Bảo vệ dân phố sát hại bé trai thản nhiên ăn, ngủ tại nơi tạm giam
Khi được công an đưa về trụ sở tạm giam, gã bảo vệ dân phố vẫn giữ khuôn mặt lạnh lùng, không hề biến sắc. Suốt một đêm tại trụ sở, Giang chỉ ăn no rồi lăn ra ngủ.
Ngày 28.11, liên quan đến vụ việc “ bé trai 6 tuổi đi mua bánh bị bảo vệ dân phố dùng dao sát hại giữa đường phố Sài Gòn” như đã thông tin, Công an quận Tân Phú, TP.HCM cho biết, đang tạm giữ Hoàng Nhất Giang (SN 1989, ngụ quận 11) để điều tra về hành vi “Giết người”. Nạn nhân là cháu Nguyễn Huỳnh Vũ Khanh (SN 2011, ngụ quận Tân Phú).
Theo điều tra, khoảng 13h30 ngày 26.11, bé Khanh sống tại căn nhà trên đường Trịnh Đình Trọng, phường Phú Trung, quận Tân Phú mở cửa đi bộ qua tiệm tạp hóa gần nhà để mua bánh. Khi bé Khanh đang mua bánh thì Giang xuất hiện phía sau bé, vòng tay qua cổ cháu rồi vuốt nhẹ 1 cái. Sau đó, Giang bỏ đi về chốt trực ở phường 5, quận 11 như chưa có chuyện gì xảy ra. Lúc này, người chủ tiệm tạp hoá thấy cháu Khanh ôm cổ với vết máu bỏ chạy. Cháu Khanh chạy khoảng 10m thì gục tại chỗ.
Người dân địa phương cùng gia đình đã có mặt đưa cháu Khanh đi cấp cứu tại bệnh viện nhưng do vết thương quá nặng đã tử vong. Bức xúc vì người cháu mình tử vong quá bất ngờ nên một số người thân đã cầm tuýp sắt tới chốt dân phòng nơi Giang trực để hỏi rõ sự tình.
Hiện trường vụ việc. Ảnh: C.T
Nhưng khi có mặt tại đây, một người thân của cháu Khanh cũng bị Giang vung dao chém gây thương tích. Người dân bắt đầu bao vây chốt dân phòng nơi Giang đang ở. Lực lượng công an đã nhanh chóng có mặt ổn định trật tự và áp giải Giang về trụ sở để lấy lời khai, phục vụ việc điều tra.
Khi bị đưa về trụ sở công an, Giang không sợ sệt, khuôn mặt lạnh lùng, không hề biến sắc. Suốt một đêm dài Giang chỉ ăn no rồi lăn ra ngủ rất bình thản. Do biết Giang là người có tiền sử bệnh tâm thần phân liệt nên cán bộ điều tra không vội lấy lời khai mà để cho Giang bình tĩnh. Trong suốt đêm, Giang nằm ngủ không để ý tới mọi người xung quanh. Đôi khi tỉnh giấc, Giang ngồi dậy uống nước và chỉ nói vài câu rồi lại nằm ngủ. Hiện vụ việc đang được điều tra làm rõ.
Được biết, Giang bị bệnh tâm thần phân liệt từ năm 2005 và được điều trị tại bệnh viện tâm thần TP.HCM. Qua thời gian điều trị, Giang ổn định nên được cho về nhà tiếp tục điều trị. Trong thời gian này, Giang được vào làm nhân viên bảo vệ của tổ dân phố và vẫn phải uống thuốc điều trị bệnh tâm thần.
Video đang HOT
Một lãnh đạo UBND phường 5, quận 11, TP.HCM xác nhận Giang là nhân viên bảo vệ dân phố, làm tại chốt trực tổ dân phố 2. Tuy nhiên, khi được hỏi về việc vì sao một người có tiền sử bệnh tâm thần lại được nhận vào làm bảo vệ thì người này xin phép không trả lời.
Theo Danviet
Nỗi ám ảnh của cô gái đâm chết kẻ sàm sỡ ở TP.HCM
Được trả tự do sau 9 tháng tạm giam vì đâm chết người đàn ông sàm sỡ mình, Ngân vẫn chưa hết ám ảnh và lo sợ trước nguy cơ bị tăng án.
"Ngay khi được toà thả tự do, cha mẹ lập tức đưa tôi về Bạc Liêu sống với ông bà ngoại, sẽ không quay lại TP.HCM nữa để quên đi những ngày tháng vướng vòng lao lý", Trần Kim Ngân (23 tuổi) cho biết.
Ngân là hung thủ đâm chết anh Lương tại đoạn đường vắng sau chùa Huệ Nghiêm (quận 2) khi bị anh này dùng vũ lực khống chế, sàm sỡ. Hai tháng trước cô được TAND TP.HCM chuyển tội danh từ Giết người sang Giết người trong trạng thái tinh thần bị kích động mạnh, tuyên phạt 9 tháng 16 ngày tù (bằng thời gian tạm giam) và thả tự do.
Mức án được HĐXX đưa ra thấp hơn rất nhiều khung hình phạt Ngân bị truy tố (7-15 năm) do xác định cô có nhiều tình tiết giảm nhẹ, phạm tội trong trạng thái tinh thần bị kích động mạnh vì hành vi sai trái của nạn nhân.
Tuy nhiên, chỉ vài ngày sau cô nhận được kháng nghị của VKS - yêu cầu toà phúc thẩm xét xử cô về tội Giết người như truy tố ban đầu và tăng án.
"Bố mẹ lại phải khăn gói đưa tôi lên TP.HCM. Chúng tôi kiếm việc làm thêm để trang trải cuộc sống trong những ngày đợi tòa triệu tập", Ngân nói và cho biết cũng vì thông cảm với hoàn cảnh của cô, luật sư bào chữa chỉ định đã giới thiệu cho cô công việc tạm thời ở quận Tân Bình.
Là con gái duy nhất trong gia đình, học rất khá môn Văn, Ngân được thầy cô động viên cố gắng thi vào các ngành khối C. Không vượt qua được những cơn đau đầu triền miên vì áp lực thi cử, Ngân được cha mẹ đồng ý cho nghỉ một năm.
Năm 2013, Ngân theo anh họ lên TP.HCM vừa làm thêm vừa ôn thi với mong muốn có cơ hội phát triển bản thân. Được nhận vào làm nhân viên trong cửa hàng đồng hồ ở quận 5, Ngân bị cuốn theo công việc, bỏ dở giấc mơ đại học.
Ngân bị kháng nghị tăng án. Ảnh: Bình Nguyên
Nhắc lại những ngày vướng vào vòng lao lý, cô nói: "Mọi chuyện đến với tôi như một cơn ác mộng".
Năm ngoái Ngân và anh Lương quen qua mạng xã hội. Thấy người đàn ông nói chuyện lịch sự nên cô cũng chuyện trò qua lại. Một buổi chiều cuối tháng 11.2016, anh nhắn tin năn nỉ xin số điện thoại và địa chỉ chỗ làm để mời Ngân đi ăn cho biết mặt, nhưng cô từ chối.
Không từ bỏ ý định, anh Lương tiếp tục thuyết phục. Tối hôm đó, sau khi Ngân tan ca về nhà, anh đến tận phòng trọ ở quận 6 chở cô gái đi chơi. Đến khuya họ tới đoạn đường vắng sau chùa Huệ Nghiêm.
"Tôi hỏi sao đi xa vậy, anh ấy nói đi đường này về nhà luôn. Nhìn xung quanh thấy chỉ toàn lau sậy, không bóng người qua lại, trong lòng tôi có linh cảm chẳng lành", Ngân kể và cho biết ngay sau đó anh Lương dừng xe, khống chế cô đòi ân ái.
Ngân phản kháng thì bị người đàn ông xô ngã, rút dao đe dọa. Biết một mình không thể chống cự, Ngân nhìn ra ngoài đường tìm kiếm người cầu cứu. Khi có ánh đèn ngang qua, cô tri hô nhưng bị anh Lương bịt miệng, kề dao dọa giết.
Ngân tiếp tục bị khống chế, sàm sỡ nên cắn vào ngực Lương. Cô cũng giằng được con dao, đâm vào bụng anh ta. Bị nạn nhân kéo lại, cô đâm thêm một nhát rồi bỏ chạy ra đường.
Gặp người đàn ông lớn tuổi đang dọn cửa hàng, Ngân kể lại sự việc và nhờ chỉ đường đến công an phường trình báo. Chạy một đoạn nữa, cô gặp hai thanh niên, nhờ họ vào hiện trường cứu anh Lương và gọi công an giúp. Sau đó cô đón taxi về nhà.
Sáng hôm sau, Ngân nhờ đồng nghiệp chở đến hiện trường và hỏi thăm người dân xung quanh về anh Lương nhưng không ai hay biết. Cô yên tâm, nghĩ chắc nạn nhân không sao nên tiếp tục đi làm. Hôm sau, công an đến cửa hàng bắt, cô mới biết anh Lương tử vong.
"Lúc đó tôi rất sốc, thấy mình trống rỗng không biết chuyện gì đang xảy ra. Cảm giác vừa sợ hãi vì đối diện với vòng lao lý, vừa sợ cha mẹ biết chuyện sẽ không chịu đựng được. Có lẽ họ chẳng thể tin được con gái đã gây nên chuyện như vậy", Ngân nghẹn giọng.
Cha mẹ Ngân vội vã khăn gói lên TP.HCM thuê trọ, xin làm trong những công trình xây dựng để tiện đi thăm nuôi và động viên tinh thần con gái.
Những ngày sau đó trong phòng giam Ngân chỉ thu mình và khóc, không ý thức hay cảm giác về mọi chuyện xung quanh. Đến khi nhận được đồ ăn cha mẹ gửi vào cô mới nhận thức mình đã làm gì và đang ở đâu. "Nỗi đau đớn và cảm giác tội lỗi lúc đó mới thực sự xâm chiếm. Phải chi tôi nghe lời cha mẹ dặn, không đi chơi với người lạ thì đã không có chuyện gì xảy ra", Ngân bật khóc nức nở.
Ngân cho biết vừa đến thăm mẹ anh Lương. Dù rất đau buồn vì đứa con trai duy nhất đã chết nhưng bà không oán trách Ngân ngay từ khi biết nguồn cơn sự việc. Bà nói có gì chăng nữa cũng xin tòa phúc thẩm xem xét giảm nhẹ để Ngân được đoàn tụ gia đình, làm lại cuộc đời.
Trước đó, trong phiên xử sơ thẩm, dù đã già yếu bà vẫn nhờ người thân dìu đến tòa. Bà xin HĐXX giảm nhẹ cho Ngân vì thấy cô còn quá trẻ. Cô có ngồi 10 năm trong tù thì con bà cũng không sống lại được.
"Đã gần một năm trôi qua, nỗi ám ảnh về sự việc và những ngày bị giam khiến tôi nhiều đêm không thể chợp mắt. Tôi luôn tự hỏi chuyện gì đã xảy ra, luôn thấy day dứt về cái chết của anh ấy, thấy có lỗi với cha mẹ...", Ngân nói.
* Tên nạn nhân đã được thay đổi.
Theo Bình Nguyên (VNE)
Trang phục cho người bị tạm giữ, tạm giam từ 1.1.2018 sẽ ra sao? Từ ngày 1.1.2018, người bị tạm giữ cũng như tạm giam sẽ mặc thống nhất mẫu áo kiểu budong dài tay, quần dài có chun, không đóng số, màu xanh lam. Chính phủ vừa ban hành Nghị định số 120 quy định chế độ ăn, mặc, chăm sóc y tế đối với người bị tạm giữ, người bị tạm giam và các chế...