Trung Quốc quản lý. Quá trình làm việc, đi lại bị quản lý, giám sát chặt chẽ, mỗi ngày làm việc từ 12 giờ đến 15 giờ. Nếu chống đối hoặc bỏ trốn ra khỏi “công ty” sẽ bị bắt giữ, đánh đập và bán sang công ty khác, muốn về Việt Nam phải nộp tiền chuộc.
Sau một thời gian tích cực vào cuộc điều tra, xác minh và giải cứu được một số nạn nhân, đến ngày 30/5/2022, cơ quan CSĐT Công an tỉnh Hà Tĩnh đã ra quyết định khởi tố vụ án hình sự “mua bán người” xảy ra trên địa bàn tỉnh Hà Tĩnh và liên quan đến một số tỉnh, thành phố trong cả nước.
Với thủ đoạn như trên, Cơ quan điều tra xác nhận, chỉ trong thời gian ngắn, các đối tượng Nguyễn Ngọc Tuyền, Nguyễn Tiến Dũng và đồng bọn đã lừa bán 12 người quê Hà Tĩnh sang Campuchia để làm việc, nhưng thực chất là để lừa bán. Tại nước sở tại, không ít nạn nhân đã bị bóc lột, cưỡng bức bằng nhiều hình thức, bị ép thực hiện các “chỉ tiêu” về số lượng tiền, người tham gia đánh bạc hoặc số tiền lừa đảo được trong tháng, nếu không hoàn thành sẽ bị phạt với mức tối thiểu từ 1.000 USD trở lên.
Đối với các nạn nhân không hoàn thành “chỉ tiêu”, khi nạn nhân muốn trở về Việt Nam thì bị yêu cầu liên hệ với gia đình đòi tiền chuộc từ 5.000 – 7.000 USD, đồng thời đe dọa gia đình sẽ đánh đập, chặt tay, chặt chân nếu không đưa tiền chuộc đúng hẹn. Để tránh việc những người này bỏ trốn, các đối tượng luôn bố trí người canh gác, quản thúc nạn nhân nghiêm ngặt, không cho liên lạc về gia đình, nếu nạn nhân chống đối sẽ bị đánh đập, chích điện, không cho ăn uống.
Thượng tá Nguyễn Phi Hải, Trưởng phòng Cảnh sát Hình sự Công an tỉnh Hà Tĩnh khuyến cáo: Người dân cần nêu cao cảnh giác với các lời mời, dụ dỗ trên mạng xã hội, không để các đối tượng lợi dụng, lôi kéo sang Campuchia làm việc. Khi phát hiện hoặc nghi vấn có dấu hiệu môi giới, tổ chức đưa người sang Campuchia làm việc trái phép, cần báo ngay cho cơ quan Công an gần nhất để kịp thời ngăn chặn, xử lý.
Hiện, vụ án đang được Cơ quan CSĐT Công an tỉnh Hà Tĩnh tiếp tục điều tra, mở rộng, để sớm đưa các đối tượng ra xử lý trước pháp luật.
Đưa người sang Campuchia làm việc cho các đường dây lừa đảo
Mặc dù lực lượng Công an và các phương tiện thông tin đại chúng đã nhiều lần cảnh báo về việc các đối tượng xấu lừa đưa người đi lao động "việc nhẹ lương cao" tại Campuchia để rồi tiền mất, người lao động bị bóc lột, đánh đập; tuy nhiên nhiều người vẫn bị mắc bẫy lừa của các đối tượng.
Mới đây, trong quá trình triển khai các biện pháp phòng ngừa nghiệp vụ, lực lượng Cảnh sát hình sự (CSHS) phát hiện trên địa bàn tỉnh Quảng Nam có nhiều người được giới thiệu, tổ chức nhập cảnh trái phép sang Campuchia làm việc. Tại Campuchia, họ bị bóc lột, đánh đập, khi có nhu cầu về nước thì phải đóng tiền chuộc người mới được công ty cho về nước.
Qua thời gian tích cực điều tra, Phòng CSHS Công an tỉnh Quảng Nam phối hợp với Công an huyện Quế Sơn đã bắt khẩn cấp đối tượng Trương Công Duy (SN 1992, trú xã Quế Châu, Quế Sơn, Quảng Nam) về hành vi "tổ chức cho người khác xuất cảnh trái phép".
Cơ quan Công an ghi lời khai đối tượng Trương Công Duy.
Qua điều tra xác định, đầu tháng 4/2022, Duy đã rủ rê 2 thanh niên cùng địa phương sang Campuchia làm việc cho công ty của một người tên Nguyễn Thị Hiền (SN 1989), hiện cư trú tại Campuchia với mức lương mỗi tháng 20 triệu đồng và tiền hoa hồng. Sau khi được 2 thanh niên đồng ý, Duy liên hệ với Hiền và được Hiền chuyển về số tiền trên để tổ chức cho 2 người này sang Campuchia.
Khi Duy và 2 thanh niên vào được địa phận Camphuchia thì được đón về công ty của Hiền. Duy được trả số tiền 10 triệu đồng tiền công giới thiệu, đưa người sang Campuchia; còn 2 thanh niên được đưa vào khu nhà công ty. Với thỏa thuận cùng Hiền, giới thiệu đưa 1 người sang Campuchia, Duy được Hiền trả 5 triệu đồng nên tiếp tục lừa phỉnh đưa thêm 5 người khác sang Campuchia.
Tại cơ quan Công an, đối tượng Duy khai nhận: "Nguyễn Thị Hiền hứa là khi giới thiệu, đưa được 1 người sang Campuchia thì tôi được trả 5 triệu đồng, do đó tôi đã đã dùng mạng xã hội đăng thông tin tuyển người làm việc tại Campuchia với mức lương 800USD/tháng. Sau khi đăng bài, đã có thêm 5 người đồng ý và đã được đưa sang Campuchia. Tổng cộng tôi đã tổ chức đưa và giới thiệu 7 người sang Campuchia, và nhận được 35 triệu đồng từ Hiền".
Một trong số nạn nhân tin lời Duy, được Duy đưa sang Campuchia cho biết: Tại Campuchia, người này làm việc cho công ty có chủ là người Trung Quốc và được giao công việc thực hiện những chiêu trò lừa đảo những người Việt Nam đến các sòng casino chơi; hoặc sử dụng mạng viễn thông, máy tính nhắn tin, điện thoại về Việt Nam để lừa đảo những người ở Việt Nam như: nhắn tin trúng thưởng, tham gia sàn chứng khoán... Anh ta bị ép làm việc 12 giờ mỗi ngày và sẽ bị phạt nếu không đủ doanh số.
Công ty của người Trung Quốc nọ có canh gác, bảo vệ cẩn mật; khi vào làm không cho ra ngoài, công ty trả tiền lương chỉ đủ để chi tiêu, không nhiều tiền như Duy đã quảng cáo. Muốn về nước thì phía công ty yêu cầu nộp số tiền 3.000USD Mỹ mới cho về. Sau khi nộp đủ số tiền cho công ty, nạn nhân được thả về nước tại khu vực biên giới Mộc Bài, tỉnh Tây Ninh...
Hiện Cơ quan CSĐT Công an tỉnh Quảng Nam đã ra quyết định tạm giữ hình sự đối với Trương Công Duy về hành vi "Tổ chức, môi giới cho người khác xuất cảnh trái phép" và đã chuyển thông tin tội phạm đến Cơ quan An ninh điều tra Công an tỉnh Quảng Nam điều tra theo thẩm quyền. Qua vụ việc này, một lần nữa cảnh bảo người dân cần nâng cao cảnh giác trước thủ đoạn hứa hẹn công việc có thu nhập cao ở Campuchia, nhưng thực tế đây là thủ đoạn của tội phạm mua bán người, để phòng tránh không mắc bẫy lừa của các đối tượng...
Ôm mộng 'việc nhẹ, lương cao' ở Campuchia, có người bỏ mạng khi tìm đường về Theo Phòng Cảnh sát hình sự Công an Tây Ninh, từ đầu năm 2022 đến nay, đơn vị này đã tiếp nhận 21 đơn đề nghị giải cứu, có người thân bị lừa sang Campuchia bị bóc lột, cưỡng bức lao động và phải chuộc tiền nếu muốn về nước. Một nhóm người nhập cảnh trái phép bị giữ tại Đồn biên phòng...