Bảo vật vô giá trong ngôi chùa cổ ở Bắc Ninh
Xây dựng từ thế kỷ 17, chùa Bút Tháp vẫn lưu giữ nhiều tác phẩm tuyệt mỹ, đặc biệt là bảo tượng Quan Âm nghìn mắt nghìn tay bằng gỗ lớn nhất Việt Nam.
Không chỉ nổi tiếng về dân ca quan họ, Bắc Ninh còn là điểm du lịch tâm linh nổi tiếng cả nước với nhiều ngôi chùa cổ. Bên cạnh chùa Dâu, chùa Phật Tích…, chùa Bút Tháp là điểm dừng chân không thể thiếu trong hành trình du xuân đầu năm của nhiều Phật tử và du khách phương xa.
Chùa Bút Tháp nằm ở bên đê hữu ngạn sông Đuống, thôn Bút Tháp, xã Đình Tổ, huyện Thuận Thành, Bắc Ninh. Từ Hà Nội, bạn có thể qua cầu Chương Dương và men theo đường đê sông Đuống hoặc đi thẳng hướng quốc lộ 5, đến ngã ba Sủi rẽ trái hơn 10 km là đến chùa Bút Tháp. Bằng không, bạn bắt xe buýt 204 xuống Xuân Lâm và đi xe ôm chừng 5 km nữa.
Chùa Bút Tháp nhìn từ cổng vào. Ảnh: Kim Anh.
Theo con đường chạy xuyên qua cánh đồng lúa bạt ngàn, bạn sẽ choáng ngợp trước vẻ đẹp trầm mặc, trang nghiêm của ngôi chùa cổ. Lối dẫn vào chùa là con đường gạch đá rêu phong cùng hàng cau xanh mướt. Không gian thanh tịnh bao trùm khi ngay trước sân chính là hai cây đa rễ rủ như buông màn.
Không bước vào bằng cửa chính như những ngôi chùa khác, du khách đến viếng thăm chùa phải đi qua cánh cổng nhỏ vừa đủ một người qua ở phía hiên chùa. Tới đây, bạn sẽ nhận thấy hiếm có ngôi chùa cổ nào mà quy mô kiến trúc lớn và bề thế như chùa Bút Tháp.
Cụm kiến trúc trung tâm ở chùa Bút Tháp bao gồm 8 đơn nguyên chạy song hành được bố trí đăng đối trên một đường “thần đạo” và được bao bọc bởi hai dãy hành lang chạy suốt dọc chùa ở hai bên. Đó là tòa Tiền Đường, Thượng Điện, Cầu Đá, tòa Tích Thiện Am, Trung Đường, Phủ Thờ, tòa Hậu Đường và hàng tháp đá.
Video đang HOT
Tượng La Hán thể hiện cảm xúc nội tâm, mang nặng ý tưởng Phật giáo. Ảnh: Kim Anh.
Toàn bộ kiến trúc chính của chùa quay theo hướng nam, hướng truyền thống của người Việt. Đối với đạo Phật, hướng Nam là hướng của trí tuệ, của bát nhã. Với cách bố trí độc đáo, chặt chẽ và sinh động, cộng với sự kết hợp hài hòa các chất liệu gạch, gỗ, đá… du khách vãn cảnh chùa như được bước vào con đường tu đạo với một tâm hồn nhẹ bẫng.
Đã trải qua những lần trùng tu, sửa chữa, chùa vẫn giữ được những tác phẩm kiến trúc, điêu khắc tuyệt mỹ. Nổi bật là bức tượng Bồ tát Quan Thế Âm thiên thủ thiên nhãn bằng gỗ lớn nhất Việt Nam do nhà điêu khắc họ Trương tạc năm 1656.Tượng cao 2,35 m (tính từ đài sen đến đỉnh đầu tượng), có 11 đầu, 42 cánh tay lớn và hơn 900 cánh tay nhỏ. Một trong những vẻ đẹp riêng của pho tượng là các cánh tay lớn hoàn toàn trong tư thế tự do thanh thoát với những động tác mềm mại. Những cánh tay tỏa ra sau lưng như vầng hào quang rộng mở, trong mỗi lòng bàn tay có một con mắt.
Tượng tọa trên đài sen do một con rồng nhô lên từ mặt nước đội lấy. Phía trên đầu là các pho tượng Phật ngồi cao dần, và trên cùng là Phật A Di Đà, Đức Phật của cõi Tây Phương cực lạc. Đây được coi là một kiệt tác độc nhất vô nhị về tượng Phật và nghệ thuật tạc tượng – nghệ thuật làm nổi bật triết lý nhà Phật bằng thứ ngôn ngữ tạo hình hàm súc.
Tượng Bồ tát Quan Thế Âm thiên thủ thiên nhãn bằng gỗ lớn nhất Việt Nam. Ảnh: phatgiao.vn
Hai kiệt tác điêu khắc khác nữa làm thành bộ ba tác phẩm danh bất hư truyền là tượng Tây Thiên Đông Độ Việt Nam lịch đại Tổ sư và tượng Thị Kính. Ngoài ra, trong chùa có hơn 70 pho tượng gỗ được tạc trong tư thế quỳ, đứng, ngồi với nét mặt thành kính trông rất sinh động như pho tượng Kim Đồng – Ngọc Nữ…, còn tượng La Hán lại thể hiện cảm xúc nội tâm, mang nặng ý tưởng Phật giáo.
Đến phủ thờ nằm sau Phật điện, trong ngôi nhà 5 gian đặt hai pho tượng quý, tạc chân dung hoàng hậu Trịnh Thị Ngọc Trúc (nhà Lê) đầu đội vương miện nhưng khoác áo tu hành, và công chúa Ngọc Duyên. Từ thượng điện, đi qua một chiếc cầu đá có 3 nhịp uốn cong, bạn sẽ bắt gặp cây Cửu Phẩm Liên Hoa trong Tích Thiện am. Đây là một tháp bằng gỗ 9 tầng, 8 mặt, có thể quay tròn quanh một trục, có gắn tượng Phật và chạm những cảnh dân gian hay lấy đề tài trong Phật thoại.
Còn rất nhiều điều thú vị và hấp dẫn trong ngôi chùa cổ này đang chờ bạn khám phá, nhất là mùa lễ hội du xuân 2014 đang đến gần.
Theo Vnexpress
Phượng Hoàng cổ trấn mùa xuân
Đầu xuân bạn lên một chuyến tàu dài đi ngược về phía bắc, sang Trung Quốc khi vẫn còn lạnh giá bởi tuyết tan muộn, tìm về với Phượng Hoàng cổ trấn.
Cổ trấn thức dậy từ rất sớm. 6h sáng, khi mặt trời còn đang ngủ vùi đã có tiếng đập nước giặt giũ từ phía bên kia sông. Những người phụ nữ Thổ Gia của mảnh đất này giữ thói quen giặt giũ trên dòng Đà Giang mỗi sáng, bất kể thời tiết và bất kể đông hay hè, xuân hay thu. Tiếng đập quần áo mỗi sáng giống như tiếng gà gáy gọi mặt trời, đánh thức cả cổ trấn, đón chào một ngày mới. Và để rồi không lâu sau đó là tiếng bước chân của những người bán hàng buổi sớm, tiếng kéo cửa mở hàng, tiếng quét sân, tiếng lũ trẻ gọi nhau đến trường, tiếng hát khe khẽ của một chiếc loa rè nào đó sau khung cửa sổ hé mở.
Trong con phố cổ kính uốn lượn dọc theo dòng sông, mọi việc diễn ra đều tăm tắp và theo một trật tự bất thành văn, ngày nào cũng như thế. Đứng giữa những con phố cổ kính ấy, tôi có cảm giác như mình đang trở lại với cổ trấn của vài trăm năm trước, đơn giản, u tịch và không vội vã.
Cuộc sống yên ả trôi qua mỗi ngày trong thành cổ.
Mọi sinh hoạt trong cổ trấn cũng bình lặng. Không có tiếng huyên náo, không có tiếng cãi cọ. Họ vẫn bán những mặt hàng truyền thống, những sản phẩm thiết yếu hàng ngày, những cửa hàng mì buổi sáng, những chiếc xe đạp lóc cóc chở theo bánh bao và tào phớ. Thi thoảng ở cuối những ngã ba, một vài bà, chị người dân tộc Thổ Gia vui vẻ mời chào những chiếc vòng hoa đủ màu được tết đơn giản, cuốn trên đầu.
Theo sau những nụ cười khúc khích, tôi lạc mình vào sâu trong cổ trấn. Những ngôi nhà với những chiếc sân lát gạch cũng đã sẫm màu theo thời gian. Len lỏi đi bộ luồn lách qua những con ngõ, tôi đi sâu hơn vào cổ trấn. Những mái ngói âm dương mọc đầy cây cỏ dại. Lũ trẻ dắt tay nhau vừa đi vừa đùa nghịch, những má đỏ hây hây, nứt nẻ vì lạnh. Một chú chim vành khuyên lảnh lót dưới mái hiên. Leng keng... leng keng... một chiếc xe đạp đi phía sau cất tiếng chuông lanh lảnh cũng đủ phá vỡ bầu không khí tĩnh lặng của phố. Bà chủ nhà loẹt quẹt đôi dép chạy ra mở cửa, đón nhận lá thư tay từ bác đưa thư già. Trong thời đại thay đổi chóng mặt của Internet và truyền thông, những lá thư tay vẫn hàng ngày đến với từng ngôi nhà trong cổ trấn, mặc cho sự bùng nổ của thông tin.
Phượng Hoàng cổ trấn nằm ở phía tây tỉnh Hồ Nam, Trung Quốc. Trước đây, nơi này vốn chỉ là một thị trấn nhỏ, xinh xắn nằm về một phía của bờ Đà Giang. Theo thời gian, người địa phương dần chuyển sang sinh sống ở cả hai bên bờ sông. Những cây cầu được xây nối hai bờ của dòng sông là nét đặc biệt của thị trấn này. Có đến cả chục cây cầu bắc qua con sông nhỏ với đủ mọi vật liệu trong một chiều dài chưa đến một cây số. Nổi bật nhất là những cây cầu đá có tuổi đời bằng với khu thành cổ, cây cầu gỗ hình gấp khúc dành cho người đi bộ. Cây cầu sắt và cây cầu bê tông lớn dành cho xe cơ giới qua lại. Hai bên bờ sông là hai hình ảnh khác nhau của khu trấn. Phía bên này sông là cổ trấn thâm trầm với tuổi đời ngót nghét 1.300 năm cũ kỹ, còn phía bên kia là trấn mới với những ngôi nhà mới xây cao tầng, dãy quán ăn nằm dọc bờ sông.
Qua sông.
Về đêm, cả thị trấn lung linh trong ánh sáng đủ màu của những chiếc đèn lồng. Những gian hàng lác đác đóng cửa. Hồng Kiều, cây cầu cũ đẹp bậc nhất thành cổ, được trang hoàng lộng lẫy. Những chiếc đèn nến được bán quanh khúc sông. Bập bềnh trôi những đóa hoa nến huyền ảo. Tôi ngồi lại trong một quán trà, tự thưởng một ấm trà thơm sực nóng ấm, ngắm nhìn dòng người qua lại mỗi lúc một thưa thớt dần.
Khuya, những ngôi nhà hai bên bờ cũng đã dần tắt ánh đèn. Tôi đi bộ lang thang qua cây cầu nhỏ vắt mảnh qua sông. Trời lất phất mưa bay. Đêm quánh đặc trong tiếng nước chảy không ngừng. Một cửa hàng mì bán khuya vẫn mở, mời chào cái bụng đang đói kêu "tung tung" của tôi. Tạt vào quán nhỏ được trang trí đơn giản, tôi xì xụp húp bát mì nóng hổi, bốc khói. Nước tương cay xè cùng vị nóng của nước dùng khiến cả người ấm sực. Người bán hàng đang trò chuyện khe khẽ với một người khách ăn khuya, thi thoảng thấy ánh mắt tôi lại khẽ mĩm cười. Tay vẫn thoăn thoắt se sợi mì và kéo. Mỗi bát mì đều được làm tỉ mẩn như thế, từ những sợi mì, đến những miếng thịt xá xíu thái trong bát nước dùng trong.
Hai bên bờ cổ trấn.
Tôi bước ra khỏi quán cũng là lúc người chủ dọn đồ, đóng cửa, nghỉ ngơi. Phố tĩnh lác đác người qua lại. Dưới gầm cầu le lói ánh nến, một nghệ sĩ đường phố già đang chơi nốt những nốt nhạc dở dang cuối cùng. Vẫn còn đôi ba người đứng lại thưởng thức nhạc như tôi, chưa vội đi ngay. Đã quá khuya. Mọi ánh đèn đều đã tắt. Tĩnh mịch, thâm trầm và bình yên.
Theo Vnexpress
Lễ hội ngắm hoa anh đào tại Nhật Bản Đối với người Nhật Bản, lễ hội ngắm hoa anh đào vào mùa xuân - còn gọi Hanami - là cả nghệ thuật thụ hưởng cuộc sống khi con người hòa vào vẻ đẹp của thiên nhiên. Vẻ đẹp mong manh nhưng rực rỡ của hoa anh đào nở vào mỗi độ xuân về như lời mời gọi du khách khắp nơi đến...