Bảo tàng vắng khách, nhà hàng ‘bủa vây’
Trong khi phải “đắp chiếu” hơn 200.000 hiện vật quý vì thiếu diện tích trưng bày thì Bảo tàng Lịch sử Quốc gia lại cho các nhà hàng, quán bia, cà phê… thuê những vị trí đắc địa để tăng nguồn thu cho cán bộ.
Sau khi sáp nhập, hiện Bảo tàng Lịch sử Quốc gia có hai cơ sở tại số 1, phố Tràng Tiền…
…và số 25 phố Tông Đản (trước đây là Bảo tàng Cách mạng). Hai cơ sở này nằm đối diện nhau và mở cửa đón khách các ngày trong tuần.
Mặc dù được thiết kế hiện đại nhưng các khu trưng bày của bảo tàng số 1 Tràng Tiền luôn vắng vẻ.
Và cơ sở 25 Tông Đản cũng trong tình trạng tương tự. Một số du khách cho rằng, cách trưng bày theo lối cũ khiến bảo tàng không hấp dẫn, cuốn hút người dân.
Khu nghỉ chân dành cho khách thăm quan ở hành lang tầng 2 của cả hai bảo tàng cũng chỉ lác đác người ngồi.
Khuôn viên trưng bày rộng hàng nghìn mét vuông cũng chỉ có vài khách nước ngoài hoặc một số sinh viên tới thăm. Theo nhân viên bán vé, khách thường đến tập trung vào các buổi chiều và những ngày cuối tuần nhưng số lượng không nhiều.
Tiến sĩ Vũ Mạnh Hà, Phó giám đốc Bảo tàng Lịch sử Quốc gia cho biết, do thiếu diện tích nên còn hơn 200.000 hiện vật vẫn cất trong kho chưa được trưng bày hoặc phải trưng bày theo các chuyên đề. Tuy nhiên, lâu nay hàng trăm mét vuông diện tích bảo tàng – nơi nằm sát mặt phố Phạm Ngũ Lão và Tràng Tiền lại được cho thuê làm nhà hàng, quán cà phê, quán bia.
Video đang HOT
Nhiều quán cà phê có diện tích rất rộng và mở thẳng ra sân bảo tàng.
Có quán còn bố trí cả dàn nhạc sống để phục vụ khách.
Hay thậm chí quán bia quây xung quanh bảo tàng 25 Tông Đản này còn luôn tấp nập khách ăn nhậu suốt buổi trưa và tối. Vỉa hè nhiều khi cũng chật cứng xe của khách tới ăn nhậu, mặc dù đây là tuyến phố cấm trông giữ xe.
Tương tự, vỉa hè phố Phạm Ngũ Lão cũng luôn chật kín xe của khách tới uống cà phê, ăn nhậu ở các quán trong bảo tàng. Dù các hàng quán đang chiếm tới hàng trăm m2 diện tích bảo tàng nhưng lãnh đạo cơ quan này cho hay, hiện chỉ cho “6 đơn vị thuê làm kinh doanh dịch vụ, với diện tích chỉ hơn 150 m2, chiếm một phần rất nhỏ trong tổng thể hàng chục nghìn m2 của bảo tàng”.
Trao đổi với VnExpress.net tiến sĩ Vũ Mạnh Hà, Phó giám đốc Bảo tàng Lịch sử Quốc gia cho biết, phần lớn du khách tới tham quan vào các ngày lễ tết, hoặc cuối tuần, những ngày trong tuần khách đến thưa thớt. Trung bình mỗi tháng bảo tàng chỉ đón khoảng 2.000 khách, giảm hơn 10% so với những năm trước.
Lý giải về việc cho một loạt nhà hàng, quán cà phê mọc lên trong khuôn viên bảo tàng, tiến sĩ Hà cho biết, đó là chủ chương xã hội hóa nhằm tăng nguồn thu cho cán bộ công nhân viên và hơn nữa là để phục vụ nhu cầu của khách tham quan.
Trước đó, Bộ Xây dựng có tờ trình gửi Bộ Kế hoạch và Đầu tư về việc thẩm định Dự án đầu tư xây dựng Bảo tàng Lịch sử Quốc gia tại khu đô thị mới Tây Hồ Tây (Từ Liêm, Hà Nội), với diện tích 10 ha, tổng số vốn đầu tư 11.277 tỷ đồng. Ngay khi công bố, dự án “khổng lồ” này đã nhận được nhiều ý kiến trái chiều.
Theo VNE
Dự án Bảo tàng Lịch sử quốc gia: 11.277 tỷ
Bộ Xây dựng vừa có tờ trình gửi Bộ Kế hoạch - đầu tư đề nghị thẩm định dự án đầu tư xây dựng Bảo tàng Lịch sử quốc gia. Nhiều chuyên gia khuyến cáo công trình hoành tráng này đang thực hiện theo quy trình ngược.
Dự án xây dựng Bảo tàng Lịch sử quốc gia có tổng mức đầu tư 11.277 tỉ đồng, chưa bao gồm chi phí dự án thành phần đầu tư xây dựng nội dung và hình thức trưng bày do Bộ Văn hóa - thể thao và du lịch thực hiện. Bộ Xây dựng cho biết mục tiêu của dự án là xây dựng một bảo tàng hiện đại, có khoa học công nghệ tiên tiến với quy mô đầu tư, diện tích lớn để khắc phục những hạn chế về nội dung, diện tích, tính chất và quy mô nội dung trưng bày hiện tại, đáp ứng tốt việc bảo tồn, lưu giữ, sưu tầm, trưng bày hiện vật vận hành, quản lý khai thác sử dụng và đào tạo phục vụ nhu cầu tham quan, nghiên cứu khoa học, học tập, giảng dạy, phổ biến tri thức về lịch sử, văn hóa, khoa học của đất nước.
Dự án có bốn hạng mục chính gồm: tòa nhà chính khu tưởng niệm danh nhân khu trưng bày ngoài trời hạng mục kỹ thuật phụ trợ, cây xanh, cảnh quan. Trong đó, tòa nhà chính được xây dựng trên khu đất hơn 20.000m2, diện tích sàn xây dựng gần 90.000m2, chiều cao tối đa 32,5m. Tòa nhà này có một tầng hầm và sáu tầng nổi, bao gồm kho lưu giữ hiện vật vô cơ và hữu cơ qua các thời kỳ, thời đại không gian để trưng bày, tái hiện lịch sử, chuyên đề, sưu tập... trung tâm bảo quản và phục chế khu khám phá sáng tạo hội trường, các phòng hội họp, hội thảo, chiếu phim phục vụ công tác nghiên cứu, học tập, tìm hiểu và giao lưu trao đổi kiến thức cộng đồng...
Mô hình Bảo tàng Lịch sử quốc gia
Khu tưởng niệm danh nhân có diện tích xây dựng khoảng 1.520m2, gồm nhà tưởng niệm đặt các tượng, danh sách tên danh nhân được tôn vinh và hiện vật của họ (nếu có).
Khu trưng bày ngoài trời sẽ trưng bày những hiện vật lớn tái tạo không gian lịch sử không gian văn hóa, kiến trúc đặc sắc không gian hoạt động văn hóa, trình diễn.
Ðịa điểm xây dựng bảo tàng được xác định tại khu đô thị mới Tây Hồ Tây, huyện Từ Liêm, Hà Nội trong quy hoạch chi tiết xây dựng công viên Hữu nghị và Bảo tàng Lịch sử quốc gia. Diện tích sử dụng đất của bảo tàng là 10ha, trong đó diện tích xây dựng công trình khoảng 30.000m2, diện tích trưng bày ngoài trời khoảng 30.000m2, diện tích dành cho hoạt động văn hóa cộng đồng khoảng 10.000m2, diện tích cây xanh, sân vườn, đường giao thông nội bộ khoảng 30.000m2.
Dự án đầu tư xây dựng công trình Bảo tàng Lịch sử quốc gia được Chính phủ giao Bộ Xây dựng làm chủ đầu tư. Chủ quản lý sử dụng và chủ đầu tư dự án thành phần (phần nội dung và hình thức trưng bày) là Bộ Văn hóa - thể thao và du lịch. Thời gian thực hiện dự án được đề xuất từ tháng 11/2012 đến tháng 5/2016. Tổ chức nghiệm thu và bàn giao cho chủ quản lý sử dụng công trình từ tháng 7/2016.
Bảo tàng Hà Nội: Có vỏ mà chưa có ruột
Sau gần hai năm đưa vào sử dụng, Bảo tàng Hà Nội rơi vào cảnh đìu hiu vắng khách tham quan. Các chuyên gia trong ngành bảo tàng cũng đã có nhận định: từ khi ra mắt đến nay, Bảo tàng Hà Nội mới chỉ "có vỏ mà chưa có ruột".
Bảo tàng Hà Nội - Ảnh: N.Khánh
Đáng lưu ý đây là công trình được đầu tư với số tiền "khổng lồ" khoảng 2.300 tỉ đồng, tọa lạc trên khu đất 5,4ha, với quy mô bốn tầng nổi, hai tầng hầm, kiến trúc hiện đại như kim tự tháp ngược, nhưng chỉ sau khoảng thời gian ngắn đến tháng 7/2011, UBND TP Hà Nội đã phải kiểm điểm các đơn vị về sự cố thấm dột tại công trình này. Đa số người dân đến Bảo tàng Hà Nội tham quan đều có chung nhận định: hiện vật trưng bày tại bảo tàng còn đơn sơ, nghèo nàn, khó thu hút khách. Thậm chí từ khi mở cửa vào dịp kỷ niệm 1.000 năm Thăng Long - Hà Nội đến nay, cung cách và hiện vật trưng bày gần như không có gì thay đổi. Vẫn chỉ là những bộ sưu tập cá nhân và những hiện vật cũ bày từ tháng này qua tháng khác.
Điều đáng nói là mặc dù công trình này đã đưa vào sử dụng từ tháng 10/2010 nhưng phải đến tháng 9/2011 TP Hà Nội mới phê duyệt được phương án trưng bày. Đáng lưu ý, theo lời ông Nguyễn Văn Hùng - giám đốc Bảo tàng Hà Nội, việc sắp xếp, trưng bày các hiện vật phải đến năm 2014 mới có thể hoàn thành. Như vậy, Bảo tàng Hà Nội sẽ phải cần thêm ít nhất hai năm nữa mới có thể hoàn thành các nội dung trưng bày để sẵn sàng đón khách vào tham quan một công trình bảo tàng trọn vẹn cả về kiến trúc và hiện vật.
X.Long - H.Hương
* GS NGUYỄN VĂN HUY (nguyên giám đốc Bảo tàng Dân tộc học, ủy viên hội đồng tư vấn khoa học cho ban quản lý xây dựng Bảo tàng Lịch sử quốc gia):
Tôi chưa thấy động tĩnh gì cả
Với quyết tâm chính trị rất cao của các cơ quan quản lý nhà nước thì việc xây dựng Bảo tàng Lịch sử quốc gia là chuyện tất yếu. Nhưng điều làm tôi lo lắng là bảo tàng được vận hành như thế nào.
Bảo tàng Hà Nội với vốn đầu tư hơn 2.000 tỉ đồng xây dựng cho kịp đại lễ 1.000 năm Thăng Long - Hà Nội giờ này vắng vẻ, xuống cấp đã là một bài học đau xót. Bảo tàng Hà Nội to quá, hoành tráng quá khiến hiện vật trưng bày lọt thỏm. Bảo tàng Lịch sử quốc gia còn to hơn gần 5 lần (tính theo vốn đầu tư) thì vận hành nó còn phức tạp hơn bao nhiêu lần?
Chúng ta đã quyết xây một bảo tàng mang tầm cỡ quốc gia, điều đó có thể đúng đắn nhưng còn bộ máy để vận hành nó, còn những con người cụ thể chúng ta đã tính hết chưa? Đã có kế hoạch đào tạo, chuẩn bị nhân lực tiếp quản cái cơ ngơi ấy như thế nào? Tôi chưa thấy động tĩnh gì cả.
Muốn làm một bảo tàng đúng nghĩa, bao giờ người ta cũng phải tổng kiểm kê nhân lực và hiện vật, rồi suy nghĩ và xây dựng phương án trưng bày, lên kịch bản trưng bày từ tổng thể đến chi tiết, đưa ra những phương án tiếp cận mới, chiến lược thu hút người xem... Nhưng hiện tại tôi chưa thấy ai làm việc đó cả. Bên xây chỉ lo xây, bên quản lý hiện vật chỉ lo sưu tầm và mua thêm hiện vật. Tất cả những động thái đó đều không phải là bản chất, là cốt lõi của công tác bảo tàng.
Một câu hỏi nữa mà các nhà chuyên môn chúng tôi muốn đặt ra: Vậy thì hai bảo tàng cũ (Bảo tàng Lịch sử quốc gia do Bảo tàng Cách Mạng và Bảo tàng Lịch sử sáp nhập lại) sẽ dùng để làm gì? Ví dụ muốn làm một bảo tàng cổ vật Đông Nam Á chẳng hạn thì phải lên kế hoạch ngay từ bây giờ, để giữ lại những hiện vật nào, ai quản lý, ai chịu trách nhiệm. Tòa nhà Bảo tàng Lịch sử quốc gia đồ sộ 13 tầng theo kế hoạch thì năm 2016 mới hoàn thành, nhưng từng chi tiết nhỏ nhất thì phải bắt đầu ngay từ bây giờ rồi. Vậy mà với tư cách ủy viên hội đồng tư vấn khoa học, tôi chưa thấy có hoạt động chuyên môn nào khởi động cả. Nói thật là tôi lo lắng và sốt ruột lắm.
* TS.KTS NGUYỄN QUỐC THÔNG (phó chủ tịch Hội Kiến trúc sư VN):
Chúng ta đang làm ngược lại
Bảo tàng Lịch sử quốc gia đã chọn được phương án thiết kế mà ban giám khảo đánh giá là hoàn hảo nhất từ một cuộc thi kiến trúc quốc tế mở rộng cho tất cả các kiến trúc sư và công ty kiến trúc trong và ngoài nước từ năm năm trước (2007). Trong cùng khoảng thời gian đó, một cuộc trưng cầu ý dân đã diễn ra suốt gần hai tháng đối với 18 phương án thiết kế dự thi và ban tổ chức đã nhận được hơn 40.000 phiếu bình chọn.
Hai phương án cao phiếu bình chọn nhất cũng là hai phương án được ban giám khảo chấm giải cao nhất. Ban quản lý dự án đầu tư xây dựng bảo tàng cũng đã được thành lập đến bốn năm nay rồi nên việc công bố xây dựng vào tháng 10/2012 chỉ là động thái mang tính nghi lễ cho một dự án rất lớn và thực tế đã được vận hành từ lâu.
Việc xây dựng Bảo tàng Lịch sử quốc gia thời điểm này có lẽ sẽ vấp phải những phản ứng từ dư luận, nhưng thực tế là không có công trình văn hóa nào mà không tốn tiền, và không có công trình văn hóa nào trực tiếp làm ra tiền cả. Cho nên, nếu nói chuyện tiền thì sẽ chẳng bao giờ có bảo tàng hay nhà hát hay bất cứ thiết chế văn hóa nào hết. Tuy nhiên, cũng vì đụng đến chuyện tiền nên có những vấn đề thiết yếu cần phải được đặt ra, bàn và giám sát đến nơi đến chốn. Đó là bảo tàng sẽ được trang bị như thế nào, sẽ bày những gì trong đó, sẽ vận hành như thế nào?
Ở tất cả các nước có hệ thống bảo tàng tiên tiến khác, phải có một dây chuyền bảo tàng chuyên nghiệp rồi người ta mới tiến hành làm cái vỏ, có nghĩa là có con người, có hiện vật, có công nghệ vận hành rồi mới xây nhà bảo tàng. Còn chúng ta đang làm ngược lại. Cứ xây cái đã, trong ruột có gì tính sau (!).
Bảo tàng theo nghĩa hiện đại không phải là kho lưu trữ hiện vật khổng lồ mà là một thực thể sống có sự tham gia của toàn dân, nên ai cũng có quyền và nghĩa vụ đóng góp và giám sát. Nếu còn có cái gì có thể gọi là cơ hội sửa đổi trong dự án này thì chính là nội thất và nội dung trưng bày của bảo tàng.
Theo VNE
Đà Nẵng: Cuối ngày lễ, hàng hoa vẫn vắng khách So với mọi năm, không khí ngày phụ nữ Việt Nam tại Đà Nẵng năm nay kém náo nhiệt hơn. Đến chiều muôn, sắp hết ngày lễ, các hàng hoa còn đầy hàng mà khách thì thưa thớt. Không khí ngày 20-10 tại Đà Nẵng năm nay kém náo nhiệt hơn mọi năm Tại các tuyến đường xung quanh các trường học, như...