Báo Trung Quốc đe dọa Philippines, Nhật Bản
Mỹ đang triển khai 3 chiếc Global Hawk tại Guam – Ảnh: af.mil
Ngay sau chuyến thăm Trung Quốc chẳng mấy thành công của Ngoại trưởng Mỹ Hillary Clinton, tờ Hoàn Cầu thời báongày 6.9 “cảnh cáo” Nhật Bản và Philippines đừng hy vọng tìm kiếm sự hỗ trợ quân sự từ Washington.
Theo tờ báo này, hơn bất cứ quốc gia nào tại châu Á, Trung Quốc là nước mà Mỹ muốn làm đối tác, nhất là khi quan hệ thương mại giữa Washington với Bắc Kinh đang phát triển. Tuy nhiên, Hoàn Cầu thời báo dường như quá vội vàng khi đưa ra nhận định trên.
Cũng trong ngày 6.9, Kyodo News đưa tin Mỹ và Nhật đang cân nhắc việc sử dụng chung căn cứ ở đảo Guam để tăng cường hoạt động do thám bằng máy bay không người lái (UAV) tại khu vực tây Thái Bình Dương.
Video đang HOT
Đây được xem là một trong những nỗ lực của Washington và Tokyo nhằm kiềm chế tham vọng quân sự từ Bắc Kinh. Hiện tại, Mỹ đang đồn trú 3 chiếc UAV Global Hawk ở Guam trong khi Nhật Bản cũng sẽ sớm giới thiệu và triển khai máy bay do thám tại đây.
Cũng theo Kyodo News, Philippines sẽ tăng cường lính thủy đánh bộ đến Palawan, khu vực đối diện với khu vực đang tranh chấp trên biển Đông. Tuy nhiên, chưa ghi nhận tuyên bố nào từ Manila về thông tin này.
Trong một diễn biến khác, Thủ tướng Singapore Lý Hiển Long vừa nhấn mạnh tầm quan trọng của ASEAN trong việc tìm ra hướng giải quyết hòa bình cho tranh chấp tại biển Đông.
Theo TNO
Sự can thiệp "vô hình" ở Syria
Trợ giúp của nước ngoài có thể đang là yếu tố then chốt để phe nổi dậy Syria có thêm sức mạnh trong cuộc đối đầu với chính phủ.
Hơn hai tuần gần đây, thế giới chứng kiến lực lượng quân đội trung thành với Tổng thống Syria Bashar al-Assad phải khó khăn như thế nào để duy trì quyền kiểm soát đất nước. Nhất là khi phe nổi dậy cấp tập tấn công vào thủ đô Damascus và thành phố Aleppo. Giữa bối cảnh như vậy, Bộ Ngoại giao Mỹ ngày 1.8 chính thức công bố Washington sẽ viện trợ 25 triệu USD cho lực lượng đối lập tại Syria.
Phe nổi dậy ở Syria có thể đang nhận được rất nhiều hỗ trợ từ nước ngoài - Ảnh: AFP
Quyết chiến tại Aleppo
Theo Reuters, thế trận ở Syria bước sang bước ngoặt mới từ ngày 18.7 khi phe nổi dậy thực hiện vụ đánh bom táo bạo vào đầu não an ninh chính quyền Syria với mục tiêu nhằm vào Tổng thống al-Assad. Dù ông al-Assad thoát hiểm nhưng vụ tấn công gây tổn thất lớn cho chính phủ Syria vì có đến 4 quan chức an ninh hàng đầu thiệt mạng, gồm cả bộ trưởng quốc phòng.
Từ vụ đánh bom trên, phe nổi dậy tấn công triển khai chiến dịch mang tên "Núi lửa Damascus" nhằm thẳng vào thủ đô của Syria và cũng là thành trì sau cùng của Tổng thống al-Assad, theo BBC. Ban đầu, chiến dịch này khá thành công khi phe nổi dậy chiếm được nhiều vị trí quan trọng tại Damascus. Thế nhưng, sau khoảng thời gian ngắn lúng túng, lực lượng chính phủ phản công quyết liệt và đánh bật phe nổi dậy để giành quyền kiểm soát thủ đô. Tuy nhiên, các tay súng đối lập liền phát động một đợt tấn công quy mô lớn khác nhằm vào Aleppo, thành phố lớn thứ 2 ở Syria và đóng vai trò sống còn đối với chính phủ của ông al-Assad. Tại đây, dù quân đội chính phủ sử dụng vũ khí hạng nặng nhưng các tay súng nổi dậy liên tục giành quyền kiểm soát nhiều khu vực quan trọng. Giới quan sát nhận định nhiều khả năng phe nổi dậy sẽ sớm giành trọn Aleppo trong vài ngày tới.
Những nước cờ bí mật
Các diễn biến trên cho thấy có thể không cần đến hành động can thiệp quân sự trực tiếp từ bên ngoài, như trường hợp Libya hồi năm ngoái, để chấm dứt cuộc khủng hoảng kéo dài 17 tháng qua ở Syria. Điều này càng dấy lên nghi vấn về việc phương Tây âm thầm hỗ trợ mạnh mẽ cho phe đối lập ở Syria. Dường như lực lượng nổi dậy tại Syria đang được trang bị vũ khí ngày càng tốt hơn. Hôm qua, AFP dẫn lời phát ngôn viên LHQ Martin Nesirky xác nhận các quan sát viên quốc tế đã nhìn thấy phe nổi dậy dùng "xe tăng" và "vũ khí hạng nặng" để tác chiến tại Aleppo.
Trong khi đó, tờ New York Daily News ngày 1.8 đưa tin Tổng thống Mỹ Barack Obama ký một lệnh bí mật cho phép nước này hỗ trợ phe nổi dậy Syria lật đổ Tổng thống al-Assad. Theo mật lệnh này, Cục Tình báo trung ương Mỹ (CIA) và các cơ quan khác được phép cung cấp những hỗ trợ cần thiết cho quân nổi dậy tại Syria. Tờ báo dẫn các nguồn thạo tin cho biết mật lệnh này được phê duyệt hồi đầu năm nay nhưng vẫn chưa rõ mức độ hỗ trợ của Washington.
Ngoài ra, hồi cuối tháng 7, Reuters đưa tin Ả Rập Xê Út, Qatar và Thổ Nhĩ Kỳ xây dựng một căn cứ bí mật sát biên giới giữ Thổ Nhĩ Kỳ với Syria để viện trợ quân sự, hỗ trợ thông tin liên lạc cho phe nổi dậy. Đài Press TV dẫn nguồn tin từ Qatar cho biết căn cứ trên tọa lạc tại thành phố miền nam Adana, cách biên giới với Syria khoảng 100 km. Ankara được cho là đã cung cấp nhiều tên lửa vác vai cho lực lượng Quân đội Tự do Syria (FSA) đối lập. Cụ thể hơn, kênh NBC ngày 1.8 dẫn các nguồn thạo tin cho hay Thổ Nhĩ Kỳ chuyển cho FSA gần hai chục hệ thống tên lửa MANPAD.
Đầu năm nay, Mỹ từng bày tỏ lo ngại về sức mạnh của quân đội trung thành với ông al-Assad. Theo AP, giới tình báo Mỹ hồi tháng 3 nhận định Syria có một sức mạnh quân đội hùng mạnh với 330.000 binh sĩ cùng hàng loạt máy bay do thám. Damascus cũng sở hữu một mạng lưới phòng không hiện đại có thể khiến phương Tây gặp khó khăn trong việc lập vùng cấm bay. Đến nay, quân đội vẫn sát cánh bên ông al-Assad, nhưng số vụ đào tẩu cả quân sự lẫn dân sự đã tăng mạnh trong thời gian gần đây. Tình hình này, cùng với việc phe nổi dậy mạnh lên từ sau sự kiện 18.7 cùng sự giúp sức của phương Tây, đang khiến chính phủ al-Assad nguy khốn hơn bao giờ hết.
Theo Thanh Niên
Mỹ giúp Philippines tăng cường quốc phòng Giới chức Mỹ tiết lộ nước này đang hỗ trợ đồng minh Philippines soạn thảo kế hoạch hiện đại hóa quân sự lâu dài. Bloomberg ngày 6.5 dẫn lời 2 quan chức Mỹ giấu tên cho hay Washington đang xem xét cung cấp cho Manila thêm nhiều khí tài như tàu tuần tra và radar giám sát biển. Ngoài ra, do khả năng...