Báo Thanh Niên hỗ trợ người dân xã đặc biệt khó khăn vùng tâm bão
Ngày 23.10, đoàn cứu trợ Báo Thanh Niên và Tỉnh đoàn Quảng Nam đã thăm và tặng quà bà con cho bị thiệt hại do bão tại xã Quế Lưu (H.Hiệp Đức, Quảng Nam).
Đại diện Báo Thanh Niên và Tỉnh đoàn Quảng Nam trao quà cho cụ Lê Thị Hồng (áo xanh) và cụ Đặng Thị Quế, sống tại xã Quế Lưu – Ảnh: Tuyết Khoa
Quế Lưu là địa phương thuộc diện đặc biệt khó khăn của huyện. Trong đợt bão vừa qua, Quế Lưu chịu nhiều tổn thất nặng nề. Toàn xã có 16 nhà bị sập, 82 nhà tốc mái nặng, nhiều công trình công cộng, hệ thống điện bị hư hỏng.
Cụ Đặng Thị Châu năm nay đã 84 tuổi lại sống một mình tại thôn 1. Mưa bão làm nhà cụ xiêu vẹo và bay hết tôn. Cụ Châu cho biết: “Nhà cụ là nhà thờ ông bà tổ tiên, nhưng giờ bay tôn hết, cụ không biết làm sao lợp lại. Mấy bữa nay, cụ xin ở tạm nhà hàng xóm”.
Tổn thất về nhà cửa đã nặng nề, nhiều hộ gia đình còn gánh chịu tổn thất về kinh tế gia đình khi hàng trăm ha cây cao su, cây keo bị gãy đổ.
Ông Trần Ngọc Minh, Chủ tịch UBND xã Quế Lưu, cho biết trước đây người dân địa phương chủ yếu làm nghề nông. Nhưng những năm gần đây, từ nhiều dự án, nhiều người đầu tư trồng cao su, trồng cây keo (dùng làm nguyên liệu giấy). Cơn bão vừa qua đã làm gãy đổ 123 ha cây cao su, 379 ha cây keo. Ước tính thiệt hại hơn 30,8 tỉ đồng.
Video đang HOT
Gia đình ông Lê Văn Ba sống tại thôn 3, không chỉ bị nhà sập mà rừng cao su cũng bị gãy đổ nặng. Ông Ba kể: “Hơn 6 năm nay, hai vợ chồng ngày đêm chăm bẵm từng cây cao su. Mới khai thác được hơn một tháng thì bão đánh cây gãy, cây đổ. Nhìn rừng cao su mà ứa nước mắt”.
Chia sẻ một phần khó khăn với bà con, đoàn cứu trợ đã trao 94 suất tiền mặt (1 triệu đồng/suất) cho bà con nơi đây, góp phần sửa chữa lại nhà và ổn định cuộc sống.
Ngoài ra, đoàn cứu trợ cũng trao 6 triệu đồng cho trường hợp thương tâm của 3 cha con ông Nguyễn Đình Xuân (49 tuổi), Nguyễn Văn Thu (23 tuổi) và Nguyễn Văn Sang (22 tuổi), trú tại thôn 7, xã Tiên Cảnh (H.Tiên Phước, Quảng Nam).
Ba cha con đang ngồi nghỉ tại khu vực khe Nước Giếng (thôn 6, xã Phước Trà, H.Hiệp Đức) thì bị một mảng núi sạt lở đè phải. Hậu quả, ông Xuân và anh Thu chết tại chỗ, anh Sang bị thương nặng được đưa đi cấp cứu. Được biết, khi xảy ra vụ lở đất, cả ba người đang ngồi nghỉ sau khi đi làm thuê trở về.
Tổng giá trị 100 triệu đồng đợt cứu trợ này do bạn đọc Báo Thanh Niên ủng hộ.
* Cùng ngày, Tỉnh đoàn Quảng Nam đã trao 420 thùng sữa do Công ty Abbott Việt Nam tài trợ cho 4.920 em học sinh của các trường mầm non, tiểu học trên địa bàn 4 huyện Thăng Bình, Hiệp Đức, Tiên Phước, Phú Ninh (Quảng Nam). Đây hoạt động thuộc chương trình Tiếp nguồn dinh dưỡng, trao gửi yêu thương nhằm cứu trợ các tỉnh miền Trung bị ảnh hưởng bởi bão số 10 và 11 được triển khai bởi Abbott Việt Nam và T.Ư Đoàn, T.Ư Hội LHTN Việt Nam.
Theo TNO
Sạt lở đất vùi 3 cha con: Lời kể người thoát nạn
"Núi sạt đè lấp cả 5 người, nhưng anh Thiệt và anh Danh ở trong bị lấp còn trống phần đầu, 3 cha con ông Xuân bị lấp hoàn toàn. Anh Thiệt và anh Danh bới đất chạy ra tìm kiếm 3 cha con ông Xuân nhưng không thấy..."
Cuối giờ chiều nay (17/10), thi thể bố con ông Nguyễn Đình Xuân cùng Nguyễn Văn Thu bị chết trong vụ sạt lở đất, đá ở xã Phước Trà, huyện Hiệp Đức, tỉnh Quảng Nam, đã được lực lượng chức năng cùng gia đình nạn nhân đưa về nhà ở thôn 7A, xã Tiên Cảnh, huyện Tiên Phước, tỉnh Quảng Nam, để chuẩn bị mai táng.
Chị Hồng vợ nạn nhân Xuân (cúi mặt) khóc nghẹn khi đoàn của huyện Tiên Phước đến thăm gia đình nạn nhân. Ảnh Minh An.
Chúng tôi tìm đến nhà ông Xuân, chứng kiến cảnh hàng trăm người dân địa phương cùng chính quyền xã Tiên Cảnh đã huy động lực lượng đến nhà hỗ trợ gia đình lo hậu sự cho người xấu số, xóm nghèo đang đẫm lệ bỡi những cơn mưa bất chợt đến kèm theo những tiếng khóc nghẹn của người thân cùng người dân tiếc thương cho hai bố con ông Xuân.
Bà Trà Thị Hồng, vợ ông Xuân, nấc nghẹn: "Cha con cặm cụi đi làm thuê, dành dụm xây được cái nhà chưa kịp ở mà nay cả hai cha con đã mãi mãi bỏ mẹ con tôi ra đi... Ngôi nhà mới nay chỉ còn mẹ con tôi, làm sao mà sống nổi đây, sao nỗi oan nghiệt lại ập trên gia đình tôi như vậy...".
Theo lời kể lại của anh Võ Xuân Thiệt, người đi cùng ba cha con ông Xuân, thoát chết trong lưỡi hái tử thần, cho biết: "Lúc núi sạt lở vào khoảng 18 giờ ngày 16/10, nước kèm đất, đá vùi và cuộn trên cao chảy xuống khu vực chòi rất nhanh, tôi cùng một người nữa là anh Đoàn Văn Danh đứng ở trong lều, 3 cha con ông Xuân đứng ở ngoài.
Núi sạt đè lấp cả 5 người, nhưng anh Thiệt và anh Danh ở trong bị lấp còn trống phần đầu, 3 cha con ông Xuân bị lấp hoàn toàn. Anh Thiệt và anh Danh bới đất chạy ra tìm kiếm 3 cha con ông Xuân nhưng không thấy, hai anh liền chạy ra ngoài khoảng hơn 5km gọi người dân trợ giúp.
Đến 2 giờ sáng ngày 17/10, người dân tìm thấy anh Sang thì anh bị thương nặng, đưa đi cấp cứu, tìm thấy ông Xuân thì ông đã chết. Đến sáng ngày 17/10, đội xung kích tình nguyện của huyện Tiên Phước nhận được tin báo, ngay lập tức qua huyện Hiệp Đức hỗ trợ tìm kiếm. Đến trưa cùng ngày, thi thể anh Thu được tìm thấy, và được đưa về nhà tại xã Tiên Cảnh để lo hậu sự".
Huyện Tiên Phước cùng nhiều doanh nghiệp đến chia buồn và hỗ trợ cho gia đình nạn nhân Xuân. Ảnh: Minh An.
Cũng chiều cùng ngày, UBND huyện Tiên Phước, tỉnh Quảng Nam, đã đến động viên gia đình, hỗ trợ mỗi người chết 4,5 triệu đồng lo an táng, và 2 doanh nghiệp trên địa bàn huyện cũng đã hỗ trợ gia đình người chết 4 triệu đồng, người bị thương 1,5 triệu đồng. Được biết, 3 cha con ông Xuân là lao động chính, ở nhà còn hai cô con gái đang học lớp 12 và lớp 9.
Theo Minh An - Hồng Phong
Đất vùi 3 cha con: Ngôi nhà chưa ở được 1 ngày Sau khi khánh thành nhà mới xong, 3 cha con ông Nguyễn Đình Xuân trở lại rừng sâu cách nhà hơn 60km tiếp tục phát rẫy thuê để kiếm tiền trả nợ làm nhà, nhưng bất ngờ đất, đá sạt lở vùi lấp chết 2 người. Sáng nay (18/10), phóng viên Dân Việt đã có mặt tại nhà hai bố con nạn nhân...