Báo Trung Quốc nêu bài học từ xung đột Nagorno-Karabakh
Truyền thông Trung Quốc cho rằng việc UAV của Azerbaijan áp đảo lực lượng Armenia trên chiến trường là “bài học đáng báo động” với quân đội nước này.
“Dù chiếm ưu thế về lực lượng bộ binh thông thường, được trang bị xe tăng, thiết giáp và radar, quân đội Armenia vẫn dễ dàng trở thành ‘mồi ngon’ cho máy bay không người lái (UAV) vũ trang của Azerbaijan”, tạp chí Tàu chiến và Tàu hàng thuộc Tập đoàn Đóng tàu Nhà nước Trung Quốc viết trong bài đăng gần đây.
Bài viết dẫn lời các chuyên gia quân sự nước này tổng kết các diễn biến trong cuộc chiến giữa Armenia và Azerbaijan tại khu vực Nagorno-Karabakh, coi đây là “bài học báo động” về việc UAV có thể thay đổi cục diện chiến trường.
UAV của Azerbaijan nhiều lần quay cảnh binh sĩ Armenia bị lộ bị trí và bị nhắm mục tiêu khi hoạt động trên mặt đất. Các UAV Bayraktar TB2 có khả năng tập kích chính xác ngay cả khi mục tiêu ẩn nấp trong chiến hào hoặc phương tiện đang di chuyển.
Ngoài UAV vũ trang, Azerbaijan còn sử dụng khí tài này trong hoạt động trinh sát để giành lợi thế trong giao tranh và buộc Armenia phải đình chiến sau khoảng 6 tuần.
UAV Orbiter của Azerbaijan trong lễ duyệt binh tại thủ đô Baku, ngày 10/12. Ảnh: AA .
“Trong xung đột Nagorno-Karabakh, lá chắn chống UAV đã không được sử dụng hiệu quả”, các chuyên gia Trung Quốc nhận định. “Dù Armenia và Azerbaijan bắn rơi lượng lớn UAV của nhau, cả hai bên tham chiến đều không có khả năng ngăn khí tài này gây thiệt hại”.
Bài viết cho rằng quân đội Trung Quốc (PLA) sở hữu lượng lớn UAV các loại, nhưng các đối thủ tiềm tàng cũng biên chế các hệ thống UAV tiên tiến, khó phát hiện và ngăn chặn hơn những mẫu được dùng trong xung đột Nagorno-Karabakh.
“Bởi vậy PLA cần nâng cao nhận thức về mối đe dọa từ UAV, đưa khí tài này vào chiến lược và chương trình huấn luyện”, bài viết có đoạn. “Chiến thuật chống UAV vẫn là điều mới mẻ với phần lớn đơn vị cơ sở của PLA”.
Các chuyên gia Trung Quốc cho rằng PLA cần xây dựng mạng lưới phòng không đa tầng trang bị radar chống UAV, radar bù điểm mù, các trạm phát hiện sóng vô tuyến cùng các giải pháp theo dõi bằng âm thanh hoặc hồng ngoại khác, nhằm “liên tục giám sát UAV ở nhiều vị trí trong phạm vi rộng”.
Các đề xuất chống UAV khác được đề xuất gồm gây nhiễu điện tử, sử dụng vũ khí phòng không như tổ hợp pháo-tên lửa phòng không hoặc tổ hợp phòng thủ tầm cực gần như LD-2000, hay đánh lừa UAV bằng các mục tiêu giả trên mặt đất.
UAV Azerbaijan tấn công xe tăng Armenia. Video: BQP Azerbaijan .
Trung Quốc là một trong các quốc gia tích cực sử dụng UAV trong lĩnh vực quân sự. Nước này đang phát triển các loại UAV mới có khả năng tàng hình tốt hơn, bay cao và nhanh hơn, bền hơn và có thể tự hoạt động. Trung Quốc còn phát triển UAV tự sát giá rẻ có thể phóng loạt từ một thiết giáp hạng nhẹ hoặc trực thăng.
Michael Raska, giáo sư trợ lý tại Trường Nghiên cứu Quốc tế S. Rajaratnam ở Singapore, cho biết dù UAV đã được sử dụng phổ biến trong các cuộc chiến tranh trước đây của Mỹ tại Iraq và Afghanistan, giới lãnh đạo chính trị và quân sự Armenia đã không nắm bắt kịp thời những thay đổi của công nghệ để đưa ra giải pháp ứng phó kịp thời.
“Chiến sự tại Nagorno-Karabakh chắc chắn sẽ làm tăng các cuộc tranh luận về việc sử dụng UAV trong giao tranh và các biện pháp đối phó hiệu quả”, Raska nói.
Chuyên gia an ninh Timothy Heath của hãng phân tích RAND, có trụ sở tại Mỹ, cho biết xung đột tại Nagorno-Karabakh cho thấy về lý thuyết, các lực lượng yếu hơn vẫn có thể triển khai hiệu quả UAV vũ trang một cách hiệu quả để gây ra tổn thất nặng nề cho lực lượng bộ binh đối phương được cho là vượt trội về sức mạnh song lại thiếu chiến lược ứng phó với vũ khí không người lái.
“Cuộc xung đột cho thấy quân đội tiên tiến phải phát triển hệ thống phòng thủ chi phí thấp và đa dạng để chống lại UAV”, Heath nói. “Lục quân nên được trang bị nhiều khẩu đội radar và và tên lửa phòng không di động để có thể theo kịp các đơn vị thiết giáp và bộ binh trong quá trình hành tiến”.
Nagorno-Karabakh và vùng lân cận sau thỏa thuận đình chiến ngày 10/11. Đồ họa: BBC .
Malcolm Davis, chuyên gia chiến lược và năng lực quốc phòng của Viện chính sách Chiến lược Australia, nhận định xung đột Nagorno-Karabakh phần nào thể hiện diện mạo chiến tranh tương lai, trong đó vũ khí tự động hoặc UAV tự sát có thể mở ra hướng phát triển mới cho lĩnh vực quân sự của các cường quốc nhỏ và trung bình.
“Kết hợp hiệu quả với thông tin tình báo, giám sát và trinh sát, một phi đội UAV mang đến cho quân đội các nước khả năng tấn công nhanh chóng và chính xác vào các lực lượng mặt đất bị lộ hoặc không được bảo vệ”, Davis nói. “Với các quốc gia không đủ khả năng trang bị không quân hiện đại, UAV trở thành phương tiện hiệu quả về chi phí trong giành quyền kiểm soát bầu trời”.
Davis cho rằng để đối phó, các nước cần phát triển năng lực chống UAV. “Tôi cho rằng yếu tố quan trọng là các hệ thống chống UAV được trang bị từ cấp chiến thuật tới từng đơn vị nhỏ, trong đó xe tăng và thiết giáp được tích hợp hệ thống chống UAV ngay từ khâu thiết kế”, Davis cho biết.
Armenia và Azerbaijan nhiều lần đụng độ kể từ khi lực lượng ly khai thân Armenia kiểm soát Nagorno-Karabakh sau cuộc chiến vào thập niên 1990, khiến 30.000-40.000 người thiệt mạng. Đợt giao tranh nổ ra hồi tháng 9 được nhận định là lần đụng độ đẫm máu nhất giữa Armenia và Azerbaijan sau hơn hai thập kỷ.
Một hệ thống tên lửa phòng không đa năng mới sẽ được tạo ra ở Nga
Nga đang cấp tốc chế tạo những tổ hợp phòng không mới sau màn thể hiện thất vọng tại chiến trường Karabakh.
Nga sẽ phát triển một hệ thống tên lửa phòng không tầm ngắn đa năng để tấn công các mục tiêu thuộc bất kỳ loại nào.
Ông Bekkhan Ozdoev - Giám đốc công nghiệp của tổ hợp vũ khí thuộc Tập đoàn công nghệ nhà nước Rostec đã nói với RIA Novosti rằng tổ hợp phòng không mới sẽ có vũ khí kết hợp. Ngoài các mục tiêu trên không, một tổ hợp vũ khí hứa hẹn sẽ có thể đối phó hiệu quả với các mục tiêu mặt đất.
Nga sẽ tạo ra tổ hợp phòng không mới dựa trên Pantsir-S. Ảnh: RIA Novosti.
Cơ sở của vũ khí mới được cho là dựa trên hệ thống tên lửa phòng không Pantsir-S, đây là một trong những kết quả đầu tiên của khái niệm này.
Lưu ý rằng tổ hợp Pantsir-S không chỉ có khả năng chống lại máy bay, trực thăng và máy bay không người lái một cách hiệu quả mà còn tiêu diệt tên lửa hành trình và bom dẫn đường trên không. Các mục tiêu trên không bị bắn trúng ở độ cao tới 15 km và phạm vi lên đến 20 km. Do đó, tổ hợp phòng không Pantsir-S đã được một số quốc gia áp dụng.
"Sự phổ biến của Pantsir-S và sự công nhận trên toàn thế giới cho thấy chúng tôi đang đi đúng hướng. Đồng thời, nó đã khẳng định khả năng chiến đấu của mình trong điều kiện thực tế ở Syria. Việc sử dụng đã mang lại cho chúng tôi kinh nghiệm vô giá giúp phát triển hơn nữa", ông Bekkhan Ozdoev nhấn mạnh.
Mặc dù vậy, nhiều chuyên gia cho rằng việc Nga phải phát triển tổ hợp phòng không là do những hệ thống cũ bộc lộ quá nhiều nhược điểm trước phương tiện tấn công đường không mới như UAV vũ trang.
Nga muốn trang bị UAV tự sát cho trực thăng vũ trang Các trực thăng vũ trang Nga có thể mang bệ phóng máy bay không người lái mini chứa chất nổ, tăng khả năng theo dõi và tiến công mục tiêu. Trung tâm Kỹ thuật và Khoa học Zaslon của Nga đang phát triển cụm bệ phóng B8V10-UV cỡ nòng 80 mm cho trực thăng vũ trang Mi-28NM, cho phép nó sử dụng nhiều...