Báo Trung Quốc: Việt Nam ‘đáng ngại’ nhất trên Biển Đông
Chinese Today nhận định, trong số 5 nước 6 bên tranh chấp chủ quyền trên Biển Đông thì Việt Nam là “đối thủ đáng ngại” nhất của Bắc Kinh và Việt Nam là nước “có gan” nhất đương đầu với Bắc Kinh trên Biển Đông.
Tờ Chinese Today tự xem như là phiên bản của tờ Nhân Dân nhật báo Trung Quốcvà Văn Hối – Hồng Kông ở hải ngoại ngày 7/5 đăng bài phân tích cho rằng, đối với giới chức Bắc Kinh, trong số các bên tranh chấp ở Biển Đông thì Việt Nam là “đối thủ đáng ngại nhất”.
Hội nghị thượng đỉnh ASEAN vừa kết thúc tại Brunei đánh dấu một bước tiến quan trọng trong lập trường chung của khối về giải quyết tranh chấp lãnh hải trên Biển Đông. Lo ngại xung đột có thể xảy ra trong khu vực, các nước thành viên ASEAN đã kêu gọi Trung Quốc “hội đàm khẩn cấp” về bộ Quy tắc ứng xử của các bên trên Biển Đông (COC), tuy nhiên Bắc Kinh vẫn né tránh.
Chinese Today cho rằng, với những mâu thuẫn tích tụ lâu năm và những căng thẳng trên Biển Đông, vùng biển này hiện nay đã đứng trước ngã rẽ, một bên là xung đột và một bên là hòa bình. Tờ báo này cho rằng những nỗ lực vừa rồi của ASEAN chỉ mang tính ngoại giao, ít giá trị thực tế (một khi Trung Quốc cố tình né tránh COC).
Video đang HOT
Tàu chiến hạm đội Nam Hải tập trận “chiếm đảo D” trái phép trên Biển Đông gây căng thẳng trong khu vực khiến các nước láng giềng quan ngại
Bài báo trên Chinese Today cho rằng, trong số các bên tranh chấp trên Biển Đông, mặc dù Philippines luôn tỏ ra “cứng đầu” trước Trung Quốc khi công khai khởi kiện đường lưỡi bò phi pháp và những hành động gây hấn của Trung Quốc trên Biển Đông, nhưng Manila sẽ không dám chủ động gây chiến với Bắc Kinh.
Sở dĩ Philippines “không dám tiến hành chiến tranh với Trung Quốc” ở Biển Đông, theo tờ báo là vì trong lịch sử Manila chưa từng phát động chiến tranh, sự chuẩn bị về mặt thực lực quốc phòng hiện nay lại quá yếu, người dân hoàn toàn lạ lẫm với chiến tranh nên dù có Mỹ chống lưng, Philippines cũng “không dám”.
Nhưng Việt Nam thì hoàn toàn khác. Chinese Today cho rằng, trải qua chiến tranh chống Pháp, chống Mỹ, chiến tranh biên giới mấy chục năm liên miên, Việt Nam trở thành quốc gia “thành thục nhất Đông Nam Á” đối với chiến tranh (chống xâm lược), lực lượng quân sự hùng hậu, chuẩn bị đầy đủ, đặc biệt trong lịch sử Việt Nam từng nhiều lần bị Trung Quốc xâm lược nên ý thức cảnh giác rất cao, Chinese Today nhận định.
Không chỉ như vậy, trong những năm gần đây, theo tờ báo này Việt Nam đã không ngừng phát triển quan hệ với các cường quốc trên thế giới như Mỹ, Nga, Nhật Bản, Ấn Độ trong lĩnh vực quốc phòng, an ninh. Chứng minh cho nhận định này, Chinese Today trích dẫn một số thông tin từ báo chí các nước.
Ngày 6/3 năm nay tờ Độc lập của Nga đưa tin Nga sẽ giúp Việt nam xây dựng lực lượng bộ đội tàu ngầm và quay trở lại cảng Cam Ranh. Ngày 9/4 tờ U.S News & World Report cho biết Mỹ sẽ hợp tác với lực lượng Cảnh sát biển Việt nam để tăng cường bảo vệ ngư dân trên Biển Đông.
Tạp chí Quốc phòng và an ninh Janes Anh ngày 11/4 đưa tin Mỹ đồng ý bán cho Việt Nam máy bay tuần tra trên biển P-3 để đối phó với tàu ngầm Trung Quốc và bảo đảm an ninh trong vùng kinh tế đặc quyền của Việt Nam trên Biển Đông. Và ngày 14/4 hãng Kyodo cho hay Nhật Bản và Việt Nam sẽ tổ chức hội nghị về an ninh biển, tìm kiếm giải pháp đảm bảo an ninh trên Biển Đông.
Tuy nhiên Chinese Today cũng nhận định, mặc dù Việt Nam có truyền thống lịch sử (chống ngoại xâm), đã chuẩn bị tốt thực lực, nhưng việc “chống lại Trung Quốc (trên Biển Đông) bằng vũ lực” chưa phải điều cấp bách. Cái mà tờ báo này gọi là “điều cấp bách”, chính là những hành động leo thang gây căng thẳng của Trung Quốc trên Biển Đông khiến người dân Việt Nam phẫn nộ.
Chinese Today nhắc lại 2 sự kiện, ngày 11/3 và ngày 20/3, tàu quân sự Trung Quốc xua đuổi tàu cá Việt Nam đang đánh bắt trên vùng biển chủ quyền của Việt Nam ở Hoàng Sa, trong đó ngày 20/3 một tàu cá Việt Nam đã bị tàu quân sự Trung Quốc bắn cháy cabin khiến dư luận Việt Nam và quốc tế hết sức bất bình, phẫn nộ.
Kết luận bài báo, Chinese Today nhận định, trong số 5 nước 6 bên tranh chấp chủ quyền trên Biển Đông thì Việt Nam là “đối thủ đáng ngại” nhất của Bắc Kinh và Việt Nam là nước “có gan” nhất đương đầu với Bắc Kinh trên Biển Đông.
Trong một diễn biến khác có liên quan đến tranh chấp trên giữa Trung Quốc với các nước trên Biển Đông, ngày 8/5 người phát ngôn lực lượng hải quân Philippines cho biết nước này đang tăng cường các hoạt động giám sát sau khi có tin Trung Quốc điều đội tàu cá lớn nhất đến quần đảo Trường Sa.
“Hải quân Philippines đang theo dõi chặt chẽ mọi diễn biến liên quan đến các tàu cá Trung Quốc. Tuy nhiên, vào thời điểm này vẫn còn sớm để bình luận về những biện pháp nếu các tàu Trung Quốc xâm phạm lãnh thổ Philippines” – báo Inquirer dẫn lời người phát ngôn Edgardo Arevalo.
Nhật tạo thế bao vây buộc TQ hung hăng cùng lúc đối phó nhiều đối thủ Để bảo đảm an ninh cho Nhật Bản, ông Shinzo Abe muốn dùng luật lệ và quy tắc, đồng thời liên kết với các nước tạo vòng vây nhằm vào TQ. Ngày 8/5, tờ Sankei Shimbun Nhật Bản đăng bài viết tiến hành phân tích về tình hình quan hệ Trung-Nhật hiện nay. Bài viết cho biết, để tăng cường bảo đảm an ninh của Nhật Bản, Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe tính thúc đẩy thực hiện “ngoại giao kiên quyết/dẻo dai”, tìm cách liên kết với Nga và Ấn Độ, muốn tạo ra thế bao vây đối với Trung Quốc. Từ tháng 1/2012 đến nay, ông Shinzo Abe đã lần lượt tiến hành thăm các nước Đông Nam Á. Đối với các hành động của Trung Quốc trên biển Đông, ông Shinzo Abe quyết định muốn thông qua “luật pháp và quy tắc” để chống lại Trung Quốc. Cuối năm 2012, ông Shinzo Abe từng viết một bài “luận văn” tiếng Anh mang tên “Bảo đảm an ninh dân chủ châu Á” trên trang mạng của tổ chức phi lợi nhuận quốc tế (NGO). Bài viết cho rằng: “Australia, Ấn Độ, Nhật Bản, Hawaii (Mỹ) đã hình thành thế vững chắc để bảo vệ an ninh châu Á”. Bài viết cho rằng, điều đặc biệt quan trọng đối với Nhật Bản hiện nay là hợp tác với Nga ở phía bắc và Ấn Độ ở phía nam. Trung Quốc sở dĩ trước đây không coi trọng tăng cường sức mạnh hải quân, là do mối đe dọa từ các nước ở hướng bắc và nam đang trở nên yếu đi. Theo bài viết, lý do ông Shinzo Abe đến thăm Nga lần này có một phần rất lớn đến từ Nga. Vai trò ảnh hưởng của Trung Quốc ở khu vực Viễn Đông đang mở rộng. Căn cứ vào “Điều lệ quân sự Nga” tháng 2/2010, khả năng Nga và các nước châu Âu xảy ra tranh chấp tương đối nhỏ, trong khi đó ở khu vực Viễn Đông, một loạt mối đe dọa “chính diện” đang tăng lên. Đó chính là Trung Quốc, nước có chung đường biên giới dài 4.300 km với Nga. Trong lệnh Tổng thống được Putin ban hành sau khi nhậm chức, Nga cũng thay đổi chiến lược ngoại giao và quân sự thành “coi trọng châu Á” và “coi trọng hải quân”. Tờ Sankei Shimbun còn cho rằng, nói chuyến thăm Nga lần này của ông Shinzo Abe là để thương lượng vấn đề chủ quyền quần đảo tranh chấp Nhật-Nga, không bằng nói muốn thông qua thiết lập cơ chế “Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao và Quốc phòng” (2 2) với Nga để kiềm chế Trung Quốc.
Theo vietbao